Chúng ta chiêm ngắm chân dung Người Nữ Tỳ hèn mọn của Thiên Chúa, để chúng ta khám phá ra sức mạnh nội tâm, đến từ mẫu gương chiêm niệm cầu nguyện của Đức Trinh Nữ Maria.
Ngày 16/7/1251 Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon Stock, Bề Trên Cả dòng Cát Minh. Mẹ đã dạy ý nghĩa việc mang áo Đức Mẹ như dấu chỉ sự liên kết mật thiết, và ơn che chở của Mẹ dành cho ai yêu mến Mẹ.
Hôm nay là lễ kính nhớ Đức mẹ núi Cát Minh. Từ xa xưa, núi này đã lừng danh vì gắn liền với ngôn sứ Êlia, vị ngôn sứ cương quyết bảo vệ đức tin tinh tuyền và Thiên Chúa hằng sống duy nhất. Vào khoảng thế kỷ thứ 12, nhiều tín hữu đạo đức tìm đến đây sống đời ẩn sĩ và quy tụ lại thành dòng Cát Minh dưới sự bảo trợ của Đức Maria, mẹ của những người chiêm niệm. Khi Giáo hội mừng lễ Mẹ Núi Cát Minh là Giáo hội muốn làm nổi bật hơn đặc tính chiêm niệm nơi tâm hồn Đức Mẹ. Mẹ là mẫu gương sáng ngời cho mỗi người chúng ta trong việc lắng nghe, suy niệm và thi hành thánh ý Chúa.
Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh là một lễ có tính lịch sử truyền thống hơn là một lễ kính đặc ân của Mẹ Maria.
Tìm về nguồn gốc, chúng ta biết rằng, lễ này đã có lịch sử từ rất xa xưa:
Núi là một nơi tĩnh mịch cao xa vời vợi, quê hương của các nhân vật thần tiên thoát tục.
- Xưa, tiên tri Êlia đã lên núi để bảo vệ niềm tin của mình trong cơn bách hại, cũng như đào tạo các tâm hồn cao thượng trung thành với Chúa.
- Sau này, Chúa Giêsu trong thời rao giảng Tin Mừng cũng thường lên núi để cầu nguyện, gặp gỡ Chúa Cha. “Người hằng lên núi cầu nguyện” (Lc 9, 28)
Sau đó, các ẩn sĩ lập thành dòng Carmel, tận hiến cho Đức Mẹ và sống đời chiêm niệm trên núi (tiền thân của Dòng chiêm niệm Carmel (Dòng Kín)
Vào thế kỷ thứ 12, thượng phụ giáo chủ Albertô J quy tụ tất cả thành một nhà dòng: ban hành một quy luật, được Đức Giáo Hoàng Hônôrê III chuẩn y.
Thánh Simon Stock, Tu viện trưởng, đã kêu xin Đức Mẹ cứu giúp.
- Ngày 16/7/1251 Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon Stock và nói: “Hãy nhận lấy bộ áo dòng này Mẹ ban cho tu sĩ như dấu chỉ của lòng ưu ái Mẹ dành cho các con. Đây là dấu hiệu cứu rỗi Mẹ dành cho các con, giải thoát mọi hiểm nguy. Và ai chết mà mang biểu hiệu này sẽ khỏi bị lửa luyện tội và Mẹ sẽ cứu họ vào ngày thứ Bảy sau khi họ qua đời.”
- Năm 1674 lễ mừng lan rộng các nước có vua là người công giáo (Áo, Bồ Đào Nha). Đức Giáo Hoàng Benêdictô XIII phổ biến toàn Giáo hội vào ngày 24/9/1726. Ngày 15/5/1892, Đức Lêô XIII ban ơn đại xá cho những ai viếng nhà thờ trong lễ này và ấn định lễ mừng cho toàn Giáo hội vào ngày 16/7 hằng năm.
Áo Đức Mẹ: Tương truyền rằng, khi Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon Stock đã trao cho thánh nhân chiếc áo như biểu tượng về sự che chở của Mẹ. Sau này, chiếc áo dài lụng thụng đã được thu gọn lại thành hai mảnh vải vuông nhỏ, với dây đeo trên cổ thả trước ngực và lưng.
Dần dần người ta đã thay thế áo Đức Mẹ bằng cách khắc ghi hình áo Đức Mẹ đó trên ảnh kim loại như ta thấy ngày nay, gọi là “ảnh áo”.
Lòng sùng mộ: Các tu sĩ Carmêlô nhìn nơi Mẹ một đời sống nội tâm, gương đời chiêm niệm cầu nguyện, một mẫu hình đạo đức cầu nguyện sâu xa tĩnh lặng, gần gũi với hình ảnh Chúa Giêsu xưa hằng lên núi cầu nguyện với Cha ( Lc 9, 28).
Đức Mẹ xuất hiện như một người Nữ huyền nhiệm, Mẹ giúp ta nhập vào mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc của Con Mẹ.
Linh đạo của các tu sĩ Carmel (dòng kín) đã bắt nguồn từ cách sống siêu thoát tĩnh lặng với đời sống cầu nguyện thâm trầm.
Núi rừng là không gian ưa chuộng của các ẩn sĩ xưa và nay.
Tin tưởng vào lời hứa của Mẹ với thánh Simon Stock khi trao áo Đức Mẹ cho thánh nhân và nói: “Ai mang áo này sẽ được Mẹ che chở bảo vệ sự sống, nhất là trong giờ chết. Mẹ sẽ cứu họ khỏi luyện ngục vào ngày thứ Bảy sau khi họ chết (gọi là đặc ân ngày Thứ Bảy).
Truyền thống cho rằng, Đức Mẹ hiện ra với Đức Giáo Hoàng Gioan 22 và hứa: “Ai mang áo Đức Mẹ sẽ được cứu khỏi luyện ngục vào ngày thứ Bảy sau khi chết”.
Đây là một hình thức sùng mộ theo kiểu đạo đức bình dân.
Dòng Mân Côi ta có lớp Carmel, do cha Bề trên Diên đặt tên cho một lớp Dự tu đầu tiên của Dòng, đã vào Dự tu ngày 16/7/1953 (lễ Đức Mẹ Carmel).
Ngày lễ có tính lịch sử hơn là một đặc ân của Mẹ để chúng ta tôn kính sùng mộ.
Lạy Mẹ Maria đầy ơn phúc không mắc tội truyền, Mẹ là vẻ đẹp, cũng là vinh hiển Núi Carmel. Xin Mẹ lấy lòng từ bi nhân hậu đoái nhìn những kẻ mang áo thánh Mẹ. Xin đoái xem con và che chở con dưới áo Mẹ.
Con yếu đuối, xin uy quyền Mẹ nâng đỡ. Xin đức khôn ngoan Mẹ soi sáng tâm trí con. Xin in vào lòng con đức tin, cậy, mến.
Xin Mẹ dùng đức hạnh Mẹ và thánh sủng trang điểm linh hồn con, để con được là con của Mẹ và được Mẹ yêu thương. Xin Mẹ phù hộ con khi sống và trong giờ lâm tử. Xin Mẹ âu yếm đến viếng thăm và yên ủi con, và dâng lên Chúa Ba Ngôi rằng “con là con của Mẹ” hầu con được chúc tụng Chúa và Mẹ đời đời trên thiên đàng.
Trích bài nguyện gẫm lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh
M. Gioan Hiền Lâm, Fmsr