Chủ đề Buổi Họp Mặt 3 Viện Huấn Luyện
Thứ Bảy, 08.12.2018
Đường đời chúng ta đang đi có nhiều lối dẫn chúng ta tới những đích điểm khác nhau. Nếu chúng ta không có một lý tưởng để theo đuổi, một mục đích để định hướng cho cuộc sống, thì cho đến xế chiều của cuộc đời, chúng ta vẫn mãi bơ vơ giữa đường đời muôn vạn nẻo.
Trong Tin Mừng Mt 7, 13-14, Chúa Giêsu giới thiệu với chúng ta 2 nẻo đường : đường rộng rãi là con đường theo thói đời và con đường chật hẹp là con đường theo Chúa. Con đường rộng rãi với cánh cổng to lớn chỉ về con đường thế tục, có rất nhiều con người đang bước đi, mà đích cuối con đường đó lại là sự hư mất. Còn con đường chật hẹp với cổng hẹp để chỉ về con đường theo Chúa, có ít người đi hơn, nhưng cuối con đường là sự sống vĩnh hằng.
Chúng ta lựa chọn con đường nào ?
- Chỉ nghĩ đến bản thân
Con người ta khi sinh ra, tâm hồn ai cũng như ai, vô tư, hồn nhiên. Nhưng thời gian trôi qua, tính cách mỗi con người dần phát triển, và cũng hoàn toàn khác nhau. Mỗi người bắt đầu nghĩ về lợi ích riêng của mình, dần dần dẫn đến những hành động, lời nói bất lợi cho người khác. Đó chính là lòng ích kỷ, là chỉ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến mình thì tự phụ, hiếu thắng, háo danh lúc nào cũng cho mình là nhất, xem thường người khác chẳng qua cũng chỉ biết có mỗi mình.
Chúng ta dễ nhận ra mẫu người này trong đời tu. Họ luôn thấy mình quan trọng, tìm cách đề cao mình, để người khác thừa nhận khả năng của mình, chỉ nghĩ đến lợi ích của mình. Một khi có sự cố nào đó không như ý, họ tìm mọi cách chữa mình và đổ lỗi.
- Trong đời tu, đâu là những biểu hiện thường tình của người chỉ nghĩ đến mình ?
- Làm thế nào để chống lại khuynh hướng này ?
- Làm thế nào để sống có trách nhiệm với tha nhân ?
- Sự vô cảm
Trong y học không có bệnh vô cảm. Đó là căn bệnh của cách hành xử, căn bệnh của lối sống.
Những người vô cảm là những người nhìn thấy cái xấu, cái ác, họ biết đó là xấu, là ác mà không phản đối hay tranh đấu. Cũng thế, về chiều ngược lại, người vô cảm thấy cái tốt, cái đẹp nhưng không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thành thử họ biết là tốt, biết là đẹp nhưng không làm theo cũng không ủng hộ.
- Trong đời tu, em có gặp thấy sự vô cảm không ? và bệnh này thường biểu hiện qua những thái độ nào ?
- Em nghĩ gì về câu nói : “Một người vô cảm là một người đã chết – chết trước hết từ trong tâm hồn”.
- Tự do quá đáng
Tự do là một giá trị, một ân ban Thiên Chúa tặng cho con người. Nhưng ngày nay, người ta đã đi quá xa cái ý nghĩa của sự tự do đích thực.
Nhiều người thường hiểu TỰ DO như đồng nghĩa với “muốn làm gì thì làm“; họ đòi hỏi TỰ DO giống như đòi hỏi tình trạng vô kỉ luật. Hiện nay, nhiều người trẻ đang chịu ảnh hưởng thứ tự do theo kiểu này.
Làm sao để khi ta thực thi quyền tự do của mình thì không làm ảnh hưởng đến người khác. Chúng ta tự do không phải là thứ tự do bản năng, mà phải là tự do trong sự nhận thức đầy đủ về văn hóa, văn minh và đạo đức.
Thực ra, Một người được gọi là tự do khi người đó có đủ phẩm hạnh hay sáng suốt để có thể sẵn sàng làm điều phải làm, tuân theo qui luật đạo đức, hoặc sống phù hợp với lý tưởng thích hợp với bản chất con người. Con người tự do là con người được tự do nhận thức và tự do hành động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Mong sao chúng ta nghĩ về tự do không phải như quyền làm bất cứ điều gì mình muốn, mà là cơ hội làm điều đúng đắn.
Một yếu tố thể hiện sự tự do quá trớn trong đời tu là sự coi thường kỷ luật : Thí dụ :
– Dễ dàng tự miễn chuẩn cho việc tuân giữ kỷ luật với những lý do không chính đáng.
– Chưa ý thức đủ về tầm quan trọng của nội vi. Nội vi (vật thể và phi vật thể (là internet, điện thoại)
– Bầu khi thinh lặng chưa được tôn trọng.
– Dễ cảm thấy khó chịu khi tuân giữ nề nếp tu trì
– Lỏng lẻo trong việc giữ lời khấn . v.v…
- Đề cao vật chất
Phần đông con người hôm nay đề cao việc tận hưởng vật chất như là mục đích chính yếu trong đời. Những người đề cao vật chất quan niệm rằng nên tận hưởng mọi thú vui và khoái cảm hiện có; nếu không, cơ hội hưởng thụ những kinh nghiệm như thế sẽ trôi qua và không bao giờ trở lại.
Chủ trương này trở thành phong cách của nhiều người trẻ. Dẫn đến tình trạng sống hời hợt và không có ý nghĩa. Vì đối với họ, giá trị đáng ước ao là hưởng thụ.
Những người mắc bệnh này thường sống không có lý tưởng, chỉ quan tâm đến những gì mang lại lợi ích trước mắt mà ít quan tâm đến những hoạt động tinh thần, những lợi ích tâm linh. Họ coi tiền, của cải vật chất là quan trọng.
Biểu hiện trong nhà tu : Thích con nhà giầu, thích tương quan với người có của, thích những cái bên ngoài, thích nhận quà vật chất hơn là quà tinh thần… Họ không quan tâm đến việc sống những giá trị của Tin Mừng.
- Trong các quyết định của mình, em thường có xu hướng thiên về vật chất hay tinh thần ?
- Em có thấy rằng cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nếu được đong đầy bởi tình yêu, niềm vui của những người đề cao tinh thần, trọng nghĩa tình mà chống lại tính tham lam, ghen tỵ và ích kỷ ?
- Coi thường các giá trị đạo đức
Nhiều giá trị đạo đức mà con người ngày nay coi thường như sự tế nhị, lễ phép, sự tử tế, kính trên nhường dưới, trọng nghĩa, trọng tình, tinh thần trách nhiệm, sự trung thành, lòng hiếu thảo, tình bạn… Những giá trị đạo đức căn bản này giúp cho con người sống tốt đẹp hơn. Nhưng dường như những giá trị này đang bị xuống cấp, bị xói mòn, suy giảm nghiêm trọng. Sự suy giảm giá trị đạo đức thực sự trở thành một trong những vấn đề nổi cộm trong đời sống con người hôm nay.
- Trong giới nhà tu, có lẽ chúng ta không coi thường các giá trị đạo đức, nhưng thực sự những giá trị này đang bị suy giảm. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc suy giảm những giá trị đạo đức?
- Khắc phục việc coi thường các giá trị đạo đức chắc chắn là một công việc mà người nữ tu Mân Côi chúng ta phải thực hiện. Vậy chúng ta phải tiến hành thế nào để đẩy lùi các nguyên nhân gây ra sự xuống cấp đạo đức và khắc phục được những giá trị đạo đức trong đời sống chúng ta và nơi những người chúng ta phục vụ ?
- Thiếu trung thực
Hiện tượng suy giảm về những giá trị đạo đức ngày càng phổ biến trong đời sống. Điều này dẫn đến sự giả dối, thiếu trung thực trong cuộc sống.
Hiện tượng bằng giả, danh hiệu giả, kiến thức giả… gần như không còn là điều xấu hổ. Tệ nạn “mua điểm” đã xuất hiện cả ở những trường Phổ thông danh tiếng. Hiện tượng “chạy” (chạy chức, chạy quyền, chạy tiêu chuẩn, chạy tuổi…) ai cũng thấy nhưng coi như không biết. Rất tiếc là xã hội lại thừa nhận bằng cách làm ngơ coi như không thấy. Quá nhiều giá trị ngày nay đã méo mó tới mức trở thành “ngụy giá trị”.
- Hoàng Ngọc Hiến đã nhận xét: “Xã hội không quan tâm đến “sự tử tế”, “sự hẳn hoi” thì dần dà những người tử tế, hẳn hoi sẽ biến mất; ngược lại, xã hội còn nhớ đến những phẩm hạnh này, thì những người hẳn hoi, tử tế mới xuất hiện được”.
Giả dối khá phổ biến, làm nản lòng sự trung thực, tử tế. Có lẽ chỉ trừ môi trường gia đình còn ở đâu người ta cũng bắt gặp cái giả dối (trong môi trường gia đình, giả dối không phải là không có, nhưng không gia đình nào chấp nhận điều giả dối). Còn trong xã hội, sự bao che cho sự giả dối hiện nay là khá trắng trợn.
Hiện tượng suy giảm về những giá trị đạo đức ngày càng phổ biến trong đời sống xã hội. Điều này dẫn đến sự giả dối, thiếu trung thực trong cuộc sống.
Những người tu có nằm ngoài tầm ảnh hưởng của xã hội không ? Làm sao khắc phục ?
- Thiếu ý thức về tội:
Chuyện hai học sinh gian lận khi làm bài thi:
Ý thức về tội mới thoạt nhìn thì có vẻ tiêu cực, nhưng chính nó là một động lực để con người có thể tự hoàn thiện. Ý thức về tội là một đặc tính phân biệt con người với thú vật. Ý thức về tội phát triển rộng và sâu khiến con người trở nên người hơn. Ý thức về tội lỗi sẽ phục hồi tính thiêng liêng của con người. Bởi vì chúng đã biết rõ rằng tội lỗi làm nhiễm ô toàn bộ đời sống chúng ta.
Hoàn toàn khác với mọi sinh động vật khác, con người được Thiên Chúa Tạo Hóa phú bẩm vào trong tận sâu thẳm của linh hồn một khả năng tinh thần vô cùng cao quý mà người ta gọi là “lương tâm”. Chính lương tâm là ngọn hải đăng soi sáng và hướng dẫn mọi tư tưởng, lời nói và hành động của con người phù hợp với lẽ phải, giúp cho con người phân biệt được các giá trị luân lý đạo đức, phân biệt được phải/trái và tốt/xấu.
ĐTC Phanxicô nói rằng “Nhận ra mình tội lỗi là bước đầu tiên để nhận biết Chúa Giêsu”.
Phải nhìn nhận rằng trong thế giới hôm nay, ý thức về tội đã mờ nhạt rất nhiều. Rõ ràng, những lỗi phạm người ta coi là “bình thường” hoặc việc lên án là “tội lỗi” đã thay đổi. Nhưng tại sao lại có sự thay đổi như thế? Phải chăng người ta không còn hiểu về tội ? Phải chăng tội lỗi đã không còn? Quan điểm của em về tội lỗi thế nào ? có quan trọng không?
- Thích đua đòi
Đua đòi là tính cách tự nhiên của con người. Nó thúc giục con người ta muốn sở hữu những thứ tốt hơn, đẹp hơn, ưu việt hơn so với những cái đang có sẵn, cho dù điều đó không thích hợp và có khi không có đủ khả năng để có.Sự đua đòi hình thành khi mà chúng ta muốn có những cái mà người khác đang có, khi mà cái ta đang sở hữu bị lỗi thời hơn hoặc kém cỏi hơn so với cái mà chúng ta muốn có được.
Đua đòi theo trào lưu là một căn bệnh nguy hiểm mà đông đảo giới trẻ ngoài xã hội đang mắc phải. Phía nhà tu, cũng có thể thấy những trường hợp đua đòi. Thí dụ : có những vật dụng không cần thiết hoặc chưa cần thiết cho cuộc sống thì họ cũng cố gắng phải có để bằng chị bằng em. Khi bản thân hoặc gia đình không có điều kiện, họ cố gắng chạy chọt, xin xỏ để đạt được những gì mình muốn…
Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ giữa việc bắt chước điều xấu với việc noi gương tốt. Thấy chị em chăm chỉ, ngoan ngoãn, học giỏi, sống tốt, ta bắt chước, đó không phải đua đòi mà là noi gương. Hay khi thấy những nghĩa cử cao thượng, ta học theo, đó là việc tốt.
Cảm phục, tán thành người tốt thì dần dần ta cũng thành tựu được những phẩm chất tốt đó. Hiểu được vậy ta mới tránh được sự lôi kéo của những cái xấu để thu nạp những điều tốt cho mình.
Em có thấy rằng sự hào nhoáng bên ngoài sẽ không làm nên giá trị cho một con người không ? Em có đồng ý rằng chỉ có cái tâm đạo đức, tử tế, yêu thương mới giúp ta tỏa sáng giữa mọi người. Thay vì chạy theo vật chất hoặc tốn tiền bạc, thời gian, tâm sức vào những thứ tầm thường, thì hãy nuôi dưỡng, bồi đắp cho tâm hồn mình những phẩm chất đạo đức để nó tỏa hương vào cuộc đời. Em nghĩ thế nào ?
- Não trạng ngại khó:
Minh là một cậu bé luôn ngại khó.
Người ta thường nói rằng :Thành công và thất bại thường chỉ cách nhau có nửa bước chân. Nếu kiên trì thêm một giây rất có thể bạn sẽ thành công, điều đáng tiếc là rất nhiều người đã bỏ cuộc ngay những giây phút cuối cùng.
Trong tất cả sức mạnh mà con người sống trên trái đất này có được, thì sức mạnh của sự kiên nhẫn được xếp đầu tiên, số một và khẳng định! Có thể nói ngay: Nếu ai có lòng kiên nhẫn, tức là vừa có tính bền bỉ, kiên trì, vừa có sức nhẫn nhịn với hoàn cảnh gặp phải éo le thì chắc chắn sẽ vượt qua được những khó khăn gập ghềnh trên bước đường đời.
Sống ở đời, chỉ những ai biết kiên nhẫn mới có thể đạt được mục đích ấp ủ trong lòng. Kiên trì đến cùng, nhẫn nại làm việc, là con đường duy nhất để đến với mọi mục tiêu, cũng như chẳng có một lối đi thứ hai cho riêng ai.
Người ta thường nói : chỉ những ai biết kiên nhẫn mới có thể đạt được mục đích ấp ủ trong lòng. Kiên trì đến cùng, nhẫn nại làm việc, là con đường duy nhất để đến với mọi mục tiêu, cũng như chẳng có một lối đi thứ hai cho riêng ai. Em nghĩ thế nào về câu nói này ? Tại sao ?
- Không quen hy sinh khổ chế
Ngày nay nói đến hy sinh khổ chế, người ta cho là lỗi thời, là đi ngược với sự phát triển con người. Trong đời tu, tuy các tu sĩ còn trân trọng việc khổ chế, nhưng sự tục hóa đang dần len lỏi vào từng ngõ ngách của đời tu dưới mọi hình thức và đang làm thay đổi tư duy, nhận thức của các tu sĩ,những tiện nghi vật chất làm cho người tu sĩ có những lúc xiêu lòng, không dám thực hành sự hy sinh khổ chế trong đời sống.
Có thể nói rằng: người tu sĩ hôm nay đang hít thở một bầu khí hỗn hợp, vừa thánh thiêng vừa thế tục, và dường như sự giằng co giữa hai yếu tố này khiến cho người tu sĩ mập mờ trong ơn gọi của mình. Nhiều tâm hồn đã quyết tâm theo Chúa Kitô nhưng lại không vượt qua được những cám dỗ của sự dễ dãi và những tiếng gọi mời của một nếp sống hưởng thụ, an nhàn và ngại khổ.
Đời sống thánh hiến đòi hỏi một sự khổ chế bao trùm toàn diện con người. Vậy nếu chúng ta để mình bị lôi cuốn vào sự tìm kiếm tiện nghi vật chất, hay tự cho mình hưởng thụ những gì người ta mời mọc thì có phải là chúng ta đang theo Chúa không ? Làm sao sống đời thánh hiến để thức tỉnh thế giới chứ không bị thấm nhiễm khuynh hướng thế tục hóa ? Đâu là những hy sinh khổ chế cụ thể cho đời sống người nữ tu Mân Côi hôm nay ?
KẾT
Có thể nói trên đây là 10 thách đố mà chúng ta có thể gọi là những virus nguy hại cho đời sống thánh hiến. Chắc chắn còn rất nhiều virus khác đã và đang xâm nhập vào các cộng đoàn tu trì. Chúng đang lây nhiễm bằng nhiều cách khác nhau, phải chú ý lắm chúng ta mới phát hiện được. Vì thế khi chấp nhận đời sống tu, chúng ta phải luôn cảnh giác để khỏi bị lây nhiễm bất kỳ một loại virus nào làm phương hại đến đời thánh hiến của chúng ta và ảnh hưởng xấu đến cộng đoàn nơi chúng ta đang sống.
Một ai đó, khi đã lỡ bị nhiễm những loại virus này thì cần phải được điều trị càng sớm càng tốt, vì nếu để lâu nó sẽ có nguy cơ lây lan sang những người khác trong cộng đoàn.
Điều duy nhất đưa chúng ta vào một tương lai tốt đẹp, đó là sự biến đổi. Biến đổi có nghĩa là dám chọn lựa sống một cuộc sống hoàn toàn khác, là sống theo Thánh Ý Chúa. Vậy chúng ta phải biến đổi thế nào?
Đây là công việc của các nhóm trong giờ hội thảo …
Soạn thảo: Sr. M. Rose Vũ Thị Loan, Fmsr – Bề trên Tổng Quyền