Chúng ta đã trải qua bao nhiêu lần “cuối năm,” và để chuẩn bị bước sang một năm mới, chúng ta thường ngồi lại đánh giá bản thân, liệt kê những gì đã làm được và chưa làm được của năm cũ, rồi đưa ra định hướng cho năm mới và quyết tâm. Một năm nữa lại sắp qua đi, lại là dịp chúng ta ngồi lại để “tổng kết” “nhận xét” và lại “quyết tâm…” Theo cách này thì năm nào chúng ta cũng nhận định “mình chưa làm được gì cả” bên cạnh những thành công chút chút. Những cái “mình chưa làm được gì” là những điều chúng ta có quyết tâm thực hiện nhưng lại thiếu quyết tâm thay đổi thái độ hành vi thực hiện. Vậy, câu hỏi nền tảng cho bạn là: BẠN THỰC SỰ MUỐN THAY ĐỔI? Nếu có, BẰNG CÁCH NÀO?
Nhân dịp cuối năm, em xin mạn phép gợi ý một vài phương pháp dựa vào ứng dụng tâm lý hành vi để giúp chúng ta có những thay đổi đáng kể trong năm mới.
PHƯƠNG PHÁP 1: TÁC ĐỘNG TÂM LÝ
Chúng ta hẳn có nghe nói hoặc sống chung và nhận định về một ai đó trước đây rất “được” nhưng sao giờ lại “không được” nữa. Hoặc trước đây sống chẳng ra gì, sao tự nhiên trở nên sốt sắng và biết quan tâm. Có người quyết định lập gia đình với một anh chàng chuyên uống rượu say xỉn, và nghĩ rằng sau khi lấy vợ anh ta sẽ thay đổi và quả là như vậy. Nhưng cũng không ít trường hợp “vũ như cẫn,” nghĩa là chẳng thay đổi được gì mà lại còn tệ hơn. Nguyên do là, khi có một tác động mạnh về tâm lý, dẫn đến thay đổi mô thức, từ đó dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn. Ở đây chúng ta hiểu rằng, nếu tác động tâm lý tích cực, thì sự thay đổi là tích cực, và ngược lại. Ví dụ, một người bên lương quyết định học Giáo Lý theo đạo Công Giáo để lập gia đình, họ sống theo các Điều Răn của Chúa, giữ luật Hội Thánh…và từ đó họ có những thay đổi trong tâm lý, suy nghĩ, tư duy theo những gì họ tuân giữ và dần ảnh hưởng đến hành vi của họ. Một anh chàng vốn lười biếng, luộm thuộm và mất vệ sinh, kể từ khi có bạn gái bỗng thay đổi hoàn toàn, trở thành một người gọn gàng, sạch sẽ, và ngăn nắp hơn. Trong trường hợp này, cô bạn gái chính là yếu tố làm thay đổi tâm lý chàng trai. Có những người, sau một tác động tâm lý mạnh về tình cảm (bị thất tình) hay chuyện gia đình (người thân qua đời), bỗng thay đổi từ một người vui vẻ hoạt bát, hay nói, hay đùa, trở nên trầm cảm, ít nói, ít tương quan và suy nghĩ tiêu cực. Kết lại, để có một sự thay đổi hoàn toàn thì phương pháp này là hữu hiệu. Tuy nhiên, đâu phải lúc nào cũng xảy ra những tác động làm thay đổi tâm lý, và thậm chí đôi khi những biến cố xảy ra lại mang đến những thay đổi tiêu cực. Vậy, phương pháp này có phù hợp với lựa chọn của bạn?
PHƯƠNG PHÁP 2: THAY ĐỔI MÔI TRƯỜNG
Theo tâm lý chung, con người chúng ta thường ảnh hưởng nhiều bởi môi trường và con người xung quanh– tâm lý bầy đàn. Những người xung quanh như thế nào thì ta thường có xu hướng cư xử như vậy. Một nghiên cứu gần đây do tạp chí Y Tế Hoa Kỳ phát hành đã chỉ ra rằng, các thanh thiếu niên sống gần nơi bán rượu có khuynh hướng lạm dụng đồ uống có cồn và lái xe khi say xỉn nhiều hơn. Ở một khía cạnh nào đó, gia đình và nhà trường vẫn nhắc các thiếu niên không uống rượu. Luật pháp cấm các trẻ em dưới tuổi vị thành niên uống rượu, đồng thời cấm các cửa hàng bán rượu cho trẻ em. Vậy nhưng, nếu các thiếu niên sống gần cửa hàng bán rượu thì họ vẫn có xu hướng uống rượu nhiều hơn. Bộ phim “Cậu Bé Rừng Xanh” cho ta thấy rõ hơn tác động của môi trường trên cuộc sống chúng ta. Cậu bé sống chung với các con thú trong rừng một thời gian dài, sau này khi trở về với thế giới loài người, cậu bé cũng chỉ thèm ăn thịt sống, hú như bầy sói và thích sinh hoạt về đêm. Người xưa hay nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” – đó chính là sức mạnh tác động của môi trường xung quanh. Chúng ta muốn giỏi tiếng Anh ư? Chỉ cần ở với người bản xứ chừng 3 – 6 tháng là vốn tiếng Anh được cải thiện rõ. Chúng ta muốn truyền giáo cho anh em đồng bào dân tộc thiểu số ư? Hãy đến và sống chung thì sẽ biết họ cần gì.
Phần lớn chúng ta nhốt mình ở trong vòng tròn an toàn. Nhiều lần chúng ta muốn thay đổi cái này, cải thiện cái kia, nhất là khi thấy ai đó làm được điều mình mong muốn, nhưng chúng ta lại ngại ra khỏi vòng tròn an toàn do chính mình tạo nên. Vì thế mà chúng ta vẫn chấp nhận môi trường sống hiện tại và giữ mãi quyết tâm thay đổi nhưng không hành động gì. Trong năm mới, bạn có muốn giảm bớt vài ba kilogram mỡ thừa không? Không hẳn chỉ để trông thon gọn hơn, nhưng là để thực sự khỏe mạnh hơn. Bạn có dám bước đến một môi trường mới như phòng tập gym, hành lang trước nhà bạn hay chọn một khoảng trống nào đó để bạn thực hiện những bài tập thể dục cần thiết và đều đặn? Nếu muốn suy nghĩ tích cực khi mà các “bà tám” xung quanh đang bàn tán chuyện về người vắng mặt, bạn có dám thay đổi để đi tìm một chỗ khác tránh đi không?
PHƯƠNG PHÁP 3: THAY ĐỔI TỪ CÁI NHỎ VÀ LIÊN TỤC LẶP ĐI LẶP LẠI
Theo phương pháp Kaizen của người Nhật, Kaizen nghĩa là “một sự cải thiện liên tục và không ngừng nghỉ.” Đây là một kỹ thuật dựa vào tâm lý để giúp thực hiện liên tiếp các thay đổi nhỏ và lặp đi lặp lại từng ngày. Đây là cách mà chúng ta có thể áp dụng mọi lúc, mọi nơi, và trong mọi hoàn cảnh mà không phụ thuộc vào cảm hứng (phương pháp 1), cũng chẳng lệ thuộc vào yếu tố môi trường (phương pháp 2). Chúng ta có thể thay đổi thói quen mỗi ngày tập thể dục 5 phút, học thuộc 3 từ vựng tiếng Anh, hay chỉ cần đọc một trang sách, nhưng duy trì lặp đi lặp lại từng ngày. Mọi thứ đều rất dễ để bắt đầu và chỉ cần tuân theo nguyên tắc là kiên trì, kiên trì, và kiên trì lặp lại. Một trong những lý do khiến chúng ta mau bỏ cuộc là căn bệnh tham lam. Tức cái gì cũng muốn thay đổi, và làm nhiều thay đổi trong một lúc. Thế nhưng bộ não không thể đột ngột thay đổi một cái gì đó mà nó chưa quen. Cho nên, nếu kiên trì thay đổi từng chút một theo phương pháp Kaizen, sau một tháng, ba tháng, hay một năm cũng đủ để tạo sự thay đổi lớn trong cuộc đời chúng ta rồi.
Thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới cũng gần kề, kính chúc đại gia đình Mân Côi một năm tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa và đạt được những thay đổi cần thiết cho cuộc đời mình
Mai-đệ-liên