THÁNG 7 VÀ 8-2020
BƯỚC ĐI TRƯỚC MẶT CHÚA VÀ SỐNG HOÀN HẢO
TRONG KỶ LUẬT CỘNG ĐOÀN
Trong Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Bằng việc liên tục thúc đẩy tình yêu huynh đệ, dưới hình thức đời sống chung, đời thánh hiến cho thấy sự tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi các tương quan con người và tạo ra những kiểu liên đới mới. Bằng cách đó, đời thánh hiến nói cho con người về vẻ đẹp của hiệp thông huynh đệ, cũng như về những con đường dẫn tới sự hiệp thông ấy” (số 41).
Sống cộng đoàn là bản chất, cốt yếu của Dòng chúng ta (HL. 26.1). Mỗi người chúng ta đều thuộc về một nơi chốn, một cộng đoàn, nơi đó chúng ta chia sẻ cuộc sống, nâng đỡ nhau để thi hành sứ vụ của Hội dòng. Trong nếp sống cộng đoàn, kỷ luật là một phương tiện hữu dụng giúp cho cá nhân và cộng đoàn tăng trưởng trên đường nên thánh. Kỷ luật cần thiết cho sự ổn định, hài hòa, gắn kết trong nếp sống chung. Tuy nhiên, sự giằng co giữa cái “chúng ta” và cái “tôi” trong mỗi người có khi lại biến kỷ luật trở thành sợi dây trói buộc đời tu trong bức tường phòng vệ. Muốn được “tự do trong kỷ luật”, chúng ta cần sống trong sự hiện diện của Chúa trong mọi không gian và thời gian.
- Cộng đoàn Tu trì cần thiết có luật lệ
+ Cần thiết vì tự nhiên, nhân bản: Đời sống cộng đoàn tu trì diễn tả tương quan và thông dự, chia sẻ sự sống thiêng liêng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự sống thiêng liêng khởi đi từ bí tích Thánh tẩy, chúng ta được mời gọi và qua lời khấn dòng, chúng ta được Đức Kitô liên kết với nhau thành một cộng đoàn, thành gia đình thiêng liêng (x. HL.26.1). Tuy vậy, cộng đoàn tu trì vẫn mang tính xã hội. Do đó, cộng đoàn vẫn phải có các luật lệ, quy định chung, nhằm duy trì sự hoạt động thống nhất và ổn định, để tạo sự bình an cho từng thành viên trong cộng đoàn. Các nguyên tắc, quy định thế nào, nhiều hay ít, lỏng lẻo hay chặt chẽ, chi tiết hay tổng quát, sẽ tùy tôn chỉ và mục đích của cộng đoàn ấy. Có những luật in thành văn bản, và cũng có những khoản luật như một thói lệ, nhưng các thành viên trong cộng đoàn vẫn cần phải tuân giữ. Tóm lại, theo tự nhiên, luật lệ là cần thiết để có trật tự chung, duy trì cộng đoàn và công bằng với mọi người.
+ Cần thiết vì lý do thiêng liêng:
Cộng đoàn tu trì là công trình của Thiên Chúa, chính Chúa đã mời gọi và qui tụ chúng ta thành cộng đoàn. Như vậy cộng đoàn tu trì có đặc tính thiêng liêng, là một mầu nhiệm, là công trình của Chúa Thánh Thần, mỗi người chúng ta tham dự vào mầu nhiệm và cộng tác vào công trình này. Vì thế, các luật lệ trong cộng đoàn dòng tu cần thiết để giúp chúng ta có thể đạt được sự sống đời đời như chính Đức Giêsu đã nói: “Nếu anh muốn vào cõi sống thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19, 17). Trong tinh thần này, Đức Cha Tổ Phụ cũng để di ngôn lại cho chúng ta “Chúa chọn chúng ta vào dòng và ở đó ta lo giữ luật phép cho trọn mà nên thánh thiện một ngày một hơn” (GS I, 349)
- Luật sống chung Mân Côi:
- Luật sống chung của chúng ta dựa trên tinh thần đức tin và đức ái của Chúa Kitô, đòi hỏi mỗi người chúng ta “đón nhận nhau trong tinh thần đức tin. Yêu thương bằng một tình yêu của Chúa, để sẵn sàng tha thứ và hy sinh cho nhau” (x HL27.1).
- Luật sống chung quy định mọi chị em đều thuộc về một cộng đoàn, để chia sẻ đời sống và chung chia với nhau sứ mệnh của Dòng trao phó cho cộng đoàn hoặc từng người. Điều này đòi chị em hy sinh chương trình riêng để có chung một nếp sống với cùng thời gian biểu, như một dấu chỉ sự hợp nhất trong nếp sống chung với nhau. “Mỗi chị em Mân Côi đều phải ở trong một cộng đoàn của Dòng, được thiết lập hợp pháp dưới sự điều hành của một Bề trên[1].
a. Chị em có bổn phận giữ đời sống chung, cùng chia sẻ những bổn phận cũng như sứ vụ của cộng đoàn, tham gia các sinh hoạt, nhất là các giờ thiêng liêng, và giữ kỷ luật cộng đoàn.
b. Chị em ra ngoài phải có phép của Bề trên[2]. (HL 28.1)
- Còn nhiều khoản luật chi tiết khác, chỉ dẫn chúng ta việc sống chung. Những điều khoản ấy tựu chung lại là luật Đức Ái. “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13, 10), và để vươn tới đức Ái trọn hảo, việc sống đức tin: tin thánh ý Chúa thể hiện qua các khoản luật sẽ giúp tâm hồn chúng ta luôn bình an, thanh thản vì biết rằng việc bước đi trước mặt Chúa là bước vào con đường của sự sống. “Anh em hãy đi đúng con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em, để anh em được sống” (Đnl 5, 33).
- Sự căng thẳng giằng co giữa cái “chúng ta” và cái “tôi” trong đời sống cộng đoàn.
Vì cộng đoàn mang tính xã hội nên cộng đoàn nào cũng phải có thời khóa biểu và những quy định chung, giúp cho cơ cấu và nếp sống của cộng đoàn được hài hòa, trật tự. Nhưng mỗi người trong cộng đoàn lại xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau, hình thành nên tính khí khác nhau, phát sinh những nhu cầu khác nhau. Vì thế sẽ có một giằng co tạo nên căng thẳng giữa cái “chúng ta” và cái “tôi”.
- Để hóa giải và dung hòa được nỗi căng thẳng tất yếu này, thiết tưởng mỗi người cần biết sự thật và đón nhận những hy sinh cách tự nguyện, sống có trách nhiệm, để việc giữ luật sống chung trở nên phương tiện thực sự giúp chúng ta dâng hiến hằng ngày, sống trung thành với đoàn sủng và giúp gắn kết mọi thành viên trong cộng đoàn trong tình tương thân tương ái.
- Ngược lại, nếu chúng ta không đảm nhận được sự căng thẳng cách tự nguyện, tự do, việc cố gắng giữ các luật lệ chung cách máy móc, rất có thể làm cho chúng ta tìm an toàn trong lề luật, bị sói mòn trong những khuôn khổ, thói quen đều đặn của chương trình có sẵn, hoặc thụ động xơ cứng trong những quy định chung, làm mất đi những sáng kiến năng động trong dấn thân. Dễ rơi vào thái độ giữ luật vì luật, giữ bên ngoài cách chỉnh chu, nhưng bên trong đầy căng thẳng, miễn cưỡng. Thành thử ra, sống chung nhưng ít có tình hiệp thông huynh đệ thực sự trong những khác biệt, nên chúng ta có thể dùng luật để đánh giá, xét đoán, phê bình, chỉ trích lẫn nhau. Khi đó luật trở nên những bức tường làm xa cách các thành viên trong cộng đoàn.
- Đàng khác, nếu chúng ta sống theo lối dễ dãi, không có thách nhiệm với bản thân và cộng đoàn, hoặc thường xuyên không giữ những quy định chung thì sự đổ vỡ trong đời sống cộng đoàn chắc chắn xảy ra, và cá nhân người tu sĩ sẽ rơi vào tình trạng không có khả năng đón nhận nề nếp chung như một giá trị đỡ nâng bản thân. Lúc đó người tu sĩ sống và giữ luật chỉ để đối phó với tình thế, cuộc sống.
- Kỷ luật cộng đoàn giúp ta sống trong sự hiện diện của Chúa
Chúng ta tin rằng Chúa gọi từng người, Chính Ngài thánh hóa và quy tụ chúng ta thành cộng đoàn, nên chúng ta đón nhận nhau trong cùng một đức tin khi sống trong cộng đoàn với nhau. Với nền tảng đức tin về cộng đoàn như thế, chúng ta có lý do thuyết phục để sẵn sàng tuân giữ các luật lệ cần có để giúp chúng ta trung thành với Chúa, sống linh đạo hội dòng và cùng nhau thi hành sứ vụ chung.
Để đời sống chung bình an và duy trì bền vững, chắc chắn mỗi người phải cố gắng vun đắp một tình yêu quảng đại dâng hiến như Chúa Giêsu, để có đủ sức mạnh vượt thắng tính ích kỷ tự nhiên trong mỗi người chúng ta. Quả thật, Chính Đức Giêsu là mẫu gương về đức ái cho tất cả chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Yêu thương với những đặc tính:
- Yêu thương mà không mong đáp đền “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có ân nghĩa gì đâu? … Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hi vọng được đền trả (Lc 6,27-35).
- Yêu thương cả người ghét mình: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi. Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5,38 – 47).
- Không xét đoán tha nhân: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7,1-3).
- Và tha thứ mãi mãi: “Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22).
Chính nhờ đức tin, chúng ta luôn hiện diện trong cộng đoàn với đức Ái Chúa Kitô cách an vui, tự do, cho dù những việc tuân giữ kỷ luật làm ta đối diện với cảm xúc đơn điệu, đều đặn, tẻ nhạt. Nếu chúng ta trung tín trong việc nhỏ là giữ kỷ luật hằng ngày, với thái độ tin kính sự hiện diện của Chúa trong cộng đoàn, đồng thời trong tâm tình khát khao hướng đến một tương lai Chúa sẽ ban ân sủng, nâng những cái nhỏ bé, tẻ nhạt ấy lên thành sinh lực lớn có sức thánh hóa tâm hồn chúng ta, đời sống dâng hiến của chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng và hạnh phúc trong nếp sống cộng đoàn.
- Đề nghị thực hành chung
- Cần nhạy bén hơn việc giữ các giờ chung và luật giao tiếp của cộng đoàn…
- Sống đức tin và đức Ái trong mọi khoản luật.
Têrêsa Đinh Thị Nụ, FMSR
[1]X. GL 608
[2]X. GL 665 §1