Nữ tu Mân Côi với mạng truyền thông

TÂM THƯ THÁNG 11-2019

Kính thưa quý Bề trên và toàn thể chị em quý mến,

Thế giới hôm nay của chúng ta đang ngập tràn những thông tin. Con người được tiếp cận với những tiến bộ khoa học và ai trong chúng ta cũng thấy được sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông tân tiến. Xét về tính chất và hiệu năng, các phương tiện này đang cung cấp cho mọi người những dụng cụ tuyệt vời cùng với những tiện nghi để học hỏi, để kết nối với nhau. Sự lan tỏa nhanh chóng về hình ảnh và âm thanh như một con đường thật tốt giúp con người tiếp xúc và cải thiện mọi khía cạnh cuộc sống. Những tiến bộ mới trong vận tốc truyền thông cũng cho thấy các phương tiện này không thể thiếu trong đời sống của con người hôm nay.

Cho dù đã chọn con đường bước theo Đức Kitô, người tu sĩ cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng của nếp sống đương đại, thì truyền thông là yếu tố không thể thiếu trong đời thánh hiến. Và thực tế, những ảnh hưởng của chúng đã tạo nên một mẫu người tu sĩ khác hơn so với những thế hệ trước đây. Thực ra đây là một sự tiến bộ. Thoáng nhìn, chúng ta nhận thấy các phương tiện truyền thông đã mở ra nhiều cửa ngõ mới lạ, đem lại những tiện ích lớn lao cho việc thăng tiến con người. Chúng đáp ứng những nhu cầu học hỏi, nghiên cứu, giao tiếp, đồng thời làm cho đời sống chúng ta thêm phong phú và tiến bộ rất nhiều nhờ việc tiếp cận với kho tàng kiến thức trong tầm tay, nắm bắt được nhiều tin tức và sự kiện đang diễn ra trong thế giới. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt phải và mặt trái của nó. Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, Tổng Giáo phận Denver nói rằng: “Sự tiến bộ vật chất và kỹ thuật không bao giờ là một điều may mà chẳng có pha trộn với điều không may”. Vì thế, việc sử dụng các phương tiện truyền thông đòi hỏi chúng ta phải có sự trưởng thành, quân bình và đủ ý thức trách nhiệm để chúng thực sự mang lại ích lợi và những hiệu quả mong muốn. Nếu không hiểu hết được những tác hại khi sử dụng không đúng mục đích những phương tiện mới mẻ này, chúng ta khó có thể điều chỉnh bản thân theo những phương cách đã được huấn luyện và theo kỷ luật của cộng đoàn, vì các phương tiện này có một khả năng thu hút lạ thường.

Thư chung Tổng Công hội 23, số 24 định hướng rằng: “Để giúp chị em điều chỉnh xu hướng tự nhiên, biết làm chủ bản thân, không bị lôi cuốn vào việc sử dụng các phương tiện truyền thông không cần thiết hay vượt quá giới hạn, chị em cần tôn trọng kỷ luật với những quy định về từng khía cạnh khác nhau”.

Kỷ luật về việc sử dụng các phương tiện truyền thông được Hiến luật 7.3 chỉ thị như sau: “Việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và giải trí, phải được thực hiện với sự thận trọng cần thiết. Chị em luôn biết khôn ngoan xa tránh những gì nguy hại cho ơn gọi, không phù hợp với đời thánh hiến, và nguy hiểm cho đức khiết tịnh” [1].

Như vậy, khi sử dụng các phương tiện truyền thông, chị nữ tu Mân Côi ý thức về sự lựa chọn của mình, tìm xem động cơ và những gì ta sử dụng mang lại ý nghĩa và giá trị nào? tốt hay xấu? Chúng giúp nâng cao đời sống hay hạ thấp con người mình? Chúng đưa đến những điều tốt đẹp hay có ẩn chứa những nguy cơ phức tạp? Chúng giúp ta rút tỉa bài học cho cuộc sống hay đánh mất chính mình trong khi tiếp cận với các phương tiện này? Những phương tiện này đang chi phối đời sống chúng ta ở mức độ nào?

Những phương tiện mà chị em đang sử dụng như internet và điện thoại di động có mục đích rõ ràng là để học hành và thi hành sứ vụ. Việc sử dụng điện thoại di động có kết nối internet đã trở thành phương tiện giao tiếp, chị em dễ dàng xem thông tin, nhắn tin hoặc gởi thư liên lạc đến gia đình, người thân, bạn bè trong công việc và khi thi hành sứ vụ. Một sự đam mê không giới hạn sẽ làm mất đi sự tĩnh lặng của tâm hồn, dẫn đến việc lỗi kỷ luật, xao nhãng bổn phận, thiếu quan tâm đến nhu cầu của người chung quanh và có khi dẫn đến sự lệch lạc về ý thức, đưa đến những nguy cơ và rắc rối cho đời sống. Một đời sống trưởng thành, biết tôn trọng kỷ luật cộng đoàn và biết tự chủ bản thân sẽ giúp chị em sử dụng các phương tiện này một cách đúng mức, đủ cho những nhu cầu hữu ích, không dành thời gian vô bổ cho những việc truy cập không thực sự cần thiết.

Thật là tốt đẹp khi có những chị em đã sử dụng các phương tiện này để nghiên cứu, học tập hoặc cống hiến những khả năng cho công việc mục vụ, vun đắp những giá trị, chia sẻ những hình ảnh hướng thiện, dạy học, giới thiệu ơn gọi v.v…, nhưng cũng có một vài chị em đăng hình ảnh lên facebook với mục đích giải trí, những hình ảnh đi chơi, sinh hoạt, tiệc tùng… Đây là vấn đề khá tế nhị, có khi không phù hợp với phong cách người nữ tu… Thật ra, những phương tiện này có hữu ích hay không, trở thành tốt hay xấu, hoàn toàn tùy thuộc người sử dụng. Nếu dùng với mục đích tốt, chúng sẽ nâng cao phẩm chất con người. Ngược lại, chúng ta sẽ làm hỏng chính mình. Do đó, chị em cần được học hiểu và biết tự đào luyện để có thêm hiểu biết và có những tập quán tốt khi sử dụng chúng, không để mình bị xấu đi vì bất cứ lý do gì.

Chúng ta thấy rằng những phương tiện truyền thông hiện có quả là một ân huệ Chúa ban, nhưng chúng ta cần sử dụng theo lương tâm, đúng cách, đúng mục đích và thực sự mang lại lợi ích cho mình cũng như cho người khác. Nếu không, ngay cả những ân ban tốt lành cũng có thể bị dùng sai bởi sự thiếu thận trọng và khôn ngoan. Chúng ta cần nghiêm túc tự vấn, biết phân định sáng suốt khi chọn lựa, để hạn chế những mặt trái của chúng và biết sử dụng cách nào những phương tiện đang có để xứng đáng với ân huệ mà Thiên Chúa đang trao vào tay chúng ta.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhân ngày Quốc Tế Truyền Thông lần thứ 36 đã kêu gọi người công giáo hãy tận dụng cách tích cực những phương tiện truyền thông để rao giảng Tin Mừng. Ngài cho rằng những phương tiện này có thể đem lại cả sự thiện lẫn sự dữ. Ngài thúc giục chúng ta dấn thân vào thế giới truyền thông cách có hiệu quả cho chính bản thân mình và cho những người chúng ta có trách nhiệm.

Trong khi thi hành sứ vụ, chúng ta ý thức rằng điều chính yếu không phải là sử dụng những phương pháp này hay dụng cụ kia, nhưng dù chúng ta có gì chăng nữa, thì tất cả chỉ là phương tiện giúp chúng ta làm cho Đức Kitô được biết đến và được yêu mến, như lời Thánh Phaolô: “Miễn là Đức Kitô được rao giảng” (Pl 1, 18). Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta về điểm này: Người đã đi khắp nơi rao giảng mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, Người không bị lệ thuộc vào bất cứ phương tiện nào, nhưng toàn bộ cách sống, lời nói và hành động của Người đã làm cho mọi người biết Chúa. Trong xã hội hôm nay, có nhiều phương cách giúp chúng ta loan báo Tin Mừng, chúng ta nên tận dụng hết những gì có trong tầm tay, nhưng điều cốt yếu vẫn là ơn Chúa và chính con người của mình với lòng hăng say, niềm vui và tình yêu.

Kính thưa quý Bề trên và toàn thể chị em quý mến,

Trong một xã hội hiện đại với nhịp sống quay cuồng, những thông tin nhanh nhạy có sức lan tỏa dường như không thể kiềm chế nổi, chúng ta có thể làm gì để củng cố và phát huy những phẩm chất đời thánh hiến, tâm linh được bình an, mà không bị lôi kéo bởi những sự tình bên ngoài, và nếu có phải đối diện với muôn dáng vẻ hấp dẫn của trần thế thì vẫn giữ được sự thanh thoát của tâm hồn? Với một thái độ hết sức cẩn trọng khi sử dụng mạng truyền thông, luôn trung tín với kỷ luật đời thánh hiến, sống có chiều sâu và đầy sức mạnh siêu nhiên sẽ giúp chúng ta đứng vững trước những tác động khó lường của cơn lốc thời đại.

Ước mong mỗi chị em Mân Côi, biết dùng những phương tiện sẵn có để kết nối đời mình với Thiên Chúa một cách thiết thân hơn và nối kết với mọi người bằng những tương quan lành mạnh trong tinh thần yêu thương và phục vụ.

Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi

M. Rose Vũ Loan, FMSR


[1] x. GL 277 §1; 666

 

 

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Khoá định hướng ơn gọi 2024

Mời các bạn trẻ nữ: Hãy đến mà xem!

Trả lời