Dấu chỉ tồn tại hay kết thúc của một dòng tu

TÂM THƯ THÁNG 08-2021

DẤU CHỈ TỒN TẠI HAY KẾT THÚC CỦA MỘT DÒNG TU

 Kính thưa toàn thể chị em quý mến,

Chúng ta bước vào tháng cuối cùng của niên học 2020-2021, một niên học trôi qua với nhiều biến cố tác động làm ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của chị em, từ những sinh hoạt tâm linh, tinh thần đến việc thi hành sứ vụ và mọi hoạt động của đời thường. Tuy nhiên, khi phải hạn chế những công việc bên ngoài, chúng ta lại có cơ hội lui vào chiều sâu nội tâm, để nhận ra cách thức huấn luyện của Thiên Chúa, Người muốn dùng những trở ngại hữu hình để đưa chị em trở về với điều cốt yếu của đời thánh hiến. Đặc biệt trong tháng 8, được gọi là mùa dâng hiến của Hội Dòng, khi có các chị em tuyên khấn, mừng kỷ niệm khấn dòng, vào nhà tập… Các chị em khác cũng nhân cơ hội này, ôn nhớ những hồng ân đã lãnh nhận và sống tâm tình tri ân về món quà cao quý là ơn gọi thánh hiến mà Chúa đã ban cho từng chị em.

Trong tháng này, chúng ta cũng dành ít phút để suy gẫm về tương lai đời tu của mình. Chúng ta xác tín rằng vận mệnh tương lai của mọi người đều nằm trong tay Chúa, nhưng Chúa muốn chúng ta đảm nhận trách nhiệm về sự dâng hiến cũng như cuộc đời của mình, nên Người sẽ không đơn phương hành động mà phần lớn để nó diễn ra tùy vào thái độ sẵn sàng đón nhận sức tác động của Chúa Thánh Thần, cùng với nỗ lực khám phá và sống được những giá trị nền tảng của việc đi theo Chúa.

Ngày nay, khi đứng trước những thách đố của đời thánh hiến như việc giảm sút ơn gọi và những tác động tiêu cực của sự tục hóa; việc thiếu xác tín và mỏng dòn trong ơn gọi; thiếu trung thành và kiên nhẫn trong việc nên thánh…, người ta thường đặt câu hỏi: Tương lai của đời thánh hiến rồi sẽ ra sao? Nhiều người cho rằng: đời thánh hiến sẽ dần biến mất theo dòng thời gian vì những công việc do các tu sĩ đảm nhận trước đây, hiện nay đã được giáo dân và xã hội thay thế, nên các dòng tu sẽ không còn lý do tồn tại. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, ít ngày trước khi từ nhiệm khỏi Ngai Tòa Thánh Phêrô, đã nói với các tu sĩ những lời thật ý nghĩa: “Đừng vào hùa với những tiên tri báo họa khi họ công bố sự tàn lụi hay vô nghĩa của đời sống thánh hiến trong Hội Thánh thời chúng ta. Trái lại, anh chị em hãy mặc lấy Ðức Giêsu Kitô và khoác vào binh giáp của ánh sáng, trong thái độ tỉnh thức mong chờ[1]. Có lẽ trong số những người thánh hiến, cũng không ít người đã chấp nhận lời tiên tri yếm thế này, khi không muốn thay đổi một thói quen đã lỗi thời, một lối sống không phù hợp với tinh thần Dòng và không sẵn sàng để Thiên Chúa đổi mới và tái tạo.

Tuy vậy, cũng không thiếu người có cái nhìn tích cực hơn khi cho rằng: đời thánh hiến vẫn có một tương lai đầy hy vọng, nếu các tu sĩ biết trở về với điều cốt yếu của đời thánh hiến, đó là những giá trị Tin Mừng và tinh thần của Đấng Sáng Lập. Đồng thời, phải trả lại vị trí trung tâm của đời thánh hiến cho việc cầu nguyện, sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, cũng như cho đời sống chung và việc hăng say dấn thân cho sứ vụ. Ngoài ra, cũng phải can đảm gạn lọc được những thói quen xưa cũ không còn ý nghĩa và không mang lại sức sống cho con người hôm nay, những thói quen ấy đang làm che khuất vẻ đẹp của việc bước theo Chúa. Đó là cách thế làm cho đời thánh hiến có một tương lai tươi sáng và có một đà vươn lên mới[2].

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong buổi gặp gỡ các giám mục Brasil ngày 05-10-2010 đã khẳng định rằng: “Đời sống thánh hiến tự thân nó bắt nguồn từ chính Thiên Chúa là Đấng đã chọn cho mình nếp sống trinh khiết, khó nghèo và vâng phục. Vì thế đời sống thánh hiến không thể thiếu vắng, cũng không thể chết mất trong Hội Thánh”. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắn nhủ các tu sĩ như sau: “Đừng than trách về tình trạng thiếu ơn gọi, nhưng hãy dấn thân làm điều Chúa yêu cầu là cầu nguyện và làm chứng tá. Chúng ta không thể dừng lại để than vãn và thương khóc vinh quang quá khứ, giữa lúc Chúa nói với chúng ta: Hãy nhìn về con đường phía trước và xem những gì con phải làm”[3]Lời khẳng định của hai Đức Thánh Cha đưa chúng ta trở về với cội nguồn thánh thiêng của đời thánh hiến, trở về với điều cốt yếu là lời mời gọi đi theo Đức Kitô và lời đáp trả bằng một đời sống bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Người, để nên giống như Người trong ba lời khấn và trong sứ mạng yêu thương phục vụ tha nhân.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha Phanxicô còn nhắc nhở các tu sĩ về một đời thánh hiến không bao giờ được thiếu niềm vui; có khả năng làm thức tỉnh thế giới; trở thành những chuyên viên hiệp thông; biết “đi ra” và biết mình đi đâu; không ngừng phân định để biết Thiên Chúa và nhân loại đang chờ đợi nơi mình điều gì trong lúc này[4]. Một sự thánh hiến đầy năng động và sẵn sàng được “sai đi” như thế, sẽ đem lại ý nghĩa và sự bền vững cho tương lai đời thánh hiến. Khi ý thức mình “được sai đi” với sứ mạng cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa, để lưu truyền tình yêu và lòng thương xót của Người, các tu sĩ tỏ lộ cho thế giới biết ý nghĩa của đời thánh hiến, cũng như ý nghĩa của mọi công việc mình làm. Điều này đòi hỏi chúng ta có một tâm hồn truyền giáo và thao thức sâu sắc trước phần rỗi của tha nhân.

Ngày nay, không thiếu những tu sĩ chỉ lo cho cuộc sống của mình hay của cộng đoàn được ổn định; chỉ chú tâm đến công việc mình, bổn phận mình, mà hãm bớt hoặc thiếu quan tâm đến nhu cầu chung của Giáo Hội, hoặc có khi cũng đón nhận sứ vụ được trao, nhưng tinh thần truyền giáo suy yếu, nên cuối cùng cũng chỉ tập trung vào ích lợi của bản thân hay của cộng đoàn mình. Điều này dẫn tới việc mất ý thức truyền giáo và mất cả sự nhạy bén trước nhu cầu của con người. Đây là lý do làm cho đời tu mất ý nghĩa, mất đi “vẻ đẹp của những bước chân ra đi loan báo Tin Mừng” (x. Rm 10, 15) và dần dần mất cả tương lai. Bởi vì khi không có cái nhìn sứ mạng, thì mọi khía cạnh khác của đời thánh hiến cũng sẽ tù đọng và không có chân trời rộng mở. Nếu chỉ chú tâm vào những vấn đề trước mắt mà không nhạy cảm với những nhu cầu cấp bách của Giáo Hội và con người, chúng ta sẽ làm chết ngạt tính ngôn sứ của đời tu. Nếu tinh thần truyền giáo yếu kém, đời tu sẽ bị thu hẹp trong sự tự thỏa mãn với những quan điểm cá nhân và trở nên mất phương hướng. Đó là dấu hiệu báo trước cho một hội dòng không có tương lai, bởi vì sự hiện diện của họ không còn ích lợi gì cho Giáo Hội và con người. Những bài học lịch sử về đời tu đã cho thấy, có những dòng tu không thể tồn tại khi đã lỗi thời, hoặc khi không còn khả năng đáp ứng được những nhu cầu của con người. Nhưng chắc chắn đời thánh hiến sẽ tồn tại mãi, bởi vẫn có những dòng tu biết nương theo ơn tái tạo của Thánh Thần, và Thiên Chúa cũng sẽ cho xuất hiện những dòng tu mới để có thể phục vụ cho những nhu cầu mới của Giáo Hội và của con người một cách hữu hiệu hơn.

Kính thưa toàn thể chị em quý mến,

Mỗi người chúng ta đã đón nhận ơn gọi thánh hiến từ Thiên Chúa và đã hăng say đáp trả. Vì thế, lời đáp trả của chúng ta phải được tỏ lộ qua một nếp sống phù hợp với căn tính Mân Côi của mình. Khi sống tốt được các chiều kích của ơn gọi, chúng ta đang làm cho đời thánh hiến của mình được vững chắc trong hiện tại và hướng đến một tương lai đầy hy vọng. Thiên Chúa luôn sẵn sàng ban ơn, và Người chỉ cần một điều là chúng ta sẵn sàng để Người lay động và tái tạo chúng ta nên hoàn hảo theo ý muốn của Người. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Chúng ta là đất sét, chỉ đẹp trong tay người thợ gốm là Thiên Chúa”. Xin Chúa uốn nắn chúng ta ngày càng nên giống Chúa hơn. Đó là mục đích tối hậu của đời thánh hiến mà chúng ta hằng theo đuổi, và đó cũng chính là tương lai tươi đẹp của chúng ta.

Trong những ngày này, đất nước chúng ta đang trải qua cơn đại dịch đầy khó khăn. Phần đông các cộng đoàn Mân Côi ở trong khu vực bị phong tỏa. Cuộc sống có nhiều giới hạn và sợ hãi, nhưng tinh thần của chị em cũng rất tích cực. Mỗi lần điện thoại thăm cộng đoàn nào, em được nghe chị em chia sẻ những tâm tình rất lạc quan và tin tưởng, khi chị em tận dụng thời điểm này để cầu nguyện nhiều hơn, có thêm giờ suy gẫm, đọc sách, học hỏi qua online, làm vườn, bảo trì nhà cửa và làm những công việc mà bình thường chị em không có giờ để làm. Nhất là đối với các cộng đoàn không thể ra ngoài mua thực phẩm, thì giáo dân hoặc thân nhân lại gởi đến cho, có khi còn nhiều hơn cả nhu cầu mình cần đến, rồi chị em lại đem chia sẻ cho người khác. Tất cả những điều tốt đẹp này là ân ban của Thiên Chúa và lòng tốt của mọi người. Chúng ta trân trọng và sống tâm tình tri ân để cầu nguyện thật nhiều cho thế giới, cho Việt nam và cho mọi người đang cần đến lòng thương xót của Chúa, cũng như cho những người đang hết mình vì mọi người trong cơn đại dịch này. Trong khi một số công việc tạm khép lại, Chúa lại mở cho chúng ta những hoàn cảnh mới và cho chúng ta những kinh nghiệm mới về Thiên Chúa, về cuộc sống, về bản thân và về con người. Đó cũng là cơ hội để chúng ta được đổi mới trong sự huấn luyện của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta cũng cầu nguyện cho Hội Dòng, cho mọi chị em, đặc biệt cho những chị em sắp tuyên khấn và mừng kỷ niệm khấn dòng. Xin Mẹ Maria Mân Côi giúp chúng ta luôn thành tâm thiện chí trong việc đón nhận những cách thức đào luyện của Chúa, để chúng ta được trở nên mẫu người như Chúa và Giáo Hội đang mong đợi.

Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi

Rose Vũ Loan, FMSR

[1]ĐTC BÊNÊĐICTÔ XVI, Bài giảng ngày quốc tế đời sống thánh hiến, 02-02-2013.

[2]x.TGM JOSÉ RODRIGUEZ CARBALLO, OFM, Thư Ký Bộ Đời Sống Thánh Hiến.Bài nói chuyện cho tu sĩ tại Giêrusalem ngày 22-4-2015 nhân dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến,

[3]ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ trong sứ điệp gởi cho 700 tham dự viên dự tuần lễ toàn quốc Tây Ban Nha về các dòng tu, ngày 05-04-2018

[4]x.TGM JOSÉ RODRIGUEZ CARBALLO, OFM, Thư Ký Bộ Đời Sống Thánh Hiến.Bài nói chuyện cho tu sĩ tại Giêrusalem ngày 22-4-2015 nhân dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến,

About dongmancoichihoavn

Check Also

khám phá và chữa lành bản thân của mình... “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”

Trả lời