Khát khao Thiên Chúa hơn chính bản thân mình
Bạn muốn tương giao với Thiên Chúa chỉ thỉnh thoảng, định kỳ, hay liên lỉ? Sự hiệp thông thỉnh thoảng có nghĩa là chỉ khi bạn đi đến nhà thờ hoặc khi bạn gặp phải một sự cố. Sự hiệp thông định kỳ bao gồm những thời khắc của việc cầu nguyện. Sự hiệp thông liên lỉ có nghĩa là mọi lúc, đêm cũng như ngày, 24 giờ trong một ngày. Bạn càng thường xuyên trải nghiệm mối dây thân tình với Thiên Chúa, bạn sẽ càng khao khát được ở với Người. Biết Chúa là yêu mến Người!
Ở cấp độ thứ nhất của tình yêu, ta chỉ mong muốn những gì có thể thỏa mãn chính mình. Ta chẳng nghĩ đến ai khác ngoài bản thân mình. Ngay cả những cuộc gặp gỡ trước hết của ta với Thiên Chúa, là ta tìm kiếm những gì Người có thể làm cho mình. Ta đi đến cấp độ thứ hai của tình yêu khi ta chấp nhận Chúa Giêsu là Đức Chúa và khám phá ra những gì Thiên Chúa đã làm cho ta qua Đức Giêsu.
1Ga 4: 9-10:
“Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta.”
Vì tình yêu của Thiên Chúa, giờ đây ta có thể bước vào sự hiện diện của Người.
Dt 10: 19-20:
“Vậy, thưa anh em, nhờ máu Ðức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.”
Hãy nhớ mục tiêu của chúng ta là yêu bản thân mình vì lợi ích của Thiên Chúa. Kenneth Boa trong Cầu Nguyện với Kinh Thánh để Tỏ Lòng Thờ Phượng Thân Mật đã nói rằng, điều này có nghĩa là chúng ta sẽ yêu mến Chúa hoàn toàn, yêu bản thân cách đúng đắn và yêu tha nhân cách khoan dung, nhân hậu.
Yêu mến Thiên Chúa hoàn toàn là một quá trình tăng trưởng bao gồm các yếu tố cá nhân trong sự gắn kết và đáp trả. Bằng việc lắng nghe Chúa Thánh Thần trong những lời Kinh Thánh và trò chuyện với Đức Chúa trong những suy tư và cầu nguyện của mình, ta di chuyển theo hướng để nhận biết Người tốt hơn. Ta càng biết nhiều về Người, ta sẽ càng yêu mến Người, và khi ta càng yêu mến Người, ta càng sẵn lòng đáp trả Người trong sự tín thác và vâng phục
Yêu thương bản thân một cách đúng đắn là nhìn vào mình như Thiên Chúa thấy ta và cho phép Lời, không phải thế giới, định nghĩa về ta bằng cách cho ta biết ta thực sự là ai và thuộc về ai. Ta càng nắm bắt rõ tầm nhìn về căn tính mới của mình trong Chúa Kitô, ta sẽ càng nhận ra rằng những nhu cầu thâm sâu nhất về sự an toàn, tầm quan trọng, và sự thỏa mãn của ta sẽ được thỏa đáng trong Người chứ không phải ở nơi con người, nơi tài sản sở hữu hay những địa vị.
Một cái nhìn Tin mừng về căn tính và khả năng của ta trong Đức Kitô dẫn đưa ta đi trên nẻo đường yêu thương người khác một cách nhiệt tâm. Việc nắm bắt các nguồn lực thực sự và không giới hạn của ta trong Đức Kitô giải thoát ta ra khỏi sự ràng buộc từ những quan điểm của người khác, và cho ta sự tự do để yêu thương và phục vụ tha nhân bất kể sự đáp trả của họ.
Vì chúng ta không thể làm tôi hai chủ, mối bận tâm trong con tim của ta hoặc mang tính tạm thời, hoặc vĩnh cửu. Nếu đó là tạm thời, ta không thể yêu mến Thiên Chúa cách trọn vẹn bởi tim ta bị phân tâm. Khi Đức Kitô là một phần thay vì là trung tâm của đời sống, thì mọi thứ trở nên phức tạp; những lo lắng của thế giới, những gian dối trong công việc, và những ham muốn về những thứ làm tắc nghẽn sự thật trong cuộc sống của ta, và ta không sản sinh những hoa trái tồn tại lâu dài (Mc 4:19). Nếu trọng tâm của con tim ta là vĩnh cửu, ta sẽ yêu mến Đức Kitô vượt lên trên những niềm vui thích và những tạo vật do Thiên Chúa tạo ra, và để bắt đầu thực hiện những mục tiêu lâu dài do chính ta thiết lập.
Ở cấp độ thứ hai của tình yêu, chúng ta học được rằng bản thân có thể làm được mọi sự thông qua Người, và không có Người, ta không thể làm gì được. Việc di chuyển từ cấp độ thứ nhất của tình yêu sang cấp độ thứ hai là khó khăn nhất. Ta bắt đầu chỉ để cho Thiên Chúa hoạt động trong những gì thuộc “tâm linh” nơi cuộc sống của ta. Chỉ khi ta nhận ra rằng Thiên Chúa hoạt động trong tất cả mọi lãnh vực của đời sống, ta mới có thể suy chuyển từ việc yêu mến Chúa vì những gì Người làm cho ta, và để ta có thể yêu mến Người như chính Người là. Nhiều Kitô hữu không bao giờ thực hiện động thái này và bỏ lỡ mối tương giao đích thực với Thiên Chúa. Giai đoạn chuyển tiếp này xảy ra – bắt đầu từ việc ta chỉ yêu bản thân mình, và yêu mến Chúa vì những gì Người làm cho mình, đi đến chỗ ta yêu mến Chúa vì chính Người là – không phải là một bước nhảy vọt hoặc một cú nhảy rõ ràng từ cấp độ này sang cấp độ kế tiếp. Hãy nhớ rằng, đây là một quá trình được tôi luyện và phải tích cực theo đuổi nhờ việc suy gẫm Kinh Thánh, cầu nguyện và thờ phượng!
Sau đây là những gì Kinh Thánh nói về những ai nhiệt tâm khao khát sự hiện diện của Thiên Chúa.
Mt 5:6:
“Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.”
Thánh vịnh 51:5-8:
“Vâng, con biết tội mình đã phạm,
lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.
Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,
liêm chính khi xét xử.
Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,
đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.
Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,
dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.”
Thánh vịnh 119:1-8, 18, 105:
“Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp Chúa Trời.
Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,
hết lòng hết dạ kiếm tìm Người.
Họ không làm điều ác, nhưng cứ đường lối Chúa mà đi.
Vâng lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,
truyền chúng con vâng giữ vẹn toàn.
Ước mong sao con hằng vững bước
theo thánh chỉ Ngài ban.
Ðể con không xấu hổ
khi nhìn lại các mệnh lệnh của Ngài.
Con thành tâm dâng lời cảm tạ
vì được biết những quyết định công minh.
Thánh chỉ Ngài, con xin tuân giữ,
xin Ngài đừng nỡ bỏ rơi con…
Xin mở mắt cho con nhìn thấy
luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao.
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi.”
Lc 11:9:
“Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.”
Tv 42:2-3:
“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?”
Cn 2:1-6:
“Này con, nếu lời thầy, con luôn nhận lấy,
và huấn lệnh thầy, con hằng ấp ủ,
nếu con lắng tai nghe lẽ khôn ngoan,
và hướng lòng theo sự hiểu biết,
phải, nếu con cầu xin trí thông minh, van nài ơn hiểu biết,
nếu con tìm khôn ngoan như tìm bạc,
và lùng kiếm như thể kho tàng,
thì lúc đó con sẽ hiểu thế nào là kính sợ Ðức Chúa,
và sẽ khám phá ra hiểu biết Thiên Chúa có nghĩa là gì.
Vì chính Ðức Chúa ban tặng khôn ngoan;
tri thức và hiểu biết là nhờ Người mà có.”
Phl 3:7-9:
“Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Ðức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi truyệt vời, là được biết Ðức Kitô Giêsu, của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Ðức Kitô và được kết hợp với Người. Ðược như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Ðức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin.”
Khi ta đạt đến một vị trí nơi mà ta coi mọi thứ là vô giá trị khi so sánh với lợi ích vô giá là biết Đức Kitô, thì ta đã sẵn sàng để trải nghiệm sự hiện diện liên lỉ của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện mọi lúc và cũng khao khát sự hiệp thông của chúng ta mọi lúc. Thiên Chúa chấp nhận ta như ta là ngay trong phút hiện tại này. Nếu ta có được một con tim đúng đắn, thì Thiên Chúa, qua Kinh Thánh và Thần Khí hiện diện trong cuộc sống của ta, sẽ nắm lấy tay ta và dẫn ta đi trong sự hiện diện của Người, từ vinh quang này đến vinh quang khác. Kể từ lúc này, ta hãy nhìn xem cách thức Thiên Chúa dạy dỗ, hướng dẫn và sửa dạy ta ra sao để ta biết Người nhiều hơn, và để ta luôn ở trong mối tương giao với Người, vâng theo ý muốn của Người và thờ phượng Người với tất cả tâm trí của ta!
Chuyển ngữ: Sr. Emmanuel Phan, Fmsr
Charles Peek
Nguồn: sermons.faithlife.com