Tinh thần sống tháng 05/2019
Chúng ta được Thiên Chúa dựng nên là để yêu mến, phụng thờ và thực thi thánh ý Người. Mỗi thụ tạo là một nét độc đáo riêng biệt nói lên tình yêu, ân sủng và ước muốn của Đấng Tạo Thành. Khi tạo dựng nên tôi, Thiên Chúa đã có một ý định, một kế hoạch cho riêng tôi, suốt cuộc đời tôi phải nỗ lực để hoàn thành ý định của Người, để đạt tới tầm mức viên mãn như Thiên Chúa muốn trên cuộc đời tôi. Nhưng làm thế nào tôi có thể khám phá ra được ý định của Chúa trên cuộc đời tôi, hay làm sao tôi biết được thánh ý Chúa mà thi hành?
Để nhận biết thánh ý Chúa đã là điều khó, và khi đã nhận ra thánh ý Chúa thì việc thực thi còn là điều khó hơn nữa nếu tôi không thực sự tin tưởng, phó thác và nhất là không yêu mến Người. Trong Linh thao, có nhiều cách để phân định và nhận biết thánh ý Chúa; tuy nhiên đối với tôi, một nữ tu có lời khấn, tôi xác tín rằng ba lời khấn dòng, đặc biệt lời khấn vâng phục là cánh cửa mở ra cho tôi đi vào hành trình tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa trên cuộc đời tôi. Con đường vâng phục là con đường bình an và chắc chắn nhất đưa tôi đến với Thiên Chúa, giúp tôi biết được thánh ý của Người.
Trong chương trình cứu độ, Chúa Giêsu đã chọn con đường vâng phục, vâng phục thánh ý Chúa Cha để hiến tế chính thân mình làm Hy lễ cứu độ.“Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xóa được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài…”[1]. Lời thưa “xin vâng” đầu tiên đó của Chúa Giêsu đã dẫn đưa Người đi vào cuộc sống làm người, một cuộc đời hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha với một tình yêu tuyệt đối: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Ngài”[2]. Công trình của Thiên Chúa chính là Ơn cứu độ được ban cho nhân loại và để hoàn tất công trình ấy Đức Giêsu Kitô đã “Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá”[3].
Như vậy, khi đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, chọn sống đời thánh hiến, bước theo Chúa Kitô là tôi đi vào con đường vâng phục như Người để từng bước thực thi thánh ý của Thiên Chúa.
- Cuộc đời mỗi người là một hành trình tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa
Để thực thi thánh ý Chúa, chúng ta phải tìm kiếm và biết được thánh ý Người. Thiên Chúa là Đấng thuần nhất, thánh ý Người cũng chính là Người. Vì thế khi chúng ta đi tìm Chúa cũng là đi tìm thánh ý Chúa. Trong kế hoạch khôn ngoan và trong tình yêu vĩnh cửu, Thiên Chúa sắp xếp mọi sự theo một trật tự hoàn mỹ, trong đó mỗi người chúng ta đã được dự định để trở thành một “kiểu mẫu” mà Chúa muốn khi tạo thành nên chúng ta. Do đó để trở nên chính mình, chúng ta cần khám phá ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, nói cách khác chúng ta hãy để cho Thiên Chúa tự do làm cho ta điều Người mong muốn. Có một vị thánh đã nói rằng đời mỗi người có 4 điều nên làm:
– Đi tìm Chúa
– Đi tìm thánh ý Chúa
– Thực thi thánh ý Chúa
– Bền chí đến cùng
Để tìm kiếm thánh ý Chúa đòi hỏi phải có một tâm hồn chiêm niệm, một thái độ lắng nghe trong sự kiên trì và trung thành. Bởi vì mỗi giây phút, mỗi biến cố, mỗi giai đoạn của cuộc đời, đều là cơ hội, là cách thức Thiên Chúa dùng để ngỏ lời với chúng ta, để mạc khải thánh ý của Người. Rồi khi đã nhận ra được ý Chúa lại là một quá trình thực hiện ý muốn ấy trong niềm ước ao được nên giống Chúa, sẵn sàng để Chúa làm chủ cuộc đời mình.
Như vậy, nếu dành cả một đời để tìm ý Chúa, để thực thi ý Chúa thì cũng xứng đáng, bởi thời gian dành cho Chúa không bao giờ là thời gian lãng phí; trái lại điều đó chính là mục đích của cuộc đời chúng ta. Bước vào thế giới này là chúng ta bắt đầu một cuộc tìm kiếm, tìm về nguồn gốc đời mình, tìm về với Đấng là nguồn cội, là nguyên ủy đồng thời cũng là cứu cánh của cuộc đời chúng ta. Một khi chúng ta thành tâm tìm ý Chúa, thì chính Chúa sẽ mạc khải cho chúng ta thánh ý của Người. Bởi vì “Sự ao ước Thiên Chúa được viết trong trái tim con người, vì con người được tạo ra bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, và Thiên Chúa không bao giờ ngừng lôi kéo con người lại với chính mình. Chỉ trong Thiên Chúa, con người sẽ tìm thấy chân lý và hạnh phúc mà họ đã không ngừng tìm kiếm”[4]. Thánh Augustinô sau bao tháng năm lang thang tìm kiếm đã cho chúng ta một kinh nghiệm thiêng liêng khi ngài thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa tạo dựng nên con cho Chúa, vì thế tâm hồn con hằng khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài”. Cũng thế, suốt cuộc đời chúng ta là một cuộc tìm kiếm, tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, bởi thánh ý Chúa là chân lý, là sự thật và là sự sống, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chúng ta. Khi đã nhận ra và bước đi trong thánh ý Chúa, chúng ta có thể thốt lên:
Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi,
vì đó là hoan lạc của lòng con[5].
- Vâng phục thánh ý Chúa là hành vi của tình yêu
Bước đi theo Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi trở nên giống Người, nên đồng hình đồng dạng với Người. Đức vâng phục trong đời tu giúp chúng ta khám phá ra được thánh ý Thiên Chúa, và khi sống vâng phục là chúng ta thực thi ý muốn của Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã sống, đã nêu gương. “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”[6].Hành vi vâng phục của Chúa Giêsu là một hành vi tự nguyện trong tình yêu Cha, một sự vâng phục hiệp nhất ý chí nên một với Cha trong kế hoạch cứu độ trần gian: “Ta và Cha là một”[7].
1) Lời khấn vâng phục
Khi tuyên khấn vâng phục là chúng ta đã định hướng cho đời mình: đặt trọn cuộc đời trong tay Chúa, trong ý định của Thiên Chúa, qua các trung gian của Người là Luật dòng, là các bề trên, là tiếng nói của lương tâm… Như vậy, lời khấn vâng phục đưa ý chí chúng ta vào một khuôn khổ là thánh ý Thiên Chúa, giúp chúng ta từ bỏ ý riêng của mình, để ngày càng nên giống Chúa Kitô hơn như Hiến luật số 13.3 quy định: “Lời khấn vâng phục buộc chị em triệt để tuân giữ Hiến luật Dòng, Quy chế Tỉnh Dòng, các quyết định của các Công hội và những chỉ thị của bề trên liên hệ đến đời sống Dòng”.
Tuy nhiên lời khấn vâng phục chỉ là phương tiện, là bước đầu dẫn chúng ta đi vào con đường kiếm tìm và thực thi Thánh ý Chúa. Đích điểm của đức vâng phục chính là thi hành thánh ý Chúa. Một triết gia Hy Lạp khẳng định rằng: “Con người chỉ có thể đạt tới đỉnh trọn lành khi biết bỏ ý riêng mình mà tuân phục trọn vẹn ý Thiên Chúa và quyền bính Thiên Chúa đã thiết lập, vì chỉ như vậy sự phân tán của con người mới được thống nhất”[8].
Bởi vậy, vâng phục không chỉ là chuyên chăm tuân giữ điều này điều kia, nghiêm túc làm theo những gì bề trên truyền lệnh hay đề nghị, nhưng còn là một sự từ bỏ liên tục tự thâm sâu, một nỗ lực hãm dẹp ý riêng, một cuộc sát tế chính mình. Sống vâng phục là sống mầu nhiệm tự hủy của Con Thiên Chúa, để chết đi từng ngày trong suốt cuộc đời cho đến khi hoàn tất lễ dâng, hiệp nhất ý mình với thánh ý Thiên Chúa trong tình yêu. Thực vậy, chúng ta được mời gọi:
“Noi gương chí hiếu của Chúa Giêsu, sống vâng phục trong hành vi tự hiến, hợp nhất ý chí mình với thánh ý Chúa Cha trong tâm tình yêu mến và tôn thờ, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đức vâng phục của chị em được thể hiện trong đời tu bằng sự vâng lời các người đại diện Chúa hướng dẫn Hội dòng, để công cuộc tông đồ truyền giáo đạt được những kết quả tối đa theo ý muốn của Thiên Chúa”[9]
2) Thi hành ý Chúa
Sống vâng phục không làm chúng ta nhu nhược, từ bỏ tự do và sự trưởng thành của mình, mà là một phương thức sử dụng tự do giúp cho tự do trở nên phong phú. Chính Chúa Giêsu đã chọn sống như thế: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi”[10]. Như vậy, vâng phục chính là một sự quy phục triệt để cho một điều cao trọng hơn mình, cho một Đấng Tuyệt Đối xứng đáng để chúng ta quy phục, chứ không là nô lệ cho bản ngã, dục vọng, ý riêng, và cho những thương tích nơi chính mình.
Nhiều khi chúng ta muốn hoạch định cuộc sống mình theo ý riêng mà quên rằng qua lời khấn vâng phục chúng ta đã trao quyền sử dụng cuộc đời mình, cùng những quan năng và khả năng hành động của mình và cả tự do cho Chúa để Người làm chủ. Nhiều khi chúng ta sắp xếp mọi việc theo cách nhìn riêng của mình, bất chấp ý kiến của người khác, của cộng đoàn, chúng ta bỏ qua hết những linh hứng mà Chúa Thánh Thần, Đấng như làn gió nhẹ len lỏi vào cuộc đời chúng ta qua những ngả rất bình thường và rất bất ngờ. Đôi khi chúng ta cũng gặt hái thành công rồi cảm thấy tự hào với những sắp xếp và suy tính của mình, nhưng nếu không phải là chúng ta thực sự đi tìm thánh ý Chúa thì những thành công đó sẽ không tồn tại, không mang lại lợi ích cho ai, kể cả bản thân chúng ta. Nếu không phải là thánh ý Chúa thì niềm vui của thành công đó cũng qua mau, rồichúng ta sẽ lại rơi vào bất an vì “ngoài Chúa ra không tìm đâu được hạnh phúc” và chỉ trong thánh ý Chúa chúng ta mới được vui sướng, bình an[11].
Trong cuộc sống đời thường để thực sự sống vâng phục trọn vẹn, chúng ta cần ý thức mình đang cử hành hy lễ hiến dâng từng ngày. Đã gọi là hy lễ thì luôn có hy sinh từ bỏ. Làm sao có thể gọi là sống vâng phục nếu tôi luôn làm theo ý riêng mình, nếu tôi không biết từ bỏ cái tôi, từ bỏ quan điểm riêng, những sở thích, đam mê… để uốn mình theo thánh ý Chúa. Chính Chúa đã nói: “Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy”[12]. Vì thế, chỉ khi nào chúng ta biết từ bỏ ý riêng mình để thi hành thánh ý Chúa, từ bỏ chính mình để đi vào đường lối của Chúa, chúng ta mới nên đồng hình đồng dạng với Người.
- Trung thành sống vâng phục để thực thi thánh ý Chúa
Khi bước vào đời thánh hiến với lời cam kết vâng phục, là chúng ta bắt đầu thực hiện lễ hiến dâng, cử hành hiến lễ tình yêu đời mình, và bắt đầu một hành trình đi tìm thánh ý Chúa. Một hành trình khám phá ra Ý Muốn tự do và lớn nhất của Đấng mà chúng ta đã tự do chọn, để yêu mến và để nên một với Người. Nội dung đời vâng phục thánh hiến thật đẹp và đơn giản! Thế nhưng để sống nội dung đó thì thật không đơn giản.
Có lẽ, mỗi người chúng ta đều có những trải nghiệm về lòng trung thành hay sự trung tín của mình. Ai trong chúng ta đã thực sự trung tín với Chúa trong ba lời khấn? Những bất trung, vấp ngã hay yếu đuối trong đời, khiến chúng ta cảm nghiệm sâu xa về sự mỏng dòn giới hạn của thân phận làm người. Con người chúng ta bất định hay thay đổi: sáng nắng chiều mưa, trưa áp thấp, tối chông chênh. Bởi vậy, chúng ta không bảo đảm được rằng mình sẽ trung thành đến đâu.
Đức Thánh Cha Phanxicô xác quyết: nếu chúng ta sống trung tín là chúng ta đã đụng chạm được Thiên Chúa, nguồn mạch sự thánh thiện và như vậy là chúng ta đụng chạm tới sự Thánh Thiện. Nếu chúng ta đụng chạm tới sự Thánh Thiện thì chúng ta sẽ khác, cộng đoàn chúng ta sẽ khác và xã hội hôm nay cũng sẽ khác. Khác ở đây là sẽ tốt hơn, thánh hơn, nhưng thực tế có như thế không? Vì vậy, chúng ta vẫn phải nỗ lực để sống trung thành mỗi ngày.
Quả thực để trung thành sống vâng phục không hề dễ dàng, bởi vì “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có thể cứu mình khỏi chết. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”[13]. Vâng, phải trải qua nhiều đau khổ, nhiều thử thách khó khăn mới có thể học biết vâng phục! và phải trải qua nhiều chiến đấu, nhiều từ bỏ hy sinh mới có thể vâng phục. Bởi vâng phục là chết đi, là một hy lễ mang lại ơn cứu độ.
Chúng ta được mời gọi trung thành sống giao ước tình yêu, nhưng chúng ta là con người giới hạn và tội lỗi. Do đó, chúng ta chỉ có thể chứng tỏ lòng trung thành qua việc bắt đầu lại. Chính sự trung tín của Thiên Chúa, một sự trung tín có khả năng đón nhận sự bắt đầu lại của chúng ta, giúp chúng ta có thể sống tín trung với Chúa qua việc trung thành bắt đầu lại mỗi ngày.
Ngoài ra, là nữ tu Mân Côi, chúng ta còn có một gương mẫu tuyệt vời về lòng vâng phục thánh ý Chúa là Mẹ Maria. Một khi Mẹ thưa tiếng “Xin Vâng” thì cũng có nghĩa là Mẹ đã dám từ bỏ chương trình dự tính riêng của mình để dấn thân cộng tác vào công trình xiết bao kỳ diệu của Thiên Chúa. Quả thật, chính Mẹ đã từ bỏ bản thân cho những hoạch định của Thiên Chúa, và thực thi thánh ý Người. Mẹ sẵn sàng với tất cả những gì Thiên Chúa muốn nơi Mẹ. Từ nơi Mẹ, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, dạy cho chúng ta biết cách sống theo thánh ý Thiên Chúa.
“Cùng với Mẹ Maria, chị em Mân Côi tự nguyện bước theo Chúa Kitô trên con đường vâng phục, mặc dầu có nhiều gian nan thử thách. Với đức tin mạnh mẽ, chị em nhận ra được ý muốn của Chúa qua các lệnh truyền của các bề trên, sống vâng phục với lòng yêu mến và sự tự do nội tâm đích thực; dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn và khả năng để chu toàn một cách hiệu quả nhất mọi phận vụ đã được ủy thác, vì biết rằng mình đang góp công xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô theo ý định của Thiên Chúa”[14].
Tượng Pietà[15]
Bức tượng “Mẹ Sầu Bi” do Michelangelo chạm trổ từ một tảng đá cẩm thạch là một bức tượng tuyệt đẹp và nổi tiếng khắp thế giới, hiện đặt tại đền thờ thánh Phêrô tại Roma. Bức tượng giống như một sự tôn vinh lời “xin vâng” của Mẹ trước thánh ý Thiên Chúa. Bức tượng Mẹ Maria ôm Chúa Giêsu trong cánh tay mình, chiêm ngưỡng thân xác bất động của con với một tình yêu thương cảm và nồng nàn của một người mẹ. Michelangelo đã không gọi bức tượng của ông là “Mater Dolorosa” (Mẹ Sầu Bi) mà đặt tên cho bức tượng của ông là “Pietà”, Pietà là một từ ngữ tiếng Ý, có nghĩa là “Lòng trung thành”. Mẹ Maria là một người đã thuận theo thánh ý Chúa với tất cả con tim, Mẹ đã thưa “xin vâng” mà không hiểu tất cả sự mạo hiểm của lời thưa đó. Nhưng Mẹ tin tưởng nơi Thiên Chúa, tin rằng Thiên Chúa yêu thương mình, tin vào sự khôn ngoan và đường lối của Chúa ngay cả khi Mẹ không hiểu. Michelangelo đã đúc kết sự viên thành kỳ diệu của Mẹ chỉ trong một từ ngữ Pietà: “Lòng trung thành”. Mẹ đã thưa “xin vâng” trước ý muốn của Thiên Chúa trong ngày thiên sứ truyền tin, và Mẹ đã trung thành với lời “xin vâng” đó cho đến cùng, đến khi đứng dưới chân thánh giá hiến tế người Con Yêu, và hiến tế chính mình khi ôm xác Con trong lòng.
Chúa Giêsu không bao giờ nói về sự thành công, nhưng chỉ nói về lòng trung thành. Khi chúng ta sống đích thực lời mời gọi của Tin Mừng, sống đức vâng phục trọn vẹn là chúng ta đã trung thành với thánh ý Thiên Chúa. Rồi một ngày nào đó, khi chúng ta đã đi đến cùng tận cuộc đời, có lẽ một thiên thần sẽ đặt trên ngôi mộ chúng ta một tấm bia, và trên tấm bia đó tóm tắt cuộc sống của chúng ta trên trần gian bằng một tên chính xác nhất: “TRUNG THÀNH” thay vì tên “Maria…” của chúng ta nếu thực sự chúng ta trung thành với lời xin vâng thánh ý Chúa như Mẹ Maria.
- Kết luận thực hành
Khi đoan hứa sống vâng phục là chúng ta đã từ bỏ cái tôi của mình; từ bỏ chính mình là sự từ bỏ khó khăn và sâu xa nhất. Ước mong với ơn Chúa cùng với nỗ lực từ bản thân, chúng ta luôn biết trung thành sống vâng phục để hoàn tất thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời chúng ta. Để trung tín với giao ước mà từng người chúng ta đã cam kết với Chúa, chúng ta cần:
1) Duy trì một đời sống cầu nguyện, điều này giúp chúng ta kết hợp với Chúa cách thâm sâu hơn, từ đó chúng ta sẽ nhận được những ân sủng để trung thành với giao ước vâng phục.
2) Luôn tìm thánh ý Chúa trong kỷ luật, lời khấn, bổn phận đời thánh hiến, trong sứ vụ và trong mỗi biến cố xảy đến: những thành công, thất bại, những buồn phiền, bệnh tật, những lầm lỗi yếu đuối và cả sự bất trung của mình. Bởi tất cả đều là cách Thiên Chúa biểu lộ thánh ý Người.
3) Thường xuyên hồi tâm và hoán cải để bắt đầu lại mỗi ngày, bởi bản tính con người yếu đuối bất toàn, chúng ta cần một khoảng lặng nhìn lại mình, để điều chỉnh những sai lệch và đi đúng con đường mình đã chọn là trung thành sống vâng phục, để thánh ý Chúa được nên trọn nơi cuộc đời chúng ta.
Nt. M. Gaudentia Xuân Huệ, FMSR.