Nghèo khó – từng bước nhỏ theo Thầy

NGHÈO KHÓ, TỪNG BƯỚC NHỎ THEO THẦY

(Nguyện gẫm chuẩn bị nhắc lại Lời khấn dòng)

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, con xin dâng lên Chúa ngày mới hôm nay cùng với khao khát bước đi trước tôn nhan Chúa và nên hoàn thiện hơn từng ngày trong đời dâng hiến với ba lời khấn dòng, đặc biệt với lời khấn nghèo khó mà Chúa Giêsu đã mời gọi con bước đi theo Người. Xin Chúa Thánh Thần nguồn ủi an vô tận, Đấng hằng ngự trị trong sâu thẳm tâm hồn con, lấp đầy tâm hồn con niềm khát vọng chiếm hữu chính Đấng là sự giàu sang thiện hảo, để Người trở nên gia nghiệp của con mãi mãi…

 “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”

Ở thời đại nào thì tiền bạc, của cải vật chất và sự giàu sang cũng luôn thu hút con người và được con người kiếm tìm. Xã hội đang trên đà phát triển, càng ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi cho con người sống thoải mái và hưởng thụ. Chính trong sự phát triển đó, những ý niệm về một cuộc sống đơn giản, tiết kiệm… bị gạt ra bên lề, không mấy ai nhắc đến; còn những khái niệm về khổ chế, hy sinh từ bỏ… lại càng trở nên xa lạ!

Do đó, trong đời sống thánh hiến, cũng có những khủng hoảng liên quan đến bản chất của ơn gọi tu trì. Có nhiều người đi tu nhưng là đi tìm một cuộc sống thoải mái, với những tiện nghi, những điều kiện an toàn về cuộc sống, không phải lo cơm áo gạo tiền… Trong khi đó nếp sống nghèo khó đơn sơ với tinh thần siêu thoát từ bỏ, với hành vi khổ chế hy sinh trong đời tu vẫn còn nguyên giá trị, giúp chúng ta được giải thoát và hưởng mối phúc đầu tiên mà Chúa Giêsu đã công bố: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).

  1. Bản chất lời khấn nghèo khó

Thái độ căn bản về lời khấn nghèo khó đời tu là khước từ giàu sang vật chất để hướng tìm những sự trên trời. Từ đó đưa đến một cuộc sống chừng mực trong việc sử dụng tiền của, tức là sử dụng khi cần thiết và hợp với chức năng của vật chất mà Thiên Chúa đã an bài. Một đời sống như thế đòi phải có sự từ bỏ giúp tu sĩ thắng vượt được bản năng muốn chiếm hữu và sở hữu của con người.

Kế đến, đời sống nghèo khó của tu sĩ phải từ trong lòng. Người ta vẫn có thể sống tinh thần nghèo giữa sự giàu có; tuy nhiên để đức nghèo trở nên một thực tại, cần thiết phải có những hình thức cụ thể trong việc xa tránh, giới hạn và từ bỏ việc sử dụng tiền của. Đức nghèo sẽ đúng nghĩa và chân thực khi có giới hạn về quyền sở hữu, quyền định đoạt và sử dụng của cải theo quy định của Hội Dòng mà tu sĩ đã tự nguyện bước vào.

Hiến Luật dòng Mân Côi đã khẳng định đời sống nghèo khó là một cuộc sống siêu thoát, lo tìm kiếm Nước Trời, hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa, thoát khỏi mọi lo toan về vật chất để tự do phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân:

“Đời sống nghèo khó của chị em Mân Côi có một ý nghĩa và giá trị sâu xa  hơn khi chị em sống nghèo khó trong tinh thần, chỉ lo tìm kiếm kho tàng trên trời. Điều này giúp chị em tín thác nơi Thiên Chúa như những thụ tạo của Người, được tự do nội tâm, siêu thoát khỏi mọi vinh quang và của cải trần thế, để mở rộng lòng với Chúa và tha nhân” (HLD 9.2).

  1. Nữ tu Mân Côi sống nghèo khó

Hiến Luật Dòng 9.3 quy định nếp sống nghèo của nữ tu Mân Côi:

Khấn nghèo khó, chị em từ bỏ quyền tự do sử dụng và định đoạt về của cải vật chất, chấp nhận sự hạn chế và lệ thuộc Bề trên cũng như Hội Dòng trong việc sử dụng tiền của.

Ở đây, nêu rõ 2 đòi hỏi của lời khấn nghèo khó là “hạn chế” và “lệ thuộc”. Sự khổ chế, từ bỏ, hy sinh cần thiết cho người đã khấn nghèo khó, để chấp nhận “sự hạn chế” trong những nhu cầu đời sống, có thể không như mình mong đợi hay ước mơ, và đôi khi thiếu cả những cái cần. Tiếp đến đòi tôi một sự khiêm tốn đơn thành, thể hiện “sự lệ thuộc” Bề trên cũng như Hội Dòng qua việc xin phép cho, nhận, sử dụng hay định đoạt về đồ dùng tiền bạc; qua việc trình bày những nhu cầu của mình, và lãnh nhận sự chăm sóc từ Hội Dòng mà nhiều khi không hợp ý mình. Thật vậy, tôi chỉ có thể sống thực tế đức nghèo khó khiêm nhu trong một thái độ khổ chế mà thôi.

Tuy nhiên, như vậy thôi cũng chưa đủ, để trung thành với đời sống nghèo khó, để nên giống Chúa Giêsu, tôi còn cần phải vượt qua giới hạn của lời khấn của luật buộc, để đi sâu hơn nữa vào sự nghèo khó nội tâm: một sự nghèo khó không chỉ là khước từ những của cải những sở hữu vật chất hay tinh thần, nhưng một sự nghèo khó giúp tôi chọn chính Thiên Chúa để bước đi trên con đường hoàn thiện. Chính vì vậy, Hiến Luật Dòng 10.1 tiếp tục mời gọi: “Chị em chọn sống nghèo khó như một mối phúc: “Phúc cho anh em là những người nghèo khó”, và như một lựa chọn ưu tiên đối với Thiên Chúa là chủ duy nhất đời mình.

Như vậy, Thiên Chúa phải là ưu tiên trong từng chọn lựa của tôi. Mỗi khoảnh khắc, mỗi chọn lựa trong cuộc sống hằng ngày là từng bước tôi đi theo Chúa, nên giống Người. Một nữ tu ham thích danh tiếng, tìm sự ngưỡng mộ, quan tâm đến dáng vẻ bên ngoài, đồ dùng quần áo phải hợp mode, hợp với sở thích, sống tách biệt, ngại dấn thân, tìm sự an nhàn hưởng thụ, nếp sống trưởng giả khác xa với chính hoàn cảnh gia đình thực tế của mình tại quê nhà… không ai tin nữ tu đó có khả năng giữ lời khấn nghèo khó hay đang sống đức nghèo khó.

  1. Sống nghèo trong thực tế

Sự nghèo khó vật chất mà chúng ta tự nguyện sống trước hết là sự tách mình ra khỏi các dính bén của cải trần thế. Sau là dùng của cải vật chất mà Thiên Chúa ban cho để chia sẻ, để phục vụ tha nhân và làm vinh danh Thiên Chúa.

  1. a) Tách mình khỏi những dính bén của cải trần thế

– Có lúc tôi nghĩ rằng: “Tôi đâu có dính bén bất cứ gì, mọi cái tôi đang có và đang sử dụng tôi đâu có bị chúng chi phối hay ràng buộc. Tôi sống tinh thần nghèo khó, tôi dùng của mà tôi đâu có lòng tham hay dính bén”. Thế nhưng hãy thử bỏ bớt đi vài thứ tôi đang sở hữu xem nó có níu kéo tôi không, xem tôi có khó chịu hay tiếc nuối không. Hãy thành thật với chính mình!

– Rồi trong cụ thể, qua giao tiếp hằng ngày, qua đời sống sứ vụ… tôi nhận được tiền bạc hay quà tặng thể hiện lòng quý mến và biết ơn dành cho mình. Tôi có nhớ rằng những “thành quả lao động và những của biếu tặng cho chị em” thì thuộc về Cộng Đoàn như HLD 142.3 xác định không? Trong thực tế, tôi tự ý giữ lại và cũng có khi xin phép giữ lại những món quà mà tôi ưa thích hoặc vì có một kỷ niệm nào đấy chứ thực sự không cần, bởi trước khi nó xuất hiện tôi đã không có nhu cầu về nó.

Vậy để thực sự sống nghèo khó, tốt nhất tôi hãy giữ lòng thanh thoát mà giao nộp tất cả, để con tim được tự do, không bị níu kéo ràng buộc bởi những thứ phù vân ấy. Bởi càng bước đi trong hành trình dâng hiến, tôi càng có nhiều cơ hội tiếp cận với những “quà tặng” có giá trị cao hơn, nếu tôi không thanh thản dứt bỏ thì suốt đời tôi luôn bị những thứ phù phiếm ấy chi phối, tôi cứ phải tính toán xem giữ lại gì, giao nộp gì? Điều đó khiến tôi bận lòng, nhớ nhung và tiếc nuối.

  1. b) Chấp nhận sự bấp bênh bất ổn trong cuộc sống

Chúng ta có nhiều cách trắc nghiệm xem mình thực sự có tâm hồn nghèo khó hay không: khi Chúa đòi hỏi tôi ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận những thay đổi, không phải thay đổi chương trình, hay những giờ kinh nguyện hàng ngày, nhưng là thay đổi tận gốc rễ quan điểm của tôi, những khẳng định của tôi, hay ý riêng của tôi. Tôi có thái độ nào, tôi có chấp nhận thay đổi không?

Thực chỉ có người nghèo khó biết mở tai đón nhận những gì không phải là của mình, bởi vì họ tín nhiệm, tin tưởng vào một Đấng Khác, bởi vì họ biết tự mình không thể xoay sở được. Họ có khả năng ra khỏi mình và lên đường, chấp nhận “không sống yên ổn”, bằng lòng để lời Chúa thúc bách, lôi kéo ra khỏi thế giới riêng tư của mình. Bằng lòng cất bước ra đi.

Đức nghèo khó của tôi phải được dệt bằng những xáo trộn hằng ngày, những xáo trộn được tôi vui mừng đón nhận. Khi chấp nhận sự bấp bênh của một người nghèo tôi không cậy dựa vào của cải hay vào những sự đời này mà chỉ tìm kiếm một mình Chúa, chọn Người là sản nghiệp của mình. Theo cha Guy Bedouelle OP.: “Khó nghèo Tin Mừng đồng nghĩa với việc mất đi sự an toàn, là một dấu chứng cho thấy lòng tin tưởng tuyệt đối, cho thấy cuộc sống tương lai dù bấp bênh nhưng đầy đơn sơ và bình an của người tu sĩ”.

Nếu tôi bận tâm đi tìm giàu sang và sự ổn định, đi tìm đáp ứng các nhu cầu: tiện nghi, bảo hiểm, các mối tương giao,  thú vui tinh thần… rồi khi quá dính bén vào đó, tôi sẽ không thể thoát ra để hoạt động cho Nước Chúa và nghĩ đến chia sẻ với những người nghèo, người kém may mắn. Bởi những lo toan cho bản thân đã chiếm hết thời giờ và mối bận tâm của tôi rồi.

Truyện kể lại rằng:

Một du khách với balô trên vai, trèo lên một ngọn núi cao, tìm gặp một vị thiền sư rất nổi tiếng. Anh mong vị thiền sư có thể giúp anh tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Tiến vào trong căn lều với độc nhất một chiếc giường và một vài dụng cụ thô sơ khác. Chàng trai sửng sốt lên tiếng hỏi:

– Làm sao ngài có thể sống đơn thuần với những thứ này?

– Thế anh mang gì trong balô vậy?. Vị thiền sư hỏi.

– Vì mục đích chỉ là dừng chân và muốn xin một lời khuyên của ngài nên cũng chẳng mang gì nhiều ngoài một bộ quần áo. Anh nhanh nhảu đáp.

– Vị thiền sư chậm rãi trả lời: Tôi cũng thế, tôi cũng chỉ ghé ngang cuộc đời này trong chốc lát nên cũng chẳng chuẩn bị gì nhiều.

Sự tạm bợ và chóng qua của cuộc sống hiện tại cũng là ý nghĩa đích thực mà lời khuyên Phúc Âm muốn chúng ta nắm bắt. Đời tu chỉ cho con người thấy sự tạm bợ, chông chênh của thế giới này và sự vĩnh cửu của thế giới mai hậu.

  1. Nghèo khó, từng bước nhỏ theo Thầy

Chọn đời thánh hiến với lời cam kết sống nghèo khó, là tôi bước đi theo Chúa Giêsu mỗi ngày trong sự thanh thoát từ bỏ, là tôi thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, con cũng xin đi theo”, và tôi cũng lắng nghe lời Chúa đáp: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 57).

Lạy Chúa, cách đây đã nhiều năm, hay là mới đây thôi, con nhớ có lần con đã thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, con xin đi theo”, và Chúa đã trả lời con: “Đi theo Thầy ư, chịu nổi không? Khi Thầy không đáp ứng những gì con đang mơ ước hay tìm kiếm. Thầy biết rõ tim đen của con: con vào đây để tìm sự dễ dãi an toàn, tìm sự tiện nghi nhàn hạ, tìm nếp sống giàu sang trưởng giả, để hưởng thụ, để có phương tiện nơi chốn  học hành, để đổi đời, hay đơn giản là để làm theo sở thích của mình…” .

Nhưng ngày qua ngày, con hiểu và thấm hơn lời nói của Chúa và con cứ đi theo Chúa dẫu trong con vẫn còn nhiều mối bận tâm, vẫn còn dính bén trần tục và những của phù vân giả trá ấy.

Hôm nay, Chúa muốn con nhìn lại mình và thành thực với chính mình để cho Lời Chúa một lần nữa vang lên trong con. Vâng, con hiểu đi theo Chúa, làm môn đệ Chúa thì không được để của cải vật chất ràng buộc, phải thanh thản và an nhiên trong sự siêu thoát từ bỏ đến mức không có chỗ tựa đầu. Chỗ dựa duy nhất cho người môn đệ là chính Chúa. Chúa chính là gia nghiệp duy nhất mà con phải kiếm tìm và sở hữu, đây là đòi hỏi của lời khấn nghèo khó. Để Chúa là chỗ dựa duy nhất đời mình, con phải có một niềm tin vững chắc, hoàn toàn phó thác đời mình cho Chúa và vững tâm đi theo Người.  Vì mọi sự trên đời này là phù vân nối tiếp phù vân. Khi nào con không còn bị của cải vật chất ràng buộc, không coi trọng những giá trị hão huyền ngược với tinh thần Phúc Âm, không còn băn khoăn lo lắng tìm kiếm những sự đời này, là lúc con được tự do để theo Chúa; khi nào con không còn suy nghĩ thiệt hơn trong sự dấn thân cho sứ vụ hay trách nhiệm, không còn so đo tính toán để chọn lựa theo sở thích cá nhân, khi ấy con biết mình đã hiểu và chọn theo Chúa, Đấng không có chỗ tựa đầu.

Lạy Chúa, đời sống nghèo khó của con được dệt bằng những chọn lựa trong từng ngày, bởi những đòi hỏi của nghèo khó là những điều rất nhỏ bé, rất tinh tế. Một lần lỗi phạm chưa làm con xa Chúa, chưa làm con phải áy náy đề phòng vì thấy mình vẫn ổn, nhưng từ những dính bén nhỏ ấy dần dần con bị bao phủ bởi những thứ vật chất, những tham vọng, những cám dỗ sở hữu khác khiến con khó lòng từ bỏ, và rồi hình thành nơi con một cuộc sống không còn là cuộc sống của một người nghèo cả bên trong lẫn bên ngoài. Chính vì vậy, để sống một cuộc đời nghèo khó khiêm nhu, tín thác, con cần thể hiện bằng từng bước nhỏ theo Chúa, qua từng khoảnh khắc chọn lựa, qua từng từ bỏ rất nhỏ nhặt… cho đến khi con không còn gì khác ngoài một mình Chúa. Khi ấy Chúa chính là gia nghiệp của con, vẻ đẹp thanh thoát của đức nghèo khó rạng ngời trên con, cuốn hút con, đó cũng là lúc những gì con bỏ lại phía sau không còn sức lôi cuốn và hấp dẫn đối với con nữa. 

  1. Cầu nguyện

– Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức chính con đã chọn và đã khấn sống nghèo khó, đã trở thành một người nghèo tự nguyện, để những khó khăn vất vả, những giới hạn và thiếu thốn trong cuộc sống không làm con phiền lòng hay né tránh, nhưng tâm hồn luôn thanh thoát và tràn đầy niềm vui vì đã có Chúa là gia nghiệp duy nhất.

– Xin cho con cảm nghiệm sâu xa ý nghĩa và niềm vui của việc từ bỏ, để con luôn được tự do thuộc về Chúa; không còn ước muốn chiếm hữu nào trói buộc được lòng con, để con đủ quảng đại chia sẻ cuộc sống và niềm vui với tha nhân, với người nghèo; không còn của cải vật chất nào khiến con tiếc nuối, không còn thiệt thòi nào khiến con phải bận tâm, vì con tim đã được lấp đầy Chúa.

– Và cuối cùng với tư cách là người nghèo của Chúa, xin cho con luôn biết phân định, biết chọn những gì phù hợp với bản chất của một người nghèo, biết sống khiêm nhu tín thác, bởi “Những gì xưa kia con cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, con cho là thiệt thòi. Hơn nữa, con coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của con. Vì Người, con đành mất hết, và con coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3, 7-8).

Gaudentia Xuân Huệ, FMSR.

About dongmancoichihoavn

Check Also

Mẹ Thiên Chúa

Mẹ sống mật thiết với Thiên Chúa và hài hoà với con người và với thiên nhiên.

Để lại một bình luận