Bộ khoá “Tin-Yêu”

Truyền thuyết phương Tây kể rằng, phượng hoàng là một loài chim mang trong mình khả năng tái sinh, là biểu tượng cho ‘sự bất tử’.1 Khi bị thương nặng hoặc cảm thấy mình quá già yếu, phượng hoàng sẽ tự xây một cái tổ bằng lông của mình, rồi tự thiêu bằng chính nguồn nhiệt của bản thân. Từ đó, chúng sẽ tái sinh dưới hình dạng một chú chim non và mỗi một lần tái sinh, phượng hoàng sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, hoàn mỹ hơn và rực rỡ hơn.

Dẫu rằng loài chim cao quý ấy chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người, nhưng sự tồn tại đó cũng cho tôi những bài học đáng suy nghĩ. Để có được sự sống mới hoàn hảo hơn, phượng hoàng phải chấp nhận trải qua những thử thách, thậm chí là phải hy sinh cả thân xác cũ của mình trong đau đớn. Tôi chợt nghĩ có lẽ loài phượng hoàng ấy cũng yêu đời, yêu bạn bè chung quanh lắm nên mới khát khao được sống cách mãnh liệt như vậy. Đồng thời, chắc hẳn chúng cũng rất tin tưởng vào việc mình sẽ được tái sinh nên mới có thêm nghị lực và lòng can đảm để vượt qua những gian nan, thống khổ, nhằm biến sự sống trong mơ ước thành sự sống thật. Như thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào, niềm tin và tình yêu phải chăng là bộ chìa khóa không thể thiếu để mở ra cánh cửa của sự sống, cánh cửa của sự đổi mới, cánh cửa của hạnh phúc và bình an thật sự,…?

Sau khi bay bổng cùng loài phượng hoàng thật đẹp, thật lộng lẫy, tôi trở lại với cuộc sống của mình, lòng tràn ngập phấn khởi khi khám phá ra giá trị của bộ khóa “Tin-Yêu”. Và rồi, tôi đến với năm Canh Tý 2020 – một năm cũng thật đẹp, thật tròn trĩnh. Tôi cũng như mọi người, cũng mong năm mới này sẽ là một năm tràn đầy may mắn, đầy đủ, no ấm như con số và cái tên của nó. Thế nhưng, thoạt quan sát những gì đã và đang diễn ra trên thế giới thìlại có vẻ không đẹp và tròn đầy như thế. Hơn hai tháng đã trôi qua, cơn sốt của đại dịch mang tên COVID-19 vẫn chưa dịu mà còn có xu hướng ngày càng nóng và lan rộng một cách nhanh chóng. Chính vì sức nóng và độ nguy hiểm ấy mà hiện nay, nó đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại trên những trang nhật báo, trong đó có tôi. Thời gian trôi đi; khi những thông tin tôi biết về dịch bệnh ngày càng nhiều, khi sự ngột ngạt, tối tăm mà cơn dịch mang lại cứ bao phủ lấy tôi ngày càng dày đặc; cũng chính là lúc tôi đã bỏ quên bộ khóa “Tin-Yêu” của mình ở một góc khuất nào đó. Từ sự xót xa cho những cuộc đời còn đang dang dở, tôi bỗng chốc cảm thấy sợ hãi, thậm chí là vô cùng hoang mang trước tốc độ lây lan kinh khủng của nCoV, rồi tôi lại lo lắng cho gia đình, cho người thân, cho thế giới trong những ngày u ám này, và rồi tôi đã đánh mất niềm tin, đóng chặt cửa lòng với một số thành phần trong xã hội khi tôi cảm thấy khó chịu, thậm chí là căm phẫn trước những sự gian dối, những lối sống ích kỷ, thực dụng kiểu “đục nước béo cò” của họ, nhân cơ hội mọi người đang hoảng loạn mà trục lợi cho bản thân. Nhưng ngày qua ngày, tôi đã tự đặt cho mình những câu hỏi: Tôi sẽ giúp ích gì được cho gia đình, cho thế giới nếu tôi để cho sự lo lắng lớn dần lên? Tôi có thay đổi được những con số đang tăng chóng mặt trên bảng “death-toll” hay phát minh ra một loại vắc-xin, một loại thuốc để ngăn ngừa, chữa trị dịch bệnh khi tôi cứ mãi thấp thỏm, sợ hãi và thu mình lại? Rồi bản thân tôi sẽ được gì khi tiếp tục nuôi dưỡng nỗi khó chịu và phẫn uất với những lối sống thực dụng kia?…

Từng ngày trôi qua, tôi cố gắng đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc của mình, để rồi một hôm, tôi chợt giật mình nhận ra khi quá chú tâm vào những nỗi lo sợ, những điều tiêu cực cũng là lúc tôi đã vô tình bỏ quên biết bao giá trị tốt đẹp phía sau. Như thế, đã đến lúc tôi phải thay đổi góc nhìn và tầm nhìn để tìm lại những chiếc chìa khóa mang tên “Niềm Tin” và “Tình Yêu” của mình. Bên ngoài cánh cổng Tu viện, vẫn còn đó những con người dù cũng lo lắng cho bản thân và gia đình trong cơn đại dịch nhưng không quên nghĩ đến người khác. Ấy là những em học sinh chỉ khoảng 10, 11 tuổi đã sử dụng hết số tiền lì xì năm nay của mình để mua những hộp khẩu trang y tế, những chai dung dịch sát khuẩn nhằm phát miễn phí cho người đi đường. Bên cạnh đó, hình ảnh của một em thiếu nhi trong giáo xứ tôi bẽn lẽn vào Phòng Thánh để xin Lễ với ý chỉ “Cầu nguyện cho những bệnh nhân bị nhiễm nCoV sớm được chữa lành” đã khiến cho tôi khá bất ngờ. Dẫu ngoài kia còn rất nhiều tấm gương khác nữa nhưng tôi được đánh động đặc biệt bởi những đứa trẻ này vì tôi như được nghe lại Lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ năm xưa: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3) Nơi các em, tôi đã một lần nữa có cơ hội nhìn lại niềm tin của mình nơi Thiên Chúa. Nơi các em, tôi đã học được sự yêu thương với cả tâm hồn, sự cho đi một cách đơn thành, dù đó là về vật chất hay là một lời cầu nguyện. Nơi các em, tôi có thêm niềm hy vọng vào thế hệ mai sau vẫn còn có những con người biết sống quảng đại, và như thế, câu thơ: “Người yêu người sống để yêu nhau” không phải chỉ là lời mời gọi viễn vông, nằm trong sách vở mà nó đã trở nên rất gần, rất thật và được đáp lại bởi những tấm gương sống động.

Tạm khép cánh cổng Tu viện cùng những câu chuyện của thế giới bên ngoài vào, tôi trở lại với gia đình Tập viện thân thương của mình. Nơi đây, tôi được cảm nhận, được nhìn thấy hình ảnh của những tấm gương sáng còn gần hơn, thật hơn và sống động hơn nữa. Nơi đây, tôi đã góp nhặt cho mình thêm rất nhiều bài học cùng kinh nghiệm sống đáng quý. Và nơi đây, tôi đã chính thức tìm lại được bộ khóa “Tin-Yêu” của mình, để tiếp tục gột rửa, tiếp tục mài dũa và tu sửa chúng, sao cho những chiếc chìa khóa ấy có thể giúp tôi mở ra những cánh cửa quan trọng mà Chúa đã đặt để trong cuộc đời.

Trong chuỗi ngày nghỉ mà tôi chưa thể đo lường được, tôi đã có cơ hội làm sáng hơn chiếc chìa khóa “Tình Yêu” của mình. Dù làm việc, học tập hay sinh hoạt ở bất cứ nơi nào trong mái nhà này, tôi đều không khó để bắt gặp biết bao hình ảnh đẹp của hy sinh, phục vụ với lòng yêu thương và chân thành từ những người đang sống chung quanh. Đó là các vị giáo sư luôn tâm huyết với những bài giảng của mình, với ước mong sẽ giúp cho thế hệ trẻ đang chập chững bước vào đời tu như tôi có thể tích lũy thêm những hành trang cần thiết trên bước đường theo Chúa. Đó là hai người chị lớn tuổi nhất trong gia đình Tập viện mà tôi đang sống: Dù luôn bận rộn với những công việc, dù phải đối mặt với những giới hạn về tuổi tác và sức khỏe, song chưa một lần tôi thấy các chị tỏ ra chán nản, mệt mỏi hay nói lời than vãn; mà ngược lại, các chị vẫn mạnh mẽ, vẫn vui tươi, vẫn dành thời gian để chia sẻ, hướng dẫn, động viên tôi khi tôi gặp khó khăn trong tập luyện, vẫn từng ngày quan tâm đến sức khỏe của tôi cùng các chị em khác. Chính hình ảnh của hai chị lớn ấy đã thôi thúc tôi ngay lúc này phải sáng tạo, năng động,và nhiệt tình hơn với những công việc mình được trao phó, khi tôi còn đang ở trong độ tuổi rất đẹp của đời người. Những hình ảnh tuyệt vời về mẫu gương sống yêu thương còn được thể hiện nơi các chị Tập II, các chị em cùng lớp với tôi qua những công việc rất đỗi bình thường trong cuộc sống. Từ những công tác chung đến những bổn phận riêng, đâu đâu tôi cũng thấy và cảm nhận được sự nhanh nhẹn, nhiệt tình cùng tinh thần vui vẻ mà mọi người dành cho nhau. Một trong những công tác thường nhật mà tôi có cơ hội làm chung với các chị em trong thời gian này là việc tổng vệ sinh sau giờ điểm tâm. Từ những ngày đầu tiên, tôi đã rất ấn tượng với sự nhanh nhẹn của các chị, đặc biệt trong việc chà nhà vệ sinh. Có lần, tôi đang loay hoay tìm bàn chải để làm công việc này, thì phát hiện có một chị đã vào làm từ lúc nào rồi. Lần khác, tôi lại vô tình bắt gặp hai chị tranh nhau chà nhà vệ sinh cách “quyết liệt” nhưng đầy sự vui vẻ. Hôm ấy, tôi được một trận cười vì thấy hai chị ấy cứ như là hai đứa trẻ mẫu giáo giành nhau một món đồ chơi mà chúng cùng ưa thích. Nhưng sau trận cười ấy, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, để rồi, một lần nữa, tôi lại thầm thĩ với lòng mình rằng phải chăng sự đơn sơ, chân thành như trẻ nhỏ mà Chúa muốn chính là đây? Sự đơn sơ không tính toán trong công việc, bất kể đó là công việc gì, sự chân thành trong những nụ cười, trong sự tự nguyện nhận lãnh những công việc có vẻ khó khăn, ít người dám làm hơn. Và thế là tôi cũng học hỏi tinh thần làm việc của các chị, có những lúc lên thật sớm để giành được quyền chà nhà vệ sinh, có những khi thì lau quét nhà hoặc tưới cây với tất cả sự nhanh nhẹn và cẩn thận trong tôi. Tôi cảm thấy rất vui vì khi tôi cố gắng làm mọi việc nhanh nhẹn cùng mọi người, chị em chúng tôi có thêm nhiều giờ cầu nguyện hơn mỗi sáng. Rồi những lần cạo sơn, chà nền, những buổi dọn dẹp trong thời gian nguyện đường đang được trùng tu đã giúp cho tình chị tình em thêm gắn kết. Dù có những khuôn mặt thoáng mệt mỏi, có những chiếc lưng áo thẫm đẫm mồ hôi, có những mái tóc vương đầy hạt bụi nhưng những câu chuyện dí dỏm, những khúc hát nghêu ngao, những tiếng cười giòn tan vẫn thi thoảng lại vang lên như những lời động viên và hỏi thăm mà mọi người gửi đến nhau. Còn rất nhiều, rất nhiều những niềm vui, những hoạt động và hình ảnh đậm nét yêu thương mà tôi đã và đang cảm nhận được trong những ngày này.

Để có thể cảm nhận tình yêu, sống tình yêu với nhau một cách chân thành thì chắc chắn không ai là không cần chiếc chìa khóa mang tên “Niềm Tin”. Chính vì vậy, Đức Benedict XVI trong một lần định nghĩa về đức tin đã nhấn mạnh “Tin không gì khác hơn là sờ chạm được vào bàn tay Thiên Chúa trong đêm đen của trần thế, và cứ thế – trong tĩnh lặng – lắng nghe Ngài, nhìn thấy tình yêu”. Lúc này, toàn nhân loại thực sự đang sống trong những đêm đen thật dài, thật u ám của bệnh dịch; và tôi cũng thế. Dẫu vậy, tôi cảm thấy khoảng thời gian này không hề vô nghĩa và vô ích, bởi lẽ tôi đã có cơ hội khám phá và tu sửa chiếc chìa khóa “Niềm Tin” của mình – một niềm tin nơi Thiên Chúa. Nếu không có chiếc chìa khóa quan trọng này thì có lẽ chiếc chìa khóa “Tình Yêu” sẽ không trọn vẹn giá trị vì “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1Ga 4,7) mà Thiên Chúa là nơi tôi có thể tin tưởng và phó thác cách trọn vẹn nhất. Tôi đã có thêm nhiều giờ hơn để tâm sự với Chúa; để nói với Chúa những điều mà lúc trước, đôi khi vì mệt mỏi sau những công việc mà tôi chưa kịp thổ lộ; để kể cho Chúa nghe về những nỗi bận tâm, sợ hãi; để thủ thỉ với Ngài những ước mơ và để lắng nghe những lời mời gọi mà Ngài gửi đến cho tôi. Những giây phút ấy …thật bình yên…Bình yên không phải vì tôi hết lo lắng về những gì đang diễn ra trên thế giới nhưng là vì tôi vẫn còn duy trì mối tương quan với Đấng mà tôi tin tưởng. Dù tương lai như thế nào đi nữa, tôi tin Ngài vẫn luôn đoái nhìn trái đất này hằng ngày và luôn có những kế hoạch khôn ngoan, đầy yêu thương cho nó. Và tôi tin Ngài sẽ luôn bước đi cùng tôi, sẵn sàng làm bạn tri kỷ của tôi, chỉ cần tôi còn tin vào Ngài.

Bao nhiêu ngày trôi qua, tôi đã phần nào tìm được lời giải đáp cho những thắc mắc của mình. Tôi sẽ chẳng thể làm gì giúp ích cho bản thân, cho gia đình và mọi người chung quanh nếu tôi cứ lo lắng quá sức; nhưng tôi có thể phó thác sự an toàn của họ trong tay Thiên Chúa với những lời cầu nguyện và hy sinh hằng ngày. Tôi cũng chẳng thể thay đổi số liệu trên bảng “death-toll” quốc tế hay khám phá ra một loại thuốc hữu hình đặc trị bệnh COVID 19; nhưng tôi vẫn có thể lan tỏa sự sống khi tôi biết chấp nhận thực tại, sống yêu thương và vui vẻ. Như thế, tôi sẽ có thể làm cho bộ mặt trái đất bớt thảm sầu và méo mó hơn, như một tác giả từng nói: “Khi cười, ta thay đổi chính mình, khi thay đổi mình, ta cũng thay đổi thế giới.” (Mandan Katarin). Cuối cùng, khi tôi chuyển góc nhìn từ những người thực dụng sang những mẫu gương sống yêu thương, tôi đã tích lũy cho mình nhiều bài học, đặc biệt là việc khám phá và tu sửa bộ khóa “Tin-Yêu” của mình. Để từ đó, với những chiếc chìa khóa ấy, tôi sẽ chính thức mở được cánh cửa của tự do nội tâm, của bình an và hạnh phúc thực sự trong tương quan với Chúa và tha nhân.

Giờ đây, cũng như loài phượng hoàng trong truyền thuyết, tôi khao khát mình sẽ được tái sinh trong Chúa mỗi ngày qua việc làm chết đi những ý riêng, những tính mê nết xấu; để tôi cảm nhận mình chỉ là một hạt cát mong manh, phải học cách sống khiêm tốn; để tôi ý thức mình sẽ chẳng làm nên việc gì nếu không có Chúa, để tôi được trở lại tâm hồn bé thơ, biết sống yêu thương, cho đi một cách đơn sơ và chân thành, để tôi ngày ngày lại được nép mình bên Chúa, được lắng nghe những Lời Chúa nhắn nhủ trong thinh lặng giữa thế giới đầy biến động, như khúc ca của Thánh vịnh 130:

“Lòng con chẳng dám tự cao,

mắt con chẳng dám tự hào CHÚA ơi!

Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,

việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;

hồn con, con vẫn trước sau

giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.

Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,

trong con, hồn lặng lẽ an vui.”

Suối Ngọc, Thỉnh Sinh Mân Côi

  1. Hans Christian Andersen, “The Phoenix Bird” in Fairy Tales of Hans Christian Andersen, (The Floating Press, 2010), 947.

About dongmancoichihoavn

Check Also

khám phá và chữa lành bản thân của mình... “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”

Trả lời