CHỦ ĐỀ SỐNG THÁNG 12-2017
Giáo Hội – vẻ đẹp sự thánh thiện, lời xác quyết đó thoạt tiên có lẽ chúng ta không ý thức, có khi còn không thuyết phục chúng ta nữa. Tuy nhiên đó là sự thật và hơn thế nữa ‘Giáo Hội thánh thiện’ chính là chân lý đức tin, là một trong đối tượng đức tin mà Công đồng Nicêa đã xác định và chúng ta tuyên tín: “Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền…”[1].
Thật vậy, Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần được ca tụng là ‘Đấng Thánh duy nhất’, “đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”[2]. Người kết hợp Hội Thánh với mình như một Thân Thể, và ban cho dư đầy hồng ân của Chúa Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa. Vì vậy Hội Thánh là “dân thánh của Thiên Chúa” và các phần tử của Hội Thánh được gọi là “các Thánh”[3].
Như vậy, trong đức tin, chúng ta nhìn thấy hình ảnh vô cùng xinh đẹp của Giáo Hội. Một vẻ đẹp lộng lẫy, phong phú và đa dạng bởi bao gồm vẻ đẹp thánh thiện của các phần tử, mỗi vẻ đẹp đó phô diễn những ân huệ khác nhau của Thánh Thần và được nối kết nên một, trong thân thể duy nhất là Đức Kitô, Đấng Thánh của Thiên Chúa. Giáo Hội là vẻ đẹp của sự thánh thiện vì Giáo Hội luôn liên kết với Đức Kitô, Phu Quân của mình, trở nên một Nhiệm Thể duy nhất và sống động.
Và cũng từ bao giờ người ta đã mặc nhiên xác định về một Giáo Hội thánh thiện khi gọi Giáo Hội là “Hội Thánh”, bởi ý thức được ơn gọi nên thánh từ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Thánh Phaolô đã xác quyết: “Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Chúa đã chọn ta trong Đức Kitô để ta được nên thánh…”[4]. Hơn nữa, mỗi phần tử trong Hội Thánh phải có bổn phận nên thánh và nhiều người đã nên thánh một cách anh hùng qua đời sống bác ái, qua phúc tử đạo hoặc qua đời sống tu trì, làm nên vẻ đẹp tròn đầy của một Giáo Hội thánh thiện.
- Sự thánh thiện trong Giáo Hội
Chúng ta hãy nghe lời của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI: “Sự thánh thiện không bao gồm việc không sai lầm hoặc không phạm tội. Sự thánh thiện làm tăng khả năng hoán cải, sám hối, sẵn sàng bắt đầu lại, đặc biệt là hòa giải và tha thứ… Như vậy, điều đó không phải là chúng ta không bao giờ sai lầm mà là có thể hòa giải và tha thứ, đó là điều làm chúng ta nên thánh. Chúng ta có thể học cách sống thánh thiện”. Thực vậy: “Giáo Hội được trang điểm bằng một sự thánh thiện đích thực, tuy chưa hoàn hảo”, nhưng các chi thể của Giáo Hội còn phải phấn đấu để đạt tới sự thánh thiện hoàn hảo bằng cách “được ban cho những phương tiện cứu rỗi dồi dào và cao cả, để mọi Kitô hữu, dù ở bậc sống nào, mỗi người trong hoàn cảnh của mình, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự thánh thiện trọn hảo như Chúa”[5].
Đức Thánh Cha Bênêdictô phân tích: Chính nhờ Chúa đã hiến mình và không bao giờ rút lại nên Giáo Hội mãi mãi được Người thánh hóa. Giáo Hội là nơi mà sự thánh thiện của Chúa luôn hiện diện giữa loài người. Quả thật, sự thánh thiện của Chúa hiện diện trong Giáo Hội, nhưng đó là do một tình yêu thật lạ lùng và không biết mệt mỏi, vẫn chọn những bàn tay nhơ uế của con người như chiếc bình chứa đựng sự thánh thiện của Người. Sự thánh thiện của Đức Kitô là như thế, một sự thánh thiện tỏa rạng ngay giữa bóng tối tội lỗi của Giáo Hội. Sự giao thoa lạ lùng giữa sự trung tín của Thiên Chúa và sự bất trung của con người là nét đặc trưng của thực tại Giáo Hội, và có thể nói đó cũng là hình thái hiện thực và sống động của ân sủng, bởi lẽ chính sự bất xứng tận căn của con người trong dòng lịch sử càng cho thấy ân sủng luôn hiện diện và tỏ lộ bằng ơn tha thứ. Từ đó thậm chí ta có thể nói, chính vì cấu trúc nghịch lý vừa thánh thiện, vừa tội lỗi của Giáo Hội, mà Giáo Hội là hình tượng của ân sủng trong thế giới này.
- Yếu tố làm nên sự thánh thiện của Giáo Hội
Thiên Chúa là Đấng Thánh, ai liên kết với Thiên Chúa thì được thông phần sự thánh thiện của Người. Giáo Hội là thánh vì Giáo Hội hằng liên kết với Chúa Kitô, mà những gì liên quan tới Chúa Kitô đều có sức thánh hóa và đưa đến nguồn mạch sự thánh thiện.
1) Chúa Kitô, Đấng sáng lập Giáo Hội là nguồn mạch sự thánh thiện
Đức Giêsu là Đầu là Đấng Thánh thì Thân Thể cũng được thừa hưởng sự Thánh ấy. Do vậy, tự bản chất, Giáo Hội là thánh. Giáo Hội thánh thiện bởi vì phát xuất từ Thiên Chúa là Đấng Thánh, là Đấng trung tín và không bỏ mặc Giáo Hội cho quyền lực sự chết và sự dữ. Giáo Hội thánh thiện vì Chúa Giêsu Kitô, Đấng Thánh của Thiên Chúa, đã kết hiệp một cách bất khả phân ly với Giáo Hội.
2) Giáo Hội bảo vệ và rao truyền đạo lý thánh
Chân lý đức tin và lề luật mà Giáo Hội bảo vệ và rao giảng chính là đạo lý của Chúa Kitô, là lề luật thánh. Giáo Hội vẫn tiếp tục sứ mệnh cứu độ của Chúa Kitô qua sứ vụ loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Ngoài ra, huấn quyền của Giáo Hội có chức năng dạy dỗ những chân lý của đức tin, những giáo lý tinh tuyền, những nguyên tắc luân lý phải theo cũng như giải thích Kinh Thánh và mặc khải của Chúa về những gì người tín hữu phải tin và thực hành để nên thánh.
3) Giáo Hội hằng được Chúa Thánh Thần gìn giữ và thánh hóa
Mục đích của Giáo Hội là thánh hóa mọi người trong Chúa Kitô để ngợi khen Thiên Chúa. Giáo Hội thánh thiện vì được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và thanh tẩy, biến đổi và canh tân. Giáo Hội thánh thiện không phải do những công trạng của chúng ta, nhưng nhờ Thiên Chúa đem lại cho Giáo Hội sự thánh thiện, là hoa trái của Chúa thánh Thần và các ân sủng của Người. Không phải chúng ta làm cho Giáo Hội thánh thiện, nhưng chính Chúa Thánh Thần hằng thánh hóa Giáo Hội trong tình yêu đã làm cho Giáo Hội thánh thiện.
4) Giáo Hội sử dụng các phương tiện để giúp các tín hữu nên thánh
Hội Thánh được giao cho “đầy đủ các phương tiện cứu độ”, trong Hội Thánh “chúng ta đạt đến sự thánh thiện nhờ ân sủng của Thiên Chúa”. Các phương thế giúp người tín hữu nên thánh là Lời Chúa, các Bí tích và Phụng vụ… tất cả đều có năng lực thánh hóa[6]. Giáo Hội hiến tặng cho tất cả chúng ta khả năng theo đuổi con đường nên thánh, đưa chúng ta đến gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô trong các Bí tích, đặc biệt trong việc xưng tội và trong bí tích Thánh Thể; chuyển thông Lời Chúa cho chúng ta, đưa chúng ta vào trong tình yêu của Thiên Chúa và hướng đến tất cả mọi người.
5) Hội Thánh hằng trổ sinh hoa trái thánh thiện
Để khích lệ các tín hữu nỗ lực sống thánh, Hội Thánh đã tuyên dương các phần tử ưu tú, nhất là đã giới thiệu Đức Maria như gương mẫu thánh thiện tuyệt hảo cho mọi người noi theo.
+ Khi phong thánh cho một số tín hữu, Hội Thánh nhìn nhận quyền năng của Chúa Thánh Thần đang ngự nơi mình và Hội Thánh nâng đỡ niềm hy vọng của các tín hữu khi đưa các thánh làm gương mẫu và làm người chuyển cầu cho họ. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất suốt dòng lịch sử Hội Thánh, các Thánh nam nữ luôn là nguồn mạch và là khởi điểm của sự canh tân. Quả thật, sự thánh thiện của Hội Thánh là nguồn mạch bí ẩn và là thước đo không thể sai lầm của hoạt động tông đồ và nhiệt tình truyền giáo của Hội Thánh[7].
+ Hình ảnh Giáo Hội thánh thiện được tỏa sáng trọn vẹn nơi Đức Maria, thành quả ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thực vậy, khi Hội Thánh đã đạt tới sự trọn hảo không tì ố, không vết nhăn, nơi Đức Trinh Nữ diễm phúc, thì các Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng để chiến thắng tội lỗi mà tiến tới trong sự thánh thiện; vì vậy họ ngước mắt nhìn lên Mẹ Maria để bước tới, nơi Mẹ, Hội Thánh đã hoàn toàn thánh thiện[8].
- Giáo Hội luôn được thanh tẩy để thánh thiện
Lịch sử Giáo Hội được đan xen bởi ánh sáng và bóng tối. Nếu Giáo Hội vẻ vang vì đã có những người con thánh thiện, góp phần làm thay đổi thế giới, thì Giáo Hội cũng bị lu mờ vì đã có nhiều lầm lỗi do con cái mình gây nên. Tuy nhiên Chúa Thánh Thần không ngừng canh tân và thánh hóa Giáo Hội. Giáo Hội cũng thấy rõ bổn phận của mình là phải sám hối và thanh tẩy, vì ôm ấp những tội nhân trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân”[9].
Đức Giám mục Fulton nói: “Một vị thánh chỉ là một tội nhân biết hoán cải”. Hình ảnh thửa ruộng vừa có lúa vừa có cỏ lùng cho thấy một Giáo Hội bao gồm những người thánh và những người chưa thánh. Giáo Hội phải đón nhận tất cả với lòng bao dung nhân từ và mời gọi tất cả mọi người hãy để cho mình được bao bọc bởi lòng thương xót, tình âu yếm và tha thứ của Chúa Cha, Đấng tặng ban cho tất cả mọi người khả năng gặp gỡ Ngài, khả năng theo đuổi sự thánh thiện.
- Chúng ta tham dự vào vẻ đẹp thánh thiện của Giáo Hội
Bước theo Chúa Giêsu Kitô, chúng ta luôn đặt niềm tin vào Ngài, Đấng đã chết vì chúng ta, và nhờ bửu huyết của Ngài đổ ra, chúng ta được trở nên “một giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, một dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để công bố những kỳ công của Ngài, Đấng đã gọi chúng ta ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền của Ngài”[10].
1) Chúng ta được mời gọi sống thánh thiện
Từ muôn đời, theo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, Ngài muốn chúng ta nên “thánh thiện vô tì tích trước nhan Ngài”[11]. Trải qua dòng lịch sử của Dân Chúa, ý định đó vẫn được lặp lại với Israel: “Hãy nên thánh, vì Ta, Đức Chúa của các ngươi, là Đấng Thánh”; và Chúa Giêsu cũng đã mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”[12].
Dựa theo thánh ý của Thiên Chúa, Công đồng Vatican II khẳng định mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh trong bậc sống của mình và có nhiều con đường để nên trọn lành. Riêng các tu sĩ được Thiên Chúa mời gọi trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”, được thánh hiến để tham gia vào sứ mệnh chứng tá của Ngài, mà chứng tá quan trọng nhất của đời sống thánh hiến chính là đời sống thánh thiện[13].
2) Mỗi vị thánh là một tác phẩm của Chúa Thánh Thần trong công cuộc thánh hóa
Mỗi người chúng ta với những phẩm chất và đức tính riêng, được “Bàn Tay” kỳ diệu và đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần nhào nặn thánh hóa, trở thành những vị thánh khác nhau, làm cho vẻ đẹp của Giáo Hội thêm rạng ngời và phong phú.
Công đồng Vatican II đã nhắc lại rằng tất cả mọi thành phần Giáo Hội đều được mời gọi nên thánh, nhưng mỗi người tùy theo đấng bậc, tùy theo khả năng và hoàn cảnh riêng mà mang một vẻ thánh thiện riêng biệt, nhờ đó, Giáo Hội được trang điểm bằng những vẻ đẹp thiên hình vạn trạng. Thánh Phanxicô Salêsiô đã nói: “Chúa trồng bạn ở đâu, bạn hãy trổ hoa ở đó”. Có nghĩa là mỗi nơi có những điều kiện riêng, mỗi bậc sống, mỗi hoàn cảnh, mỗi con người… tùy theo điều kiện cụ thể của mình mà sinh hoa kết trái, tức là nên thánh.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêdictô XVI là bạn với nhau, cùng sát cánh bên nhau suốt thời gian hơn hai mươi năm (1982-2005). Hai vị là hai tác phẩm của Thiên Chúa với những khác biệt. Khi làm Giáo hoàng, Đức Bênêdictô XVI luôn hằng kính trọng và ca ngợi vị tiền nhiệm thánh thiện của mình, nhưng không bao giờ tìm cách sao chép hay bắt chước vị tiền nhiệm.
+ Đức Karol Wojtyla là một con người vui vẻ niềm nở, toát ra sự duyên dáng thu hút, dễ gây thiện cảm với người khác; một người có năng khiếu đặc biệt về truyền thông kịch nghệ điện ảnh. Khi lên ngôi Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng dấn thân cho việc truyền giáo. Ngài là một con người hăng say chấp nhận mọi thử thách, sẵn sàng chiến đấu; một con người có những việc làm lớn lao nổi bật, đôi khi trở thành sự thách đố cho người khác.
+ Đức Joseph Ratzinger là con người có phong thái kín đáo nhẹ nhàng, thông thái mà khiêm nhường, tỏa nét nghiêm nghị và lòng từ tâm của một vị giáo sư thiên bẩm. Khi làm Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI chuyên chú vào học thuyết Giáo lý trong Giáo Hội. Ngài hăng say chiến đấu chống lại chủ thuyết tương đối, nhưng ngài lại thao thức với việc Đại kết giữa các Tôn giáo. Ngài là người có tính tình nhân hậu từ tốn, đầy khiêm tốn dịu dàng trong lời nói và cử chỉ.
- Bổn phận xây dựng một Giáo Hội thánh thiện
Giáo Hội được phát triển nhờ những hoa trái thánh thiện nơi chính con cái mình. Sự thánh thiện được thể hiện trong đời sống cầu nguyện, thực thi lời Chúa dạy và làm tất cả vì tình yêu Chúa. Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã khẳng định: “Hội Thánh phát triển không phải bằng việc chiêu dụ, nhưng bằng sức thu hút”.Một đời sống hạnh phúc thật sự với Chúa sẽ chiếu tỏa hương thơm thánh thiện cho mọi người, và đó chính là sức thu hút mãnh liệt đang tiềm ẩn trong Giáo Hội, một Giáo Hội thánh thiện của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều có bổn phận xây dựng và phát triển Giáo Hội ngày càng thánh thiện hơn bằng chính việc sống ơn gọi nên thánh của mình, được thể hiện bằng việc nỗ lực tiến tới sự hoàn thiện, thực hành đức bác ái và thường xuyên hoán cải canh tân.
1) Nên hoàn thiện mỗi ngày
Giáo Hội thánh thiện luôn là nét hấp dẫn và là một thách đố đối với thế giới hôm nay. Tất cả mọi Kitô hữu, những người được Chúa chọn gọi sống trong lòng Giáo Hội cần ý thức ơn gọi chứng nhân của mình, nỗ lực tiến tới sự hoàn thiện trong từng ngày, để Giáo Hội được phát triển bằng chính sự hấp dẫn của những con người thánh thiện, một vẻ đẹp muôn đời có sức hấp dẫn nhân loại. Trong lịch sử truyền giáo của Giáo Hội, biết bao những vị thánh có sức thu hút mãnh liệt bởi đời sống hoàn thiện, làm nảy sinh những hạt giống đức tin khắp mọi nơi.
2) Sống bác ái
Trong hành trình đời sống tâm linh Kitô giáo, Đức Ái có vai trò quan trọng và đặc biệt cần thiết. Đức Ái đích thực là tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Giêsu Kitô; Đức Ái là món quà tuyệt vời nhất, là ân sủng có một giá trị siêu việt và hoàn thiện. Do đó, ta có thể khẳng định: Đức Ái là yếu tố chính yếu của hoàn thiện Kitô giáo, yếu tố đặc trưng và thiết yếu nhất. Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI nhấn mạnh: “Giáo Hội phải thực hành tình thương bác ái với người lân cận, với tư cách cộng đồng, nếu không thì Giáo Hội rao giảng về Thiên Chúa Tình Yêu một cách không trọn vẹn và không đủ”[14]. Sau hành trình dương thế, khi chúng ta đến trình diện Thiên Chúa, tất cả các ân điển đều qua đi, chỉ Đức Ái tồn tại, chúng ta sẽ trở nên giống Thiên Chúa, trong sự hiệp thông toàn vẹn với Người.
3) Hoán cải và canh tân
Không ai sinh ra đã là thánh. Nên thánh là kết quả của một nỗ lực không ngừng hoán cải của từng người. Chúng ta “phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối,anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”[15]. Quả thực, nên thánh là một quá trình thao luyện mỗi ngày và chiến đấu không ngừng để đứng vững trước mọi cám dỗ của danh, lợi, thú thế gian. Chúng ta đừng sợ sự thánh thiện, hãy để cho Thiên Chúa yêu thương, thanh tẩy, và để Chúa Thánh Thần canh tân hướng dẫn chúng ta đi vào con đường hoàn thiện mà Chúa Giêsu đã đi và mời gọi chúng ta bước theo Người.
Nt. M. Gaudentia Xuân Huệ, FMSR.
[1]Kinh Tin Kính Nicea
[2] Ep 5,25-27; GH 39
[3]GLHTCG 823; x. 1Cr 6,1; Cv 9,13
[4] Ep 1,4
[5]GH 48; 11
[6]GLHTCG 824; x. Mt 7,6; Ga 17,17; 1Tm 4,5
[7]GLHTCG 828
[8]GH 65
[9]GH 8; GLHTCG 825
[10]1Pr 2,9
[11]Ep 1,4
[12]Lv 11, 44; Mt 5,48
[13]x. TH 32-35
[14] Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, Deus Caritas est
[15] Ep 4, 22-24