Nhân dịp mừng Lễ Mẹ Truyền Tin, mừng Bổn mạng Tỉnh Dòng, ta nên chăng dừng lại để chiêm ngắm và học theo gương Mẹ đôi điều, đặc biệt trong thời gian có nhiều biến động vì dịch Covid-19? Cách cụ thể, ta nhìn vào tâm tình, thái độ, lời nói và việc làm của Mẹ, để có thể bắt chước Mẹ 4 điều: Lắng nghe, Quan sát, Suy ngẫm, Phản tỉnh!Có thể nói, đây cũng là 4 bài học thú vị cho ta trong đời sống thường nhật giữa những tương quan, vai trò, hay phận vụ khác biệt…
- Lắng nghe
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).
Lời thưa xin vâng với sứ thần nơi Đức Maria cho thấy Mẹ đã sẵn có sự thinh lặng nội tại để lắng nghe Thánh Ý. Bước tiếp theo là sự ưng thuận và tự do để Chúa hành động trên con người cũng như cuộc đời của Mẹ. Dù khi thưa lời Fiat đó, Mẹ đã chẳng hề biết chuyện gì sẽ xảy ra ở phía trước và phía cuối cuộc hành trình. Điều quan trọng là Mẹ đã lắng nghe và đáp trả với trọn tin yêu!
Sống trong thời khắc hiện tại của đại dịch Covid-19, ta chắc hẳn nghe được rất nhiều thông tin – buồn chiếm phần lớn! Riêng ta, từ đại nạn ấy, ta đã và đang nghe được gì: từ những con người đã ra đi cho đến những phận người vẫn còn ở lại? Phải chăng là sự khuất bóng một cách nhanh chóng, lặng lẽ của hàng chục ngàn con người (đã có16,558 ca tử vong trên thế giới, tính đến trưa ngày 24.3); là sự mệt mỏi của các nhân viên phục vụ, cùng sự thiếu thốn trầm trọng về những điều kiện y tế; là sự quá tải của các bệnh nhân, thiếu giường bệnh; là phải bảo trọng, giữ khoảng cách an toàn cho bản thân – thân nhân – tha nhân; là những tiền thuê nhà hay tiền lãi phải trả mỗi tháng; là sự thất nghiệp, không đủ kinh phí trang trải cho sinh hoạt của gia đình; là đóng cửa hiệu – trường học – du lịch – đường bay; là phải cắt đứt những hoạch định, chương trình, sự kiện sẵn có…?
Cùng là phận người, tuy không chung sắc tộc, màu da, huyết thống, ta cũng cảm thấy bùi ngùi, tiếc xót, đau buồn trước những sinh mệnh và dữ kiện ta nghe biết. Như Đức Maria đã lắng nghe và đáp trả để cộng tác với Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ của Người, nay ta nghe được điều gì từ chính Thiên Chúa ngang qua những nỗi đau của thế giới, của nhân loại? Chúa đang mong muốn ta đáp trả gì và đáp trả ra sao trước những “tiếng kêu” đang vang lên trong lòng ta mỗi ngày sống?
- Quan sát
Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giêsu nói với Người: “‘Họ hết rượu rồi.” (Ga 2, 3).
Nhờ quan sát bối cảnh khi dự tiệc cưới tại Cana, Đức Maria phát hiện kịp thời sự cố của chủ tiệc và gia đình. Với sự nhạy cảm, tình yêu thương và quan tâm đến người khác, Mẹ đã không thể dửng dưng, làm ngơ. Nhưng vì biết bản thân không có khả năng để giải cứu khó khăn hiện tại, Mẹ đã đích thân mách bảo và xin Con của Mẹ trợ giúp! Mẹ đồng thời tin rằng Con Mẹ sẽ không nỡ từ chối!
Cũng qua những tin tức hằng ngày ta theo dõi ít nhiều, ta thấy rõ hơn những thực trạng của đại dịch Covid-19. Những hình ảnh hay video cho ta hiểu thêm rằng dịch bệnh như diễn biến ngày càng lan rộng, phức tạp và khủng khiếp hơn. Tâm trạng của ta dường như cũng bị cuốn theo sau những thông tin ấy: thấu hiểu hơn, trầm buồn hơn, lo lắng hơn,… Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở những gì là tâm trạng, cảm xúc, ta có lẽ thấy mình như đi vào ngõ cụt bởi nhận ra có quá nhiều khổ đau nơi nhân loại. Như Đức Maria, phải chăng ta đang được mời gọi để đến với Giêsu nhiều hơn. Chắc hẳn không phải Ngài không trông thấy hoặc không hay biết, nhưng Ngài vẫn đợi ta tìm kiếm Ngài để sẻ chia, để xin ơn chữa lành, đỡ nâng và cứu thoát, đặc biệt cho những ai đang mang trong mình dịch bệnh, những bác sĩ và nhân viên y tế đang trực tiếp phục vụ, và cả những linh hồn đã về Nhà Cha!
- Suy ngẫm
Đức Maria “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, 51).
Là Mẹ của Con Thiên Chúa, nhưng Đức Maria cũng không được miễn trừ khỏi những khổ đau, thử thách: không được tiếp đón khi sắp hạ sinh, cuối cùng sinh con nơi đồng vắng, đang đêm phải trốn qua Ai Cập, sống ẩn dật tại làng Nazareth, rong ruổi với Giêsu trên con đường sứ vụ của Ngài, theo gót chân Giêsu trong hành trình khổ nạn… Và thái độ cũng như tâm tình của Mẹ là thinh lặng đón nhận, cùng suy đi ngẫm lại trong lòng về những biến cố đã và đang xảy ra.
Hiện tại, những câu chuyện xoay quanh đại dịch Covid-19 đã không còn là chuyện của riêng ai. Nó đã là câu chuyện của lịch sử nhân loại, và câu chuyện ấy vẫn đang tiếp diễn trong đời sống thường nhật của ta. Đó không chỉ là biến cố cho ai đấy đang phải đối diện một mình – trong sự khao khát mãnh liệt hơi thở và sự sống, nhưng còn là một sứ điệp quan trọng cho tất cả mọi người trên thế giới để sống chậm lại và đáng suy ngẫm!
Thật vậy, nhìn vào đại nạn, như tâm tình và thái độ của Đức Maria, ta chắc chắn nhận ra rất nhiều điều để ghi nhớ, để suy đi ngẫm lại trong lòng, và để được tăng thêm niềm tin! Tùy theo cảm nhận và quan điểm của mỗi người, ta có thể có những suy ngẫm:
- Thiên Chúa đang giáo dục con người, như Người đã từng thanh luyện Dân Israel?
- Thiên Chúa can thiệp ra sao, vì đối với Người, mọi sự đều có thể?
- Thiên Chúa như lặng thinh trước những khốn khổ của nhân loại?
- Sức khỏe, sự sống là hồng ân Chúa ban; ta có biết trân quý?
- Ai rồi cũng sẽ ra đi và ra đi một mình…
- Phản tỉnh
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì (Lc 1, 28-29).
Đức Maria đã thực sự không hiểu ý nghĩa của lời chào đầy khen ngợi này. Mẹ đã không dừng ở đó để vui thích hay cảm thấy mãn nguyện… Mẹ đã như khựng lại và tự chất vấn, để được hiểu thêm ý nghĩa tiềm ẩn bên trong lời chào.
Như Mẹ, sau khi lắng nghe, quan sát và suy ngẫm, ta rất cần làm thinh để phản tỉnh! Đặc biệt, trước những sự cố bất ngờ hay không thể lường trước, ta rất cần lặng với chính mình để tự hỏi, tự xem xét điều đã và đang xảy ra có ý nghĩa gì – trong tương quan với Thiên Chúa, với bản thân và tha nhân… Sống trong thời khắc của đại dịch, phải chăng ta không thể không tự chất vấn: Tôi đã có thái độ nào trước biến cố đau buồn này? Chúa muốn tôi làm gì cho đồng loại? Chúa đang giáo dục, huấn luyện tôi điều gì?…
An Bình, Fmsr