Được sai đi trong ơn gọi Mân Côi

CHỦ ĐỀ HỌC TẬP THÁNG 7-2017

Trong Giáo Hội có nhiều Hội Dòng khác nhau, mỗi Hội Dòng như là một loại hoa tô điểm cho khu vườn Giáo Hội ngày càng thêm rạng rỡ và phong phú. Đặc sủng của mỗi Hội Dòng là một hồng ân Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội để trang điểm và làm cho bộ mặt Giáo Hội được luôn tươi trẻ, xinh đẹp và thánh thiện.

Trong Tông thư “Năm Đời sống Thánh Hiến”, Đức Thánh Cha Phanxicô không nói rõ căn tính của đời sống thánh hiến là  gì, vì mỗi Hội dòng có một đặc tính riêng. Nhưng ngài mời gọi chúng ta hãy trở về với căn nguyên và khởi nguồn ơn gọi của chúng ta. Bởi vì “Mỗi dòng của chúng ta đều đến từ một  lịch sử phong phú của đặc sủng. Khởi đầu là tác động của Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi trong Thánh Linh một số người đi theo sát gót Đức Kitô, để chuyển dịch Tin mừng ra một  lối sống đặc thù, …để đáp ứng với những nhu cầu của Giáo hội một cách sáng tạo”[1].

Tu sĩ của bất cứ Hội dòng nào cũng đều có những nét đặc trưng tiêu biểu của Hội dòng mình, những nét đặc trưng đó như là thương hiệu của một mặt hàng, là kết quả của một nền giáo dục, một phương pháp huấn luyện, mà các tu sĩ dù với những cá tính khác nhau nhưng vì được kế thừa một nguồn lịch sử, một truyền thống, một đặc sủng, một linh đạo, đã tạo nên nét đặc trưng cho Hội dòng mình, làm nên sự khác biệt giữa các Hội dòng trong Giáo Hội. Nhờ nét đặc trưng của mỗi Hội dòng, tu sĩ của dòng này khác với dòng kia trong lối suy nghĩ, trong cung cách ứng xử, trong diện mạo, thậm chí trong cả lời ăn tiếng nói và nét mặt…, tu sĩ dòng Tên khác dòng Đaminh, dòng Phanxicô khác dòng Don Bosco, dòng Mân Côi khác dòng Mến Thánh Giá…

Như vậy, được sai đi với tư cách là nữ tu Mân Côi, được sai đi trong ơn gọi Mân Côi, chúng ta cần phải sống đặc sủng và linh đạo của mình, làm sáng lên nét đặc thù, nét đẹp riêng của người nữ tu con Mẹ Maria trong khi thi hành sứ vụ cũng như trong đời sống hiến dâng. Bởi đó là điều Giáo Hội cần nơi nữ tu Mân Côi, đó là điều quyết định cho Hội dòng chúng ta có mặt trong Giáo Hội, và đó cũng là điều làm nên đời sống, là con đường nên thánh của chúng ta, những nữ tu Mân Côi.

Tuy nhiên, ở đây không đề cập và phân tích đặc sủng và linh đạo của dòng (lãnh vực đó chúng ta đã học tập và chia sẻ tháng trước), mà chỉ nêu lên những nét đặc thù trong cuộc sống đời thường của nữ tu Mân Côi, làm nên sự khác biệt, làm nên vẻ đẹp riêng của chúng ta giữa vườn hoa Giáo Hội.

Chúng ta ai cũng thuộc lòng đoạn thơ đức cha Tổ Phụ đã viết để nhắc chị em phải rèn luyện ngay khi còn ở Nhà Tập:

Đơn sơ vui vẻ thật thà

Dễ răn dễ bảo, hiền hòa an vui

Hay chịu khó hay thương người

Dễ ăn dễ ở, tươi cười nết na

Chẳng hay giả dối nịnh tà

Nói phô ngay thẳng, xuyên hoa chẳng hề [2]

Thực vậy, từ lâu, nữ tu Mân Côi đã được nhiều người nhận xét là có sự vui vẻ hiền hòa, có cuộc sống giản dị hòa đồng biết thích nghi với hoàn cảnh, và có lòng thương người, độ lượng bác ái.

1.Nét vui vẻ hiền hòa nơi nữ tu Mân Côi

– Sự vui vẻ của nữ tu Mân Côi nói lên một lương tâm ngay thẳng bình an: “Sự vui vẻ cũng là một nhân đức nên các thánh cũng ra sức tập tành đức vui vẻ… hễ là thánh thì tự nhiên phải có sự vui vẻ tự trong lương tâm mà phát ra… Sự vui vẻ nơi nét mặt tỏ sự trong sạch trong lương tâm; Sự vui vẻ chẳng ở nơi trò truyện cười reo, hay là có cuộc gì giải trí; làm thinh ắng lặng cũng vui vẻ được”.

 Đó còn là sự vui vẻ phát xuất từ nội tâm, một tâm hồn thanh sạch luôn có Chúa: “ sự vui vẻ thật ở tại bề trong mà xuất ra nơi nét mặt làm cho bộ diện tươi cười như hoa nở…. Sự vui vẻ thanh sạch cũng là hình bóng thiên đàng vì các đấng trên trời hằng thanh nhàn vui vẻ”. Như vậy, sự vui vẻ của nữ tu Mân Côi không hệ tại việc cười nói ồn ào, nhưng là một bầu khí bình an và hạnh phúc: “Tinh thần vui vẻ hằng vui vẻ với hết mọi người, làm cho mọi người xung quanh mình vui… Một nữ tu có tinh thần vui vẻ cũng kéo lòng kẻ khác vui vẻ như mình…”[3].

2.Dễ ăn dễ ở – Cung cách sống của chị em Mân Côi

“Dễ ăn dễ ở” được hiểu là một cung cách sống giản dị và hòa đồng, xả thân quên mình, không đỏi hỏi, không có lối sống cách biệt và nguyên tắc. Thực vậy, khi so sánh với một số dòng nữ khác, chúng ta nhìn rõ hơn nét đặc trưng này nơi nữ tu Mân Côi:

– Nếp sống đơn sơ bình dân: người ngoài dễ dàng tiếp cận không ngại ngùng

– Cách ứng xử thân thiện gần gũi: không có sự cách biệt hay phân chia đẳng cấp…

– Dấn thân không đòi hỏi: chúng ta cư xử theo tình nhiều hơn lý.

Cư xử theo tình cũng là một cung cách thể hiện đức bác ái, bởi tình yêu thì không còn lý luận mà để con tim lên tiếng. Một người sống theo nguyên tắc thì không còn chỗ cho đức ái chen vào. Nguyên tắc thuộc lý trí còn đức ái thuộc con tim, mà lý lẽ của con tim là không còn lý lẽ.

3.Thực thi đức ái – Tinh thần sống của chị em Mân Côi

Đức ái là tinh thần sống của chị em Mân Côi được đức cha Tổ Phụ nhấn mạnh: “Tôn chỉ nhà dòng là đức “kính Chúa ái nhân”. Bởi lòng mến Chúa, muốn kết hợp cùng Chúa cho giọn, nên người trinh nữ muốn dâng mình vào Dòng này. Lại vì lòng thương yêu người ta về phần linh hồn và phần xác, nên kẻ vào Dòng hằng sẵn lòng làm hết mọi việc và chịu mọi sự khó về nhân đức ấy”[4]. 

Thực vậy, “Tinh thần sống của chị em Mân Côi là tinh thần đức ái Phúc Âm…”[5]. Tinh thần đức ái này luôn được đề cao và thể hiện trong đời sống cụ thể hằng ngày với nhau cũng như trong cách đối xử với người ngoài.

– Bác ái với chị em trong dòng

+ Tình bác ái của chúng ta dành cho nhau dựa trên nền tảng gia đình, một mối dây thiêng liêng nối kết bền chặt mang lại niềm vui và hạnh phúc thiên đàng: “Chị em sống đoàn kết yêu thương nhau, chia sẻ những gia sản thiêng liêng cũng như những nhu cầu vật chất, mọi sự may rủi cũng như vui buồn, như chị em ruột thịt trong gia đình, vì cùng là con Mẹ Mân Côi, cùng sống chung một nhà, cùng chung ơn gọi và sứ mạng[6], và“Nhà dòng nào giầu đức thương yêu thì ấy là nhà dòng bình an, vui vẻ cùng là hình bóng chốn thiên đàng”[7].

+ Đức thương yêu của chị em Mân Côi không chỉ là lý thuyết xuông nhưng được thể hiện một cách cụ thể trong những giao tiếp hằng ngày mà Hiến luật số 30.5 đã quy định: “Sự giao tiếp giữa chị em trong cộng đoàn phải thành thực, đơn sơ và đầy tình bác ái. Chị em hết lòng thương yêu nhau, thông cảm, nâng đỡ và làm gương sáng cho nhau trong việc nên thánh và giữ luật dòng”. Ngoài ra, sự tha thứ là yếu tố cần thiết để duy trì đức bác ái, vì “đã gọi nhau rằng chị rằng em, thì hãy yêu nhau xứng em, xứng chị; vui vẻ cùng nhau, hòa nhã với nhau; rủi nhỡ miệng, làm mất lòng nhau, thì dong thứ cho nhau tức thì”[8].

– Bác ái với người ngoài

+ Sống yêu thương không chỉ đối với người thân cận mà còn đối với mọi thành phần, nhất là những người nghèo khó yếu đuối cần đến lòng thương xót của chúng ta. Trong các cộng đoàn Mân Côi, phần lớn những người giúp việc, người làm công… được đối xử công bằng, bác ái và được tôn trọng, đó là điểm son mà chúng ta cần ghi nhận và giữ gìn. Thực vậy ngay từ đầu chị em Mân Côi đã được đức cha Tổ Phụ dạy dỗ cụ thể: “Đối với tôi tớ, người nhà hay người ngoài, đều phải yêu thương thật tình, nết na thanh tịnh trong lời nói, trong bộ diện tỏ đức thương yêu”[1]. Để nhắc nhớ chị em Mân Côi thi hành nghiêm túc truyền thống tốt đẹp này, Hiến luật 33.4 cũng xác định lại: “Chị em đối xử công bằng và bác ái với mọi người, nhất là những người giúp việc trong nhà, những người nghèo, và những người bị coi là thấp kém trong xã hội”.

+ Trong nếp sống cụ thể, theo truyền thống, chị em Mân Côi cũng rất ít khi cư xử theo lý, thường đối xử theo tình, không nệ luật hay theo nguyên tắc, điều này đôi khi cũng bất tiện nhưng đức ái được tôn trọng và mọi người đều cảm thấy vui là đủ.

Chúng ta hiểu rằng để thực thi đức ái, để sống tinh thần dòng, chúng ta cần nỗ lực mỗi ngày, bởi “Giới luật Yêu thương” mà Chúa Giêsu đã truyền không chỉ giới hạn nơi một số những hành vi, những ứng xử thông thường chúng ta đã có, mà còn đòi chúng ta phải đi đến tận cùng, một tình yêu hiến mạng sống cho người mình yêu, dám chết đi từng ngày trong những từ bỏ ý riêng, sở thích, quan điểm, để cho người khác được lớn lên, đức ái được lớn lên. Có như thế chúng ta mới nên “đồng hình đồng dạng với Chúa”, nên người nhà của Chúa.

Một câu chuyện nhỏ: Một buổi tối, tuyết rơi đầy mặt đất, một cậu bé khoảng sáu, bảy tuổi đang đứng lấm lét nhìn vào một tủ kính trưng bày quần áo trước một cửa hàng sang trọng. Em đi chân không, trên người mặc một bộ quần áo cũ sờn rách. Một bà ăn mặc sang trọng đi ngang qua trông thấy, bà đọc được ước muốn trong ánh nhìn của em. Bà liền đến cầm tay em dẫn vào tiệm và mua cho em một đôi giầy mới và bộ quần áo ấm.

Sau đó, khi cả hai bước ra ngoài phố, người đàn bà tốt bụng liền nói với cậu bé :

– Chúc cháu vui vẻ và một đêm ngủ ngon.

Cậu bé trố mắt nhìn người vừa cho quà và hỏi:

– Thưa bà, bà có phải là Chúa không?

Bà cúi xuống mỉm cười vỗ nhẹ vào vai cậu và trả lời:

– Con ơi, không phải đâu, ta chỉ là một trong những đứa con của Chúa thôi!

Cậu bé như khám phá được điều gì mới lạ reo lên:

– Cháu biết ngay mà, bà có họ hàng với Chúa!

Trên tất cả, Đức Ái phải là “dấu hiệu riêng” của dòng Mân Côi. Chúng ta đã có một vài điểm son trong việc sống đức ái, tinh thần của Dòng. Chúng ta phải sống triệt để hơn nữa “…để qua đời sống bác ái của chị em, mọi người nhận ra chị em là ‘chị dòng bác ái con Mẹ Mân Côi’”[10].

4.Nữ tu con Mẹ Maria Mân Côi

– Có lòng sùng kính Mẹ Maria đặc biệt: Tên dòng cũng là một nét đặc trưng của nữ tu Mân Côi, bởi tên là người, mục đích đầu tiên của tên là để phân biệt người này với người kia, và cha mẹ đặt tên cho con kèm theo một hoài bão về đứa con của mình. Khi chọn tên cho Hội dòng, đức cha Tổ Phụ cũng ước mong chị em luôn có lòng yêu mến, trông cậy và noi gương bắt chước Đức Mẹ, đặc biệt qua việc siêng năng suy niệm mầu nhiệm Mân Côi: “Kẻ ở nhà dòng phải dựa vào Đức Mẹ cho nên sự tôn kính Đức Mẹ cũng là tôn chỉ của nhà dòng. Chị em hân hạnh làm con cái Đức Mẹ Mân Côi, thì chị em phải lo cho được sùng kính Đức Mẹ chí thiết, cho xứng đáng làm con cái Đức Mẹ Mân Côi: vừa trắng, vừa đỏ, vừa hồng, đầy sự vui, thương, mừng như Đức Mẹ. Hằng ngày hằng ngắm 15 sự mầu nhiệm ấy”[11]. Ngoài ra, người được đặt tên cũng mang một sứ mệnh nào đó như trường hợp của thánh Phêrô: “Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Phêrô, nghĩa là Đá…”[12].

– Siêng năng lần hạt Mân Côi: Nữ tu Mân Côi phải trổi vượt về lòng yêu mến Mẹ Maria và siêng năng lần hạt Mân Côi: “…Là con của Mẹ, chị em hết lòng yêu mến và đặc biệt sùng kính Mẹ dưới tước hiệu Nữ Vương rất thánh Mân Côi…”; đồng thời “Chị em chuyên cần suy niệm và đọc kinh Mân Côi, để cùng Mẹ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu và từng bước dõi theo dấu chân Người trong hành trình cứu độ, giúp chị em ngày càng nên giống Chúa Giêsu hơn. Chị em tập thói quen lần hạt khi đi đường, trên xe và những lúc rảnh rỗi…”[13].

Trong thực tế, chúng ta cũng đã có một số nét đặc biệt bên ngoài để người khác nhận ra chúng ta là nữ tu Mân Côi: 

– Chị em Mân Côi đều mang thánh hiệu Maria

– Chị em Mân Côi chào nhau bằng lời chào: “Ave Maria”

– Mỗi cộng đoàn Mân Côi đều mang tước hiệu, nhân đức hoặc đặc ân của Đức Mẹ

– Chị em mang tràng hạt trong người, và có thói quen lần hạt trên xe, lúc rảnh rỗi…

KẾT:

Những điều trình bày trên đây chưa đủ để làm nên cuộc sống nữ tu Mân Côi. Tuy nhiên đó chính là kết quả mà mỗi người chúng ta có được khi trung thành với đời thánh hiến Mân Côi, khi nhiệt tâm trong sứ vụ và nỗ lực bước theo linh đạo của dòng. Những đặc điểm đó xác định chúng ta thuộc về một Hội dòng, là nét đặc thù để người khác nhận ra khuôn mặt của chúng ta, gia đình của chúng ta, dòng tộc của chúng ta một cách dễ dàng và nhanh chóng mà không cần tra cứu lý lịch.

Còn đời sống Thánh Hiến của chị em Mân Côi là cả một hành trình bước đi theo sát Chúa Giêsu và từng ngày “nhờ Mẹ uốn nắn dạy dỗ để nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn”[14], trong sự kết hiệp thâm sâu và bền bỉ với Chúa Cha bằng tình con thảo như Người; đồng thời trong sự liên đới và hiệp nhất với tất cả mọi anh chị em, những người mà “Thiên Chúa đã yêu thương… đến nỗi ban chính Con Một…”[15]. Vì sứ vụ của Giáo Hội, sứ vụ của các Hội dòng, đều nhắm đến một mục tiêu là làm mọi cách để Nước Thiên Chúa sớm hiển trị nơi trần gian; đồng thời mọi sinh linh được hưởng ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa đã tặng ban qua Đức Giêsu Kitô.

Nt. M. Gaudentia XUÂN HUỆ, FMSR.

[1] ĐTC Phanxicô “Đời sống Thánh hiến”, I, 1

[2] Gia Sản 1, trang 208

[3] Gia Sản 1, trang 194

[4] Gia Sản 1, trang 82

[5] HL 3.2

[6] HL 29.1

[7] Gia Sản 1, trang 222

[8] Gia Sản 1, trang 98

[9] Gia Sản 1, trang 98

[10] HL 3.1

[11] Gia Sản 1, trang 311

[12] x. Ga 1, 42

[13] HL 25.2; 26.2

[14] Kinh Tận Hiến

[15] x. Ga 3, 16

 

 

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Kiên trì tiến tới đích điểm đời tu Mân Côi

Chúa không đòi chúng ta phải thành công, Người chỉ đòi chúng ta trung thành và kiên trì bước đi...

Để lại một bình luận