GIÁNG SINH AN BÌNH
Trong suốt thời gian Mùa Vọng, chúng ta đã sống tâm tình thức tỉnh đợi chờ trong niềm tin và hy vọng để mừng đại lễ Con Thiên Chúa bước vào trần gian. Lễ Giáng Sinh, nay đã trở thành ngày vui chung của toàn thể nhân loại, ngày lễ duy nhất mà mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội cùng đón mừng qua đủ mọi hình thức khác nhau. Gần đến ngày đại lễ, mọi sinh hoạt cuộc sống trở nên sôi động khác thường. Hình như điều này đã trở thành thông lệ. Trên đường rộn rã bước chân những người đi mua sắm. Trong nhà, ngoài phố, người ta trang trí những biểu tượng của Mùa Giáng Sinh: Hang đá, ngôi sao, cây thông, đèn hoa đủ sắc màu rực rỡ. Biết bao cánh thiệp được gởi đi và được nhận, những gói quà lớn nhỏ được trao tặng cho người thân, bạn bè. Tất cả đều diễn tả niềm vui và những nguyện ước tốt đẹp mà con người trao tặng cho nhau, và chắc chắn cũng chuyển tải được nhiều ý nghĩa tinh thần của ngày lễ Chúa Giáng Sinh.
Nhưng điều quan trọng hơn, đó là những gì được cảm nghiệm và được sống, những gì mang lại ý nghĩa và vẻ đẹp cho cuộc sống mỗi người qua việc mừng lễ. Nếu không có được “điều quan trọng hơn” này, việc mừng lễ của chúng ta thật là thiếu sót. Trong các cộng đoàn tu, dĩ nhiên chúng ta không quá chú trọng đến những hình thức bên ngoài, nhưng trong sứ vụ, đây là thời điểm bận rộn với các hoạt động mục vụ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Vậy, giữa những bận rộn ấy, chúng ta có cảm nhận hết được những cung bậc giá trị của các hoạt động? Tương quan giữa chúng ta với Chúa và với mọi người có được mở rộng và thâm sâu hơn? Điều gì còn đọng lại trong chúng ta sau thời gian mừng lễ?
Trước đó 600 năm, Isaia đã loan báo sự ra đời của Con Thiên Chúa: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, Người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9, 5). Có nghịch lý không khi đứng trước máng cỏ Belem nghèo hèn mà suy gẫm về lời loan báo này? Nhìn vào những gì diễn ra chung quanh sự kiện Hài Nhi Giêsu chào đời, hình như không có sự trùng hợp với những gì được Isaia tiên báo: Trẻ thơ Giêsu không sinh ra trong cung điện như một hoàng tử; Người không có quần thần vây quanh để chào mừng giây phút sinh hạ như các vị vua trần gian. Nhưng Người lại mặc lấy tấm thân yếu đuối như một em bé nghèo hèn nằm trong máng cỏ; vây quanh Người là đám mục đồng nghèo khổ. Người đã tự chọn hang lừa hôi hám làm chiếc nôi chào đời và chọn cánh đồng hoang lạnh làm nơi cư trú cho những ngày đầu đời nơi dương thế.
Thánh Phaolô đã lý giải sự chọn lựa của Chúa như sau: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7). Con Thiên Chúa đã từ bỏ vinh quang và danh dự, đã “tự hủy mình ra không” để trọn vẹn vâng phục Thánh ý Chúa Cha. Chúa muốn gánh lấy hết nỗi khốn khổ của con người để nói cho mọi người biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ đến dường nào. Nhưng Thiên Chúa Cha đã “siêu tôn Người”, đặt Người làm Thủ Lãnh hòa bình để “Người mở rộng quyền bính và lập nền hòa bình vô tận” (Is 9, 6). Chính vì thế mà sứ điệp đầu tiên Người rao giảng cho mọi người dương thế, qua miệng các Thiên Sứ chính là sứ điệp hòa bình:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14).
Sứ điệp này đã xác định sứ mạng của Con Thiên Chúa giáng trần. Sứ điệp này không phải chỉ vang lên một lần trong Đêm Giáng Sinh đầu tiên, cũng không dừng lại hoặc đóng khung nơi các bản văn Tin Mừng. Nhưng cho đến hôm nay, sứ điệp ấy vẫn luôn vang vọng trong tâm hồn những người thành tâm tìm kiếm Chúa. Sự bình an mãi luôn là nguyện ước sâu thẳm nhất của con người, và đó cũng là điều người ta thường cầu chúc cho nhau. Nếu không có sự bình an, có lẽ mọi cố gắng mừng lễ Giáng Sinh của chúng ta sẽ uổng công vô ích, vì chúng ta đã không nhận được “phép lành đầu tay” của Hài Nhi Giêsu mang đến cho nhân loại.
Cuộc sống hôm nay đưa chúng ta vào dòng chảy của những biến động đến từ nhiều phía với nhiều nguyên nhân khác nhau, cuộc sống thiếu an toàn, luôn bị ám ảnh bởi những lo âu. Vì thế, ơn bình an, quà tặng của Đêm Giáng Sinh là một giải pháp cho mọi lắng lo của con người. Tuy nhiên, để xứng đáng đón nhận quà tặng bình an ấy, chúng ta phải cố gắng đóng góp thêm phần của mình, để sự bình an ấy được giữ gìn và đồng thời, được chuyển trao đến những người đang sống bên chúng ta. Nhưng, làm thế nào để có được sự bình an đích thực và bền vững? Để diễn tả thế nào là sự bình an đích thực, người ta kể câu chuyện minh họa sau đây:
Một ngày kia, nhà vua mở cuộc thi vẽ với chủ đề là Bình An. Có nhiều hoạ sĩ đã thi thố tài năng của mình. Rất nhiều bức tranh gởi về, nhưng vua chỉ thích 2 trong số đó.
Bức tranh thứ 1 vẽ một hồ nước yên ả. Mặt hồ như tấm gương tuyệt đẹp phản chiếu những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Phía trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một “bức tranh bình an” thật hoàn hảo.
Bức tranh thứ 2 cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lỏm chỏm đá. Ở phía trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Bên vách núi thẳng dốc là dòng thác đổ xuống nổi bọt trắng xoá. Bức tranh này trông chẳng bình an chút nào.
Nhưng sau khi ngắm nhìn, nhà vua lại chú ý đến bức tranh thứ 2, vì phía sau dòng thác đổ ấy, có một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của tảng đá. Trong bụi cây đó, một con chim mẹ đang xây tổ. Dầu giữa dòng nước trút xuống như thác đổ ấy, chim mẹ vẫn an nhiên xây tổ của mình… rất bình yên!
Sau cùng, nhà vua chỉ bức tranh thứ 2 và nói: “Ta chấm bức tranh này! Đây là sự bình an thật. Bình an không có nghĩa là một nơi phẳng lặng, không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an có nghĩa là ngay khi đang ở giữa phong ba bão táp, ta vẫn thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của bình an”.
Chúng ta thường nghĩ cuộc sống bình an là một cuộc sống êm đềm, có sức khỏe, đầy đủ của cải, không gặp trái ý khổ đau, không bị ai quấy rầy, không bị đe dọa sợ hãi… Nhưng thực ra, không ai chắc chắn những điều ấy sẽ bảo đảm cho mình được bình an. Sự bình an đích thực không phải là vắng bóng thử thách hay tránh được sóng gió mà chính là có được sự an bình nội tâm ngay giữa những biến động và thử thách của cuộc sống. Thật ra, chỉ duy mình Chúa mới có thể ban cho chúng ta sự bình an này. Sự bình an Chúa hứa ban, không phải là sự an nhàn, hưởng thụ, được mọi sự như ý hay được sung sướng theo kiểu thế gian. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em sự bình an không theo kiểu thế gian” (Ga 14, 27). Sự bình an của Chúa chỉ được ban cho những người thành tâm thiện chí, hết lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa, biết chấp nhận những trái ý, biết vượt thắng những khó khăn, những cám dỗ trong cuộc sống để luôn trung tín với Chúa.
Vì Chúa là Thủ Lãnh hòa bình, nên bất cứ nơi đâu mà Người hoàn toàn làm chủ, thì ở đó, Người sẽ giữ mọi sự trong bình an. Tuy nhiên, trước khi ban bình an, Người thường “gây chiến” bằng cách tước khỏi chúng ta những gì quá thân thiết với cái tôi, tính cậy mình, tự mãn hay ích kỷ. Trước khi ban tặng bình an đích thực, Chúa muốn chúng ta lột bỏ những đam mê có khi rất ngọt ngào; Người kéo chúng ta ra khỏi những điều quyến luyến và quen thuộc; Người cần cho chúng ta trải nghiệm những giây phút giằng co nội tâm v.v… Nhưng giữa tất cả những “ray rứt” ấy, nếu tâm hồn vẫn một mực gắn kết với Chúa trong niềm tín thác cậy trông, thì sự bình an của Chúa sẽ đến cư ngụ trong tâm hồn, và sự bình an ấy không ai lấy mất được.
Mẹ Têrêsa Calcuta nói: “Nếu bạn thấy cuộc sống quanh mình không bình an, đó là vì bạn quên mất chúng ta có một cõi lòng bình an”. Một cõi lòng bình an là một tâm hồn tín thác mọi sự cho thánh ý Chúa. Chúa là Đấng điều khiển mọi sự trong vũ trụ này và Người luôn lưu tâm đến điều tốt nhất cho chúng ta. Sự lựa chọn của Chúa là một lựa chọn khôn ngoan và nhằm lợi ích tốt nhất cho cuộc sống chúng ta. Nhưng đối với Chúa, lợi ích phải trọn vẹn, nghĩa là phải hướng đến tinh thần và vĩnh cửu nữa. Vì thế, ý Chúa thường trái ngược với ý chúng ta. Hiểu được điều đó, chúng ta sẽ trân trọng đem thánh ý Chúa vào cuộc sống của mình, đem sự bình an của Chúa Giêsu vào trái tim mình và hết lòng ký thác đường đời cho Chúa.
Khi tâm hồn thấm đượm ơn bình an của Chúa, chúng ta sẽ có khả năng gieo rắc hạt giống bình an. Thánh Seraphim Sarov nhắc nhở chúng ta: “Hãy giữ lấy sự bình an nội tâm và sẽ có nhiều người được hạnh phúc ngang qua bạn”. Vâng, có sự bình an nội tâm, chúng ta sẽ thắp sắng được niềm vui và sự bình an trong trái tim mình và cả trong trái tim những người sống chung quanh chúng ta. “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130). Đó là hình ảnh của tâm hồn hoàn toàn tín nhiệm nơi Chúa. Ước mong chúng ta trở nên những sứ giả bình an của Chúa ngay trong cộng đoàn mình cũng như mọi nơi có bước chân chúng ta đi tới. Ước mong tất cả chúng ta đón nhận trọn vẹn ơn Giáng Sinh, ơn Bình An. Xin cho lời Thiên sứ loan tin cho các mục đồng khi xưa luôn vang vọng và ở lại trong tâm hồn mỗi chúng ta, hôm nay và mãi mãi. Xin Mẹ Maria, Nữ Vương bình an, giúp chúng ta đạt được ước nguyện này.
Sr. Marie Rose Vũ Loan, FMSR