Chủ đề sống tháng 01 – 2019
Khi trở thành một nữ tu Mân Côi, chúng ta như được sinh ra trong tinh thần của Đức Cha Tổ Phụ. Tinh thần của Ngài chính là gia sản của Hội Dòng như lời dạy của Công Đồng Vaticanô II : “Phải trung thành nhận thức và noi giữ tinh thần cùng ý hướng ban đầu của Đấng Sáng Lập cũng như tất cả các truyền thống lành mạnh, vì tất cả những yếu tố ấy tạo nên gia sản của mỗi Hội Dòng” [1].
“Tinh thần cùng ý hướng ban đầu của Đấng Sáng Lập” là cụm từ mà ngày nay người ta gọi tắt là Đặc Sủng [2] của Đấng Sáng Lập. Đó là cách nói của Giáo Luật để mời gọi các Hội Dòng phải trung thành duy trì chủ tâm và ý định của Đấng Sáng Lập.
Trong thời gian vừa qua, Hội Dòng chúng ta đã cố gắng trở về với nguồn mạch của mình và tìm cách nhận ra đâu là những ý định ban đầu của Đấng Sáng Lập, đâu là những điểm làm nên “nét đặc biệt” của Hội Dòng, để có thể trung thành với tinh thần nguyên thủy và truyền thống của Hội Dòng ? Tự sắc Ecclesiae Sanctae đã xác định như sau : “Vì lợi ích của Giáo Hội, các Hội Dòng hãy cố gắng nhận biết đâu là tinh thần đích thực của nguồn gốc mình, ngõ hầu, nhờ trung thành nắm giữ tinh thần đó trong những thích nghi cần phải làm, đời sống họ được thanh lọc khỏi những yếu tố xa lạ và những yếu tố đã lỗi thời” [3]. Vì thế, điều trước hết chúng ta phải làm để có thể sống trung thành trong ơn gọi là trở về với tinh thần và ý hướng ban đầu của Đấng Sáng Lập.
- TRỞ VỀ VỚI TINH THẦN VÀ Ý HƯỚNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤNG SÁNG LẬP.
Trở về với tinh thần và ý hướng ban đầu của Đấng Sáng Lập là lời mời gọi các chị em Mân Côi không ngừng lên đường để gặp gỡ Thiên Chúa qua trung gian Đấng Sáng Lập. Ngài đã để lại cho Hội Dòng khối gia sản quý báu là những lời giáo huấn thâm sâu và thiết thực cho đời sống thánh hiến của chị em. Khi nói đến gia sản này, chúng ta hiểu đó là những gì có giá trị cao, được mọi người trân quý và được gọi là những bảo vật mang dấu vết của Vị Sáng Lập. Giáo luật điều 578 đã xác định về gia sản tinh thần của dòng tu như sau: “Mọi người phải trung thành duy trì chủ tâm và ý định của Đấng Sáng Lập liên quan đến bản chất, mục đích, tinh thần và đặc tính của mỗi Hội Dòng cũng như liên quan đến những truyền thống lành mạnh của Hội Dòng”. Như vậy, Giáo Hội đã thận trọng ghi vào bộ luật của mình một khoản luật nhằm bảo vệ gia sản tinh thần của dòng tu, đòi hỏi mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn, vì đây không phải chỉ là gia sản riêng của mỗi Hội Dòng mà còn là gia sản chung cho cả Giáo Hội.
Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn, đã được Thiên Chúa tác động làm cho Ngài quan tâm tới việc thành lập một Hội Dòng để lo việc truyền giáo và giáo dục đức tin cho mọi người với một mục đích rất rõ ràng là làm “Vinh Danh Chúa, thánh hóa bản thân và lo việc cứu rỗi các linh hồn”. Khi gia nhập Hội Dòng, Chị em Mân Côi muốn sống trọn vẹn lý tưởng thánh hiến này bằng cách đi theo Chúa trong đặc sủng, linh đạo và sứ vụ Mân Côi, để một khi bản thân được nên thánh thiện, chị em sẵn sàng được sai đi, dấn thân trong các hoạt động tông đồ mà Đấng Sáng Lập đã vạch ra.
Dọc theo dòng lịch sử của Hội Dòng, các chị em Mân Côi đã ý thức được sự cần thiết phải đào sâu, thực hiện và lưu lại giáo huấn tinh thần cho các thế hệ tiếp theo trong sự trung thành và sáng tạo. Các nỗ lực canh tân và thích nghi của Hội Dòng, đặc biệt của các Tổng Hội thì rất kiên quyết, tuy đôi khi cũng gặp những khó khăn trắc trở, nhưng chị em luôn xác tín rằng sự đóng góp tốt nhất mà Hội Dòng có thể đem lại cho Giáo Hội là sự trung thành với tinh thần của Đấng Sáng Lập.
Khi thực hiện được lời mời gọi này, tinh thần của Đấng Sáng Lập sẽ ngày càng thấm sâu vào đời sống chị em và trở thành một sức sống cho Hội Dòng. Vì thế, mỗi chị em Mân Côi có trách nhiệm trở về nguồn, về với tinh thần và ý hướng ban đầu của Đấng Sáng Lập.
- LUYỆN TẬP LÒNG TRUNG THÀNH VỚI TINH THẦN ĐẤNG SÁNG LẬP
Để có thể sống trung thành với tinh thần của Đấng Sáng Lập, các chị em Mân Côi thực hiện điều mà Giáo Hội nhắc nhở như sau : “Phải trung thành với đặc sủng riêng, qua việc luôn tìm hiểu sâu xa về Đấng Sáng Lập, về lịch sử, về đặc sủng, linh đạo và sứ vụ của Hội Dòng, cùng hỗ trợ nhau sống các điều ấy xét về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn” [4].
- Học hiểu về đời sống, sự nghiệp và những giáo huấn của Đấng Sáng Lập : Việc học hiểu này là một yếu tố then chốt cho sự trung thành của mỗi chị em. Qua tiểu sử của ngài, chúng ta thấy rõ Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Đức Cha Tổ Phụ bằng cách ban cho ngài những năng khiếu và trí thông minh vượt bực cùng những đức tính trổi vượt, có một đời sống đạo đức vững chắc, có lòng mến Chúa yêu người sâu xa, nhiệt tâm phụng sự Nước Chúa, nhất là ngài có lòng yêu mến đời sống tu trì và muốn canh tân đời sống tu trì cho hợp với ý muốn của Giáo Hội.
Ngoài ra, khi nhìn vào những sách viết rất đa dạng, những bài báo, những tài liệu nghiên cứu của Đức Cha, chúng ta thấy được sự nhiệt tình phục vụ Giáo Hội, ngài muốn thăng tiến xã hội và Giáo Hội về mọi mặt. Nhìn vào các sách viết riêng cho Hội Dòng, chúng ta nhận được bao lời giáo huấn tốt lành về cách sống và về việc luyện tập những đức tính “cho xứng bậc nhà dòng”. Có thể nói, những lời giáo huấn ngày xưa ấy, hôm nay đã trở thành châm ngôn sống cho cho từng chị em Mân Côi và là định hướng sống cho Hội Dòng trong hiện tại cũng như tương lai. Với tấm lòng hiền phụ, Ngài đã trao lại cho các con cái những lời giáo huấn cụ thể và thâm sâu, tạo thành gia sản quý báu cho Hội Dòng. Tất cả chúng ta được mời gọi bảo tồn và làm phong phú hóa gia sản đó bằng cách trung thành tuân giữ những điều mà Đức Cha Tổ Phụ đã thực hành và dạy dỗ.
- Hiểu biết về lịch sử Dòng :
Trong Tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết như sau:“Việc học hỏi lịch sử riêng của mình là điều cần thiết để giữ cho căn tính sống động, để làm vững mạnh sự hiệp nhất của gia đình và để đem lại ý nghĩa của việc các thành viên thuộc về gia đình này… Kể lịch sử riêng của mình là dâng lời ca tụng Thiên Chúa và tạ ơn Ngài vì tất cả các ơn Ngài ban cho… Đây không phải là việc khảo cổ hoặc luyến tiếc dĩ vãng, nhưng là đi lại con đường của các thế hệ quá khứ để nắm bắt được tia sáng gợi hứng, những lý tưởng, những dự phóng, những giá trị đã thúc đẩy họ, bắt đầu từ Vị Sáng Lập và các cộng đoàn tiên khởi. Đó cũng là một cách để học biết những cách thức mà tiền nhân đã sống đặc sủng, những bước đột phá, những khó khăn đã đương đầu và vượt qua” [5].
Như vậy, khi học hỏi về lịch sử Dòng, không phải chúng ta chỉ nắm vững những giai đoạn, những sự kiện, những con số… nhưng điều chúng ta muốn nhắm đến là nhìn lại quá khứ để học biết hiện tại. Nhìn về quá khứ không chỉ là để bảo tồn giá trị truyền thống mà còn làm cho những giá trị đó trở nên hiện thực. Nhìn về quá khứ của Hội Dòng để rút ra bài học tín thác và hy vọng được đâm hoa kết trái trong hiện tại, đồng thời để sống đậm đà tâm tình tri ân về những gì đã lãnh nhận và cũng là để khám phá khuôn mặt của Hội Dòng ngay trong những bài học lịch sử của mình.
Mỗi khi nhớ lại những sự kiện đã diễn ra trong lịch sử Hội Dòng, chúng ta cảm nhận những chặng đường đã qua là một hành trình của ân sủng và tình thương để sống tâm tình cảm mến tri ân và hết lòng ngưỡng mộ những việc Chúa đã thực hiện cho chúng ta: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại, ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 125, 3). “Những việc Chúa làm”, cho tới hôm nay và mãi về sau vẫn tiếp tục, vì thế tâm tình tri ân của chúng ta được nối dài từng ngày trong cuộc sống bởi biết rằng lịch sử dù thăng hay trầm thì cũng luôn có bàn tay Chúa dẫn đưa, vì“Ngài làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Ngài định” (Rm 8, 28).
Khi điểm lại quãng đường đã đi qua, chúng ta biết mình phải tiếp bước như thế nào trong hiện tại để xứng đáng phận con cháu. Vẫn biết rằng mọi thành công đều bởi quyền năng của Chúa chứ không do tài cán của cá nhân con người, nhưng Chúa vẫn dùng con người, dù rất yếu đuối và mỏng dòn để tiếp tục công trình của Chúa. Khi dừng lại để soi mình trong quá khứ, chúng ta có dịp nhìn lại “chân dung” của mình để can đảm xóa đi những vết nhăn, những gì khó thương và biết cách sống cho xứng đáng với ơn gọi của mình, đồng thời cũng biết tích cực đóng góp phần nhỏ bé của mình vào công trình chung của Thiên Chúa.
- Sống đặc sủng, linh đạo và sứ vụ Dòng một cách trung thành và sáng tạo
Khi lập Dòng, Đấng Sáng Lập nhận được một ơn riêng (đặc sủng) để mở ra một hướng đi mới của việc sống những lời khuyên Phúc Âm, đó là con đường nên thánh của Hội Dòng (linh đạo) và đồng thời để đáp ứng một nhu cầu nào đó trong Giáo Hội (sứ vụ).
Đặc sủng, linh đạo và sứ vụ là 3 yếu tố chính tạo nên một Hội Dòng. Người ta thường dùng hình ảnh một cái cây để diễn tả căn tính của một Hội Dòng : gốc rễ của cây là đặc sủng Dòng, thân cây là linh đạo và hoa trái chính là sứ vụ, tức là các hoạt động của Hội Dòng.
- Tiếp nối đặc sủng của Đấng Sáng Lập :Đặc sủng của một Hội Dòngchính là “mã di truyền của Đấng Sáng Lập”, là sức sống và là nguồn mạch của mọi hoạt động tông đồ của Hội Dòng. Nếu chúng ta không sống theo đặc sủng của Đấng Sáng Lập, chúng ta sẽ đánh mất căn tính của mình. Chìa khóa cho sự phát triển của Hội Dòng là trung thành với đặc sủng của Đấng Sáng Lập. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã kêu gọi các Hội Dòng “phải trung thành với tinh thần, với ý hướng Phúc Âm và gương thánh thiện của Đấng Sáng Lập. Bởi vì chính nơi đây mà chúng ta tìm thấy nguồn gốc của mình” (x. ET 11-12).
Một khi đặc sủng của Đấng Sáng Lập được truyền lại cho Hội Dòng và trở thành đặc sủng của Hội Dòng, thì mỗi thành viên, tùy theo vị trí và nhiệm vụ của mình, đều có trách nhiệm góp phần vào sự phát triển đặc sủng của mình bằng cách tạo nên sự phong phú và sức sống cho Hội Dòng, đồng thời biết nhận ra và đáp ứng những nhu cầu đích thực của con người và thế giới.
- Sống sung mãn Linh Đạo Mân Côi : Linh đạo của một Hội Dònglà con đường thiêng liêng, con đường nên thánh, là nếp sống tinh thần riêng của Hội Dòng. Theo lịch sử của Hội Dòng, thì ngay từ khi mới thành lập, Đức Cha Tổ Phụ đã tận tình truyền đạt và đào luyện cho chị em một lối sống, một con đường nên thánh bằng việc trực tiếp giáo huấn và qua những tác phẩm, những bài viết dành riêng cho chị em Mân Côi. Có thể nói, lúc đầu khi mới lập Dòng, chưa có ý niệm về linh đạo Dòng, nhưng các chị em đã hăng say thực thi giáo huấn, tích cực thực hành một nếp sống, một lối tu trì, tuy đơn sơ nhưng vững chắc mà cho đến hôm nay, chúng ta vẫn nhận ra nếp sống ấy đã ăn sâu trong đời sống các chị em của các thế hệ đi trước.
Dựa vào giáo huấn trong các bút tích của Đức Cha Tổ Phụ, chúng ta có thể thấy linh đạo Mân Côi được khai triển rộng rãi với 4 đặc tính sau đây:
Một linh đạo xây dựng trên nền tảng đức ái của Phúc Âm;
Một linh đạo có Mẹ Maria bảo trợ và đồng hành;
Một linh đạo có trọng tâm là sống các mầu nhiệm cứu độ;
Một linh đạo của hành trình truyền giáo, mang ơn cứu độ đến cho mọi người.
Châm ngôn tóm tắt linh đạo Mân Côi là : “Với tinh thần đức ái trọn hảo, chị em Mân Côi cùng Mẹ Maria sống mầu nhiệm cứu độ và mang ơn cứu độ đến cho mọi người”. Đây là lộ trình nên thánh của các chị em Mân Côi, một lộ trình có tôn chỉ sống là đức “kính Chúa ái nhân”, có trọng tâm là sống các mầu nhiệm cứu độ theo gương Mẹ Maria và cùng với Mẹ mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Như thế, các chị em Mân Côi có một linh đạo rõ ràng, một con đường nên thánh cụ thể. Linh đạo này phải được mọi chị em sống ngày một triệt để và sung mãn hơn bằng một trái tim mới và một tinh thần mới (Ed 36, 26).
- Canh tân Sứ Vụ : Sứ vụ của một Hội Dòng là việc tông đồ của một Hội Dòng do Đấng Sáng Lập đề ra và được Giáo Hội nhìn nhận như những việc được thực hiện nhân danh Giáo Hội. Sứ vụ của Hội Dòng Mân Côi được Đức Cha Tổ Phụ gọi là mục đích riêng của Dòng. Đó là“hiến thân cho việc truyền giáo, qua việc loan báo Tin Mừng và giáo dục đức tin, để đem ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người. Chị em dấn thân phục vụ những người nghèo khổ, bệnh tật qua các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện và mục vụ tông đồ”.
Giáo luật số 677§1 dạy rằng : “Các Bề trên và các phần tử hãy trung thành duy trì sứ mệnh và các công tác riêng của dòng. Tuy nhiên, họ hãy biết thích ứng chúng cách khôn ngoan chiếu theo nhu cầu của thời thế và địa phương, kể cả bằng việc sử dụng các phương tiện mới mẻ và thích ứng”. Như vậy, chúng ta chỉ có thể trung thành với sứ vụ của mình khi chúng ta biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại và biết đáp ứng được những nhu cầu mới của Giáo Hội và xã hội trong hiện tại. Nhờ đó, chúng ta sẽ không trở thành người “lỗi thời” hay “lạc lõng” trong vòng xoay của thế giới hôm nay, nhưng biết “hòa nhịp” và “khơi dậy” những mầm sống mãnh liệt đang tiềm tàng trong từng biến chuyển của thời đại hôm nay.
Khi dấn thân thi hành sứ vụ Hội Dòng là chúng ta tháp nhập một cách sâu xa trong đại gia đình Hội Dòng và tận dụng mọi khả năng Chúa ban để thực thi đặc sủng cũng như linh đạo của Hội Dòng. Vì vậy, chúng ta luôn phải tự vấn xem chúng ta đã thi hành sứ vụ như thế nào? Bản thân mỗi người chúng ta cần ý thức về sứ vụ mà Thiên Chúa đòi hỏi qua Giáo Hội và qua Hiến luật của Hội Dòng. Đó chính là động lực giúp cho mỗi người chúng ta nên hoàn thiện trong mọi lúc và mọi nơi mà Hội Dòng sai đến. Tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa luôn thúc đẩy chúng ta đi đến với tha nhân. Vì vậy, khi bước theo Đức Kitô, không những chúng ta bắt chước để nên giống Đức Kitô mà còn tham gia vào sứ mạng của Người, tức là mang ơn cứu độ đến cho mọi người nữa.
KẾT
Hội Dòng chúng ta được thành lập năm 1946. Cho dù Đức Cha Tổ Phụ có gặp nhiều khó khăn khi thành lập Dòng, nhưng ý hướng ban đầu của Ngài rất rõ ràng : Ngài đã thành lập Dòng để trước hết có nơi viện tu cho các tâm hồn muốn sống đời thánh hiến đi theo Chúa, “để chị em được tu thân theo lề lối dòng cho thật bởi giữ 3 lời khấn và giữ luật phép dòng này” (Hiến pháp cũ số 2) ; sau là qua các nữ tu, bằng công tác mục vụ, giáo dục, y tế, xã hội, từ thiện được thực hiện trong địa phận, con cái Chúa trong các xứ đạo được củng cố đức tin, và mọi người, nhất là những người nghèo khổ, lương dân, được thăng tiến về mọi mặt.
Dọc theo dòng lịch sử của Hội Dòng, từ những ngày khởi đầu cho đến hôm nay, đã có những lúc chúng ta chưa đủ quan tâm để trở về với cội nguồn của mình, chưa tìm hiểu sâu xa đặc sủng, linh đạo và sứ vụ của Dòng, nên lúc này, trong hoàn cảnh tương đối dễ dàng và thuận lợi hơn, chúng ta cần phải khám phá lại và nắm bắt vững vàng tinh thần cùng ý hướng ban đầu của Đấng Sáng Lập, để qua cung cách sống của mình, chúng ta chú giải rõ nét tinh thần của ngài. Đây là công việc chung của mọi phần tử trong Dòng, nên chúng ta cùng nhau “sống, giữ gìn, đào sâu và không ngừng phát triển” (MR 11) với sự trung thành và lòng biết ơn.
Rose Vũ Loan, Fmsr
[1] Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh “Perfectae Caritatis” (Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu), số 2b
[2] Từ Đặc sủng thực ra chỉ được dùng chính thức trong các văn kiện sau Công Đồng : trong Evangelica Testificatio (ĐGH Phaolo VI 29-6-1971 ; ĐGH Phaolô II trong bài nói chuyện với các BTTQ dòng nam 24-11-1978; trong Vita Consecrata được sử dụng rất nhiều lần, và số 36 ; trong Mutuae relations số 6 / 14-5-1978), từ đó khai mở Thần học về Đặc sủng
[3] Tự sắc “Ecclesiae Sanctae”, II, số 16,3
[4] Huấn Thị Những Chỉ Dẫn Về Việc Huấn Luyện số 68
[5] Tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số I, 1