Sống khiết tịnh là giới răn yêu thương

SỐNG KHIẾT TỊNH là SỐNG GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG

Lời Chúa : Mc 12, 28b-31

Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: “Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Còn đây là giới răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. 

Hôm nay Hội Dòng con bước vào tuần 3 ngày đặc biệt chuẩn bị nhắc lại lời cam kết sống 3 lời khuyên phúc âm: Khiết Tịnh, Nghèo Khó và Vâng Phục. Cụ thể trong ngày thứ nhất là Lời khấn Khiết Tịnh. Con suy tư, cầu nguyện và phản tỉnh lại việc sống lời khấn này trong việc thực thi giới răn kính mến Thiên Chúa, yêu thương tha nhân. 

Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là 2 giới răn nền tảng gốc rễ mà Thiên Chúa đã truyền cho mọi người tin vào Thiên Chúa, tin vào ĐGS phải thực hành. Hai điều răn này không thể tách rời, không thể thiếu nhau. Nếu ai yêu Chúa thật thì cũng sẽ biết yêu người thật. Ai yêu Chúa nhiều thì cũng sẽ yêu tha nhân nhiều. Và ai yêu Chúa hết lòng hết sức thì cũng sẽ yêu hết mọi người dạ hết tâm như Mẹ Thánh Tê-rê-sa Calcutta, thánh Phanxico Savie. Ai dám dùng tính mạng để bảo vệ đức tin và để minh chứng tình yêu với Thiên Chúa thì người đó cũng dám dùng tính mạng để bảo vệ anh chị em mình không phân biệt tôn giáo, địa vị giai cấp, màu da, ngôn ngữ như mẫu gương Thánh Maximilian Maria Kolbe. Người sống đời khiết tịnh thánh hiến được mời gọi và được ban ơn để sống giới răn yêu thương này cách trọn vẹn hơn. 

Bản chất của lời khấn khiết tịnh

Lời khấn khiết tịnh mang một vị trí đặc biệt bởi đây là lời khấn duy nhất mang nội dung bất di dịch cho mọi hình thức thánh hiến tu trì qua mọi thời đại, và đây cũng là lời khấn, với nghĩa vụ độc thân kèm theo, có tính chất “lời khuyên Phúc Âm” nhất theo nghĩa chặt của ngôn từ. Có lẽ cũng chính vì thế mà thay vì sắp xếp theo trình tự cổ điển (thanh bần, khiết tịnh, vâng phục), các văn kiện Công Đồng đã đặt lời khấn này lên trước, bởi đó là lời khuyên được Chúa Giêsu kêu mời rõ ràng nhất (x. Mt 19,12), được thánh Phaolô nhấn mạnh nhất (x.1 Cr 7, 32-35), được nhìn nhận và tuân giữ như một hình thức của cuộc sống tận hiến sớm nhất (x. Cv 21,9).

Sống Khiết tịnh để yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự

Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến khẳng định: những người độc thân trinh khiết cam kết sống khiết tịnh để biểu lộ một con tim không chia sẻ, dâng hiến cho Thiên Chúa (x. 1 Cr 7,32-34), là phản ảnh của tình yêu vô biên đang nối kết Ba Ngôi Vị Thần Linh trong chiều sâu nhiệm mầu của đời sống Ba Ngôi; tình yêu mà Ngôi Lời nhập thể làm chứng cho đến hy sinh mạng sống; tình yêu “đã được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần” (Rm 5,5), tình yêu thúc bách chúng ta đáp trả với trọn tình yêu dành cho Thiên Chúa. (ĐSTH 21)

Sắc Lệnh Canh Tân Thích Nghi Dòng Tu trình bày: Khiết tịnh thánh hiến là phương tiện thích hợp nhất cho các tu sĩ hân hoan hiến mình phụng sự Thiên Chúa (Perfectae Caritatis, số 12). Khiết tịnh là trái tim của đời tu, và không thể tách rời khỏi sự thánh thiện của Giáo Hội (Linh mục Gambri). Theo cha Marcello de Carvalho Azevedo trong tác phẩm “Ơn gọi và sứ mạng” thì cho rằng khiết tịnh là yêu thương mà đối tượng là chính Chúa. Người khiết tịnh hiểu được giá trị tuyệt vời của tình yêu ấy, nên quyết chí hiến trọn cả hồn xác cho tình yêu này, họ mạc khải cho người khác hiểu được tình yêu đó. Sống khiết tịnh là hiến dâng cho Đức Kitô sức mạnh của tình yêu, là dấu chỉ và động lực của đức ái. 

Hiến Luật Dòng số 6.1 khẳng định: Đời sống khiết tịnh là một ân huệ cao quý Thiên Chúa ban, nhằm giải thoát tâm hồn và thanh luyện con tim khỏi mọi ràng buộc, để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân cách trọn vẹn và nồng nàn hơn. Số 6.3 giải thích: Khấn khiết tịnh, chị em tự nguyện sống độc thân vì Nước Trời trong sự tiết chế hoàn, để hiến dâng cho Thiên Chúa một tình yêu trọn vẹn không chia sẻ. 

Như vậy, sống khiết tịnh đời tu không chỉ dừng lại việc dứt khoát khước từ mọi ước muốn, hành vi khoái lạc nhục thể hay tình yêu phái tính; khước từ hôn nhân gắn kết với một người hay một số người; khước từ khả năng làm cha làm mẹ về mặt thể lý; và chấp nhận sự cô đơn suốt cả cuộc đời. Nhưng vượt trên tất cả những điều ấy, người sống khiết tịnh phải dành trọn vẹn con tim để yêu mến, tôn thờ một Thiên Chúa, dành tất cả năng lực, trí tâm để gắn bó với một Đức Kitô mà thôi. 

  1. Sống khiết tịnh để yêu mến Chúa Giêsu

Chúa Giêsu rất yêu mến đời sống khiết tịnh. Người đã sống cả một đời và trải qua tuổi trẻ của mình chỉ để làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”. Người nêu gương cho những ai muốn phục vụ “Danh Cha” và “Nước Cha” như Người, một tấm gương của sự kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa, bằng một trái tim không san sẻ, một tâm hồn trong sạch, không mảy may dính bén chút tỳ ố nào.

Chúa Giêsu dạy ta phải giữ đức Khiết tịnh. “Anh em nghe luật dạy người xưa rằng: “Chớ ngoại tình”. Chúa Giêsu cũng nói, Thầy bảo cho anh em biết: “Ai nhìn người phụ nữ  mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,27-28). Với con nếu con nhìn một người nào đó mà muốn chiếm hữu họ để cho riêng mình thì đã không sống khiết tịnh. Trong mối phúc thứ sáu: “Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa” (Mt 5,8). Chỉ có sống những gì Chúa Giêsu đã sống, thực hiện lời Người dạy, con mới trở nên hoàn thiện. Bởi đó, để yêu mến Chúa Giêsu và được Người yêu mến, con cần sống đức khiết tịnh theo gương Người. Vì Người yêu mến những ai biết gìn giữ nét đẹp vẹn toàn của tâm hồn.

Thế nên, nhìn lại và phản tỉnh đời sống thực tế của con trong năm qua theo mẫu gương của Đức Giêsu, ánh sáng của giáo huấn của Giáo hội và Hiến Luật Dòng trong việc sống lời khấn này của con là điều cần thiết. Con tự vấn: Con đã dành trọn con tim yêu thương của con cho đối tượng nào? Chúa Giêsu có phải là đối tượng tình yêu trên hết của con không? Con đã để Chúa chi phối đời sống tình cảm của con như thế nào? Con đã làm gì để Đấng con yêu mến và thuộc về thấy hài lòng? 

  1. Sống khiết tịnh để thực hành đức ái đối với tha nhân

Thiên Chúa tuy vô hình nhưng lại hiện diện và hiện thân trong và nơi những con người bằng xương bằng thịt. Tin mừng Matthêu chương 25 đã ghi lại lời của Đức Vua trong ngày sau hết: mỗi lần các con cho một trong người anh em bé mọn nhất này ăn no, mặc ấm và giúp đỡ họ khi cần là lúc các con đang làm cho chính Ta vậy (x.Mt 25, 40). Thế nên dấu hiệu và hoa quả của lòng yêu mến Thiên Chúa thật là con cũng yêu tha nhân thật, yêu như Chúa yêu, và yêu họ như yêu chính mình. 

Sắc lệnh Canh Tân Thích Nghi Dòng tu số 12 trình bày: Khiết tịnh thánh hiến là phương tiện thích hợp nhất cho các tu sĩ hân hoan hiến mình phụng sự Thiên Chúa và làm việc tông đồ (PC, 12). Người thánh hiến sống khiết tịnh trong đời sống cộng đoàn hay đi làm việc tông đồ là tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu – là trao ban tình thương của Thiên Chúa cho mọi người bằng tình yêu sâu đậm với Người. Quả thực, lời khấn khiết tịnh giúp mở rộng con tim người thánh hiến, biến đổi họ “đạt đến chiều kích của con tim Đức Kitô và làm cho nó có thể yêu mến như Người đã yêu” (Xuất Phát Lại từ ĐKT 22). Lời khấn khiết tịnh giúp tu sĩ mở rộng khả năng yêu mến, phục vụ người khác trong tinh thần huynh đệ, và sống đức ái một cách tròn đầy hơn.

Theo Kinh Thánh, khiết tịnh trong đời thánh hiến là một lối sống do Chúa ban ơn, để dấn thân vì Nước Trời, tới mức sẵn sàng từ khước tất cả ràng buộc tình cảm mang tính chiếm hữu đặt để nơi một hoặc vài người (x. Lc 14, 26-27), hầu thảnh thơi phục vụ Giáo hội, sống đẹp lòng Chúa, nên thánh, thuộc trọn về Chúa và nên tất cả mọi sự cho mọi người (x. 1 Cr 7, 32-35).  Lối sống này là một hồng ân Chúa ban cho một số người, nhằm hoạ lại đời sống thánh khiết của Chúa Kitô để phục vụ Nước Trời. Đức Kitô khi nhập thể trong trần gian, Người luôn luôn quy hướng tình yêu của mình về Chúa Cha, làm mọi sự vì yêu Cha và theo thánh ý Cha. Đồng thời Người cũng sống hết tình với tha nhân. Người yêu thương, tôn trọng, đón nhận mọi người không phân biệt họ là người Do Thái hay Samari, người công chính hay người tội lỗi; Người đến nhà ông trưởng hội đường; Người ghé vào dùng bữa nhà Ông thu thuế; Người chữa bệnh cho người phong hủi và cho mẹ vợ của Phêrô. Người đụng chạm đến người đau yếu, tổn thương; Người chăm lo dạy dỗ các môn đệ. Người đón nhận sự phục vụ của người khác… Tình yêu của Đức Giêsu dành cho mọi người luôn tròn đầy, tự do, rộng mở; Người không để ai lệ thuộc và cũng không lệ thuộc ai. Đức Giêsu là mẫu gương hoàn hảo của một đời thanh khiết trong sạch vì Nước Trời và vì thế gian. 

Khấn sống khiết tịnh của chị Em Mân Côi cũng nhắm đến mục đích là vì Nước Trời trong sự tiết chế hoàn toàn để yêu thương mọi người bằng một tình yêu vị tha và cứu độ (x.HLD 6.3). Chị em Mân Côi “Sống đời độc thân thánh hiến … với một tình yêu rộng mở và đời sống phục vụ trong vui tươi hạnh phúc, chị em chứng tỏ cho mọi người thấy rằng đời sống khiết tịnh vì Nước Trời giúp chị em … có khả năng yêu thương hết mọi người bằng tình yêu rộng mở của Chúa Giêsu” (HLD 6.2) Như vậy, Sống đức khiết tịnh thánh hiến sẽ làm thăng hoa tình yêu nhân loại, biến nó thành một thứ tình yêu thuần khiết hướng lên Thiên Chúa và hướng đến tha nhân.

  1. Sống khiết tịnh là yêu như Chúa yêu

Sống khiết tịnh là yêu như Chúa yêu. Nhưng để hiểu thấu đáo và có thể thực hành cách “yêu như Chúa yêu” thì không đơn giản và dễ dàng. Nó luôn đòi sự hy sinh tự nguyện hoàn toàn. Dưới lăng kính của đức ái, “sự hy sinh tự nguyện và hoàn toàn” đó phải phát xuất từ tình yêu, bị thu hút bởi tình yêu tuyệt đối của Chúa và muốn dâng hiến cho tình yêu đó qua việc dấn thân thể hiện tình yêu đó cho mọi người. Chính tình yêu Thiên Chúa đem lại cho đức khiết tịnh ý nghĩa trọn vẹn cũng như tăng cường tình yêu huynh đệ. Tinh thần sẵn sàng yêu thương phục vụ tha nhân bắt nguồn từ sự tận hiến cho Thiên Chúa.

Mẹ Maria mẫu gương tuyệt hảo của đời sống trinh khiết. Mẹ tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Mẹ yêu mến Thiên Chúa không ai sánh bằng và Mẹ cũng yêu tha nhân không ai so được. Mẹ tự nguyện đón nhận và dấn thân cho sứ mạng của Thiên Chúa. Mẹ đã vội vã đem ơn cứu độ đến cho gia đình người chị họ. Mẹ yêu thương tôn trọng Thánh Giuse. Mẹ quan tâm đến mọi người xung quanh như trong tiệc cưới tại Cana. Mẹ đồng hành với các môn đệ trong lúc họ thất vọng, sợ hãi, buồn nản.

Đời sống khiết tịnh của con được nâng đỡ và theo gương của Mẹ. Nhưng trong đời sống thường hằng của con, con không hay lỗi đức khiết tịnh theo mặt pháp lý nhưng hay lỗi theo tinh thần của đức bác ái.

Theo Cha Timothy Radcliffe phân tích: lỗi phạm đức khiết tịnh thường là đã không yêu như Chúa yêu. Tác giả của quyển sách “Proclaiming His Kingdom”, John Fuellen Bach đã đưa ra một số câu hỏi gợi ý để tự vấn “Tôi đã sống khiết tịnh chưa?” được tạm dịch như sau: 

  1. Con có thật sự quan tâm đến chị em trong cộng đoàn với một tình yêu cảm thông, nghĩa là chia sẻ gánh nặng cho chị em, hiện diện với chị em và hiện diện không phải như một người quen biết sơ sơ?
  2. Con có phải là người biết sẵn sàng và vui sướng nhận ra những điều tốt lành mà người khác làm không? Con có thể nói với họ một lời cảm kích thật lòng không? Con có vượt qua được sự lãnh đạm khi biết rằng mình không được ai đánh giá cao không? Con có vượt qua được sự ghen tị khi con thấy người khác làm điều gì đó mà con không làm tốt được như họ không?
  3. Con có quảng đại với người khác không hay là con để cho người khác phải “trả” cho những gì con làm cho họ.Lòng mến khách là một đức tính cao quý nhất trong Giáo hội sơ khai. Con có phải là một người hiếu khách, biết đón tiếp khách vào nhà mà không quan tâm tới chi phí tốn kém không?
  4. Con có phải là con người biết ơn không? Nơi những con người biết ơn, luôn có một sự bén nhạy đối với những điều tốt lành tồn tại xung quanh họ. Con có thấy được sự thiện hảo của Thiên Chúa qua những sự vật, sự việc rất nhỏ trong cuộc sống của con và nơi những gì người khác làm cho con? Hay là con đã nhận lãnh tất cả như là điều đương nhiên?
  5. Tất cả nhân loại đều khao khát được xác nhận, được đón nhận và được yêu. Con có phải là người biết nhận ra giá trị của người khác và giúp họ nhận ra chính họ không? 

Qua bản câu hỏi này, con ước mong mỗi ngày con nhận ra chính mình hơn trong việc sống khiết tịnh là sống tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

Sống khiết tịnh đúng nghĩa mời gọi con chìm sâu vào tình yêu Chúa, để từ đó con mang tình yêu ấy lan tỏa khắp không gian và thời gian. Đây là một lối sống đậm chất yêu nhờ một lực đẩy mãnh liệt đến từ con tim luôn biết bước đi trước mặt Chúa và để mở ra với tất cả mọi người. Như thế càng sống lời khấn khiết tịnh, con phải cảm thấy mình càng sống chan hoà hơn, cởi mở hơn, yêu đời hơn, yêu người hơn, lôi kéo người khác về với Chúa hơn, trở thành người của tất cả mọi người, chứ không đóng kín, trở thành “của riêng” một ai đó, kể cả chính mình. “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui” (ĐGH Phanxico).

Trong thời đại ngày nay, lời khấn khiết tịnh được xem như lời khấn quan trọng nhất, và cũng là lời khấn khó giữ nhất, những cái khó ấy xuất phát từ xã hội và từ chính những người sống đời thánh hiến. Vì thế, con cần thực hiện ba điểm chính yếu của đời tu: tìm kiếm và đặt Chúa trên hết và là đối tượng tình yêu của con. Kế đến con cần sống tinh thần đức ái hiệp thông biết ơn với chị em trong cộng đoàn. Cuối cùng cậy nhờ tình yêu của Chúa con mới đủ sức, đủ lực, đủ sáng tạo để yêu thương phục vụ tha nhân.

Gc. Đinh Thúy – FMSR

Trích nguyện gẫm dịp nhắc lại lời khấn 2022

About dongmancoichihoavn

Check Also

khám phá và chữa lành bản thân của mình... “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”

Trả lời