Đối diện với bão tố như là phương cách của tĩnh lặng
Cô tịch không bao giờ đơn giản chỉ là nơi tĩnh lặng và chốn bình yên. Nó cũng có thể là nơi của sự náo loạn tâm hồn. Nơi đó, chúng ta đối diện với chính mình và những nỗi đau của mình. Nơi đó, chúng ta bị giằng co bởi những hoài nghi về bản thân. Nơi đó, chúng ta nhìn thấy những điều vô nghĩa của mình và đối diện với sự thiếu thốn về con người toàn diện cũng như sự trong sạch nội tâm. Tại nơi đây, những cơn bão diễn ra ác liệt và Kẻ Thù quở trách chúng ta, thúc đẩy chúng ta đi xa hơn tới những vùng tội lỗi, sợ hãi và xấu hổ. Thật vậy, chốn tĩnh lặng trở nên một chiến trường ngay trong chính mình.
Thế nhưng, nó cũng là nơi của cơ hội và sự biến chuyển. Tác giả Nouwen nhắc nhớ chúng ta rằng, “cô tịch là lò thanh luyện và cũng là nơi mà sự biến đổi xuất hiện.” Tuy nhiên, kết quả này chỉ có thể xảy ra nếu như những mối hoài nghi được giải quyết, tội lỗi được suy chuyển, Kẻ Thù bị trục xuất, tổn thương được nhận diện, cái tôi tủi thân được giải thoát, và nỗi sợ hãi được tan biến.
Cô tịch vì vậy là một sự tĩnh lặng xảy ra sau cơn bão tố, một sự bình an có được sau cơn náo loạn. Nó không phải là một sự thanh bình để lại cho chúng ta những ảo giác. Nhưng đó là một sự bình an với bất cứ giá nào; nơi đó, chúng ta làm chủ những phần tổn thương của chính mình. Đó là nơi bình an đã chiếm hữu sau khi phải trả giá cho sự cởi mở và trung thực. Nơi đó, sự tĩnh lặng phát sinh sự biến đổi. Đó là một sự thanh bình như là hoa trái của sự tha thứ. Đó là một sự tĩnh lặng nội tâm như là quà tặng đến từ Đấng Yêu Thương Cao Cả; chính bởi Người, chúng ta được lãnh nhận ân sủng và quyền năng vượt xa trời cao thẳm.
Source: Dare To Journey with Henri Nouwen by Charles Ringma
M. Emmanuel Phan, Fmsr chuyển ngữ