Được sai đi thi hành sứ vụ trong lòng Mẹ Giáo hội

“Chúa Thánh Thần thúc bách chúng ta mở rộng cửa và đi ra để loan báo và làm chứng cho Tin Mừng, để thông truyền niềm vui đức tin, để gặp gỡ với Đức Kitô. Chúa Thánh Thần là linh hồn của sứ mạng truyền giáo.”

ĐTC Phanxicô

1.Tìm về ý nghĩa hai từ “sứ vụ”

Xét về danh từ, “sứ vụ” khởi đi từ nguyên ngữ Latinh missio và có nghĩa: “việc sai đi, gởi đi, phái đi”, hoặc theo Anh ngữ mission với ý nghĩa tương tự: nhiệm vụ, sứ mệnh; sự sai đi, sự sai phái. Những ý nghĩa này bắt nguồn từ chính sứ mạng của Đức Kitô – Đấng được sai đến trần gian để chuyển giao tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại; Ngài là “người loan báo Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất”.[1] Đến lượt mình, mọi thành phần trong Hội Thánh, khởi đi từ Bí Tích Thánh Tẩy, cũng được Đức Kitô “sai đi để tỏ ra cũng như để thông truyền tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi con người và mọi quốc gia.”[2]

Đặc biệt, missio có chữ đồng nghĩa là Evangelisatio (Phúc Âm hóa). Evangelisatio đã được dùng phổ biến trong Giáo Hội kể từ sau Tông huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) với những ý nghĩa phong phú và năng động như: Công bố Chúa Kitô cho những người chưa biết Ngài (Kerygma), Truyền giảng Lời Chúa, Trình bày giáo lý, Cử hành các bí tích, Tự canh tân, Thăng tiến con người… Và EN số 18 đã định nghĩa Evangelisatio là: “Đem Phúc Âm đến cho tất cả mọi tầng lớp nhân loại, để rồi, nhờ ảnh hưởng của Phúc Âm, biến đổi nhân loại từ bên trong và làm cho nhân loại nên mới.[3]

2. Sứ vụ của chị em Mân Côi trong lòng Giáo Hội

Ngay từ thời buổi đầu khi thiết lập Hội Dòng, Đức Cha Tổ Phụ Đôminicô Maria đã ghi rõ trong bản Luật đầu tiên về sứ mạng của chị em là “tham gia truyền giáo, bằng việc giáo huấn, đào luyện các trẻ ở các trường nữ trong các xứ, các họ; bằng sự săn sóc cho các kẻ liệt ở nhà thương, hay là các trẻ mồ côi ở các nhà dục anh, hoặc các việc gì khác hữu ích cho địa phận tùy ý bề trên xét” (GS I, 74).

Theo dòng thời gian, cho dù có nhiều biến chuyển về thời cuộc cùng với những thăng trầm của phận người, sứ mạng của chị em Mân Côi trong lòng Giáo Hội vẫn đã và đang đi sát với ý hướng ban đầu của Đấng Sáng lập: “Hiến thân cho việc tông đồ truyền giáo của Giáo Hội bằng việc rao giảng Tin Mừng và giáo dục đức tin, đặc biệt cho người nghèo khổ, trong các lãnh vực: giáo dục đức tin và văn hóa, từ thiện, xã hội và mục vụ tông đồ” (HL 2.3).

3. Hành trình chuẩn bị

Chúa Giêsu trước khi hoạt động công khai chỉ có 3 năm, Ngài đã sống ẩn dật trong suốt 30 năm. Một thời gian ẩn mình quá dài so với thời gian hoạt động. Đây quả là mẫu gương tuyệt hảo để chị em – những nhà tông đồ Mân Côi – suy gẫm và lưu tâm.  

Trên thực tế, trước khi chị em tung cánh ra đi đến với các vùng miền trong và ngoài nước, ai ai cũng đã trải qua những thời gian học tập và tu luyện nhất định. Nhờ đó, chị em phần nào đã được hấp thụ và thấm nhuần tinh thần cũng như mục đích của Dòng mỗi khi chị em cất bước ra đi thực thi sứ mạng Hội Dòng trao phó.

Hành trình chuẩn bị cho sứ vụ ấy vẫn tiếp diễn mỗi ngày khi chị em tìm đến và ở lại với Chúa Giêsu trong các giờ kinh nguyện, Thánh lễ, hồi tâm, suy gẫm, lãnh nhận các bí tích, sống các mầu nhiệm Mân Côi và hiệp thông trong tình huynh đệ cộng đoàn. Chị em vì thế không thể không trân quý những thời khắc “ẩn dật” bên Chúa. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, trước khi ra đi thi hành sứ vụ, thì người được sai đi cần phải “đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Giêsu Kitô… và không ngừng làm điều này mỗi ngày.”[4] Bên cạnh đó, những buổi tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm và một số khóa bồi dưỡng do Dòng tổ chức đều là những cơ hội hồng phúc để chị em kín múc thêm ân sủng, lửa mến, sự khôn ngoan, nhiệt huyết, và kiến thức cần thiết cho những sứ vụ hiện tại và phía trước. Đây chính là những điểm dừng thiết yếu trước khi chị em bắt đầu hoặc tiếp tục sứ vụ mình được sai đi trong sự tự do và thanh thoát!

Thật vậy, “càng là những người hoạt động, thì càng phải trở nên những con người của chiêm niệm. Nếu chúng ta không nuôi dưỡng đời sống của mình trong âm thầm cầu nguyện cùng Thiên Chúa, nếu chúng ta không dành thời gian thinh lặng và nếu chúng ta không biết dùng thời gian để sống, hiện diện và cư xử nhân ái với anh chị em, chúng ta đang liều lĩnh chuốc lấy những đau khổ. Chính mức độ chúng ta nuôi dưỡng tâm hồn mình sẽ giữ cho chúng ta được tự do nội tâm.”[5] Trái lại, “nếu không có cầu nguyện, những việc làm của chúng ta trở nên trống rỗng và lời rao giảng của chúng ta không có hồn, vì nó không được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần.”[6]

4. Sứ mạng được ủy thác

Như vườn hoa muôn sắc, sứ mạng của chị em Mân Côi trong lòng Giáo Hội Mẹ cũng thật đa dạng, phong phú. Tại các địa chỉ được sai đến – miền quê hay đô thị, Bắc Việt hay Nam Việt, quốc nội hay quốc ngoại, Nhà Mẹ hay địa sở, trường học hay bệnh viện, mái ấm hay lưu xá, giáo xứ hay trạm xá, phòng trực hay nhà bếp, Viện Huấn Luyện, Nhà Tĩnh tâm hay Viện Hưu Dưỡng – mỗi chị em đều được ủy thác cho một sứ vụ nào đó để hoàn thành.

Kế đến, mặc dù chị em đón nhận bài sai qua sự phân công của bề trên hoặc chị phụ trách cộng đoàn, nhưng chị em luôn tin nhận đó là sứ vụ mà Đức Kitô đã và đang mời gọi chị em cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chị em là những cánh tay, những bước chân nối dài của Đức Kitô để đem tình yêu Thiên Chúa đến với muôn người và muôn phương. Sự hiện diện sống động của chị em Mân Côi vì thế được thể hiện qua những vai trò khác nhau trong lòng mẹ Hội Thánh: nhà tông đồ, nhà chiêm niệm, giáo lý viên, nhạc sĩ, ca trưởng, người điều hành, người quản lý, hiệu trưởng, hiệu phó, giảng viên, cô giáo, y tá, chị nuôi, chị điều dưỡng, chị trực cổng, chị đồng hành, sinh viên thần học, sinh viên đại học…

Và dù ở trong vị trí hay vai trò nào, ở nơi khỉ ho cò gáy hay phố thị đông người, trước đám đông hay trong góc phòng bé nhỏ, công khai hay âm thầm, từng sứ vụ chị em đảm nhận và thi hành đều cao trọng, vì “trong tình Chúa quan phòng, không có gì vô nghĩa, chẳng có gì hư hao…”[7] Chính Đức Cha Tổ Phụ cũng đã dạy rằng:

“Mọi việc trong nhà Chúa dù việc phần hồn hay phần xác, dù việc trọng hay việc hèn cũng kể là việc Chúa hết. Vì thế một nữ tu có tinh thần thì chẳng hề biết phân biệt việc này việc khác… Kẻ ở nhà dòng chẳng vì cầu lợi ham danh mà thích lo việc phần xác, song chỉ vì các việc ấy ở trong nhà Chúa là việc Chúa” (GS I, 535-536).

Điều quan trọng là trong sứ vụ hiện tại của mình, ngang qua Linh đạo Mân Côi, chị em được sai đi để giúp cho “ai đó” gặp được Chúa Giêsu là “nguồn sống và là Đấng cứu độ trần gian”. Đây cũng chính là sứ mạng nền tảng của đời sống thánh hiến nơi chị em: “họa lại dung mạo của Chúa Kitô, trở nên một Đức Kitô khác cho mọi người”[8], đặc biệt với những ai chị em đang sống cùng, sống với và sống phục vụ mỗi ngày. Muốn thế, chị em cần “phải để Đức Kitô biến đổi mình trở thành hình ảnh của Người mỗi ngày”[9].

5. Lên đường thi hành sứ vụ

Sau khi được ở lại với Chúa, được ủy thác và được sai đi, chị em Mân Côi sẵn sàng lên đường thi hành sứ vụ và mang theo mình một số hành trang cần thiết.

  • Thực thi ý muốn của người sai đi:

Theo gương Chúa Giêsu, Đấng luôn làm theo Ý Cha – “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4:34), chị em luôn cưu mang việc thi hành sứ vụ theo Thánh Ý được thể hiện qua: ý hướng của Đấng Sáng Lập, sứ mạng của Hội Dòng, nhu cầu của Giáo Hội địa phương, trách vụ cộng đoàn trao phó,… Dẫu cho chị em đã dứt khoát lên đường một lần khởi đi từ bài sai và ý muốn của bề trên, nhưng chị em vẫn cần tìm kiếm và lắng nghe từng ngày, xem Chúa muốn chị em làm gì trong sứ vụ hiện tại. Việc lắng nghe và tìm kiếm Thánh Ý sẽ giúp chị em được tỉnh thức trước những mời mọc để làm theo những kế hoạch riêng tư hoặc mải mê thế sự, hư danh, quyền bính… Thay vào đó, chị em được nối kết với chính Đấng đã sai chị em đi, giúp chị em sống trọn vẹn tinh thần vâng phục và có thể sinh nhiều hoa trái trong sứ vụ. Thật vậy, “không có Thầy, ‘chị’ em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).

  • Thi hành sứ vụ trong tâm tình tri ân:

Khi càng đối diện với con người thật của mình, chị em chắc hẳn càng chân nhận mình yếu đuối, tội lỗi, giới hạn và mỏng giòn dường bao. Ấy vậy mà Thiên Chúa lại trao cho bản thân những sứ mạng thật cao quý! Tất cả vì tình thương nhưng không mà Ngài gọi chị em bước tới và gửi trao trách vụ. Và như Mẹ Maria, chị em luôn mang trong mình tâm tình cảm tạ về hồng ân sứ vụ hiện tại. Quả thế, ngay sau khi Mẹ nhận ra sứ mạng cao cả của mình – Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ chỉ biết hướng về Đấng Tối Cao và cất vang lời kinh Magnificat:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

Thần trí tôi hớn hở vui mừng

Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

Từ nay hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

Biết bao điều cao cả.

Danh Người thật chí thánh chí tôn!….

Không chỉ tạ ơn Thiên Chúa, chị em có lẽ cũng cần cám ơn Mẹ Dòng đã tin tưởng và gửi trao trách vụ cho chị em. Cám ơn cộng đoàn, giáo xứ hoặc môi trường nơi chị em được sai đến để sống và phục vụ. Cám ơn những người chị, người em đang cùng song hành với chị em trên mọi nẻo đường trong cánh đồng truyền giáo… Chính tâm tình biết ơn sẽ giúp chị em sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và sống hết mình với sứ vụ. Nhờ đó mà chị em sẽ cảm thấy việc cho đi chính mình trong sứ vụ là điều tất yếu và dễ dàng; vì lẽ, chị em cảm nghiệm sâu xa rằng: mình “đã được cho không”, nên “cũng phải cho không như vậy” (Mt 10:8), bao gồm tình yêu, trí tuệ, kiến thức, tài lực, khả năng, thời gian, sức khỏe,… Chỉ qua sự quảng đại của bản thân, Thiên Chúa mới có thể “sử dụng điều [chị em] có: những khả năng khiêm tốn của [chị em, và] chỉ khi chia sẻ, khi trao ban chúng, mà cuộc sống [chị em] trở nên phong phú, sinh hoa kết trái.”[10]

Hơn nữa, chị em có lẽ đã từng kinh nghiệm: “Khi chúng ta có lòng biết ơn, ‘ta’ sẽ tìm thấy hạnh phúc từng giờ.” Trái lại, “Trái tim không biết ơn, ‘ta’ sẽ không tìm được sự hạnh phúc” (Henry Ward Beeche). Và theo nhà văn, triết gia người Mỹ Ralph Waldo Emerson, “Hãy trau dồi thói quen biết ơn mọi điều tốt lành đến với bạn, và hãy cảm tạ thật thường xuyên. Bởi vì tất cả mọi điều đều góp phần giúp cho bạn tiến lên phía trước. Hãy đem mọi thứ đặt trong lòng biết ơn.”

  • Đồng hành với con người thời đại:

Trong phạm vi được sai đến, chị em luôn có những đối tượng để phục vụ. Dù họ là ai và như thế nào, chị em “đều phải yêu thương thật tình, nết na thanh tịnh, trong lời nói, trong bộ diện tỏ đức thương yêu” (Đức Cha Tổ Phụ, GS I:98). Sâu xa hơn, ngay trong sứ mạng của Dòng, ý hướng của Đấng Sáng Lập là chị em phải lưu tâm đến những thành phần nghèo khổ (HL 2.3). Về điểm này, chính Đức Thánh Cha Phanxicô xác định rõ: “Hội Thánh phải đến với mọi người, không loại trừ một ai…, nhưng trên hết là những người nghèo khổ bệnh tật, những người thường bị khinh dể và ruồng rẫy, những người ‘không có gì để trả lại ngươi’ (Lc 14:4)… Hôm nay và mãi mãi, ‘người nghèo là những người ưu tiên được đón nhận Tin Mừng’… Chúng ta đừng bao giờ bỏ họ.”[11]

Có thể nói, những thành phần nghèo khổ ấy – về vật chất hay tinh thần – luôn hiện diện bên cạnh chị em: những em nhỏ thiếu tình thương và sự chăm sóc của bố mẹ, những học sinh không đủ điều kiện đến trường, những thiếu nhi ngỗ nghịch hay cá biệt, những bệnh nhân bị bỏ rơi, những bà mẹ cơ nhỡ, những người già neo đơn, những sinh viên lầm đường lạc lối, những mảnh đời không chỗ tựa nương, những tâm hồn khao khát được lắng nghe và đồng cảm,… Vâng, ngay trong chính môi trường hay trong cộng đoàn chị em đang sống và phục vụ, không thiếu chiên đau yếu cần làm cho mạnh, chiên bệnh tật cần chữa cho lành, chiên bị thương cần được băng bó, chiên đi lạc cần được đưa về, chiên bị mất phải được đi tìm… (Ed 34).

Bằng những hành động cụ thể nhất trong sứ vụ của mình, chị em nhìn người khác “với cặp mắt yêu thương của Đức Kitô, và phải học cách ôm lấy những người nghèo khổ, để cho họ thấy sự gần gũi, cảm tình và lòng yêu thương”[12] của chị em. Cách riêng, trong khả năng và tầm tay của mình, chị em chủ động, đi bước trước để đến với anh chị em mình, như: tiếp đón, hỏi thăm, quan tâm, tìm hiểu, đối thoại, lắng nghe, chia sẻ, yêu mến, thăm viếng, ủi an, khích lệ, giúp đỡ, cộng tác, đồng hành… “Khi chúng ta rộng lòng chào đón người khác và chia sẻ điều gì với họ – như một ít thực phẩm, một chỗ, thời giờ của mình – thì không những chúng ta không còn nghèo nữa, mà chúng ta được giàu thêm.”[13]

Chị em đồng thời mở rộng tầm nhìn ra Giáo Hội và xã hội để thấu hiểu những mảnh đời bất hạnh đang cần sự giúp đỡ: những con người sống trong loạn lạc, chiến tranh, khủng bố, thiên tai, lũ lụt, tù đày, bạo lực, bất công, nghèo đói, bị bách hại, bị loại trừ, bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề… Chắc hẳn có những mảnh đời mà chị em không thể trực tiếp phục vụ hay chia sẻ, nhưng chí ít chị em cưu mang họ trong lời cầu nguyện cùng với những của lễ bé mọn – là những khó nhọc trong sứ vụ, những cô đơn trên giường bệnh, những hiểu lầm trong tương quan, những bác ái trong âm thầm, những chấp nhận trong sự thiếu thốn, những đớn đau nơi thể xác, những hy sinh trong việc từ bỏ ý riêng… Với tất cả lòng thành và qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria Mân Côi, chị em kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa ban xuống cho họ những ơn lành cần thiết.

  • Sống chứng nhân Tin Mừng:

Được sai đi thi hành sứ vụ trong lòng mẹ Giáo Hội, chị em hiểu rằng: “Bản chất truyền giáo của Hội Thánh không phải là việc cải đạo, nhưng là việc làm chứng của đời sống, là đời sống soi sáng đường đi, mang lại hy vọng và tình yêu” (ĐTC Phanxicô). Và theo Đức Cha Tổ Phụ: “Một việc làm gương thì có thế lực lạ thường. Muốn được như vậy, [chị em] phải nên một người khiêm từ đức hạnh, kiên tâm, nhẫn nhục, ôn hòa, bác ái” (GS II, 125-126).

Trong môi trường hoạt động của mình, đặc biệt là ngay trong cộng đoàn chị em thuộc về, chị em nhất thiết phải là những “chuyên viên hiệp thông”[14] từ trong suy nghĩ cho đến lời nói và hành xử. Giữa một xã hội có xu hướng loại trừ sự hiện hữu của Đấng Vô Hình và xem thường hoặc không biết đến những giá trị Tin Mừng, chị em “phải làm sao cho chính cuộc đời của [mình] trở thành tiếng nói, cuộc đời chiếu tỏa niềm vui và vẻ đẹp của việc sống Tin Mừng và của việc đi theo Đức Kitô” (ĐTC Phanxicô). Và đang khi thi hành sứ vụ, chị em “không bao giờ được chán nản, đừng mất niềm tin, đừng bao giờ để cho niềm hy vọng của [chị em] bị dập tắt. Thực trạng có thể thay đổi, con người có thể thay đổi. [Chị em] hãy tìm cách là những người đầu tiên mang lại điều tốt lành, đừng học thói quen làm điều ác, nhưng đánh bại nó bằng điều tốt lành.”[15]

Một điều khác không thể không có nơi những nhà tông đồ Mân Côi: đó là việc chị em sống chứng tá các Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi – Vui, Sáng, Thương, Mừng – trong cuộc đời thánh hiến và sứ vụ của mình. Chị em “quan tâm truyền bá việc lần hạt Mân Côi như sứ mạng đặc biệt của Dòng” trong khi hoạt động tông đồ (HL 26.5). Bằng những hình thức khác nhau, chị em giúp tổ chức việc sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt trong tháng năm và tháng mười, suy gẫm và thực hành các nhân đức của Mẹ, “tập thói quen lần hạt khi đi đường, trên xe và những lúc rảnh rỗi” (HL 26.2).

Thật là kỳ diệu khi chị em chuẩn bị bước vào Tháng Hoa, tháng dành riêng để mừng kính Mẹ. Như khi xưa Mẹ đã âm thầm đến với người chị Elisabeth để phục vụ và chia sẻ tình thương, đã hiện diện tại tiệc cưới Cana để can thiệp kịp thời vào những khó khăn của chủ tiệc, đã dong duổi trên những nẻo đường rao giảng Tin Mừng của Người Con Chí Ái, đã chấp nhận những khổ đau dưới chân cây thập tự, và đã hiệp thông với các Tông Đồ trong những buổi cầu nguyện, nay chị em cũng xin Mẹ đồng hành với mình trên mọi nẻo đường của sứ vụ. Cùng với Mẹ, chị em “ra khỏi bản thân mình để loan báo Tin Mừng, nhưng để làm điều này, [chị em] phải ra khỏi chính mình để gặp gỡ Đức Giêsu. Có hai con đường để ra đi: một là hướng về gặp gỡ Đức Giêsu, hướng về tính siêu việt; đường kia là hướng về tha nhân để loan báo Đức Giêsu. Hai con đường này đi đôi với nhau. Nếu [chị em] chỉ thực hiện một trong hai thì chẳng ích lợi gì.”[16]

Emmanuel Thanh Đào, Fmsr

[1] Tông Huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) số 12

[2] Thông Điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” (Redemptoris Missio) số 20

[3] “Sứ vụ – Missio”: tgpsaigon.net

[4] Tông Huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) số 3

[5] Jean Vanier – Thăng Tiến Cộng Đoàn, trang 114

[6] Đức Thánh Cha Phanxicô – Bài Giáo Lý 7 về Kinh Tin Kính (22/05/2013)

[7] Phanxicô – Bài hát “Trong Tình Chúa Quan Phòng”

[8] Hiếu Liêm – “Căn Tính và Sứ Mạng Đời Sống Thánh Hiến trong Tông Thư ‘Năm Đời Sống Thánh Hiến’”

[9] Đức Thánh Cha Phanxicô – Bài Giáo Lý 2 về Kinh Tin Kính (10/04/2013)

[10] Đức Thánh Cha Phanxicô – Bài Giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa (2013)

[11] Tông Huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) số  48

[12] Đức Thánh Cha Phanxicô – “Đánh Bại Bóng Tối của Nghiện Ngập” (2013)

[13] “Những Câu Nói Bất Hủ của Đức Thánh Cha Phanxicô” (2016)

[14] Đức Thánh Cha Phanxicô – Tông Thư “Năm Đời Sống Thánh Hiến” (2014)

[15] Sứ Điệp Hy Vọng của Đức Thánh Cha Phanxi cô Dành cho Cộng Đồng Varginha (2013

[16] ĐGH Phanxicô Nói Chuyện với Các Chủng Sinh và Tập Sinh

 

 

 

 

 

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Vị trí của Đức Maria trong linh đạo Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi

Đức ái trọn hảo trong linh đạo Mân Côi phải là tình yêu vượt xa sự tính toán hơn thiệt...nó đến từ Thiên Chúa, là hoạt động của Chúa Thánh Thần...

Để lại một bình luận