Sống tâm tình ‘hiệp thông’ với cuộc thương khó và sự chết của Chúa

Chúng con nguyện xin Chúa Thánh Thần đến trợ giúp cho tâm trí chúng con được hiện diện trọn vẹn bên mồ Chúa , và khơi lên trong lòng mỗi người chúng con thiện chí hiệp thông với cuộc thương khó và sự chết của Chúa, theo lời Giáo hội mời gọi chúng con sống trong ngày thứ Bảy thánh hôm nay.

Tin mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Marcô – (Chương 15)

34 Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni!” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”35 Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Kìa hắn kêu cứu ông Ê-li-a.”36 Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: “Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không.”37 Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở.

42 Chiều đến, vì hôm ấy là ngày áp lễ, tức là hôm trước ngày sa-bát,43 nên ông Giô-xếp tới. Ông là người thành A-ri-ma-thê, thành viên có thế giá của hội đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa. Ông đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su.46 Ông này mua một tấm vải gai, hạ xác Đức Giê-su xuống, lấy tấm vải ấy liệm Người lại, đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mộ. 47 Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và bà Ma-ri-a mẹ ông Giô-xết, thì để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người.

Ý nghĩa từ ‘hiệp thông’

Khi nói đến tương quan hỗ trợ nhau, những người bên ngoài Công giáo thường hay nói ‘đoàn kết’ hoặc ‘hiệp nhất’, họ không dùng từ ‘hiệp thông’, vì hiệp thông là thuật ngữ dành riêng cho người Công giáo.

Hiệp thông là tham dự, chia sẻ, trao ban và lãnh nhận. Theo từ điển Công giáo, “hiệp là chung nhau, thông là cùng nhau hòa hợp. Hiệp thông là các bên hòa hợp với nhau. Sự hiệp thông này phát xuất và đặt nền trên sự hiệp thông thần linh của Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[1]. Nếu đoàn kết hay hiệp nhất nói đến sức mạnh của một tập thể hữu hình để thực hiện cho một công việc, thì hiệp thông có phạm vi rộng hơn, linh thiêng hơn, vì nối kết giữa Thiên Chúa với con người, giữa người còn sống với người còn sống, và giữa người đang sống với người đã khuất.

Với ý nghĩa đó, giờ phút này, ở bên mồ Chúa, chúng con xin được hiệp thông với cuộc thương khó và sự chết của Chúa để lắng nghe tiếng lòng của Chúa, với ước mong bài ca thương khó của Chúa trở thành bài ca Tình Yêu trong cuộc đời thánh hiến và sứ vụ của mỗi người chúng con.

Hiệp thông với cuộc thương khó và sự chết của Chúa để lắng nghe tiếng lòng của Chúa

Đã nhiều tuần Thánh đi qua trong cuộc đời chúng con, như một thói quen, mỗi khi suy ngắm về cuộc khổ nạn của Chúa, tâm trí chúng con thường hiện lên bao nỗi cực hình Chúa phải chịu: nào là những đòn roi của đội quân hùng hậu quất vào thân thể Chúa; nào là hình ảnh một thân xác tàn hơi nhưng vẫn phải vác cây thập tự nặng lên đồi Golgotha; nào là vòng gai nhọn đóng trên đầu gây ra vết thương đau nhức chảy máu, nào là hình ảnh bị trói, bị khạc nhổ; và sau cùng, đỉnh điểm của nỗi đau là hai chân, hai tay Chúa bị đóng đinh vào thập tự và dựng lên giữa đất trời.

Chúng con đã rất thuộc bài học: vì yêu con, yêu nhân loại chúng con, Chúa đã hy sinh chịu khổ hình, chịu chết và phục sinh để cứu độ chúng con. Có lẽ bài học này con thuộc nhưng chưa hiểu, chưa thấm. Hôm nay, ở bên mồ Chúa, hiệp thông với cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa, con nghe được tiếng lòng của Chúa vọng lên trong tâm hồn con rằng: ngoài những đớn đau nơi thân xác, Chúa còn có một nỗi đau lớn hơn gấp bội, đó là nỗi đau tinh thần.

–  Nỗi đau đó là kế hoạch đổi chác Thầy bằng nụ hôn của tông đồ Giuđa Iscariốt- người được Chúa và anh em tín nhiệm trao cho vai trò thủ quỹ: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh hãy bắt lấy” (Mt 16, 48).

–  Nỗi đau đó là sự nhát đảm, sợ bị liên lụy vì là môn đệ Chúa nơi vị tông đồ trưởng đã từng quả quyết: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không. Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 14, 31). Và thực tế xảy ra, những lời chối Thầy rất quả quyết, càng lúc càng mạnh. Lần 1: “Tôi không biết cô nói gì”; lần 2: “Tôi không biết người ấy”; lần 3: “Tôi thề là không biết người ấy” (Mt 26, 70.72.74).

–    Không chỉ có Giuđa Iscariốt hay Phêrô, nhưng các môn đệ nằm trong danh sách (mà) Chúa đã phải thức thâu đêm cầu nguyện để tuyển chọn, nay họ cũng để mặc Chúa một mình đối diện với bản án tử hình bởi sự hành hung, chế giễu và sỉ nhục của đối phương.

–  Đỉnh điểm nỗi đau tinh thần Chúa phải nếm trải, đó là Chúa cảm thấy điểm tựa cuối cùng để tin tưởng là Chúa Cha, Người cũng đang bỏ rơi Chúa. “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, tại sao Ngài đã bỏ con?” (Mt 27, 46).

Và rồi, với tình yêu và niềm tin tuyệt đối vào Cha, Chúa đã chiến thắng cơn cám dỗ cuối cùng này: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).

Xét gẫm và cầu nguyện

Lạy Chúa,

Hiệp thông với cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa, con đã cảm được nỗi sợ, nỗi đau từ những vũ lực gậy gộc, gươm giáo, vòng gai, đinh nhọn Chúa phải chịu. Xin cho con biết chia sẻ nỗi thương khó của Chúa nơi tha nhân bằng sự cư xử tử tế và có lòng thương xót với chị, với em và với những người chúng con phục vụ.

Hát: Xin cho con yêu Chúa, đáp tình Chúa mến yêu. Xin trung kiên theo Chúa, dẫu đời đắng cay trăm chiều.

Hiệp thông với cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa, con đã nếm được nỗi thống khổ của Chúa qua hành động bội phản của Giuđa. Xin cho con biết chia sẻ sự thương khó của Chúa bằng việc giữ gìn tâm hồn cho khỏi mọi động cơ trần tục, và những ham thích không phù hợp với ơn gọi dâng hiến của con.

Hát: Xin cho con yêu Chúa…

Hiệp thông với cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa, con đã thấu cảm nỗi đau của Chúa qua lời chối Thầy công khai của tông đồ Phêrô. Xin cho con biết chia sẻ sự thương khó của Chúa bằng việc trung thành sống những điều con đã tuyên khấn cách công khai trong ngày khấn Dòng của con.

Hát: Xin cho con yêu Chúa…

Hiệp thông với cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa, con đã nếm được nỗi đau của Chúa qua sự biệt tăm của các môn đệ tâm phúc. Xin cho con biết chia sẻ cuộc thương khó của Chúa bằng sự liên đới bác ái với hết thảy mọi chị em trong gia đình Hội Dòng. Biết “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15).

Hát: Xin cho con yêu Chúa…

Hiệp thông với cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa, con đã cảm được nỗi thống khổ tột cùng của Chúa bởi cơn cám dỗ bị Chúa Cha bỏ rơi. Xin cho con biết chia sẻ cuộc thương khó với Chúa bằng sự đón nhận việc bị từ chối xảy đến trong hành trình sứ vụ, trong thiện chí muốn làm hòa với chị em, hay trong sự khô khan khổ sầu của đời sống tâm giao với Chúa, để con được nên giống Chúa hơn.

Hát: Xin cho con yêu Chúa…

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng, cuộc khổ nạn, sự chết và sự Phục sinh của Chúa là một biến cố lịch sử cuối cùng đã đem lại ý nghĩa cho toàn bộ sứ mạng của Chúa; là một ký ức sống động; một ơn thánh đem lại ý nghĩa và hy vọng cho mọi khổ đau của chúng con.

Lúc này ở bên mồ Chúa, chúng con được ơn đỡ nâng tâm hồn, vì cảm nhận cuộc thương khó của cuộc đời mỗi người chúng con không phải là hồi kết bi thương, nhưng là niềm hy vọng, như Thánh Phaolô đã quả quyết:  “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người, nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.” (2Tm2, 11-12a).

Lúc này ở bên mồ Chúa, chúng con được ơn an ủi, vì trước các biến cố cuộc đời khiến chúng con bật khóc, Chúa đã trân quý từng giọt nước mắt của chúng con.

Lúc này ở bên mồ Chúa, chúng con cảm nhận được sự quan tâm của Chúa đến từng giọt mồ hôi lao tác trong phận vụ của chúng con.

Lúc này ở bên mồ Chúa, chúng con nhận ra dấu vết Ân sủng của Chúa luôn song hành bên cuộc đời chúng con, nhất là trước những nỗi bất an mà tự sức chúng con không thể giải gỡ.

Lúc này ở bên mồ Chúa, chúng con đón nhận được sự chữa lành, vì nghiệm ra rằng, Chúa đã âm thầm ghi nhận tất cả thiện tâm và nỗ lực của chúng con trong việc sửa mình mỗi ngày.

Lúc này ở bên mồ Chúa, chúng con nghiệm được sự thấu cảm của Chúa trước nỗi bất lực của chúng con khi phải đối diện với những đổi thay của tuổi tác, kèm theo đó là sự lẫn lộn, hay quên, ăn bớt ngon, ngủ bớt sâu, đi lại khó khăn, hơi sức yếu dần.

Lúc này ở bên mồ Chúa, chúng con được củng cố niềm tin và thêm sức mạnh tinh thần để tiếp tục tự nguyện sống hy sinh khổ chế trong đời dâng hiến, như dấu chỉ bước theo sát Chúa hơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có thêm lòng tin, lòng cậy và lòng mến khi hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa, để bài ca thương khó đời Chúa trở thành bài ca tình yêu bất hủ trong tâm lòng chúng con.

Cầu nguyện cho các nhu cầu của Giáo hội và thế giới

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, có biết bao nỗi đau đã xảy đến trong cuộc thương khó của Chúa, thì những điều tương tự cũng đã và đang diễn ra trong cuộc thương khó bởi đại dịch Covid-19 mà nhân loại chúng con phải đối diện trong hơn một năm qua. Chúng con nài xin Cha, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin cha thương xót chúng con và toàn thế giới.

Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, thời gian qua, các anh chị em tại đất nước Myanmar đã phải hứng chịu nỗi đau trong cuộc thương khó bởi nhà cầm quyền của họ, số người thiệt mạng dưới súng đạn trong các cuộc biểu tình đã lên đến gần 1000. Chúng con nài xin Cha, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin cha thương xót chúng con và toàn thế giới.

Lạy Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương chăm lo cho đời sống của chúng con, chúng con xin dâng lên Ngài những bất an lo sợ của các anh chị em Kitô hữu tại miền Trung Đông, họ đang sống trong cuộc thương khó bởi những nhóm khủng bố cực đoan. Chúng con nài xin Cha, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin cha thương xót chúng con và toàn thế giới.

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin thương đến những người con của Chúa đang tự ý tách mình ra khỏi Giáo hội cách công khai hay ẩn danh, nguyện xin Máu và Nước đã tuôn trào từ Thánh Tâm cuộc thương khó của Chúa Giêsu- gột rửa những yếu đuối hoặc những cố chấp nơi tâm hồn họ, và cho họ được can đảm trở về cùng Chúa và làm hòa cùng Giáo hội trong mùa Phục Sinh Ân Thánh này.  Và xin cho mỗi người chúng con khi cầu nguyện cho họ, cũng luôn ý thức về thân phận yếu đuối của mình để biết cậy trông vào ơn Chúa, vì “không ai là công chính trước mặt Chúa” (Tv 143,2).

Và lạy Chúa, chúng con xin hướng về vị Cha chung của chúng con là Đức Thánh Cha Phanxicô, người mà Chúa đã chọn làm đấng kế vị thánh Phêrô. Xin ban ơn Thánh Thần trợ giúp ngài, để ngài có thể tiếp tục rao giảng Tin Mừng với lòng nhiệt thành và lãnh đạo Giáo hội với sự khôn ngoan, sức mạnh và lòng can đảm.  Xin cho tấm gương phục vụ lâu dài và trung thành của ngài  là nguồn cảm hứng cho các linh mục và tất cả những tín hữu đang phải đối diện với cuộc thương khó trong chính nội tâm mình.

Hướng về Mẹ Maria- mẫu gương của sự “hiệp thông”

Lạy Mẹ Maria, dù cảnh tang tóc đang diễn ra trong ngày thứ Bảy thánh, nhưng chúng con vẫn nhận ra nét đẹp nơi Mẹ, một nét đẹp của sự Hiệp Thông với Thiên Chúa trong ân sủng, trong sự cộng tác với Con của Mẹ vào mầu nhiệm cứu độ. Nếu tiếng xin vâng của ngày Thiên Sứ truyền tin làm cho Mẹ cảm nhận được từng nhịp đập sự sống của Con Thiên Chúa trong lòng dạ Mẹ, thì hôm nay bên mồ Chúa, nơi một thân xác bất động, tiếng xin vâng ấy đã thành toàn trong sự hiệp thông của tin yêu và phó thác. Mẹ đã thinh lặng hiệp thông với Chúa trong sự đau khổ và trong tâm tình tha thứ. Mẹ tha thứ cho những người đã đánh đập, ngược đãi và đóng đinh Con của Mẹ; Mẹ tha thứ cho các môn đệ đã chạy trốn, Mẹ hiệp thông trọn vẹn vào lòng thương xót của Chúa để chờ ngày Con của Mẹ được Phục sinh.

Chúng con chạy đến nương nhờ Mẹ, xin Mẹ giúp chúng con biết theo gương của Mẹ, sống hiệp thông với cuộc thương khó của Chúa bằng việc vui lòng đón nhận những đau khổ trong tâm hồn và nơi thân xác Chúa để xảy đến, hầu góp phần vào việc thánh hóa bản thân và cứu rỗi các linh hồn. Amen.

Diễm Hạnh, Fmsr

Trích nguyện gẫm thứ Bảy Tuần Thánh 2021

[1]Từ Điển Công Giáo, tr.392

About dongmancoichihoavn

Check Also

Vị trí của Đức Maria trong linh đạo Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi

Đức ái trọn hảo trong linh đạo Mân Côi phải là tình yêu vượt xa sự tính toán hơn thiệt...nó đến từ Thiên Chúa, là hoạt động của Chúa Thánh Thần...

Để lại một bình luận