CHỮA LÀNH ĐỨA TRẺ TỔN THƯƠNG BÊN TRONG MỖI NGƯỜI
Trong bài viết “Tại sao tôi hành động như một đứa trẻ”, chúng ta thấy rằng những người phải trải qua một tuổi thơ không mấy tốt đẹp, đã bị tổn thương tâm lý, thì trong suốt thời gian lớn lên, họ thường có những suy nghĩ, hành động và cảm xúc thái quá làm gián đoạn tiến trình phát triển lành mạnh trong họ. Theo Robert Jackman, đó chính là phần khổ đau đang khao khát được thừa nhận và chữa lành trong mỗi con người.
Những thiếu sót trong cách hành xử và những điều đau buồn xẩy ra trong quá khứ thường làm ảnh hưởng đến tinh thần của “đứa trẻ bên trong” có thể kể đến như:
• Sự nghiêm khắc, trừng phạt, la mắng, phán xét cực đoan…
• Đòi hỏi sự cầu toàn, những lời chê bai…
• Sự độc đoán, bắt làm điều trẻ chưa hiểu…
• Bị chỉ trích, không được công nhận và yêu thương…
• Thiếu công bằng, bị bắt nạt…
• Gia đình tan vỡ, bố mẹ ly dị, bỏ rơi con cái…
• Bị lạm dụng, sự ngược đãi về thân thể, tinh thần…
• Những lời nói mang tính “sát thương” v.v…
“Đứa trẻ bị tổn thương” này thường cảm thấy mình không xứng đáng được yêu thương và chấp nhận; nó muốn tìm kiếm sự quan tâm và tình yêu từ người khác, nhưng lại không biết cách thể hiện nhu cầu của mình, nên có thể trở nên hung hăng hoặc thu mình lại hoặc tránh tiếp xúc với người khác.
Vậy ta phải chữa lành đứa trẻ bên trong của mình thế nào?
Robert Jackman cho rằng những tổn thương trong quá khứ luôn ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta ở tuổi trưởng thành. Thực ra, đứa trẻ tổn thương bên trong không phải là một phần xấu xa của chúng ta. Nó chỉ là một phần của bản thân cần được chữa lành. Ông đã xây dựng một lộ trình chữa lành chi tiết và dễ hiểu, gồm 3 bước sau:
1. NHẬN THỨC ĐƯỢC ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
Bước đầu tiên là chấp nhận rằng chúng ta có một đứa trẻ tổn thương trong tâm hồn, nghĩa là chấp nhận sự tồn tại của nó trong ta. Thay vì tránh né, chôn vùi hay lờ đi, hãy dũng cảm đối diện với nó. Bước tiếp theo, hãy cho phép bản thân khám phá, cảm nhận và chấp nhận những cảm xúc, suy nghĩ và trạng thái tâm lý mà sự tổn thương đã gây ra. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách nhìn lại quá khứ, xác định những trải nghiệm tổn thương đã xảy ra với chúng ta, và nhận ra những ảnh hưởng của chúng trên chúng ta. Có lẽ, dù ta đã trưởng thành nhưng vẫn mang nỗi đau từ những điều ấy. Việc đưa chúng ra ánh sáng sẽ giúp ta hiểu được những tác động từ những sự kiện ấy đến cuộc sống hiện tại. Nếu cảm thấy không muốn đối diện với quá khứ thì sẽ vô cùng khó khăn khi bắt đầu hành trình chữa lành.
2. TIẾP XÚC CẢM XÚC
Sau khi đã đón nhận đứa trẻ tổn thương bên trong, bước quan trọng tiếp theo là lắng nghe chính mình bằng cách tiếp xúc với những cảm xúc mà đứa trẻ này đang trải qua vì những vết thương cũ như:
▪ Sự tức giận, nổi nóng vì những nhu cầu chưa được đáp ứng
▪ Cảm giác bị bỏ rơi, bị từ chối
▪ Cảm giác không an toàn
▪ Cảm giác tội lỗi, lo lắng tột độ
Nếu những cảm giác này xuất hiện khi ta nhớ lại sự kiện đã gặp trong tuổi thơ thì ta có thể nhận ra rằng trong những tình huống tương tự ở thời điểm hiện tại, ta cũng bị kích hoạt phản ứng tương tự.
Khi lắng nghe cảm xúc nội tâm của đứa trẻ bên trong, ta có thể xác định được nỗi đau khổ đã gặp, rồi chấp nhận cảm xúc ấy. Sau đó tìm ra cách đối phó với cảm xúc bằng những hoạt động sau đây để chữa lành đứa trẻ bên trong:
➢ Viết nhật ký hay viết thư cho đứa trẻ bên trong của mình là một phương pháp hữu ích để giải tỏa và khám phá những cảm xúc, suy nghĩ và trạng thái tâm lý mà ta đang trải qua. Nên dành thời gian viết thư hay nói chuyện với đứa trẻ. Có thể ghi chép những suy nghĩ, cảm xúc, những trăn trở và hy vọng của mình. Viết nhật ký giúp ta tạo ra một không gian riêng, an toàn để tự thể hiện và xây dựng khả năng tự chữa lành.
➢ Nói chuyện với một người ta tin tưởng hoặc một nhà chuyên môn đáng tin cậy: khi chia sẻ những cảm xúc và tổn thương với người nào đó, ta tạo ra một không gian an toàn để thể hiện, được nghe và hiểu. Sự hỗ trợ và lắng nghe từ người khác có thể giúp giảm bớt cảm giác cô đơn và tăng cường sự kết nối xã hội. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp nào cũng đều có thể nói với bất cứ ai, bởi nó là vết thương lớn khó khép lại và ta có thể không kiểm soát được. Trường hợp này, ta nên tìm tới chuyên gia tâm lý trị liệu để được tham vấn và hỗ trợ quá trình chữa lành đứa trẻ bên trong được đúng hướng và an toàn hơn.
➢ Tham gia các hoạt động giúp chúng ta giải phóng cảm xúc: hoạt động thể chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình chữa lành tâm hồn. Vận động giúp giải tỏa căng thẳng, tăng cường sự cân bằng tinh thần và tạo ra cảm giác thúc đẩy tích cực. Ta có thể tìm kiếm hoạt động ưa thích như đi bộ, tập thể dục, hoặc tham gia các hoạt động nhóm như thể thao, múa hát, trò chơi… Điều quan trọng là tìm kiếm hoạt động thể chất mà ta thích và thường xuyên thực hiện nó.
3. TÁI TẠO VÀ KẾT NỐI
Sau khi đã tiếp xúc với cảm xúc, chúng ta cần tái tạo đứa trẻ tổn thương bên trong. Điều này có nghĩa là cung cấp cho đứa trẻ này những gì nó cần và xứng đáng có được, chẳng hạn như tình yêu, sự chấp nhận, và sự bảo vệ. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách nói chuyện với đứa trẻ tổn thương trong mình bằng giọng điệu của một người cha hoặc người mẹ yêu thương, hoặc tham gia các hoạt động giúp chúng ta kết nối với đứa trẻ này.
Tiếp theo, hãy học cách phân biệt mối quan hệ trong quá khứ và hiện tại. Khi ta cảm thấy hành động của người khác kích thích cảm xúc nào đó của mình, hãy dừng lại suy nghĩ liệu điều đó có thực sự liên quan đến tình huống hiện tại không? hay đó chỉ là phản ứng của đứa trẻ bên trong ta đối với các sự kiện trong quá khứ. Ví dụ: Khi cảm xúc bị kích thích mạnh gần như mất kiểm soát, hãy thở sâu và tự hỏi: “Điều này có liên quan đến tình huống hiện tại của tôi không? hay là một phần nào đó của tuổi thơ mình đang phản ứng? Sau đó, ý thức chọn cách giải quyết tình huống hiện tại với góc nhìn của một người trưởng thành.
Một khi ta đi qua toàn bộ quy trình chữa lành này, những phần tổn thương của đứa trẻ bên trong sẽ bắt đầu hợp nhất với phần người lớn có trách nhiệm. Robert Jackman nhấn mạnh tầm quan trọng của “phần trưởng thành” trong chúng ta đứng ra chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Phần trưởng thành là phần trong chúng ta đã trưởng thành và chín chắn, có khả năng suy nghĩ hợp lý, đưa ra quyết định, và hành động một cách có trách nhiệm, có ý nghĩa. Lúc này, ta sẽ không chỉ hiểu được nguyên nhân khiến ta liên tục đưa ra những quyết định bốc đồng và tiêu cực bấy lâu, mà còn nhận diện rõ được những gì đang kìm hãm, ngăn cản ta cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc sống hiện tại.
Để hàn gắn những vết thương lòng, chúng ta cần rất nhiều sự kiên nhẫn, lòng bao dung, tình yêu thương để kết nối với nội tâm và lắng nghe tâm tư của “đứa trẻ” trong ta. Bởi vì có những nỗi đau trong quá khứ, đó không phải lỗi của ta, cũng chẳng phải lỗi của bất cứ ai. Nhưng việc chữa lành điều đó chỉ có chính bản thân ta mới làm được. Xin Chúa giúp chúng ta biết khám phá và chữa lành bản thân của mình. “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”. (Thánh Augustinh)
Maria Rosa Vũ Loan, FMSR
Sưu tập và trình bày