Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, con xin cùng với Chị với Em trong Hội Dòng đồng thời hòa cùng mọi Kitô hữu thuộc dân thánh dâng lời tạ ơn Chúa trong giây phút thiêng liêng của ngày sống mới. Được hiện diện và sống thêm một Tam Nhật Thánh là một ân huệ cho con. Trong bầu khí trầm lắng nguyện cầu, con muốn chiêm ngắm Mầu nhiệm được Giương Cao của Chúa Giêsu – Mầu nhiệm Tình yêu – đã và đang thực hiện cho con và cho nhân loại tội lỗi, bất toàn, đáng thương. Nguyện xin Chúa Thánh Thần thức tỉnh trí lòng, nội tâm và linh hồn con, giúp con hiểu thấu và cảm nếm được tình yêu cao sâu của Thiên Chúa để con biết sống tâm tình tri ân, sám hối và quảng đại đáp đền tình yêu ấy bằng đời sống thánh thiện hơn mỗi ngày.
- Tin mừng: Ga 12, 32-33
Đức Giêsu nói: “một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.”
Hôm nay, cùng với Mẹ Giáo Hội con dìm mình sống trong không gian tĩnh lặng và chay tịnh của ngày thứ 6 Tuần Thánh năm 2021 để suy ngắm mầu nhiệm Đức Giêsu được giương cao – Mầu nhiệm tình yêu được thực hiện bằng thương đau và giá máu để lôi kéo quy tụ mọi người về với Thiên Chúa.
- Đức Giêsu được giương cao theo cái nhìn nhân loại
Cách đây hơn 20 thế kỷ, Đức Giêsu đã bị “giương cao” trên thập giá bởi một số thượng tế, kỳ lão, thông luật và người Do thái thực hiện. Họ đã mượn luật lệ của Đế Quốc Rôma và những thuộc hạ của họ để treo Chúa Giêsu trên thập giá. Đối với những người có chức quyền trong Dothai giáo, việc Đức Giêsu đáng bị mang án tử là vì Người đã phạm thượng, tự xưng mình là Con Thiên Chúa (Ga 10, 33) và đã nhận mình là “Con Người sẽ được ngự bên hữu Đấng Toàn Năng” (Mc 14, 62) và có quyền tha tội. Họ còn kết án Người vì cho rằng Người đã không giữ luật Sabath và luật Môsê khi họ thấy người không trách cứ xử phạt các môn đệ dùng bữa mà không rửa tay; Chúa đã trừ quỷ và chữa bệnh trong ngày Sabat (x. Mc 3,1-6 và 7,1-7).
Đối với thượng tế Caipha thì việc Đức Giêsu phải chết là để thế mạng cho mọi người. “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11, 50). Đối với ông, Đức Giêsu như là con vật tế thần.
Trước mặt Philato và người Roma, Đức Giêsu bị công nghị Dothai tố cáo vì tội tự xưng mình là vua, ngăn cản nộp thuế cho đế quốc, sách động dân chúng nổi dậy chống lại hoàng đế Rôma. Đây là lý do mà công nghị Dothai dùng để mượn pháp luật của đế quốc kết án Đức Giêsu với tội danh có nguy cơ cao gây ảnh hưởng nền hòa bình của đế quốc. Kết quả bản án là Đức Giêsu bị đánh đòn và sau đó là đóng đinh vào thập giá.
Vâng, đó là bản án bất công mà Chúa Giêsu đã chịu cách đây hơn 2000 năm. Vậy ngày nay điều đó còn tồn tại không? Đức Thánh Cha Phaxico trong các thông điệp của Ngài vẫn chỉ ra rất nhiều loại bất công xảy ra tương tự. Trên thế giới nhiều Kitô hữu, giáo sĩ bị bách hại, kết án tử chỉ vì họ là những người đi theo Đức Kitô và sống tinh thần Tin mừng. Bên cạnh đó còn có nhiều anh chị em khác bị mang “án tử bất công” chỉ vì họ là người khác màu da, giới tính, địa vị, ngôn ngữ, tôn giáo. Bất công và thiệt thòi vô cùng đó là sự chết của rất nhiều thai nhi vô tội vì sự ích kỷ, hẹp hòi, bất nhân của những con người tự cho mình có cái quyền định đoạt về sự sống chết của chúng … Và trong đời sống thường ngày của con thỉnh thoảng cũng có người chị người em bị loại trừ, phê phán, xét xử, kết án và bị giương cao chỉ vì những lý do nhỏ nhặt, bất cẩn, sai lỗi, khác biệt hoặc do lòng ghen tỵ, giận hờn, và cả hiểu lầm.
Lạy Chúa, những sai lầm, tội lỗi của con và của cả nhân loại đã và vẫn đang đóng đinh và giương cao Chúa trên thập giá ngang qua việc lên án, đối xử thiếu công bằng bác ái với những người đang sống với và xung quanh con. Xin Chúa cho con cũng như cho mọi người nhìn thấy lầm lỗi xấu xa u muội của mình để thực lòng sám hối ăn năn.
- Đức Giêsu được giương cao theo cái nhìn đức tin
Đức Giêsu quả quyết: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” Đây là lời mạc khải về cái chết trên thập giá và hiệu quả từ cái chết của Người. Chúa Giêsu chết trên thập giá đúng là một sự giương cao khỏi đất, nhưng đồng thời Người lại bị gắn chặt thân mình trên thập giá trong sự nhục nhã và đau đớn. Từ trên Thánh giá Chúa Giêsu đã gắn kết cái chết của Người với muôn triệu cái chết khác nơi những người vô tội là nạn nhân của sự bất công, bạo lực, ngông cuồng, quá khích, lạm dụng quyền bính ở mọi cấp độ địa vị xã hội trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Cũng từ trên cao ấy, Chúa Giêsu đã dùng cái chết của mình để đền thay tội lỗi cho muôn dân từ khai thiên lập địa cho đến tận thế. Chúa Giêsu được giương cao để kéo nhân loại ra khỏi vòng vây của tử thần và cứu vớt con người khỏi án phạt đời đời do tổ tiên đã làm liên lụy.
Trong suốt cuộc khổ nạn cho đến khi được giương cao, Đức Giêsu đã chịu đựng cảm nhận được nỗi đau thương, ô nhục, thống khổ nơi thể xác và sự cô đơn thất vọng mất mát nơi tâm hồn. Nhớ đó, Người đã trở thành sức mạnh an ủi, đỡ nâng, cảm thông, thấu hiểu, cứu vớt cho hàng tỉ người trên thế giới này đã và đang phải gánh chịu những đau thương, gai góc, roi đòn nơi thân xác và sự dày vò, ray rứt, khốn khổ nơi tâm hồn vì bị xúc phạm, lầm lỡ và tội lỗi. Vâng, nói như ngôn sứ Isaia Chúa Giêsu đã mang lấy tất cả nơi thân xác của Người để đổi lấy sự tha thứ, sự sống thật cho con và cho nhân loại. “Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành, Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta” (Is53, 2b-6). Thánh Phê-rô cảm nhận sâu sắc việc Đức Giêsu được giương cao trên thập giá là cái chết để tẩy sạch mọi tội lỗi của con người. “Tội lỗi của chúng ta chính Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi chết với tội, chúng ta được nên công chính. Vì Người phải mang thương tích mà anh em đã được chữa lành” (1Pr 2, 24).
Quả thật, nếu theo Phitato và giới lãnh đạo Dothai cho rằng: Đức Giêsu là phải chết để toàn dân không bị tiêu diệt (x. Ga 11,50). Vì họ lý luận rằng: Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ, nếu họ cứ để Người như thế này thì mọi người sẽ tin theo Đức Giêsu và quân đội Rôma sẽ kéo đến phá hủy đền thờ và dân tộc của họ. Nhưng theo dưới con mắt đức tin của tác giả tin mừng thứ 4, cái chết của Đức Giêsu hay việc Đức Giêsu được giương cao là một đảm bảo ơn cứu độ cho toàn dân It-ra-en và cả nhân loại. “Người không chỉ chết thay cho dân mà thôi, mà để quy tụ con cái của Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,51-52). Lời tiên tri ấy đã được ứng nghiệm: Chúa Giêsu đã chết, nhưng Người đã Phục Sinh và khai sinh Giáo Hội đến nay vẫn có thêm những người thuộc mọi dân tộc, quốc gia tin vào Đức Giêsu.
Nhìn vào chương trình kế hoạch của Thiên Chúa, thì việc Đức Giêsu được giương cao là để cứu độ nhân loại theo ý định của Chúa Cha và Đức Giêsu đã dám sống trọn vẹn tình yêu đối với Chúa Cha. Nói cho đúng, thập giá chưa bao giờ là một biến cố để chứng tỏ tính anh hùng nhưng là để chu toàn ý Cha bằng tất cả tình yêu của Ngài. Người đã đón nhận nó với tất cả sự tự do vâng phục của một người con, sẵn sàng tự hiến vì yêu Cha và nhân loại.
Cái chết của Chúa Giêsu là “để cho thế gian thấy rằng Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Người” (Ga 14, 31). Cũng qua cái chết này Chúa Giêsu cho thế gian thấy Chúa Cha yêu thương nhân loại như thế nào: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu mến chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,9-10). Đức Thánh Cha Phanxicô trong một bài giảng lễ (ngày 15/03/2016) tại nguyện đường Thánh Marta đã khẳng định: “Nếu muốn biết ‘câu chuyện tình’ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta phải ngắm nhìn Thánh Giá, nơi ấy có một vị Thiên Chúa đã hoàn toàn ‘trút bỏ vinh quang’, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn’ bởi tội lỗi con người để cứu con người khỏi chết”.
Thật vậy, Mầu nhiệm Đức Giêsu được giương cao là một trong những mầu nhiệm chính của đức tin công giáo mà con được mời gọi thường xuyên suy niệm, chiêm ngắm để đức tin được thêm sâu sắc và lòng cậy được thêm vững vàng đồng thời đức ái được thêm dồi dào năng động. Suy niệm điều này tim con dâng trào lòng cảm mến, biết ơn.
Vâng Lạy Chúa lời nói tạ ơn hay tri ân sẽ chẳng có ý nghĩa khi nó thiếu xác tín, thiếu hành động, và thiếu sự đổi mới trong đời sống. Đó là sự nên thánh, là cách duy nhất và thiết thực nhất để chứng tỏ lòng biết ơn sâu sắc mà Thiên Chúa muốn và ưa thích.
- Đức Giêsu được giương cao trong cuộc đời con
Thập giá cuộc đời bao gồm bệnh tật, tuổi tác, trách nhiệm, bổn phận, khó khăn, giới hạn, và sự chết… ở đâu cũng có và người người phải trải qua. Đời sống tu trì của con cũng không ngoại lệ, ngày ngày con phải diện đối diện với thập giá cuộc đời là đau bệnh, là sức lực tàn hao vì tuổi tác, là áp lực của công việc, là khó khăn trong sứ vụ, là trái ý khác biệt, là cám dỗ của bản năng … Có lúc con hành xử như người không có đức tin, nên con hoảng sợ, tức giận, thất vọng, buông xuôi và thập giá đè bẹp con. Ngược lại, nếu con chiêm ngắm Chúa Giêsu giương cao trên Thánh giá con được mời gọi hành xử như Chúa là đón nhận thập giá hằng ngày với lòng tin tưởng, phó thác. Cùng trao gửi tất cả nơi Thánh Giá với Chúa. Bên cạnh đó, khi nhìn vào đời sống thánh thiện của Đức Cha Tổ Phụ, sự phát triển của Hội Dòng và gương sống tốt lành an vui của các Bà các chị cùng sự nỗ lực luyện tập của các em để thăng hoa thập giá hằng ngày, con như được tiếp thêm sức mạnh để thay đổi cách sống, để biến đổi tất cả thập giá thành những nấc thang đưa con tới gần Chúa hơn.
Lạy Mẹ Maria, cả cuộc đời của Mẹ là hướng về Mầu nhiệm Thập giá của Chúa Giêsu – con của Mẹ. Mẹ đồng hành với Con vác Thập giá. Mẹ lặng nhìn Con được giương cao. Lúc này sự hiện diện của Mẹ như cùng với Con để hoàn tất tiếng xin vâng theo thánh ý Cha. Xin cho con khi sống Linh đạo Mân Côi trong Năm Thánh Tri ân, con biết cùng Mẹ Maria trung thành bước theo Đức Kitô và tháp nhập cuộc thương khó đời mình vào con đường khổ nạn của Chúa, để cùng chị em con vươn tới sự trọn lành mỗi ngày và “bước đi trước mặt Chúa trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 116, 9).
Lạy Chúa Giêsu,
Vì Chúa đã bị kết án bất công,
xin cho con can đảm sống theo sự thật.
Vì Chúa bị làm nhục và bị nhạo báng,
xin cho các những người yếu thế được tôn trọng.
Vì Chúa vác thập giá nặng nề,
xin cho những người ốm đau bệnh tật,
những người chịu đau khổ được đỡ nâng, an ủi.
Vì Chúa bị lột áo và bị đóng đinh,
xin cho sự hiền hoà thắng được bạo lực.
Vì Chúa đã chịu giương cao,
xin cho con đủ sức đối diện và chấp nhận
những thử thách trong đời dâng hiến.
Vì Chúa dang tay chết trên thánh giá,
xin cho Đất nối lại với Trời,
con người nối lại mối dây liên đới với nhau,
xin cho con sám hối đổi mới trở về với Chúa.
Giacobê Đinh Thúy, Fmsr
Trích nguyện gẫm thứ Sáu Tuần Thánh 2021