Để suy gẫm về đức khiết tịnh, mỗi chúng ta hãy gẫm lại một chút:
– Đâu là bản chất của đức khiết tịnh trong ơn gọi thánh hiến?
Tìm về lại bản chất của đức khiết tịnh
Theo HLD 6.1: “Đời sống khiết tịnh là một ân huệ cao quý Thiên Chúa ban, nhằm giải thoát tâm hồn và thanh luyện con tim khỏi mọi ràng buộc, để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân cách trọn vẹn và nồng nàn hơn.” Sống đời độc thân thánh hiến, mỗi chúng ta dâng hiến trọn vẹn con người mình cho Thiên Chúa để đáp trả tình yêu Người đã thương chọn gọi. Nhờ ân sủng Chúa, chúng ta sống tình yêu rộng mở của Chúa Giêsu, tự do phục vụ tha nhân trong vui tươi hạnh phúc và chú tâm hoàn thiện bản thân mỗi ngày với tất cả niềm tin cậy mến (x. HLD 6.2).
Nền tảng của đức khiết tịnh là yêu thương, nên đối tượng của tình yêu ấy là chính Đức Kitô. Đời độc thân thánh hiến của chúng ta vì thế là sự nỗ lực cộng tác với ân sủng Chúa để trung thành và kiên trì đi theo một Người, cũng là bước theo Đấng đã yêu thương tuyển chọn và thánh hiến mình – trên cuộc hành trình tận hiến cho Đức Chúa và thi hành sứ vụ của Hội Dòng. Và vì “khiết tịnh là trái tim của đời tu”, nên đời thánh hiến của chúng ta không bao giờ “tách rời khỏi sự thánh thiện của Giáo Hội”1. Thật vậy, mỗi chúng ta chỉ có thể sống tròn đầy và triển nở đức khiết tịnh của mình trong tương quan thân mật với Thiên Chúa, trong dòng chảy ơn thánh của Giáo Hội Mẹ, và nhờ sự nâng đỡ của tình huynh đệ trong đời sống cộng đoàn.
Như thế, bao lâu việc sống độc thân khiết tịnh của chúng ta tìm kiếm sự cô lập hay tách riêng để sống theo ý muốn của mình, bấy lâu ta có nguy cơ tự yêu mình với xu hướng quy ngã, vị kỷ, khép kín và thậm chí đòi hỏi thay vì hiến dâng… Ta đồng thời có thể đi ngược lại với bản chất của đức khiết tịnh là tình yêu tự hiến, vị tha, thanh thoát, rộng mở – cho Thiên Chúa và các ngôi vị khác. Một nguy cơ ngấm ngầm khác có thể đang diễn ra nhưng phải chăng do ta quá quen thuộc nên khó nhận ra – đó là bất cứ lúc nào “cái vĩnh cửu” trong con tim khiết tịnh yếu đi, ta có những lý do để lấy lại những gì ta đã dứt khoát từ bỏ2. Ta cam kết từng ngày sống dâng hiến tình yêu khiết tịnh cho Chúa và cho đời, nhưng nếu như “cái vĩnh cửu” vắng bóng từ trong sâu thẳm lòng mình, thì hội chứng quy ngã và tự yêu mình sẽ lên ngôi; chúng khiến ta đi tìm sự an phận, hưởng thụ; thay vì tìm ở lại trong Chúa để yêu mến và dấn thân cho vinh danh Ngài, cùng mưu cầu hạnh phúc cho chị em và đem bình an đến với các tâm hồn.
Đời độc thân khiết tịnh của Đức Giêsu
Qua các sách Tin mừng, chúng ta ít nhiều ghi khắc trong trái tim mình về chân dung độc thân khiết tịnh của Đấng mình yêu mến và tự nguyện bước theo. Đức Giêsu Kitô trong lịch sử, Ngài đã sống như một con người độc thân khiết tịnh. Sống độc thân với tình yêu lớn, Ngài hằng ở lại trong tình yêu của Chúa Cha và tìm cách làm đẹp ý Cha. Trong tương quan mật thiết ấy, Đức Giêsu dâng hiến trọn vẹn con người và cuộc sống của mình để làm vinh danh Cha và thực hiện ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, trong đó có mỗi chúng ta.
Sự độc thân khiết tịnh của Đức Giêsu là luôn luôn mở rộng trái tim mình để thấy, để nghe, để đụng chạm đến những con tim của người khác, bất kể họ là ai và trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngài đã cúi mình xuống để yêu thương vô hạn và yêu cho đến cùng:
– Chạnh lòng thương trước đám đông dân chúng như đàn chiên không người chăn dắt.
– Nhạy cảm trước nhu cầu không có gì ăn của hàng ngàn người sau khi họ nghe giảng.
– Thương xót và giơ tay cứu chữa các bệnh nhân cùng những người bị quỷ ám.
– Nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho các tội nhân.
– Hiền từ, bao dung với những ai chống đối và không tiếp nhận Ngài.
– Quan tâm cứu giúp khi biết các tông đồ vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào.
– Hoàn toàn bình tâm trước những sự dữ của phường chống đối: “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại; chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1Pr 2, 21-23).
Quả thật, đời độc thân khiết tịnh nơi Đức Giêsu là sống quy hướng và ở lại trong tình yêu Cha, là mở rộng tầm mắt và cõi lòng mình để vươn tới với người khác vì sự bình an và lợi ích của họ. Trái tim khiết tịnh của Chúa Giê-su không hề khép kín, cô lập, nổi giận hay lệ thuộc…, nhưng hoàn toàn cởi mở, cô tịch, bình tâm, tự do, thanh thoát; hầu sẵn sàng trao ban tình yêu và quảng đại thực thi lòng thương xót, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại…
Nhìn vào gương sống độc thân khiết tịnh của Chúa Giêsu, bản thân có suy nghĩ gì về con tim khiết tịnh của mình trong ơn gọi thánh hiến Mân Côi? Làm thế nào để ta có thể ở lại và gắn kết với Đức Kitô cách thân tình hơn trong đời sống khiết tịnh của mình?
Thật vậy, nếu không phản tỉnh đủ trong ánh sáng của Chúa, chỉ sợ rằng ta tuy đang sống trong Nhà Ngài, nhưng vì lý do nào đó, trái tim khiết tịnh của ta có thể không ở lại trong Ngài để tìm kiếm, mến yêu và khao khát tôn vinh danh Ngài. Chỉ sợ rằng, ta tuy vẫn hiện hữu trong ơn gọi thánh hiến Mân Côi, nhưng con tim khiết tịnh của ta có những khát vọng hay những tình cảm không phù hợp với bậc sống của mình.
Như trái tim khiết tịnh của Chúa Giêsu,
– Con tim khiết tịnh của ta cần sự cô tịch đủ để gắn bó với Chúa, thay vì trở nên cô độc.
– Con tim ấy rất tự do thanh thoát để Chúa tự do cư ngụ, thay vì lệ thuộc vào đối tượng nào.
– Con tim ấy tìm kiếm Thiên Chúa để làm vinh danh Ngài và mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân, thay vì tìm kiếm hư danh hoặc mong đợi sự công nhận và đền đáp.
– Con tim ấy chọn đặt niềm hy vọng và tín thác mọi sự nơi tình thương Chúa lúc gặp sự cố hoặc khi không được như ý; thay vì buồn chán, buông xuôi, thất vọng, âu lo…
– Con tim ấy ngày càng rộng mở, vị tha, nhân hậu; thay vì hóa ra khắt khe, vị kỷ, khép kín.
– Con tim ấy biết mở rộng tầm nhìn để thấy được thao thức của Dòng hoặc nhu cầu của chị em, thay vì thu hẹp lại trong thế giới của riêng mình với những vấn đề của cá nhân…
– Con tim ấy ngày càng trở nên bình tâm, hạnh phúc vì xác tín mình được Chúa thương yêu; dù thực tế không thiếu những thách đố và cả những lầm lỗi cùng sự bất trung với Ngài.
Sống khiết tịnh theo giáo huấn của Đức Cha Tổ phụ.3
Đức Cha Tổ phụ khi nói về việc sống khiết tịnh, ngài dạy chị em Mân Côi không chỉ trở nên người bạn nghĩa thiết của Đức Giêsu, nhưng còn phải giữ sự cẩn trọng nết na trong lời nói và việc làm; phải tập luyện đức khiêm nhường cách riêng vì là nhân đức mẹ nuôi giữ đức khiết tịnh. Và do sự mỏng giòn yếu đuối có sẵn trong thân phận con người, nên ta phải sốt sắng đọc kinh cầu nguyện, nhiệt thành thờ kính phép Thánh Thể; hằng ngày phải phó thác hồn xác mình trong tay Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse – là hai Đấng đồng trinh rất khiết tịnh, sẽ gìn giữ và giúp chị em sống thanh sạch như các ngài.
Đức cha Tổ phụ cũng nhắc nhở chị em không được ơ hờ kẻo sa chước cám dỗ; phải chuyên chăm gìn giữ ngũ quan, vì nhớ rằng xác thịt người nữ tu vốn rất yếu đuối. Điều ngài căn dặn xưa quả thật đáng cho ta suy gẫm hôm nay. Khi đang sống trong thời công nghệ thông tin, chúng ta dường như sử dụng các phương tiện truyền thông và lên mạng xã hội mỗi ngày – chắc hẳn với những lý do chính đáng hoặc vì công việc, bổn phận. Nhưng không thiếu những lúc ta không làm chủ được giác quan trước lượng thông tin, nội dung và hình ảnh hấp dẫn. Ta vô tình để mình bị lôi cuốn vào thế giới ảo và xa rời thực tại với những trách vụ cần hoàn thành vì tình yêu. Ta tuy sống trong khung cảnh và bầu khí của tu viện, nhưng lòng trí ta có nguy cơ ồn ào, bất ổn, với những nội dung hoặc hình ảnh nghịch lại đức khiết tịnh. Sự nối kết với Chúa trong tâm hồn và cuộc sống ta bị ảnh hưởng ít nhiều – ngại dành giờ cho Chúa, thiếu sự tĩnh lặng nội tâm, khó đi vào chiều sâu, giảm bớt tình yêu mến… Sự tự do thanh thoát nơi con tim khiết tịnh dành cho Thiên Chúa và con người cũng nhấp nhô theo những làn sóng cảm xúc thiếu ổn định hoặc mất quân bình, bởi tâm trí bị phân mảnh và thiếu tập trung vào phút hiện tại. Giả như lửa tình yêu Chúa một khi quá yếu ớt hoặc thậm chí tắt lịm trong con tim khiết tịnh, liệu ta có đủ nghị lực để sống trọn tình với Chúa và vẹn nghĩa với anh chị em?
Sống xa rời thực tế, trái tim người tu sĩ nơi ta cũng có nguy cơ mất đi sự nhạy bén để có thể “cảm nhận và đồng cảm với ‘những niềm vui và hy vọng, ưu sầu và âu lo của con người thời đại, nhất là những người nghèo và đau khổ’”4 đó đây hoặc ngay trong môi trường ta phục vụ.
Một điểm khác liên quan đến đời sống khiết tịnh – Đức cha Tổ phụ căn dặn chị em phải lánh xa những đàng trái trong các mối tương quan, dù là với chị em hay với người ngoài. Vì thần dữ rất xảo quyệt, quen mặc lốt thiên thần để làm bạn thân; nó lấy danh nghĩa thiêng liêng để che đậy những tình nghĩa riêng tư. Theo tác giả sách Tự do nội tâm, ma quỷ dễ dàng luồn lách vào thời gian khi ta đang làm những điều sai trái, hoặc khi ta bám quá chặt vào đối tượng không phù hợp nào đó. Những sự lệ thuộc bất chính trong các mối tương quan mang tính quy ngã hoặc bù trừ khiến trái tim khiết tịnh nơi ta có những cảm xúc lệch lạc và muốn chiếm hữu. Kết cuộc, ta có nguy cơ mải mê chạy theo những tình ý thế tục, và tâm trí không thanh thoát đủ để có thể tự do ở lại sâu hơn trong tình yêu trung tín của Đức Chúa hằng ở bên ta.
Em Thanh Đào, Fmsr
(Trích nguyện gẫm về đức khiết tịnh 2024)
1 Lm. Gambri
2 Ơn trung thành và niềm vui bền đỗ, số 1
3 Gia sản Dòng, tr. 92-93 & 482-483
4 Ơn trung thành và niềm vui bền đỗ, số 7