DI NGÔN TỪ NẤM MỒ CỦA ĐẤNG THÁNH
Nhân loại chúng con, cụ thể là quê hương Việt Nam chúng con đã trải qua kinh nghiệm buồn thương của ngày thứ bảy tuần thánh dài trong thời gian giãn cách xã hội. Có thể nói, dịch Covid-19 là con đường thập giá của cả nhân loại phải lê bước suốt hơn hai năm qua. Đồi Golgotha hôm nay không có tiếng hò la của đám đông bị sách động, không có âm thanh ghê rợn của những đòn roi vụt quất vào thân thể Ai Đó đang bị xem như phạm nhân, cũng không có tiếng búa đóng đinh chát chúa … nhưng người người, nhà nhà đều rất hoang mang sợ hãi bởi sức tấn công của loài virus tàng hình. Một số đông người khóc lóc buồn thương về những mất mát người thân, một số lượng lớn lại khóc lóc kêu gào vì mất kế sinh nhai, doanh nghiệp, công ty phá sản… Niềm hy vọng của nhân loại bị bóp nghẹt bởi bóng đêm tuyệt vọng, tựa như tâm trạng của các tông đồ và những người phụ nữ mộ mến Chúa năm xưa… Ký ức của từng người chúng con đã hằn lên vệt đen của nỗi ám ảnh chết chóc, chia ly, cách ly, phong tỏa, giới nghiêm, bệnh viện quá tải, nơi hỏa táng ùn tắc, nghèo đói, thất nghiệp, nhiều trẻ thơ phải vĩnh viễn mồ côi cả cha và mẹ … Lạy Chúa, đây là con đường thập giá nhân loại chúng con đang mang vác.
Cảm tạ Chúa đã cho chúng con và các anh chị em Kitô hữu món quà đức tin. Bởi có đức tin, chúng con mới dám đặt tên cho dịch Covid là con đường thập giá để đón nhận, tín thác với niềm tin Đức Kitô Hằng Sống để xin ơn chữa lành, ủi an và bổ sức cho nhân loại. Bằng không, chúng con coi đây là cú sốc Covid với tâm trạng thất vọng, oán than, đổ lỗi, hoặc lại thêm một lần tuyên bố như triết gia Friedrich Nietzsche: Thiên Chúa đã chết.
Lạy Chúa, nếu nhân loại chúng con đang chịu đau khổ vì dịch bệnh, chiến tranh và nhiều điều xáo trộn bấp bênh trong cuộc sống, thì chính Chúa đã chịu khổ hình, chịu chết vì chúng con và để cứu độ chúng con. Đây là lý do cho chúng con luôn bám vào Chúa và ở lại bên mồ Chúa lúc này để lắng lòng cảm thụ Di Ngôn của Chúa:
Đã đến giờ Con Người được tôn vinh… hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi mới sinh được nhiều bông hạt. (Ga 12, 23-24)
Chúa đã tự ví mình là hạt lúa. Chúa xác định Chúa không bị tiêu diệt bởi sự chết. Trái lại, như hạt lúa chấp nhận mục nát để nảy mầm, thành cây và sinh nhiều bông hạt, Chúa cũng sẽ trỗi dậy từ nấm mồ để ban sự sống cho nhân loại chúng con.
Giờ Chúa được tôn vinh là giờ của hạt lúa gieo vào lòng đất và chết đi. Đó là giờ sứ vụ Chúa Cha ủy thác cho Chúa được hoàn thành. Là môn đệ Chúa, chúng con xác tín rằng: mục đích sứ vụ của mỗi người chúng con không chỉ là thánh hóa bản thân, mưu ích cho tha nhân hay phát triển cộng đoàn, nhưng còn là để công trình Chúa Cha được hoàn tất. Bởi thế, mỗi sứ vụ chúng con được ủy thác dù lớn hay nhỏ cũng đều là sứ vụ của hạt lúa gieo xuống đất, chết đi và trổ sinh bông hạt.
HẠT LÚA ĐỜI DÂNG HIẾN
Hạt lúa được chôn vùi trong đất, mục nát và bật lên mầm sống mới, làm trổ sinh nhiều bông hạt là biểu trưng của người thánh hiến có khả năng tĩnh lặng trong ngoài để sống sứ vụ Lectio Divina trong từng ngày sống của mình.
Hạt lúa được chôn vùi trong đất, mục nát và bật lên mầm sống mới, làm trổ sinh nhiều bông hạt là biểu trưng của người thánh hiến có khả năng ngừng mọi hoạt động chân tay và trí óc để sống sứ vụ tôn thờ, kính mến Thánh Thể Chúa và chuyển trao mầu nhiệm sự sống Thánh Thể Chúa cho muôn người.
Hạt lúa được chôn vùi trong đất, mục nát và bật lên mầm sống mới, làm trổ sinh nhiều bông hạt là biểu trưng của người thánh hiến có tương quan tình yêu mật thiết với Chúa, đón nhận những giới hạn về tuổi tác và bệnh tật để sống sứ vụ nguyện cầu trong lặng lẽ, hầu mang nhiều linh hồn về cho Chúa.
Hạt lúa được chôn vùi trong đất, mục nát và bật lên mầm sống mới, làm trổ sinh nhiều bông hạt là biểu trưng của người thánh hiến có sức mạnh nội tâm để sống sứ vụ hiện diện cách hiệp thông, trách nhiệm, hài hòa, an vui với muôn sự khác biệt trong cộng đoàn.
Hạt lúa được chôn vùi trong đất, mục nát và bật lên mầm sống mới, làm trổ sinh nhiều bông hạt là biểu trưng của người thánh hiến có tự do nội tâm để sống sứ vụ tự hiến trong đời sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục.
Hạt lúa được chôn vùi trong đất, mục nát và bật lên mầm sống mới, làm trổ sinh nhiều bông hạt là biểu trưng của người thánh hiến dám ra khỏi mình để sống sứ vụ dấn thân: không chỉ làm những việc tối thiểu trong bổn phận, nhưng là làm tối đa những gì có thể làm.
Hạt lúa được chôn vùi trong đất, mục nát và bật lên mầm sống mới, làm trổ sinh nhiều bông hạt là biểu trưng của người thánh hiến có con tim hiệp hành với các vấn đề hiện sinh của nhân loại, của Giáo hội, của Hội dòng và của các chị em bên cạnh mình, để sống sứ vụ sẻ chia bằng lời cầu nguyện, bằng những hy sinh và bằng những việc có thể làm trong khả năng điều kiện cho phép.
Hạt lúa được chôn vùi trong đất, mục nát và bật lên mầm sống mới, làm trổ sinh nhiều bông hạt là biểu trưng của người thánh hiến có ý chí và nội lực thao luyện để sống sứ vụ đầu tư trọn vẹn cuộc đời mình cho ơn gọi, sao cho trở thành một ơn gọi có phẩm chất và tố chất của người tu, hơn nữa là người môn đệ Chúa.
Hạt lúa được chôn vùi trong đất, mục nát và bật lên mầm sống mới, làm trổ sinh nhiều bông hạt là biểu trưng của người thánh hiến ngoan ngùy đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để sống sứ vụ canh tân và sáng tạo sự nhiệt tình trong công việc tông đồ và mọi mối tương quan tông đồ.
Hạt lúa được chôn vùi trong đất, mục nát và bật lên mầm sống mới, làm trổ sinh nhiều bông hạt là biểu trưng của người thánh hiến biết khiêm tốn cậy nhờ vào ơn Chúa để sống sứ vụ hoán cải hằng ngày theo lời Chúa mời gọi: Hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5, 48)
Lạy Chúa, mỗi sứ vụ chúng con được ủy thác dù lớn hay nhỏ cũng đều là sứ vụ của hạt lúa gieo xuống đất, chết đi và trổ sinh bông hạt. Xin cho những thời khắc còn lại của tam nhật Thánh giúp chúng con nếm cảm được tình yêu Chúa qua những ân ban cụ thể Chúa đã và đang ban cho cộng đoàn chúng con, từng người chúng con trong cuộc thương khó của Chúa và cuộc thương khó của nhân loại, để chúng con biết đáp đền ân ban bằng việc thêm một lần quyết tâm sống sứ vụ của hạt lúa: chết đi và trổ sinh bông hạt. Xin cho di ngôn từ nấm mồ Chúa trong tuần thánh năm nay để lại trong chúng con âm hưởng của Ân sủng Phục Sinh.
XÉT GẪM và CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, để sống được sứ vụ như hạt lúa: chết đi và trổ sinh bông hạt, lúc này, con nguyện xin Chúa tháo cởi những xiềng xích đang trói buộc con trong nấm mồ hủy diệt (mà) Giáo lý Công giáo gọi là 7 mối tội đầu. Kinh cải tội 7 mối có bảy đức con đã thuộc từ tấm bé, nhưng hôm nay, con đối diện với bản kinh này theo kinh nghiệm tu đức của Thánh Grêgôriô Cả[1], với mong ước sửa mình để trổ sinh thêm nhiều hoa trái nhân đức, hầu sống đẹp lòng Chúa hơn.
Thứ nhất: Kiêu ngạo và hám danh.
Triệu chứng của tội này là ham muốn được người khác ca ngợi, tuy dù không đáng với công trạng của mình, hoặc vì mù quáng đến nỗi bỏ qua vinh danh Thiên Chúa và ích lợi tha nhân. Từ chỗ hám danh nảy ra các tật: khoe khoang, cãi cọ, tranh dành địa vị, ngoan cố, muốn dìm người khác xuống bằng hình thức phê bình chỉ trích. Không dám chấp nhận rằng mình còn bất toàn.
Kiêu ngạo thiêng liêng được thể hiện khi tự mãn thích thú vì đã đọc kinh cầu nguyện, đã hy sinh hãm mình, giống như người Biệt phái được thánh Luca nói đến trong dụ ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18,11-12).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự ví mình là hạt lúa chết đi và trổ sinh nhiều bông hạt, xin cho con được ơn thông hiểu, rằng: tất cả những gì con đang có trong cuộc đời là do ân ban của Chúa và sự trợ giúp của tha nhân, để con biết chết đi cho tội kiêu ngạo của con và trổ sinh nhân đức khiêm nhường trong tương quan với Chúa và với mọi người.
Thứ hai: Hà tiện và tham lam
Triệu chứng của tội tham lam là đánh mất tự do khi chiếm hữu của cải và tiền bạc. Muốn có và lúc nào cũng muốn có nhiều hơn, làm bằng mọi giá để chiếm đoạt, kể cả ăn cắp.
Người tham lam thiêng liêng thường thích thu thập các thứ ảnh tượng, đọc hết các sách dẫn đường trọn lành, nghe đủ các bài giảng huấn đức… nhưng bỏ qua việc thực hành nhân đức và thi hành ý Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự ví mình là hạt lúa chết đi và trổ sinh nhiều bông hạt, xin cho con biết mở ra với thế giới chung quanh, nhất là với những người nghèo, để con được trổ sinh nhân đức bác ái, sẻ chia.
Thứ ba: Dâm dục
Biểu hiện của dâm dục là ham muốn khoái lạc nhục dục. Nó đưa đến ngại ngùng khi phải chấp nhận hy sinh, bám víu vào những thú vui vật chất đến nỗi lãng quên các giá trị vĩnh cửu.
Dâm dục thiêng liêng thể hiện trong đời sống tâm linh là thích tìm an ủi, tìm khoái cảm khi cầu nguyện, lãnh bí tích, hoặc qua các “tình bạn thiêng liêng”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự ví mình là hạt lúa chết đi và trổ sinh nhiều bông hạt, xin tháo cởi nơi con xiềng xích của nhục dục, để con được tự do trổ sinh nhân đức khiết tịnh theo gương Chúa.
Thứ bốn: Nóng giận
Nóng giận phát sinh do ước muốn trừ khử một điều gì ngang trái. Không phải lúc nào sự nóng giận cũng xấu, nó trở thành nết xấu khi không được kiềm chế (x. Ep 4,26), hoặc không nhằm đến sự khôi phục công lý mà chỉ nhắm tới việc hạ nhục đối phương, hậm hực tìm cách trả thù, đôi khi nó trào ra bằng bạo lực. Châm ngôn của người tức giận luôn luôn là: ‘Tôi có lý’.
Nóng giận thiêng liêng là khi tỏ ra hấp tấp muốn nên trọn lành trong thời gian ngắn. Muốn lập danh sách khá dài về những điều quyết tâm phải làm để nên thánh, và đâm ra bực tức vì không thực hiện nổi. Rồi bản thân cũng không thể chịu đựng những nết xấu của tha nhân, nên lại lên tiếng phê bình chỉ trích.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự ví mình là hạt lúa chết đi và trổ sinh nhiều bông hạt, xin ban cho con ơn biết bình tâm phản tỉnh mỗi khi con nóng giận, và giúp con trổ sinh nhân đức hiền lành, kiên nhẫn trong tương quan với chính con và với tha nhân, đặc biệt là với những chị em đang cùng chung sống trong cộng đoàn của con.
Thứ năm: Tham ăn
Thánh Grêgôriô phân biệt 5 dạng thức của tính mê ăn cho hàng giáo sĩ và tu sĩ: 1) Ăn ngoài giờ khi không cần thiết; 2) Đòi của ngon vật lạ; 3) Ăn quá mức; 4) Ăn ngấu nghiến; 5) Đòi hỏi nấu nướng cầu kỳ.
Tham ăn thiêng liêng là khi muốn chứng tỏ lòng quảng đại đối với Chúa bằng cách gia tăng thật nhiều việc đạo đức: đọc kinh, chay tịnh, hãm mình đánh tội. Trên thực tế, bản thân người đó muốn thỏa mãn nhu cầu của mình, chứ không chịu tuân theo sự hướng dẫn của bề trên hay linh hướng.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự ví mình là hạt lúa chết đi và trổ sinh nhiều bông hạt, xin cho con được trổ sinh nhân đức tự chủ và yêu mến sự khổ chế cần thiết trong đời dâng hiến của con.
Thứ sáu: Ghen ghét
Triệu chứng của ghen ghét là buồn phiền khi thấy điều tốt của người khác giảm bớt tiếng tăm của mình, từ đó sinh ra nói hành nói xấu. Vui thích khi thấy người khác gặp nạn và bực dọc khi thấy họ thành công.
Ghen tương thiêng liêng là biểu hiện sự khó chịu khi thấy người khác trổi hơn mình về đức hạnh; nhất là khi người đó được nhiều người thán phục.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự ví mình là hạt lúa chết đi và trổ sinh nhiều bông hạt, xin cho con đừng quá tự ti đánh giá thấp về mình, hoặc quá tự tôn đề cao chỗ đứng của con, để con được trổ sinh nhân đức bình an, hài hòa trong tương quan với mọi người, nhất là với các chị em trong gia đình Hội dòng.
Thứ bảy: Lười biếng
Biểu hiện chung của người lười biếng là ngại ngùng làm việc. Riêng trong đời sống tâm linh, nết xấu này áp dụng cho tính thờ ơ lãnh đạm, hâm hâm, chẳng nóng chẳng lạnh (x. Kh 3,15). Đây có lẽ là ngăn trở lớn nhất cho đời tu, vì nó sinh ra tật nguội lạnh trong việc giữ luật Chúa, biếng nhác trong việc thi hành bổn phận, sống buông thả theo cảm tính, ngại hy sinh hãm mình, dễ bỏ cuộc.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự ví mình là hạt lúa chết đi và trổ sinh nhiều bông hạt, xin cho con được trổ sinh nhân đức siêng năng trong các chiều kích đời dâng hiến của con.
TÂM TÌNH DÂNG KÍNH MẸ MARIA
Lạy Mẹ Maria, giữa dòng lịch sử nhân loại với bao biến loạn, sự Nhập thể, nhập thế, cuộc thương khó, tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu Con Mẹ đã biến dòng lịch đó thành lịch sử cứu độ. Và trong dòng lịch sử cứu độ, Mẹ là cộng sự viên quảng đại, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt của Mẹ, để Thiên Chúa tái lập sự sống siêu nhiên cho chúng con[2].
Hôm nay, chúng con xin nương ẩn vào đức tin, đức cậy và lòng mến của Mẹ để khẩn cầu lên Thiên Chúa Chí Thánh tâm tình và ước nguyện của chúng con:
– Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, chúng con xin dâng lên Chúa cuộc thương khó của nhân loại đang diễn ra trong và sau cơn đại dịch Covid-19. Xin cho chúng con được vững tin vào kế hoạch yêu thương nhiệm mầu của Chúa. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời…
– Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, chúng con xin dâng lên Chúa cuộc thương khó đang diễn ra tại nước Nga và Ukraine. Ước gì câu nói: ‘THÔI, NGỪNG LẠI’ của Chúa Giêsu nhắc nhở một người trong nhóm bênh vực Chúa rút gươm chém đứt tai bên phải tên đầy tớ của thượng tế (x. Lc 22, 51) cũng đánh thức lương tâm những người đang lãnh đạo trận chiến này biết ngừng lại mọi hình thức chiến tranh, để người dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời…
– Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, chúng con xin dâng lên Chúa các cuộc thương khó đang diễn ra trong Giáo hội…, và hiệp với tâm tình cầu nguyện của vị Cha Chung là Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng con xin Chúa chúc lành cho công trình Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 16. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời…
– Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, chúng con xin dâng lên Chúa các cuộc thương khó đang diễn ra trong Hội dòng, cộng đoàn cũng như trong cuộc đời từng người chúng con. Xin cho chúng con được hưởng nhờ ơn cứu độ nhờ niềm hy vọng vào sự Phục sinh vinh hiển của Chúa.
Nt. Maria Têrêsa Diễm Hạnh, Fmsr
[1] x. http://liengiaophan.de/tam-linh/225-chua-tri-7-moi-toi-dau.html và https://radioltxc.org/2019/10/13/tai-sao-goi-la-bay-moi-toi-dau/
[2] x. Lumen Gentium, số 61