Nhật ký thiện nguyện tuần đầu tại bệnh viện dã chiến Tân Bình

NHẬT KÝ TUẦN ĐẦU TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN TÂN BÌNH

 

Ngày… tháng… năm…

TÂM TÌNH HIỆP HÀNH

Chúa kính mến!

Khi dòng họ nhà Covid phân tán lực lượng trên địa bàn cả nước Việt Nam, Hội Dòng của con và các Hội Dòng bạn dù chẳng muốn nhưng vẫn phải mở cổng nội vi để tiếp đón “vị khách quốc tế’ này.  “Khách” đến nhà, có lẽ mối lo ngại lúc này không còn là vấn đề sinh tử, nhưng là sự phiền hà trong sứ vụ, vì nét đặc trưng của Covid là thích truyện trò riêng tư trong phòng với đối tượng Covid thích, ít là 7 ngày.

Chúa thấy đó, Hội Dòng nào cũng bắt đầu trở lại sứ vụ, tu sĩ nào cũng có sứ vụ. Dù anh em nhà Covid ghé thăm chúng con mỗi ngày, nhưng Chúa vẫn cho guồng máy sứ vụ của các Hội Dòng luân chuyển nhịp nhàng và khởi sắc, bởi do lý tưởng dâng hiến, các chị em trong Dòng đã không nề hà để gánh vác sứ vụ cho nhau trong thời khắc đặc biệt này. Đó là nét đẹp của đời dâng hiến, nó luôn thu hút con, như tâm tình của Vịnh gia cảm nhận:

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,

Anh (chị) em được sống vui vầy bên nhau. (Tv. 132)

 Tạ ơn Chúa đã cho nội vi của Hội Dòng chúng con được bình an, hoan lạc trong sự khởi sắc của sứ vụ. Tạ ơn Chúa đã cho chúng con được sống trong đất nước bình an, không phải thấp thỏm bom đạn như các anh chị em tại Ukraine. Tâm tình tạ ơn thúc đẩy con dâng hiến thân mình ra ngoại biên của Bệnh viện Dã chiến Tân Bình, thể theo lời mời gọi của Bề trên Giáo phận là Đức Tổng Giuse.

Thưa Chúa, con thực lòng muốn hiệp hành cùng Giáo hội địa phương trong bối cảnh của xã hội hôm nay. Con tạ ơn Chúa đã gởi đến cho con những người chị em đã quảng đại, sẵn sàng hy sinh gánh vác, chung chia sứ vụ thay cho con trong thời gian con vắng nhà. Có lẽ những người chị em đó cũng muốn hiệp hành cùng Giáo hội, nhưng trong sự âm thầm của đội ngũ “thiện nguyện ẩn danh”. Xin Chúa chúc lành cho thiện ý của con và của các anh chị em đang cùng nhịp đập khao khát hiến thân phục vụ bệnh nhân Covid trong thế kỷ 21 này.

Ngày… tháng… năm…

NHIỀU CUNG BẬC CẢM XÚC

Chúa kính mến!

Hôm nay là ngày nhóm tu sĩ của chúng con đến Bệnh viện dã chiến Tân Bình để được tập huấn và bắt đầu sứ vụ phục vụ bệnh nhân. Một hành trang tâm linh rất ấn tượng Chúa đã âm thầm gởi tặng cho con qua bài Tin mừng trong thánh lễ (Mt 25, 31-46). Chúa thấu hiểu nỗi lòng của con, dù con đã suy nghĩ cầu nguyện trước khi quyết định việc tự nguyện đi vào môi trường lây nhiễm này, nhưng đến ngày đi, một thoáng chơi vơi đến trong lòng con, đan xen chút sợ hãi vô hình và những lắng lo có tên gọi: sức khỏe bản thân; tính nhát sợ và sự nghĩ ngợi “nhà mình” đang có F0 mà con lại đi phục vụ “F0 nhà người ta”…

Khi nghe vị chủ tế công bố Tin mừng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, vì xưa Ta đói, Ta khát, Ta là khách lạ, Ta đau yếu… các ngươi đã cho ăn, cho uống, đã tiếp rước, đã thăm nom. Con đã xúc động vì cảm nhận Chúa đang trực tiếp gọi tên con và Chúa nói với con. Ơn an ủi này đã tiếp thêm sức mạnh cho con. Con bình an và hân hoan tiến bước.

Đến bệnh viện, chúng con được các Bác sĩ cho biết hiện trạng của Bệnh viện dã chiến trong thời điểm này đa phần là người lớn tuổi. Tuy không có nhiều ca nhiễm trở bệnh nặng nhưng đội ngũ y-bác sĩ đang rất thiếu vì phải tập trung chữa trị cho các bệnh nhân khác tại bệnh viện mình đang phục vụ. Con lại xác tín: Chúa đang cần con.

Con xin tạ ơn Chúa đã luôn bên cạnh con và sẻ chia những cung bậc cảm xúc trong cuộc đời con.

Lạy Chúa,

Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa…

Mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.  (Tv 138)

Ngày… tháng… năm…

THỪA HƯỞNG GIA TÀI THƯƠNG HIỆU RIÊNG

Chúa kính mến!

Hôm nay vào bệnh viện, dù con khoác trên mình bộ đồ bảo hộ bí bức giữa cái nắng nóng của tháng 3 Sài Gòn, nhưng sao tâm hồn con lại tràn ngập niềm vui khi tiếp cận với bệnh nhân. Mầu nhiệm thứ 2 mùa Vui con đọc trên đường khi đến bệnh viện dường như vẫn đang tiếp nối tạo thành xâu chuỗi Mân Côi sống động trong không gian của đại gia đình nhiễm Covid. Những vụng về luống cuống của con- người mới học việc cũng được các bác sĩ, y tá tôn trọng. Con chân thật nói với lòng mình: đây không phải là thành tích của con, nhưng con được thừa hưởng một gia tài TÍN NHIỆM của các nhóm tu sĩ thiện nguyện đi trước. Con nhớ lại ngày hôm qua, khi gặp gỡ các đoàn thiện nguyện, điểm danh đến nhóm thiện nguyện tu sĩ, Bác sĩ phó Giám đốc bệnh viện Thống Nhất đã “phát loa” với cung giọng mộ mến mà rằng: Qua các đợt thiện nguyện lần trước, các cha, các thầy, các sơ đã tạo được THƯƠNG HIỆU RIÊNG khi cộng tác với đội ngũ y tế để lo cho bệnh nhân. Chúng tôi và các bệnh nhân rất cảm phục, biết ơn tấm lòng cũng như sự hy sinh quên mình của quý vị. Quý vị không chỉ giúp các bệnh nhân về mặt thể lý, nhưng còn làm cho tinh thần bệnh nhân được phấn chấn hơn, đội ngũ y tế chúng tôi cũng được tiếp thêm năng lượng tích cực trong những ngày đại dịch khó khăn đó.

Con xin tạ ơn Chúa đã cho Giáo hội Việt Nam có cơ hội được hồi sinh trong cơn đại dịch Covid. Con cảm tạ Chúa đã cho “dầu thánh hiến” của chúng con được tỏa hương trong cung cách phục vụ. Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng và giúp chúng con biết tiếp tục làm cho GIA TÀI THƯƠNG HIỆU RIÊNG của đời dâng hiến được phân phát tới mọi biên cương của dải đất hình chữ S thân yêu này.

Việc Chúa làm quả thật lớn lao…

Sức mạnh việc Người làm, Người cho dân thấy rõ,

Khi tặng ban cho họ gia sản của chư dân. (Tv. 111)

Ngày… tháng… năm…

NGƯỜI VÔ THẦN THẤY CHÚA NHƯ AI!

Chúa kính mến,

Cho tới giờ con vẫn chưa tin vào tai mình về lời nhận định chiều nay của ông cụ 80 tuổi nằm ở giường D1.1. Ngày hôm trước, Cụ đã vui vẻ làm thơ, sáng tác bài hát và hát cho con nghe. Dù chỉ ở không gian chật hẹp trên giường bệnh, nhưng máu hướng đạo ngày xưa của Ông còn “nguyên chất”. Ông giơ tay chỉ cho con cách đập nhịp 2/4, cách xếp đội hình trong bài hát và múa làm sao ở đoạn điệp khúc. Nội dung bài hát đại ý là khen ngợi, cám ơn đội ngũ y tế và các thiện nguyện viên trong thời gian đại dịch… Hôm nay, khi vừa giúp bà cụ 98 tuổi dùng xong bữa tối, Ông cụ vời con lại và nói: “cháu ơi, bác thấy Chúa ở trong cháu. Cháu rất có tấm lòng, nước Việt Nam mình mà có nhiều người như cháu thì hòa bình lắm!”. Con rất ngại với lời khen của Cụ vì hình như Cụ nặng tai nên nói to, các bệnh nhân giường bên cạnh cứ trố mắt nhìn Cụ và con. Con đáp lễ bằng lời cảm ơn và sau đó ghé vào tai Cụ hỏi: Bác ở giáo xứ nào vậy ạ? (cách hỏi của con hơi rụt rè vì con đã ghim trong đầu ông cụ này là Bác sĩ nghỉ hưu và không theo đạo Công giáo) – Cụ đáp: Bác là người Vô Thần. Bác không thờ Phật, thờ Chúa, nhưng Bác lại thấy Chúa ở trong Cháu. Có lẽ Cụ thấy ánh nhìn của con đang có chút tư lự nên Cụ lại lớn tiếng: Bác nói thật! Bác thấy Chúa ở trong Cháu. Cháu có tin không? Con lúng túng nên tiếp tục nói lời cảm ơn Cụ thay cho câu trả lời tin hay không tin. Sau đó, con lặng lẽ đi qua các dãy giường khác để tiếp tục công việc, nhưng trong tâm trí vẫn vang lên câu nói của Cụ: Bác là người vô Thần, nhưng Bác thấy Chúa ở trong cháu.

Con xin tạ ơn Chúa về niềm vui danh Chúa được thêm người “vô thần” biết đến. Con cảm nhận ánh sáng Chúa biến hình trong ngày Chúa Nhật thứ II mùa Chay đang chiếu sáng tâm hồn Cụ và tâm hồn con.

Ai là nam thanh, ai là nữ tú, khắp mặt bô lão, khắp mặt nhi đồng!

Nào ca tụng thánh danh ĐỨC CHÚA,

vì thánh danh Người cao cả vô song,

và oai phong vượt quá đất trời.  (Tv. 148)

 

Ngày… tháng… năm…

TRÀNG CHUỖI MÙA THƯƠNG

Chúa kính mến!

Hôm nay là ngày thứ 6 con giúp bệnh nhân nhiễm Covid, một thoáng muốn chùn bước chợt đến khi con chuẩn bị hành trang vào bệnh viện. Có lẽ cái ký ức mệt lả, ướt sũng khẩu trang và khô ran cuống họng của ngày hôm qua ùa về??? Như một trò chơi ú òa, Chúa để ký ức sợ hãi đến rồi Chúa lại cho nếm trải ký ức ngọt ngào khi con được Lời Chúa đụng chạm trong ngày đầu tiên đến Bệnh viện. Thế là con có động lực “say mê hiện tại”[1] với phạm vi trên dưới 140 bệnh nhân nhiễm Covid.

Xin dâng lên Chúa từng giọt mồ hôi lao tác mỗi ngày trong bệnh viện, mong được kết thành tràng chuỗi mùa Thương trong mùa Chay Thánh, để xin Chúa thanh luyện tâm hồn con. Xin cho con được góp những hy sinh và lời cầu nguyện bé nhỏ của mình vào lời cầu nguyện của Giáo hội để cầu nguyện cho hòa bình tại đất nước Ukraine, và cho ký ức sợ hãi của cơn đại dịch được xóa khỏi tâm trí con người trên thế giới này.

Con cùng Mẹ đếm từng hạt THƯƠNG đau lữ thứ,

Mẹ cùng con gửi niềm đau bên Thập Tự Giêsu.

                                  

Nt. Maria Têrêsa Diễm Hạnh, FMSR

[1] X. Tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến của ĐTC Phanxicô

About dongmancoichihoavn

Check Also

khám phá và chữa lành bản thân của mình... “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”

Trả lời