Sống liên lỉ trong sự hiện diện của Thiên Chúa (2)

Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, 

lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?

Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, 

nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.

Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, 

đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,

tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, 

cánh tay hùng mạnh giữ lấy con.

Con tự nhủ: “Ước gì bóng tối bao phủ tôi 

và ánh sáng quanh tôi thành đêm tối!”

Nhưng đối với Ngài, tối tăm chẳng có chi mù mịt, 

và đêm đen sáng tỏ như ban ngày, 

bóng tối và ánh sáng cũng như nhau. (Tv 139:7-12)

Điều chúng ta cần làm là học cách tiếp xúc với Thiên Chúa luôn luôn. Hãy hiểu rằng, đây là một bài học ta có thể học được. Điều này có nghĩa là trước tiên bạn phải mong muốn thực hiện; thứ hai, bạn phải học những gì được yêu cầu, và thứ ba, bạn phải thực hành nhiều lần cho đến khi bạn thành thạo. Những phần thưởng lớn lao sẽ đến với bạn, hơn cả mức bạn có thể tưởng tượng và sẽ tồn tại mãi mãi.

Sống liên lỉ trong sự hiện diện của Thiên Chúa bắt đầu bằng việc từ bỏ cách chân thành tất cả những gì mà ta hiểu rằng chúng không dẫn ta đến với Thiên Chúa. Thực hiện như thế cho phép ta mở ra một cuộc trò chuyện liên lỉ với Ngài, với sự tự do và trong sự đơn giản. Ta chỉ cần nhận ra Thiên Chúa hiện diện mật thiết với mình để ta có thể hiến thân cho Ngài mọi lúc. Ta cần phải cầu xin sự trợ giúp của Ngài vì việc nhận biết ý muốn của Thiên Chúa cách cụ thể thì không chắc chắn, đồng thời để có thể thực hiện đúng những gì mà ta nghiệm thấy rõ ràng Thiên Chúa mong muốn nơi ta. Ta cần dâng hiến cho Ngài những việc làm của mình trước khi ta thực hiện, và cảm tạ Ngài sau khi ta hoàn tất. Khi ta sống trong cuộc đối thoại liên lỉ với Thiên Chúa, ta sẽ không ngừng ca ngợi, tôn thờ và yêu mến Ngài với tất cả trái tim của mình dành cho chính Ngài và vì những gì Ngài đã thực hiện cho ta.

Để trải nghiệm một cuộc đàm thoại liên lỉ với Thiên Chúa (cầu nguyện), ta phải biết Chúa. Càng biết nhiều về Chúa, ta sẽ càng gần gũi với Ngài hơn. Khi càng ở gần Ngài, những lời cầu nguyện của ta càng trở nên một lối sống, chứ không chỉ dừng lại ở một sự kiện xảy ra tại một thời khắc hay địa điểm đặc biệt. Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng thời gian cầu nguyện phải khác với bất kỳ thời điểm nào khác. Cầu nguyện là ý thức Chúa đang hiện diện; do đó, ta nên luôn luôn ở trong trạng thái cầu nguyện, chứ không chỉ cầu nguyện vào những thời khắc đặc biệt. Điều này cho phép ta sống liên tục trong niềm vui của Thiên Chúa.

Sự thánh hóa bản thân không phụ thuộc vào việc chỉ thay đổi những hành động của mình, nhưng ta thực hiện những thay đổi ấy bởi vì chúng là ý muốn của Thiên Chúa. Đó là, những suy nghĩ, những khát vọng, những đam mê và những hành vi của ta phải là kết quả cuối cùng trong việc tìm hiểu xem đâu là ý định của Thiên Chúa dành cho mình. Tất cả mọi việc ta làm phải được thực hiện hoàn toàn vì tình yêu của ta đối với Ngài. Thiên Chúa là tình yêu; do đó, để nhận biết Chúa, bạn phải kinh nghiệm tình yêu của Ngài. Cảm nghiệm tình yêu của Ngài là sống trong tương quan với Ngài ở khắp mọi nơi, mọi lúc; ý muốn của Ngài trở nên ý muốn của ta và hành động của ta thể hiện điều đó. Việc thực hành sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa là một sự hiểu biết hướng thượng và sự chấp thuận đường lối của Thiên Chúa; nó đi đôi với sự thông hiểu và sự khước từ cách thức của chính mình. Thật vậy, chính tình yêu của Thiên Chúa trong ta là sự khôn ngoan đích thực, và sự khôn ngoan này chỉ là một danh xưng khác cho sự vui hưởng trong Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa có thể được trải nghiệm ở các cấp độ khác nhau và tùy thuộc vào sự gắn bó của ta với Ngài.

Những cấp độ của tình yêu

1.     Tình yêu đối với bản thân vì lợi ích của bản thân.

Đây là những gì ta làm trong trạng thái tự nhiên. Ta không được dạy để yêu theo cách này. Nhu cầu của ta luôn muốn được đáp ứng. Ngay cả khi ta làm điều gì đó cho người khác, thì điều đó có thể chỉ là để ta có được thứ ta mong muốn.

2.     Tình yêu đối với Thiên Chúa vì lợi ích của bản thân.

Điều răn lớn nhất là yêu mến Thiên Chúa. Cách thức ta hiểu ra điều này là khi ta bắt đầu nghiệm thấy Thiên Chúa yêu ta nhiều ra sao khi Ngài chăm sóc ta. Ta bắt đầu học biết rằng ta có thể làm được tất cả mọi sự là do bởi Ngài, và không có Ngài, ta không thể làm gì được.

3.     Tình yêu đối với Thiên Chúa vì quyền lợi của Ngài.

Sau khi được Thiên Chúa thử thách, ta bắt đầu trải nghiệm về tình yêu của Ngài chỉ vì chính Ngài là tình yêu, chứ không phải vì những việc Ngài làm cho ta. Loại tình yêu này thì tinh khiết bởi vì nó không vụ lợi, không tính toán.

4.     Tình yêu đối với bản thân vì quyền lợi của Thiên Chúa.

Ý muốn của ta nên một với Thiên Chúa. Tình yêu hoàn hảo này, nơi mà ta yêu Ngài với tất cả trái tim, tâm hồn, trí tuệ và sức lực của mình, sẽ không xảy ra cho đến khi ta không còn phải bận tâm suy nghĩ về bản thân và đáp ứng ngay như với những nhu cầu của cơ thể. Chỉ như thế, linh hồn ta mới có thể thông hiệp với Thiên Chúa hoàn toàn.

(Còn tiếp)

Chuyển ngữ: Sr. Emmanuel Phan, Fmsr

Charles Peek

Source: sermons.faithlife.com

 

 

 

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Bằng cả tấm lòng

...biết nhạy bén với ơn đổi mới của Thánh Thần mà điều chỉnh lại thứ tự ưu tiên cho cuộc đời mình

Trả lời