BÌNH AN
Khi Ngôi Hai giáng trần, các Thiên Thần loan báo: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Khi Đức Kitô Phục sinh, Người cũng trao ban bình an cho các môn đệ: “Bình an cho anh em”. Tại sao, đó là ‘bình an’ mà không phải là điều gì khác. Phải chăng, vì Chúa biết đó là điều nhân loại mọi nơi, mọi thời vẫn luôn tìm kiếm và còn tìm kiếm mãi trong cuộc đời!
Ngày nay, biết bao người vẫn đang mải miết tìm kiếm bình an và hạnh phúc theo ý mình. Bình an được đảm bảo, có giới hạn và có điều kiện bởi một cuộc sống đầy đủ, tiện nghi, an toàn mọi mặt cho bản thân và những người mình quan tâm. Nhưng, đó chỉ là thứ bình an thụ động, lệ thuộc ngoại cảnh, mong manh và dễ vỡ… Bởi cuộc sống vốn động và biến thiên không ngừng. Quả thế, ngoại cảnh giúp con người dễ dàng cảm nhận bình an. Thế nhưng, bình an đích thực lại không phụ thuộc ngoại cảnh. Vì vậy, họ dễ dàng mất đi bình an ngay khi mọi chuyện xảy đến không theo ý muốn và vượt tầm kiểm soát của họ.
Giữa cảnh buồn thảm, đau thương, sợ hãi và chết chóc do dịch bệnh tràn lan, biết bao người đang phải chiến đấu, hy sinh từng giây từng phút để níu giữ mạng sống cho mình và người khác. Hơn bao giờ hết con người tự hỏi bình an nơi đâu. Bình an nơi đâu khi tôi đành bất lực nhìn những người thân yêu ra đi vì dịch bệnh mà không lời từ biệt. Bình an nơi đâu khi chính tôi là người mắc bệnh hay phải chứng kiến biết bao cảnh khó khăn, chia xa đau xót…. Mặt khác, bình an cũng không phải là trạng thái của một kẻ vô tâm, vô lo, vô cảm trước nỗi đau của người khác bất chấp mọi sự xảy đến.
Vậy đối với tôi, là một người đang bước theo sát Chúa Kitô hơn, bình an là gì?
Quả thế, nếu cứ mãi quay quắt trong vòng luẩn quẩn đó, tôi cũng sẽ sống mòn từng ngày và chẳng thể có được bình an đích thực – bình an của Chúa, bình an đến từ Đấng đã nếm trọn mọi đau thương trần thế.
Bình an của Chúa là bình an vượt lên trên mọi sợ hãi, nghi ngại, giới hạn, khó khăn của bản thân và cuộc sống. Đó là sự bình an sâu thẳm nơi tâm hồn – bình an của những người có Chúa và để ý Chúa được thể hiện. Thế nhưng, ta cũng sẽ lại dễ dàng đánh mất, nếu không biết trân quý, nuôi dưỡng gắn kết với Chúa, cội nguồn bình an.
Người có bình an đích thực sẽ không giữ cho riêng mình, nhưng thúc đẩy ta hành động, phục vụ tha nhân với tất cả lòng mến, để từ đó ta cũng biết lan tỏa bình an của Chúa đến cho người khác.
Bình an đó còn là hoa trái của một tâm hồn đủ lắng đủ lặng để có thể nghe và thực thi ý Chúa nơi cuộc đời mình.
Suy nghĩ như thế, phải chăng Covid đã mang đến cho thế giới những khoảng lặng, những “trạm dừng” cần thiết giữa một cuộc sống tấp nập, bận rộn này. Covid đảo lộn tất cả, nhưng cũng là dịp để con người tái khám phá và nhận ra đâu là những giá trị thật mà ta cần trân quý và gìn giữ. Covid một “trạm dừng” cho hành trình dương thế, một “trạm dừng” cho cuộc chạy đua với những tham vọng, cho những tâm hồn mỏi mệt, lạc lối trở về, hay đơn giản chỉ là “trạm dừng” cho một khoảng lặng… Cần lắm một khoảng lặng: lặng để lắng nghe cuộc sống, lắng nghe tha nhân, lặng để lắng nghe chính mình và lặng để nghe được tiếng Chúa đang thì thầm yêu thương và mời gọi tôi mở rộng đôi mắt, mở cửa trái tim, dang rộng đôi tay đến với nhân loại đau khổ, đang cần đến tôi, góp một bàn tay nâng đỡ, một cái nhìn yêu thương, một lời cầu nguyện hay chỉ là những hy sinh nhỏ bé trong thầm lặng… Khoảng lặng trong bình an của Chúa đã kéo tôi ra khỏi những buồn chán của giãn cách xã hội, những bi quan, xót xa của nỗi đau cá nhân để mỉm cười trong hy vọng, phó thác, hy sinh và giúp tôi mạnh mẽ tiến bước với tất cả lòng biết ơn, trân quý giây phút hiện tại cũng như hồng ân sự sống tôi đang lãnh nhận.
Lạy Chúa, xin ban cho con bình an của Người; và, trong mọi hoàn cảnh xin cho con luôn biết tìm kiếm và giữ lấy bình an. Để từ đó, con sẽ trở nên khí cụ bình an, cánh tay nối dài của Chúa qua chính đời sống, những việc hy sinh âm thầm, những lời kinh nhỏ bé cùng với sự sáng tạo của tình yêu đến với tất cả mọi người Chúa gửi đến với con. Lạy Chúa, điều đẹp ý Ngài xin dạy con thực hiện!
Lucky Star, FMSR