CHỦ ĐỀ SỐNG THÁNG 11 VÀ 12-2020
Câu tóm gọn của giới răn lớn nhất và quan trọng nhất của Chúa Giêsu nằm trong Tin Mừng Mc 12, 30-31: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó“. Đức Cha Tổ Phụ chọn tinh thần Đức ái này như quy luật tuyệt đối cho đời tu Mân Côi : «Tôn chỉ Nhà Dòng là đức Kính Chúa Ái Nhân » (GSD I, tr. 82).
Hòa nhịp với chị em toàn Dòng, trong niên khóa này, chúng ta cùng nhau bước đi trước mặt Chúa trong tinh thần Đức Ái của Dòng. Tháng 9 và 10, chúng ta đã phác thảo chân dung người nữ tu Mân Côi theo tinh thần Dòng. Tháng 10 và tháng 11 này, chúng ta cùng nhau suy tư về Tinh thần Đức Ái Phúc Âm, chỉ nam của đời thánh hiến Mân Côi; hay nói một cách khác đức Kính Chúa Ái Nhân được cắm rễ sâu trong Tin Mừng, được cụ thể qua những lời dạy của Đức Cha Tổ Phụ vẫn mãi giữ nguyên giá trị cho đời tu chúng ta hôm nay.
I. Kính Chúa trên hết mọi sự:
« Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. » (Mc 12,30)
« Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. » (Mt 10,37)
Khi đáp lời mời gọi của Chúa, hiến dâng cuộc đời cho Chúa trong đời thánh hiến Mân Côi, ta muốn biểu lộ một tình yêu trọn vẹn nhất, dâng cho Chúa lễ vật cao quý nhất là chính con người mình.
Người tu dòng là người hoàn toàn phải làm tôi Chúa, dường như dâng của lễ toàn thiêu cho Chúa vậy. (GSD I, tr. 338)
Để của lễ ấy thực sự là trọn vẹn, cần sự trung thành dâng hiến của ta trong mọi chọn lựa suốt đời. Đức Cha tổ Phụ đã nhắc nhớ chúng ta điều ấy:
Vốn người đời thề buộc điều gì với nhau, thì không dám liều mạng thất tín, huống nữa là thề buộc với Chúa. (GSD II, tr. 25)
Trong mọi việc ta làm, mọi lời ta nói, mọi sự ta lo, chỉ vì lòng mến Chúa mà thôi. (GSD I, tr. 219)
Chớ gì mỗi hơi tôi thở, thì thở lửa mến Chúa bởi lòng tôi mà ra. (GSD I, tr. 257)
Càng kính mến Chúa, thì càng phải yêu thương tha nhân:
Ai càng mến Chúa, thì càng phải yêu mến chị em. (GSD I, tr. 253). Bởi vì, những kẻ không có đức thương yêu, thì cũng không kính mến Đức Chúa Trời, cũng không đáng rỗi linh hồn được, vì 2 điều răn ấy là một. (GSD I, tr. 398)
II. Ái nhân theo tinh thần Đức Ái Phúc Âm:
Để sống đức Ái Nhân, tinh thần Đức Ái Phúc Âm dạy ta những điều phải tránh:
– Đó là tránh xét đoán, đừng lên án, không nói dối nói gian,
Hẳn ông biết các điều răn: Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian …” (x. Lc 18,20)
Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. (Lc 6,37)
Tôi nói cho các người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án. “(Mt 12,36-37)
– Đó là tránh làm gương xấu:
Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! (Lc 17,1)
– Đó là đừng « ăn miếng trả miếng »:
Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác… (Mt 5,39b)
Ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. (Lc 6,30b)
Đức Cha Tổ Phụ chỉ dẫn cho chúng ta cách cụ thể hơn trong đời tu Mân Côi:
Kẻ dâng mình cho Chúa để làm môn đệ Chúa cách riêng trong chốn viện tu, càng phải trọng đức yêu người và phải giữ cho trọn. (GSD I, tr. 221)
Khi thấy ai làm điều gì lỗi thì hãy xét ý ngay lành cho kẻ ấy. Khi chưa rõ thì không nên xét ý trái cho ai bao giờ. (GSD I, tr.225). Hãy chữa lỗi cho mọi người bằng cách tỏ tính tốt người ấy ra (GSD I, tr.400). Đừng có xét nét, chê bai việc làm kẻ khác. (GSD I, tr. 336)
Khi ai đã nói, làm điều gì phiền lòng mình, dù cố ý hay vô ý, thì cũng bỏ qua ngay, chớ còn nhớ lại mà buồn phiền trong trí làm chi. (GSD I, tr.238)
Không bao giờ nói hành hay phàn nàn, chê trách ai. (GSD I, tr.189)
Biết thuận hòa yêu nhau, ắt chẳng dám ghen tương gièm siểm nhau; mà chẳng ghen tương gièm siểm nhau, thì sự thương yêu mới bền vững. Song cho khỏi tính ghen tương gièm siểm nhau, thì có một bài thuốc này hiệu nghiệm hơn cả, là sự nhịn nhục. (GSD II, tr.487-488)
Tinh thần Đức Ái Phúc Âm còn dạy ta tiến cao hơn nữa trong những tâm tình, ngôn ngữ và hành động tích cực cho tha nhân:
– Đó là sự tha thứ không giới hạn, là sự chân thành, là yêu thương cả kẻ thù.
Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. (Lc 6,31; Mt 7, 12)
Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. (Lc 6, 37b)
Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘ Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó.” (Lc 17,4)
Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (Mt 5,23-24)
Chính Chúa Giê su đã nêu gương về sự tha thứ:
Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34)
Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ. (Mt 5,37)
“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em… » (Lc 6,27)
Lý do mà Chúa đòi ta phải sống yêu thương, là tình yêu không biên giới của Chúa, Vị Cha chung của mọi người.
Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. (Mt 5,45)
Đức cha Tổ Phụ Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn căn dặn chúng ta
Tinh thần đức yêu người dạy ta nhìn chị em như hình ảnh Chúa Giê-su vậy. (I, 189)
Con hãy có lòng kính hết các chị em con. Các chị em con đều là linh hồn Chúa yêu thương riêng. (GSD I, tr.398)
Thương yêu nhau là nhịn nhục, giúp đỡ nhau, yêu chuộng nhau, làm vui lòng nhau, giúp đỡ nhau nên trọn lành. (GSD I, tr. 397)
Tinh thần đức yêu người dạy ta sẵn sàng giúp đỡ chị em. Càng làm được nhiều việc đỡ cho chị em, càng lấy làm sung sướng. (GSD I, tr. 189)
Rủi theo tính yếu đuối buồn giận ai, hay là làm cho ai buồn giận, thì làm hòa lại tức thì.(GSD I, tr. 224)
Phải yêu mọi người như nhau và giúp đỡ chị em như mình vậy. (GSD I, tr.98)
Hễ ta vui lòng thăm viếng bệnh nhân, thì như uốn lòng độ lượng Chúa tuôn ơn xuống cho ta. (GSD II, tr.170) …
III. Kính Chúa Ái nhân bằng lối sống đời thường
Chúng ta cùng suy nghĩ về việc thực hành đức Kính Chúa Ái Nhân trong đời thường của chúng ta. Đức Cha Tổ Phụ nhận định: Thi hành thì có ba cách: Hoặc thi hành ra nơi lời nói, hoặc thi hành ra nơi ngòi bút, hoặc thi hành ra nơi cách ăn nết ở. Ba cách thi hành, thì cần thiết nhứt là cách thứ ba. (GSD II, tr.484).
Những đức tính mà Thánh Phaolo liệt kê trong bài ca bác ái phần lớn cũng là những tư chất thuộc về cách ăn nết ở, trong nét tích cách, trong thái độ ứng xử của một con người:
Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. (1Cr 13, 4-8)
Thật vậy, Kính Chúa Ái nhân không chỉ bằng sự dâng hiến cuộc đời cách thụ động, cũng chẳng phải chỉ ở trong tư tưởng, lời nói hay việc làm giúp đỡ tha nhân, mà còn được thực hiện nơi cách ăn nết ở, còn bàng bạc trong mọi ngóc ngách của đời thường, còn bao phủ từng chi tiết trong lối sống của ta giữa đời thánh hiến Mân Côi, với cố gắng tự luyện liên lỷ, với nỗ lực bước đi trước mặt Chúa trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Như thế, trong đời sống cộng đoàn, có một thứ đức ái có thể gọi là gián tiếp, một thứ ‘đức ái không định danh’ thể hiện qua lối sống của ta trong đời thường. Gọi là « không định danh » vì nó quá đa dạng, không giới hạn phạm vi đối tượng và rất phong phú bao trùm mọi lãnh vực. Gọi nó là « đức ái » vì nó nằm trong căn tính của người Kitô hữu, thuộc về chân dung của người nữ tu Mân Côi được Đấng Tổ phụ phác thảo, và vì nó tạo nên lượng dưỡng khí trong lành cho cộng đoàn.
Chúng ta cùng lấy một vài ví dụ:
– Khi nghiêm túc trong việc tuân giữ kỷ luật Dòng, ta đã yêu thương trao cho chị em một gương sáng. Khi trung thành với kỷ luật bản thân, với kế hoạch tự luyện, ta góp phần cung cấp dưỡng khí thánh thiện cho mọi người đang sống bên ta. Bởi vì, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. (Mt 5, 18). Cho nên, Chị em phải hết sức bao bọc đức thương yêu, nhất là phải làm gương sáng cho nhau trong việc đi đàng nhân đức và giữ luật phép nhà. (GSD I, tr.419). Trái lại, Vì cách ăn ở khô khan, ơ hờ không giữ kỷ luật, chị làm gương mù cho chị em. (GSD I, tr.414)
– Trong đời sống cộng đoàn, khi chu toàn bổn phận của mình cách tốt nhất, dù đó là điều vừa ý hay trái ý, ta đã trao cho chị em sự an tâm khi trao việc cho ta. Khi tích cực dấn thân, chấp nhận những hy sinh, ta trao cho chị em một gương sáng, tạo cho cộng đoàn một bầu khí yêu thương tích cực đầy sức tỏa lan.
Chớ bơ thờ lãnh đạm như kẻ làm thuê. Làm việc đừng trông gì phần thưởng ở đời nầy, không trông danh trọng, sung sướng, của cải gì, một chỉ được thêm ơn nghĩa thánh của Chúa mà thôi. (GSD II, tr.189 – 190)
Bất kỳ trong việc nào, nếu con làm cùng chị em, thì hãy để phần dễ hơn cho chị em con. (GSD I, tr.399)
Hằng ngày phải tập đức chịu khó, trí khôn phải chịu khó, thân xác phải chịu khó, cái gì cũng phải rán sức, làm cho hết tài hết lực Chúa ban, đừng làm qua loa cho hết thời, hết buổi. (GSD I, tr. 101)
Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp Laudato Si (Chúc tụng Ngài, lạy Chúa), số 231 đã viết: «sự dấn thân vì công ích là những hình thức tuyệt hảo của Đức ái. »
– Trong đời thánh hiến Mân Côi, khi giữ thái độ đằm thắm bình tĩnh, mặt mũi tươi cười, dù sao chăng nữa, cũng cứ một mực an vui. (GSD I, tr.100) thì ta như một bông hoa tươi nở trên mảnh đất cộng đoàn Chúa trồng ta. Khi ta sống tinh thần vui vẻ với hết mọi người, ta đang thực thi thứ đức ái không định danh, vì làm cho mọi người xung quanh mình vui. (x. GSD I, tr.194)
Mặt mũi phải ở tỉnh táo cho thường, dẫu khi vui khi buồn, khi mới thức dậy, khi cảm mạo đôi ít, chớ ở mặt ủ mày châu, u xù quạu cọ. (GSD III, tr. 209)
– Và cứ như thế, còn rất nhiều, rất nhiều những chi tiết trong lối sống đời thường, ta có thể thực hành thứ đức ái không định danh. Còn rất nhiều những tiểu tiết cụ thể trong nếp sống tu Mân Côi, ta có thể thực hành đức Kính Chúa Ái Nhân nương theo giáo huấn của Đức Cha Tổ phụ, dựa trên tinh thần Đức Ái Phúc Âm.
Kết
Là những phần tử của Hội Dòng Bác Ái Con Đức Mẹ Mân Côi, toàn bộ con người và sứ vụ của chúng ta phải được thấm nhuần và linh hoạt bởi tinh thần Đức Ái Phúc Âm.
Vì thế, việc nghe lại, đọc lại Lời Chúa về Đức Ái cũng là lúc Chúa khích lệ những cố gắng từng ngày của chúng ta để thực thi đức Kính Chúa Ái Nhân, ở lại trong cõi đất dành cho kẻ sống và cùng nhau bước đi.
Việc nghe lại, đọc lại Lời Chúa, lời giáo huấn của Đấng Tổ Phụ về Đức Ái, và để cho những lời ấy chất vấn bản thân, cũng là cơ hội để Chúa nhắc nhở chúng ta chấn chỉnh chính mình sao cho đời thánh hiến Mân Côi không bị lạc mất cái tinh thần của nó, hay bị trệch hướng, nhạt nhòa theo năm tháng.
Đề nghị thực hành:
– Tham gia cách tích cực mọi sinh hoạt chung với chị em, nếu không có lý do thật sự bất khả kháng: giờ kinh nguyện, giờ ăn, giờ chơi, giờ làm việc…
– Thực hành ‘Đức Ái không định danh’ bằng việc trung thành với kế hoạch tự luyện cá nhân của mình.
Tịnh Khiết, FMSR