Tinh thần sống tháng 03 -2019
Trong Chương 4 của Tông huấn Gaudete et Exsultate, Đức Thánh Cha Phanxicô đã coi Bền chí, kiên nhẫn là một trong những dấu chỉ của sự thánh thiện trong thế giới ngày nay. Đúng vậy, giữa thế giới của văn hóa đổi thay hôm nay, sự thánh thiện không thể thiếu yếu tố bền chí hay trung thành. Giữa nỗ lực trung thành ở với Chúa và để Chúa sai đi trong hướng đi của Hội Dòng, không thể thiếu sự trung thành trong việc sống đức khiết tịnh, một trong 3 Lời Khấn của chúng ta. Cùng nhau nhìn lại việc trung thành sống khiết tịnh thánh hiến của mình để chính sự trung thành ấy khơi lại nềm vui thánh thiện cho chúng ta.
- Tại sao đặt vấn đề trung thành trong việc sống khiết tịnh đời tu ?
Trung thành tức là “luôn luôn” không có ngắt quãng hay đứt quãng, hay dao động biến thiên hoặc tạm dừng. Đặt vấn đề trung thành sống khiết tịnh trong đời tu vì đường dài, và lại có nhiều cám dỗ đến từ chính lòng ta, đến từ bên ngoài và từ ma quỷ nữa.
– Những cám dỗ ngọt ngào trong lòng ta trải dài với tuổi đời được ngụy trang bằng cái vỏ bọc đường hấp dẫn, tấn công vào nỗi khát khao hạnh phúc đầy ảo tưởng của ta.
– Những cám dỗ mời mọc từ bên ngoài của xã hội hưởng lạc, suy đồi, khơi lên sự tiếc nuối của ta trong những phút giây ta quên đi sự hiện diện của Chúa.
– Những cám dỗ tinh vi của ma quỷ qua đủ loại trung gian, thường móc nối với miếng mồi danh lợi thú trong những nghĩ suy quy ngã, hằng chực chờ cái gật đầu đồng ý của lòng ta.
- Trung thành sống khiết tịnh trong đời tu
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Tông Huấn Gaudete et Exultate, số 86 đã viết : “Một tấm lòng yêu mến Thiên Chúa và đồng loại (x. Mt 22, 36-40), chân thành chứ không chỉ ngoài môi ngoài miệng, bao giờ cũng là một tâm hồn trong sạch; tâm hồn ấy có thể thấy Thiên Chúa.”
Như vậy, một tâm hồn trong sạch là một tâm hồn luôn yêu mến Thiên Chúa và đồng loại cách chân thành. Một tâm hồn sống khiết tịnh trong đời tu cách trung thành tức là luôn luôn yêu Chúa như đối tượng duy nhất, và luôn luôn yêu những người mà Chúa yêu. Yêu Chúa như đối tượng duy nhất để rồi cùng với Chúa, vì Chúa và noi gương Chúa, ta yêu những người mà Chúa yêu.
Tình yêu khiết tịnh thánh hiến nhờ vào tình yêu Chúa mà yêu những người Chúa yêu trong một tương quan trong sáng và trải rộng. Thường sẽ có những tương quan thân thiết hơn những tương quan khác, nhưng không thể tới độ quá thân thiết đến mức dị thường với một ai. Tình thân ái phải được trải đều cho tất cả mọi người. Khác với tình yêu trong hôn nhân mang tính chiếm hữu, độc quyền, tình yêu trong đời độc thân thánh hiến trải đều tức là không đọng lại cho riêng ai. Trái với khuynh hướng rất tự nhiên của con người là muốn sở hữu riêng cho mình 1 người hay 1 vài người, một nhóm nhỏ, tình yêu khiết tịnh đời tu yêu nhiều mà chẳng riêng ai. Tình yêu ấy lại càng không thể đọng lại cách lệch lạc nơi chính bản thân mình đến độ “tôn thờ” cái tôi tự ái hay sĩ diện của mình. Tình yêu khiết tịnh ấy cũng đòi ta thăng hoa cái ước muốn hậu duệ là con cái của riêng mình như một sự từ bỏ để mở ra.
- Niềm vui khi trung thành sống khiết tịnh :
Đức Cha Tổ Phụ dạy rằng : “ Đức khiết tịnh rất khả ái, nhân đức của các thiên thần, làm cho trên trời dưới đất phải cảm phục và nâng người ta lên tới Thiên Chúa.”
– Thật vậy, một khi đã chọn lối sống khiết tịnh thánh hiến theo gương Chúa Kitô, tức là tự nguyện hiến dâng cho Thiên Chúa tất cả con người của mình, hiến dâng khả năng yêu thương của mình, sẵn sàng để Chúa dùng trái tim của mình mà yêu thương hết mọi người. Hiến dâng cho Chúa cái hạnh phúc của một gia đình nhỏ bé, trong đó mình chỉ sống với người bạn đời mình yêu và người ấy yêu thương mình, để sống đời sống chung với những chị em đầy khác biệt dễ thương hay chưa dễ thương. Hiến dâng cho Chúa cái hậu duệ riêng tư mà trí tưởng tượng vẽ ra muôn phần hứa hẹn để đón nhận và phục vụ bất kỳ thành phần nào Chúa gởi đến cho ta… Trung thành dâng hiến suốt đời những lễ dâng ấy như một trong những tài sản quý giá nhất của đời mình, chứng tỏ sự trọn tình với Thiên Chúa, Đấng mà mình yêu mến. Sự trọn tình ấy chắc chắn sẽ cho ta một niềm vui sâu xa vì tin rằng Chúa không thua lòng quảng đại của ta : hết lòng với Chúa, Chúa sẽ hết lòng với mình. Trung thành dâng hiến hết lòng cho Chúa những thứ quý giá nhất của mình, thì chắc chắn Chúa sẽ trung thành trao ban trọn vẹn Nước Trời của Người cho ta như gia tài, như sản nghiệp.
– Khi trung thành hiến dâng khả năng yêu thương của mình để Chúa dùng trái tim của mình mà yêu thương hết mọi người, ta sẽ nhận lại niềm vui thánh thiện của một tấm lòng rộng mở như bóng mát cho mọi người Chúa cho mình gặp gỡ.
– Chính Chúa đã chúc phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch và hứa cho họ được nhìn thấy Thiên Chúa. Lời chúc phúc và lời hứa ấy chắc chắn được Chúa không ngừng lập lại với chúng ta nếu chúng ta trung thành với lời thề khiết tịnhtrọn đời. Và lời chúc phúc ấy của Chúa chính làniềm vui thẳm sâu cho chúng ta, niềm vui thực thi mối phúc thứ sáu. (Mt 5, 8)
“Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.” (Rm 12,1)
– Dưới con mắt của một xã hội hưởng thụ và đi tìm lạc thú, việc các tu sĩ sống khiết tịnh trọn vẹn suốt đời dường như là điều không thể. Vì thế, nếu người tu sĩ chúng ta tràn đầy niềm vui khi trung thành sống triển nở đời khiết tịnh độc thân thánh hiến thì chúng ta chứng minh được điều không thể kia là có thể. Như thế, đời sống chúng ta là lời chứng rằng Ân Sủng làm nên những kỳ công nơi bản tính mỏng dòn, và đồng thời chúng ta trở thành niềm hy vọng vui sống cho những anh chị em đang sống đời độc thân do tự nguyện hay do hoàn cảnh.
- Phương thế giúp trung thành :
Trung thành sống khiết tịnh thánh hiến giữa những cám dỗ đủ loại tấn công là chúng ta đang tiến bước trên con đường nên thánh. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Tông Huấn Gaudete et Exsultate đã chỉ cho chúng ta 3 phương thế phải dùng trên hành trình này là : chiến đấu, tỉnh thức và phân định.
1) Chiến đấu với những cám dỗ về khiết tịnh mà chúng ta đã đề cập đến ở số 1. Đó là những cám dỗ ngọt ngào trong lòng ta, là những cám dỗ mời mọc từ bên ngoài của xã hội, là những cám dỗ tinh vi của ma quỷ qua đủ loại trung gian. Chiến đấu trong tư thế níu lấy tay Chúa và cậy nhờ sức mạnh của Chúa.
2) Tỉnh thức, tức là cầm đèn sáng trên tay, bởi vì những kẻ không phạm tội trọng trái nghịch với luật Chúa vẫn có nguy cơ ngủ mê, đến nỗi đâm ra mù quáng, không còn biết phân biệt đâu là phải đâu là trái (GE 164). Chiếc đèn sáng ta cầm trên tay là đức tin, là sự cầu nguyện chuyên chăm, là lề luật của Chúa, của Giáo Hội và Hội dòng.
3) Phân định giúp cho ta trong cuộc chiến đấu này biết điều gì bắt nguồn từ Thánh Linh và điều gì bắt nguồn từ tinh thần thế gian hay tinh thần ma quỷ (GE 166). Phân định giúp ta nhận ra cái lằn ranh mập mờ giữa cái quân bình thánh thiện với thái cực lệch lạc của nó: cảm thông nhưng không đồng lõa ; nhẫn nhịn mà không dung túng ; thứ tha nhưng không thỏa hiệp ; tôn trọng cái riêng tư mà không nhượng bộ cho điều sai trái…Sự phân định ấy như ân huệ ta phải nài xin với lòng tin tưởng và phải tìm cách phát triển ơn ấy nhờ cầu nguyện, suy nghĩ, lắng nghe kinh nghiệm và những lời khuyên tốt lành.
- Thực hành :
– Dùng hồi tâm để chỉnh lại chỗ lệch trong tình yêu của mình trước những đòi hỏi của khiết tịnh thánh hiến.
– Chiến đấu, tỉnh thức và phân định khi gặp cám dỗ.
Tịnh Khiết, FMSR