Tha thứ – linh dược của sự chữa lành

THA THỨ- LINH DƯỢC CỦA SỰ CHỮA LÀNH

Như cỏ lùng xen giữa lúa tốt, yếu đuối lỗi lầm là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống con người. Những lỗi lầm có thể gây nên những hệ quả không mong muốn cho cuộc sống này. Nó có một ma lực mạnh mẽ có thể đẩy một người rơi vào cô đơn, có thể làm cho một tập thể vắng bóng tình yêu và làm cho con người xa cách nhau. Vì thế, chúng ta luôn cần một phương thế để giúp cuộc sống tươi đẹp khi con người yếu đuối, lỗi lầm và sa ngã. Sự tha thứ sẽ là linh dược chữa lành hữu hiệu và là một trong những phương thế không thể thiếu giúp con người có được sự bình an trong tâm hồn và gìn giữ các mối tương quan tốt đẹp trong cuộc sống. Như Martin Luther King đã nói: “Tha thứ là một chất xúc tác tạo nên một bầu khí cần thiết cho một cuộc lên đường, một khởi đầu mới”. Hơn thế nữa, tha thứ cũng là sứ điệp trọng tâm trong những lời rao giảng của Chúa Giêsu. Đó là “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43).

Tha thứ, sự chữa lành trong tương quan

Thuở ban đầu, Thiên Chúa ban cho con người được sống trong một trật tự hài hòa và có tương quan tốt đẹp với Chúa và anh em. Tuy nhiên, tội đã làm cho con người đánh mất mối tương liên tốt đẹp ấy. Để hàn gắn lại tương quan bị gãy đổ này, Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại chúng ta Người Con Một duy nhất là Đức Giê su Ki tô, Đấng đã đến trần gian để cứu chuộc chúng ta bằng chính cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Qua đó Thiên Chúa đã tha thứ mọi lỗi tội cho con người; phục hồi phẩm giá làm con và đưa con người về lại trong tương quan tình yêu Ba Ngôi. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót Ngài luôn muốn bắt đầu lại với chúng ta để tha thứ, để phục hồi, để yêu thương và để ôm lấy chúng ta sau mỗi lần té ngã : Ngài đã ôm lấy đứa con hoang đàng; yêu thương, tin tưởng và trao trách nhiệm cho Phê rô sau khi chối Ngài; Ngài tha thứ và phục hồi nhân phẩm cho người phụ nữ ngoại tình… Nhờ ơn tha thứ được lãnh nhận, con người thấy mình được Thiên Chúa yêu thương và được sinh ra một lần nữa trong ân sủng và tình yêu. Để từ đó, chúng ta có thể thưa lên một tiếng: “Abba! Cha ơi” (x. Rm 8, 15). Một tiếng nói thân thương của một đứa trẻ bập bẹ tập nói. Một tiếng nói như chất chứa trọn niềm tin, cậy, mến. Một tiếng nói của sự bình an và hạnh phúc dù có yếu đuối lỗi tội vì biết mình vẫn được Thiên Chúa yêu thương. Chính nhờ sống kinh nghiệm yêu và được tha thứ này mà chúng ta biết sống tình yêu tha thứ ấy trong tương quan với mọi người. Người ta vẫn thường nói rằng, ‘chung là đụng’. Làm sao có thể tránh khỏi những vướng mắc trong đời sống chung khi mỗi người chúng ta đều mang trong mình thân phận bình sành dễ vỡ (x.2Cr 4, 7). Những vết thương ngoài thân xác đã khiến con người đau đớn. Nhưng những vết thương trong tâm hồn lại lại càng xót xa biết chừng nào. Sự bình an được tạo nên nhờ đâu nếu không phải là chính sự tha thứ của con người dành cho nhau. Phêrô đã từng hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, khi anh em con phạm đến con thì con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: “Thầy không nói là bảy lần, nhưng là tới bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 21-22). Câu trả lời của Chúa Giêsu nhằm nói lên giá trị và sức mạnh của sự tha thứ trong đời sống chung. Vì thế, trong lời kinh Chúa Giêsu đã dạy đã chất chứa một tâm tình tha thứ là “xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ với chúng con” (Mt 6, 12).Noi theo lời dạy của Chúa Giêsu, Martin Lurther King, một mục sư tin lành nổi tiếng đã từng phát biểu: “Chúng ta phải phát triển và duy trì khả năng tha thứ. Người không có sức mạnh tha thứ là người không có sức mạnh để yêu. Tha thứ không phải là một hành động nhất thời nhưng là một thái độ mãi mãi. Là con người không ai là một hòn đảo, con người luôn cần đến nhau dù cuộc sống có muôn vàn điều không vừa ý. Dù thế nào thì hãy tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Chỉ có tha thứ mới là liều thuốc bổ dưỡng cho tâm hồn, là sự biểu lộ một đời sống đức tin sống động và một đức ái nồng nàn. Sự tha thứ có thể được ví như một máng chuyển bình an để hàn gắn một tương quan bị rạn nứt. Có lẽ đã kinh nghiệm được điều này, nên nhà thần học người Mỹ, Frederick Buechner đã từng chia sẻ: “Khi tha thứ cho một người mà đã gây ra lỗi lầm cho bạn thì đã loại bỏ được sự gặm nhấm của cay đắng và đau khổ. Với cả hai bên, tha thứ nghĩa là tự do một lần nữa để có sự yên bình ngay cả trong tâm hồn và vui vẻ với sự hiện diện của người khác”. Để có thể tha thứ cho người khác thì bản thân cũng phải biết tha thứ cho chính mình. Dám tha thứ cho bản thân cũng là cách ta nói lên sự khiêm hạ, sự yêu mến và sự hoán cải nội tâm chân thành. Vì thế, tha thứ cũng là con đường của sự chữa lành nội tâm.

Tha thứ, sự chữa lành nội tâm

Người ta vẫn thường nói: “hãy chinh phục sự tự do nội tâm”. Vì sự tự do nội tâm rất quan trọng đối với mỗi người. Tự do nội tâm là một tình trạng không bị lệ thuộc cho một điều gì. Đó là một sự bình tâm trước mọi biến cố của cuộc đời. Với cái nhìn đức tin, tự do nội tâm cũng là một thái độ tín thác trọn vẹn vào Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời. Đó cũng là một sự đáp trả của đức tin, vì tin rằng ‘mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Chúa’ (x. Rm 8, 28). Thánh Catarina đã từng ví nội tâm là một tòa nhà, nơi ta gặp gỡ Chúa và gặp gỡ chính mình. Chúng ta cần giữ cho tâm hồn được bình an và tự do. Vì thế, khi ta biết khiêm nhường đón nhận ơn tha thứ của Chúa và nhất là biết tha thứ thì đó chính là liều thuốc bổ dưỡng để có một tâm hồn bình an. Lần giở lại những trang Tin Mừng có thể thấy được điều này. Như Dakêu, một người thu thuế nổi tiếng đã được chữa lành nội tâm nhờ sự bao dung và tha thứ của Đức Giêsu để rồi ông đã thay đổi đời sống một cách mau lẹ. Ngay khi cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa, ông thốt lên rằng: “đây phân nữa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo và tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn (Lc 19, 8). Hành động của ông cho thấy một tâm hồn được tự do hoàn toàn, một con người không còn bị nô lệ cho bất cứ điều gì khác ngoài một việc là tìm mọi cách sống đẹp lòng Chúa và yêu tha nhân. Một nhân vật khác phải kể đến là Maria Mađalena, một người phụ nữ bị xã hội loại trừ, một con người dường như không còn chút nhân phẩm. Với một câu nói giản đơn của Chúa Giêsu là, “chị hãy về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa”(x. Ga 8, 11), Maria Mađalêna đã được biến đổi để trở nên một con người mới. Một con người không còn bị tội đè nặng, không bì nhấn chìm trước dư luận xã hội đương thời, không còn bị dục vọng lôi kéo. Từ giờ phút sự tha thứ của Thiên Chúa chạm đến tâm hồn chị, chị đã được bình an và tự do. Để rồi từ đó, chị đã nên một môn đệ âm thầm theo sát Thầy cách trung tín. Bên cạnh đó, Phaolô, một vị tông đồ đặc biệt, đã có kinh nghiệm sâu sắc của sự chữa lành nội tâm khi lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa trong cuộc đời mình. Đến nỗi, Ngài đã thốt lên rằng: “Tôi rất tự hào vì những yếu đuối của tôi, vì sức mạnh Đức Kitô được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”(2 Cr 12, 9). Ngài còn khẳng định rằng: “ở đâu tội lỗi ngập tràn thì ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 5).

Nếu không nhờ nhận ra ân huệ tha thứ của Chúa thì liệu Dakêu, Marria Mađalena, Phaolo  có được tự do nội tâm để dám bắt đầu lại và dám sống cho Chúa hay không? Thật xác tín rằng, nhờ ân sủng tha thứ của Thiên Chúa mà ơn chữa lành đã được ban cho chúng ta. Để chúng ta chỉ biết sống cho Chúa, vì Chúa và vì mọi người. Một sự chữa lành nội tâm như thế là cửa ngõ bước vào một sự đổi mới toàn diện, một sự đổi mới trong tình yêu và vì tình yêu. Như thế, chúng ta càng tin chắc rằng, sự yên bình không thể xuất hiện nếu thiếu sự vị tha. Nhà tâm lý học nổi tiếng Jack Kornfield đã nói: “Tha thứ cụ thể là khả năng buông bỏ, giải phóng những đau khổ, nỗi buồn, gánh nặng và sự phản bội xảy ra trong quá khứ. Thay vào đó, lựa chọn theo đuổi nhưng điều kỳ diệu của tình yêu. Biết tha thứ chuyển đổi chúng ta từ một cái tôi tách biệt sang khả năng thay đổi, buông bỏ và sống trong tình yêu thương thật sự”. Chỉ khi nội tâm bình an chúng ta mới sống cuộc sống tràn đầy niềm vui, niềm hạnh phúc và niềm tín thác trọn vẹn nơi Chúa.

Vâng, tha thứ, một điều tưởng chừng như dễ nhưng lại không dễ, tưởng chừng như khó nhưng lại không khó. Điều cốt lõi là tình yêu, sự bao dung, sự chân tình, sự cảm thông cho nhau trong cuộc sống và cậy dựa vào ân sủng của Thiên Chúa. Với những giá trị lớn lao mà sự tha thứ mang lại, chúng ta cần luôn biết tha thứ cho nhau và luôn biết cầu xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Vì chỉ khi biết dùng ơn tha thứ từ Thiên Chúa thì đó mới là sự tha thứ thật sự, một sự tha thứ không giới hạn. Linh dược chữa lành mà sự tha thứ mang lại cho chúng ta trong cuộc sống không chỉ dừng lại ở các mối tương quan, không chỉ là sự chữa lành cho tâm hồn nhưng nó có thể mở ra một tình yêu tự hiến và trao ban chư chính Chúa Giêsu. Để từ đó, nhờ biết nên một với Ngài trong tình yêu tự hiến ấy, chúng ta sẽ tiến bước cách vững chắc hơn trong hành trình nên thánh mỗi ngày.

Kim Hường, fmsr.

About dongmancoichihoavn

Check Also

Mẹ Thiên Chúa

Mẹ sống mật thiết với Thiên Chúa và hài hoà với con người và với thiên nhiên.

Để lại một bình luận