CHỦ ĐỀ SỐNG THÁNG 02-2018
Sáng lập Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân côi, Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn đã muốn cho các nữ tu sống trong Dòng này đi theo một con đường thiêng liêng riêng biệt để đạt sự thánh thiện Kitô giáo. Những câu nói về sự thánh thiện phúc âm giữ một chỗ đứng quan trọng trong các giáo huấn[1], khởi đi từ những suy tư thiêng liêng và mục vụ, cũng như những kinh nghiệm cá nhân đã được đào sâu và chín mùi trong cuộc sống của ngài. Dựa theo giáo huấn đó, các nữ tu đi theo ơn gọi Mân côi, ngoài bổn phận nên thánh hàng ngày trong bậc sống của mình, còn được trao phó cho phận vụ dẫn đưa các linh hồn đến sự thánh thiện Kitô giáo, dù ở dưới bất cứ hình thức nào, hoàn cảnh nào. Ngài phát biểu như sau: “…Ở nhà Dòng cốt nhất là để mở Nước Chúa…, cứu linh hồn người ta, giúp việc Hội thánh, làm cho Chúa được vinh danh”[2].
Vậy đâu là con đường thiêng liêng riêng biệt mà Đức cha Tổ Phụ đã muốn cho các nữ tu Mân côi bước vào để đạt sự thánh thiện Kitô giáo? Nói cách khác, đời tu Mân Côi diễn tả sự thánh thiện Kitô giáo bằng cách nào?
Đọc những trang giáo huấn trong sách vở và các bút tích mà Đức Cha Tổ Phụ viết riêng cho Hội dòng, chúng ta nhận thấy rất rõ một con đường, một lộ trình thiêng liêng diễn tả tinh thần, linh đạo và đặc sủng Mân côi, và dĩ nhiên, khi với tư cách là nữ tu Mân côi sống theo con đường của Đấng Sáng Lập, như một ân huệ được ban riêng, chúng ta đạt sự thánh thiện[3] ; Con đường ấy đã được tóm kết thành câu tâm niệm mà các nữ tu Mân Côi đọc hàng ngày, để nhắc nhớ đây là tinh thần riêng của Hội Dòng: “Với tinh thần đức Ái trọn hảo, chị em Mân côi cùng Mẹ Maria sống mầu nhiệm cứu độ, và mang ơn cứu độ đến cho mọi người”[4]. Thực vậy, qua câu tâm niệm này, các nữ tu Mân côi muốn nói lên ý chí sống đời thánh thiện đích thực, một sự thánh thiện không cần tìm đâu xa, ngoài việc liên kết với Đức Maria trong các mầu nhiệm đời Chúa, trong khi thực hành đức Bác ái Phúc Âm như là hồn và động lực của mọi thái độ, mọi chọn lựa trong đời sống thiêng liêng, trong cộng đoàn, trong việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm, trong việc tông đồ, trong đời sống chứng tá và gương mẫu …, ngang qua cung cách hành xử hàng ngày của mình, với ý hướng làm vinh danh Chúa, phục vụ Giáo Hội và mưu ích cho các linh hồn[5].
Như vậy, trong một Hội Dòng có đặc tính là hoạt động tông đồ truyền giáo, con đường thánh thiện mà các nữ tu Mân Côi thể hiện trong cuộc sống, là một tiến trình trong đó, sự tiến tới thiêng liêng luôn liên kết chặt chẽ với việc dấn thân tông đồ. Chỉ cần đọc qua câu tâm niệm, chúng ta sẽ thấy rõ những chiều kích mà khi thực hành với tâm tình yêu mến và với ý ngay lành, chúng ta diễn tả được tiến trình của sự thánh thiện Kitô giáo với một tính cách rất “Mân côi”.
Chiều kích 1: Sống tinh thần Đức Ái Phúc Âm
Đối với Đức Cha Tổ Phụ, thực thi Đức Ái Phúc Âm là một bổn phận nòng cốt trong đời sống người nữ tu Mân Côi[6]. Theo ngài, tinh thần Đức Ái bao gồm cả hai chiều kích: kính Chúa và ái nhân[7]. Đức kính Chúa đòi hỏi chị nữ tu Mân Côi phải sống đức Tin, Cậy, Mến; Phải làm mọi việc vì lòng mến Chúa và kết hợp cùng Chúa cho trọn qua việc sống sự sống bề trong[8], qua các việc thiêng liêng và giữ luật nhà[9], cũng như qua những việc bổn phận trong đời sống hàng ngày. Đức Cha Tổ Phụ nhắn nhủ chị em: “Làm thánh không phải tại đảm đang những công việc to nức tiếng, chính là chỉ tại chu toàn bổn phận, mà bổn phận thường nhật chiếm phần đa số thời giờ trong chương trình tu trì, nên phải ráng sức làm nên nhiệm vụ đó”[10].
Cũng theo Đức Cha Tổ Phụ, tinh thần Đức Ái nhân không mang nghĩa cảm tính, nhưng nó vượt qua mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình của Chúa, nó thúc đẩy sự thực hành chân thực một tình yêu mạnh mẽ và can trường, chủ động và thiết thực để biết yêu thương và chấp nhận nhau trong nội bộ như trong một gia đình, và phục vụ mọi người bằng chính Đức Ái của Chúa, nó đòi hỏi một trái tim quảng đại như Chúa, một trái tim khiêm tốn đến với người không ưa, cũng như tỏ lòng biết ơn với cả những người vô ơn nữa. Đức Cha Tổ Phụ từng thao thức mong sao chị em đạt được tinh thần Đức Ái mà rằng: “Ôi, chớ gì chị em tập cho quen sống theo tinh thần đức Mến như vậy, thì chị em được an vui luôn, và lập được nhiều công trạng là dường nào… Chúa hay xem chén đắng thuốc mến Chúa, hễ linh hồn nào càng uống được nhiều, thì càng nên người nữ tu thánh thiện”[11]. Thực vậy, đối với Đức Cha Tổ phụ, Đức Ái chính là thước đo và là biểu hiện sự thánh thiện. Như công đồng Vatican II cũng khẳng định: “Đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, là linh hồn của những phương thế ấy và đưa chúng đến cùng đích”[12].
Chiều kích 2: Sống liên kết với Đức Maria trong các mầu nhiệm cứu độ
Tất cả con người và cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria trong lịch sử cứu độ là một sự biểu lộ và thực hiện sự thánh thiện của Thiên Chúa. Người nữ tu Mân Côi liên kết chặt chẽ với Đức Maria như phương thế tuyệt diệu để thánh hoá bản thân và để Mẹ uốn nắn đời sống mình theo hình ảnh Đức Kitô, Đấng mà Mẹ đã đón nhận và trao tặng cho thế giới qua thiên hình vạn trạng của hoàn cảnh cuộc sống Mẹ. Theo Đức Cha Tổ Phụ, đời sống nữ tu Mân Côi sẽ thiếu mất một chiều kích quan trọng nếu coi thường vai trò của Đức Maria, trong tư cách là khuôn mẫu và là Đấng chuyển cầu. Phương thế rất hiệu nghiệm để liên kết với Đức Maria là luyện tập sống tình con thảo đối với Mẹ qua việc mừng kính Mẹ trong phụng vụ, qua các kinh nguyện, đặc biệt qua việc sống các mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu và noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ, khi suy niệm kinh Mân Côi mỗi ngày[13]. Cùng đi với Mẹ trong các mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta sẽ cảm nghiệm và sống lại tất cả vẻ đẹp của lịch sử cứu độ; Chúng ta sẽ được đưa vào trường học tin, yêu, hy vọng vào ơn cứu độ; Và sẽ được Mẹ chỉ vẽ cho một con đường ngắn nhất và đúng nhất dẫn tới Ðức Giêsu Kitô là nguồn mạch sự thánh thiện.
Chiều kích 3: Mang ơn cứu độ đến mọi người
Chị em mang ơn cứu độ đến cho mọi người bằng đời sống truyền giáo theo sứ mạng của Hội Dòng[14]. Thực vậy, mỗi Hội Dòng có một vị trí trong Giáo Hội, và một sứ mệnh phải hoàn thành. Sự đóng góp tốt nhất mà Hội Dòng có thể đem lại cho Giáo Hội là sự trung thành với đặc sủng mà Đấng Sáng Lập để lại[15]. Hội Dòng càng hiện diện theo đặc sủng của mình, càng đem lại nhiều hoa trái, góp phần vào sự sống động và phong phú của Giáo Hội. Các nữ tu Mân Côi hiện diện trong Giáo Hội bằng cách diễn tả chỗ đứng của mình qua việc “mang ơn cứu độ đến cho mọi người” theo một cung cách rất đặc thù mang tính Mân Côi[16]. Nói cách khác, đó là cách thức mà các nữ tu Mân Côi diễn tả căn tính và đặc sủng của mình. Thực vậy, ngang qua bao nhiêu công tác phục vụ được thực hiện cách “đơn sơ, vui vẻ, thật thà, dễ răn, dễ bảo, hiền hòa, an vui…”, nữ tu Mân Côi tận hiến mình cho Thiên Chúa, Đấng đáng mến trên hết mọi sự, nhờ đó đạt sự thánh thiện và đưa các linh hồn về cho Chúa.
Áp dụng thực hành
Muốn cho đời tu Mân Côi diễn tả được sự thánh thiện Kitô giáo, thì trước hết, chị nữ tu Mân Côi cần làm sáng tỏ trước mắt mọi người căn tính đích thực của mình trong chính những phận vụ và những hoàn cảnh cuộc sống, đang khi tiến tới sự trọn lành Đức Ái, và cộng tác với ân sủng để thánh hóa mình mỗi ngày một hơn, nhờ đó làm trọn Thánh ý Thiên Chúa.
Căn tính Hội Dòng bao gồm những yếu tố như Linh đạo, Đặc sủng và Sứ vụ Dòng, được tóm gọn trong câu tâm niệm mà chị em vẫn đọc hàng ngày để nhắc nhớ một con đường sống riêng biệt và đặc thù. Tuy nhiên, trong thực hành, để sống căn tính đích thực của chính mình, với tư cách là một phần tử trong Hội Dòng, mỗi chị em cần cụ thể hóa câu tâm niệm chung, bằng cách chọn riêng cho mình một mầu nhiệm Mân côi, không phải như một mầu nhiệm mình thích, nhưng như một mầu nhiệm phù hợp với bản tính và ơn gọi riêng của mình, với ý hướng cùng Mẹ Mariasống và thực hành một nhân đức trong mầu nhiệm đó như là “mầu nhiệm cứu độ”, nhằm đẩy lui điểm yếu của bản thân; Đồng thời “mang ơn cứu độ đến cho mọi người” bằng cách phát triển một điểm mạnh, là chính khía cạnh tích cực của nén bạc Chúa ban, như là đặc sủng riêng của mình, nó thể hiện một khía cạnh nào đó của Đức Ái trọn hảo trong cuộc sống.
Thật vậy, khi dựng nên loài người, Thiên Chúa trao cho mỗi chúng ta những nén bạc khác nhau và chắc chắn rằng mỗi người sẽ hồi đáp lại hồng ân ấy theo những cách thức hoàn toàn khác nhau. Đức Bênêdictô XVI đã quả quyết: “Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường nên thánh”. Mỗi con người là một cá nhân hoàn toàn độc đáo và mỗi người phải sống theo ơn gọi mà Chúa muốn họ trở thành; Và mỗi người sẽ nên thánh một khi sống trọn vẹn ơn gọi mà Thiên Chúa đã đặt để vào lòng mình.
Như vậy, thực hành Linh đạo Mân côi sẽ không ngừng giúp cho người nữ tu Mân côi phương thế thực hành một cách “rất riêng” mà cũng “rất chung”, đời sống thiêng liêng và các việc đạo đức trong Dòng, cũng như những phương thế để thánh hoá đời sống, được đức cha Tổ phụ vạch ra cho các phần tử trong Dòng, làm nên một lối sống và con đường nên thánh riêng của Hội Dòng.
Kết luận
Sự thánh thiện Kitô giáo hệ tại nơi quyền năng thánh hóa mà Thiên Chúa tác động trong Giáo Hội, mặc cho mọi yếu đuối tội lỗi của con người[17]. Tuy nhiên, sự thánh thiện cũng đi liền với một trách vụ; Nghĩa là người Kitô hữu có trách nhiệm đáp trả đối với sự thánh thiện được ban tặng. Theo công đồng Vatican II: “Tuỳ theo ân huệ và phận vụ riêng của mình, mỗi người phải nhất quyết tiến tới trên đường đức Tin sống động, một đức Tin khơi dậy đức Cậy và hoạt động nhờ đức Ái”[18]. Rõ ràng sự thánh thiện Kitô hữu không thể có được mà không cần một ý chí, một quyết tâm, một chọn lựa triệt để, tận căn, và đó là trách vụ của từng người. Chị nữ tu Mân Côi đã rõ Linh đạo, Đặc sủng và Sứ vụ Dòng như là ân huệ và phận vụ riêng của mình; Giờ đây chị cần phải tiếp tục giữ gìn và hoàn thành trong đời mình, ơn thánh hoá mà chị đã lãnh nhận cùng với những ân huệ và phận vụ riêng ấy để đạt sự thánh thiện[19]. Và như vậy, chị đã làm cho đời tu Mân Côi của mình diễn tả được sự thánh thiện Kitô giáo.
Maria Trần Thị Nên, Fmsr
[1] Ví dụ x. LP1, XVIII, 168; GSD1, tr. 115; I, 2; tr. 82; IX, 71; tr. 97; NVBT, I, 2; tr. 145; VNTLG, II, 3; tr. 189; VII, 1; tr. 262; VIII; tr. 314; GMCT, VI, nguyên tắc; tr. 342; MNT, V; tr. 421; VI, 1; tr. 427; XV; tr. 451; LPII, XXV, 199; tr. 516; Thói lệ, I, I; tr. 521; VII; tr. 530
[2] GMCT, I, 1, a; GSD1, tr. 326
[3] LG 41a
[4] HL 4. 1
[5] x. HL 2. 2
[6] NVBT II, II, 9; GSD1, tr. 150
[7] LPI, I, 1; GSD1, tr. 82
[8] VNTLG, VI; GSD1, tr. 247 – 258
[9] Như trên, VIII, tr. 314
[10] GMCT, VI; GSD1, tr. 342
[11] VNTLG, II, 3; tr. 189
[12] LG 42
[13] x. HL 26. 1; VNTLG. XI, 5; GSD1, tr. 311 – 312
[14] HL 4. 1
[15] x. MR 11
[16] VNTLG, III, 3; GSD1, tr. 208
[17] x. J. RATZINGER, Đức Tin Kitô giáo, hôm qua và hôm nay; tr. 366
[18] LG 41
[19] LG 40