Đời sống tu trì là gì? Là một đời sống thánh hiến, là dâng hiến đời mình cho Chúa. Tại sao ta không sống như các thiếu nữ ngoài đời? Có điều gì cao cả hay thiêng liêng đến nỗi ta không chọn lập gia đình, sống đời hôn nhân? Có lẽ ta đã từng cảm nghiệm, từng bắt gặp Tình yêu Thiên Chúa dành riêng cho mình?
Những chị em và các bà đã khấn trước đây, và hôm nay kỷ niệm ngân khánh, kim khánh khấn dòng; cả những chị em hiện diện, cũng đã từng là những thiếu nữ có học, xinh đẹp, nhưng sao lại không lập gia đình? Bởi vì ta đã gặp được tình yêu mạnh mẽ hơn tình yêu của con người. Chính tình yêu Thiên Chúa thu hút chị em, giúp chị em muốn dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa, đồng thời dấn thân phục vụ anh chị em.
Trong Phúc âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã mời gọi tha thiết: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15, 9). Sau những năm tháng bước theo Chúa, cùng với đời sống cầu nguyện, và cảm nghiệm tình yêu đầy sức lôi cuốn, đam mê, hay như dòng thác đổ đã cuốn hút chị em, và chỉ khi gặp được tình yêu mạnh mẽ, chị em mới có thể từ bỏ và bước theo Người đã yêu thương mình.
Tình yêu Thiên Chúa đã lôi kéo ta ra khỏi gia đình để bước theo Ngài. Ông Abraham đã được kêu gọi và bước theo Chúa; dám từ bỏ quê hương và chẳng biết đi đâu, nhưng ông vẫn cứ tiến bước trong niềm tin. Kinh nghiệm của Thánh Phaolô: được biết Đức Kitô là một mối lợi, và “vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác” (Pl 3, 8). Vâng, vì được biết Đức Kitô, nên ngài coi mọi sự chẳng là gì. Phần mình, ta có cảm nghiệm tình yêu Đức Kitô, để có thể sẵn sàng từ khước mọi sự?
Trong nghi thức khấn dòng, chị em sẽ tuyên khấn bước theo Chúa, cam kết tuân giữ 3 lời khuyên Phúc âm. Nhưng ta cần chú ý chi tiết: ôm ấp lý tưởng sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Đây không chỉ là việc khấn giữ, cũng không phải là những nội quy hay hiến pháp có sẵn, nhưng là sự ôm ấp và cam kết để sống. Ôm ấp là gắn bó, là tha thiết và là sống! Vậy ta có yêu thích, hay chỉ là nghi thức, quy định; nếu không, ta sẽ tìm cách lách luật để được điều gì đó.
Ta phải cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu thật và phải đam mê trước tình yêu Thiên Chúa dành cho mình. Ta phải cầu xin Thiên Chúa tha thiết, cho cảm nghiệm tình yêu của Ngài và tiến bước. Có lẽ ta đã cảm nghiệm, nhưng theo thời gian, nếu không tỉnh thức, tình yêu sẽ giảm. Ta có chắc khi càng tu, ta càng quảng đại; ta có bảo đảm mình yêu mến Chúa hơn sau khi tuyên khấn? Thường theo dòng thời gian, cảm xúc lắng xuống; tất cả còn lại chỉ là bổn phận, nghĩa vụ; không còn tình yêu cuốn hút, lôi kéo, đời tu có nguy cơ ra nặng nề.
Như Thánh Phaolô, đã chẳng bảo đảm được gì ngoài việc “chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3, 13) và tiến bước. Hiện tại, tình yêu ta dành cho Chúa có thể nồng nàn, nhưng phải rất cẩn thận; ta cần quên đi chặng đường đằng sau và tiến về phía trước.
Khi tuyên khấn trọn đời, hãy tưởng tượng ta đi vào một căn phòng kín, không lối thoát, khóa cửa thật chặt, vất chìa khóa ra bên ngoài. Ta có dám làm thế? Đó là hình ảnh chỉ biết lao mình về phía trước. Có vậy, ta mới có thể hân hoan và thăng tiến trong đời tu.
Đặc biệt, việc cầu nguyện – dành riêng những giờ phút sống với Thiên Chúa, hết sức quan trọng. Trong đời tu, ta phải cảm nghiệm được Chúa bắt lấy, cảm nghiệm tình yêu mạnh mẽ của Người. Nếu không, ta sẽ lấy lại những gì mình cam kết từ bỏ hôm nay.
Ta phải xin Chúa Thánh Thần thanh tẩy và thánh hóa con tim của mình, để có thể cảm nghiệm và yêu mến Chúa mỗi ngày mỗi hơn trong hành trình sống đời tận hiến!
An Bình
Nội dung bài chia sẻ trong Thánh Lễ Vĩnh Khấn
của Đức Tổng GM. Chủ tế Giuse Nguyễn Năng
Tỉnh Dòng Truyền Tin, 2020