Điều Chúa Giêsu đã nói trước: Ngày 18-05-2020, thứ Hai sau Chúa Nhật VI Phục Sinh

“Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.” (Ga 16, 2-4)

Rất có thể, khi các môn đệ lắng nghe Chúa Giêsu nói với họ, rằng họ sẽ bị khai trừ khỏi hội đường và thậm chí bị giết, sẽ đi vào tai này và ra tai kia. Chắc chắn, điều đó có thể đã làm họ bối rối một chút, nhưng rất có thể họ tiếp thu khá nhanh chóng, không để tâm quá nhiều về nó. Nhưng đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nói, “Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.” Và bạn có thể khẳng định rằng, khi các môn đệ bị bắt bớ bởi các kinh sư và người Pharisêu, họ đã nhớ ra những lời này của Chúa Giêsu.

Đây quả là một thánh giá nặng nề đối với những ai phải đối diện với sự bách hại từ các nhà lãnh đạo tôn giáo. Ở đây, giả sử những ai được mời gọi tin vào Chúa, họ cũng bị cám dỗ rơi vào sự tuyệt vọng và mất niềm tin. Nhưng Chúa Giêsu đã lường trước thử thách nặng nề này và, vì lý do đó, đã cảnh báo với các môn đệ điều đó sẽ xảy đến.

Nhưng điều thú vị là những gì Chúa Giêsu đã không đề cập đến. Ngài đã không nói các môn đệ rằng họ nên chống trả, bắt đầu một cuộc nổi loạn, tạo nên một cuộc cách mạng, v.v. Đúng hơn, theo mạch văn, ta thấy rằng Chúa Giêsu đang nói với họ rằng Chúa Thánh Thần sẽ lo liệu mọi sự, sẽ hướng dẫn họ và làm cho họ có thể làm chứng cho Chúa Giêsu. Làm chứng cho Chúa Giêsu là trở nên nhân chứng của Ngài. Và việc làm chứng cho Chúa Giêsu là hãy trở thành một vị tử đạo. Vì thế, Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho các môn đệ của Ngài về thập giá nặng nề của sự bách hại đến từ các nhà lãnh đạo tôn giáo, bằng cách cho họ biết rằng họ sẽ được Chúa Thánh Thần củng cố để làm chứng và làm chứng cho Ngài. Và ngay khi việc này bắt đầu diễn ra, các môn đệ bắt đầu nhớ lại tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói với họ.

Bạn cũng vậy, phải nhận ra rằng việc trở thành Kitô hữu có nghĩa chấp nhận sự bách hại. Chúng ta thấy sự bách hại này trong thế giới hôm nay ngang qua những cuộc tấn công khủng bố các Kitô hữu. Đôi khi, một số người cũng nhìn thấy điều đó, trong “Giáo hội địa phương,” các gia đình, khi họ gặp phải sự chế giễu và bị đối xử khắc nghiệt vì đã cố gắng sống đức tin của mình. Và thật đáng buồn, nó thậm chí còn được tìm thấy trong chính Giáo hội khi chúng ta thấy sự tranh chấp, nổi giận, bất đồng và phán xét.

Chìa khóa là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đóng một vai trò quan trọng trong thời điểm hiện tại của thế giới chúng ta. Vai trò đó củng cố chúng ta làm chứng cho Chúa Kitô và bỏ qua mọi cách thức thần dữ sẽ đánh phá. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy áp lực về sự bách hại bằng mọi cách, hãy nhận ra rằng Chúa Giêsu đã nói những lời này không chỉ dành cho các môn đệ đầu tiên của Ngài, mà còn cho chính bạn.

Hôm nay, hãy suy ngẫm về bất kỳ hình thức nào mà bạn trải nghiệm về sự bách hại trong cuộc sống của bạn. Hãy cho phép việc đó trở thành một cơ hội để tăng thêm niềm hy vọng và tin cậy vào Chúa, qua việc tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn nếu bạn tin cậy vào Ngài.

Lạy Chúa, khi con cảm thấy sức nặng của thế giới hay sự bách hại, xin cho con được bình an trong tâm trí. Xin giúp con có thêm sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để con có thể làm chứng Tin mừng cho Ngài. Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Ngài.

Sr. M. Emmanuel Phan, Fmsr chuyển ngữ

Nguồn: “My Catholic Life: A journey of personal conversion!”

About dongmancoichihoavn

Check Also

Sinh nhật của Mẹ

Mừng sinh nhật Mẹ, cũng mừng sinh nhật của chúng ta. ... sứ mạng mà Mẹ đã lãnh nhận khi bước vào trần gian này cũng là sứ mạng của từng người con Mẹ.

Để lại một bình luận