Tình yêu bị chôn vùi trong thinh lặng

“TÌNH YÊU BỊ CHÔN VÙI TRONG THINH LẶNG”

  1. “Tình yêu bị chôn vùi trong thinh lặng”

Thứ Bảy Tuần Thánh – một ngày  thinh lặng thẳm sâu. Nhà tạm trống. Bàn thờ trống. Các nhà thờ tỉnh lặng như ngôi mộ lạnh lẽo vừa nhận lấy thân xác một Đấng đã yêu cho đến cùng. Cả trời đất dường như nín thở. Trong sự thinh lặng thiêng liêng ấy, Giáo Hội không hành động gì ngoài chiêm ngắm và đợi chờ. Một tình yêu bị đóng đinh, bị chôn vùi, nhưng không chết. Một hy lễ vĩ đại, âm thầm tiếp tục lan tỏa từ thập giá đến tận đáy sâu cõi lòng nhân loại.

Chúng ta được mời gọi trở về lòng mình, nhắm mắt lại để tâm trí có thể đi đến vườn Cây Dầu – nơi khởi đầu của  cuộc thương khó. Ở đó, Chúa Giêsu mang trong thân xác mỏng manh của mình cả sức nặng khôn cùng của tội lỗi nhân loại. Mồ hôi máu Người thấm vào lòng đất như giọt nước đầu tiên của một cơn mưa cứu độ. Nhưng cũng tại nơi ấy, những người thân tín nhất lại ngủ thiếp đi, không thể canh thức cùng Người dù chỉ một giờ. Sự thờ ơ này, nào có xa lạ với chúng ta? Biết bao lần chúng ta cũng “ngủ mê” trong đức tin, khi lời kinh trở nên thói quen, khi thánh lễ chỉ là bổn phận, khi thập giá không còn làm tim ta run lên nữa.

Rồi Giuda đến, mang theo cả một toán lính – và nụ hôn. Một cử chỉ của tình yêu được biến thành khí cụ của phản bội. Một dấu hiệu thân quen trở thành lưỡi dao đâm vào trái tim tình yêu vô tội. Nhưng Chúa không phản kháng. Người để cho mình bị bắt, bị trói, bị dẫn đi… để tình yêu được tỏ lộ đến tận cùng. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể làm được điều đó. Vâng, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể chịu đựng được con người và sức nặng tội lỗi của họ.

  1. Chúa Giêsu chịu đánh đòn “bị xé nát vì yêu”

Tình yêu không dừng lại ở vườn Cây Dầu. Tình yêu tiếp tục bị trao nộp, bị xét xử, và hôm nay, bị đánh đòn. Một tình yêu bị xé nát bởi roi vọt của con người. Chúng ta chiêm ngắm thân xác Chúa Giêsu – Con Một Thiên Chúa – giờ đây rớm máu, bầm dập, rách nát… chỉ vì muốn cứu chúng ta.

Quan Philatô biết rõ Người vô tội. Ông muốn giải thoát Chúa Giêsu. Ông đã do dự. Ông đã nghe lời vợ can ngăn – một người phụ nữ ngoại giáo, không biết Luật Môsê, nhưng lại có một giấc mộng khiến bà phải đau khổ thay cho Đấng công chính. Bà đã thấy gì trong giấc mơ ấy? Có phải bà thấy Con Thiên Chúa chịu treo trên thập giá giữa trời đất? Có phải bà thấy nhân loại muôn đời sẽ mãi hô vang: “Đóng đinh nó vào thập giá”? Có phải bà thấy tình yêu bị xua đuổi, công lý bị giết chết, và Thiên Chúa bị làm nhục?

Philatô đã run sợ, nhưng cuối cùng vẫn thỏa hiệp. Và rồi, tiếng roi vang lên. Từng nhát roi không chỉ xé nát thân xác Chúa, mà còn làm rỉ máu trái tim yêu thương. Chúa Giêsu không la hét. Người không vùng vẫy. Người im lặng, như Chiên bị đem đi xén lông. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể chịu đựng con người đến như vậy. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể để chính mình bị xé toạc ra bởi chính những tạo vật mà Ngài yêu.

Con người đánh đòn Thiên Chúa của mình – và Thiên Chúa lại cúi đầu chấp nhận. Một Đấng Thánh không biết tội, lại để cho kẻ có tội hành hạ mình – chỉ vì muốn cứu họ. Nếu Chúa Giêsu im lặng hôm nay, thì là để nói với con người rằng: Ta yêu con – ngay cả khi con từ chối Ta, làm nhục Ta, đánh đòn Ta.” Một tình yêu như thế, liệu con người có thể nào hiểu nổi?

Lạy Chúa Giêsu, mỗi vết roi trên thân thể Chúa là một tiếng kêu thầm cho tội lỗi của con. Xin đừng để con vô cảm trước tình yêu đang rỉ máu vì con. Xin đừng để con – vì sợ hãi, vì áp lực, vì lợi ích – mà giống như Philatô, biết rõ lẽ phải nhưng lại quay lưng. Xin giúp con không chỉ thương xót Chúa trong đau khổ, nhưng dám yêu Chúa trong cuộc sống thường ngày, bằng cách sống công bằng, trung tín, và không thỏa hiệp với bóng tối.

  1. Chúa Giêsu chịu đội mão gai “Tình yêu bị chế nhạo”

Sau khi Philatô rửa tay, người ta đã đưa Chúa Giêsu đến cho đám lính. Không còn pháp luật, không còn xét xử – chỉ còn những hành động khinh miệt trần trụi và man rợ. Chúng không chỉ hành hạ thân xác Người – mà giờ đây, còn muốn chà đạp cả phẩm giá và vương quyền của Người. Một trò nhạo báng. Một cơn điên loạn. Chúng bện vòng gai thành mão, và ấn mạnh nó lên đầu Con Thiên Chúa.

Hãy dừng lại mà chiêm ngắm: những chiếc gai nhọn cắm sâu vào da thịt, đâm thấu da đầu, làm máu tuôn chảy. Cơn đau lan ra khắp đỉnh đầu, xuống từng thớ thịt, rồi thấm vào tận tim. Nhưng hơn cả nỗi đau thể xác, là sự ê chề và lăng nhục. Chúng quỳ gối giả vờ thờ lạy, gọi Người là “vua dân Do Thái”, nhổ vào mặt, vả vào má… Chúng nghĩ mình đang chế giễu một tội phạm. Nhưng thật ra, chúng đang xúc phạm đến Tình Yêu.

Và Chúa Giêsu có thể làm gì? Một cái phẩy tay thôi, là đất trời rung chuyển. Một tia lửa từ mắt Người thôi, là lũ lính đó tan thành tro bụi. Nhưng Người không làm vậy. Người chọn chịu đựng. Không phải vì yếu đuối. Nhưng vì tình yêu. Người muốn để chính mình bị phơi bày – không phải để tủi hổ – mà là để cho thế giới thấy tình yêu có thể chịu đựng đến thế nào, tha thứ đến mức nào, khiêm nhường đến bao xa.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm điều đó. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể để người ta chế giễu vương quyền của mình – mà vẫn yêu họ. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể để gai nhọn cắm vào đầu – mà vẫn chúc lành cho kẻ xúc phạm. Trong mỗi chiếc gai là tội kiêu căng, phán xét, và khinh bỉ của con người. Và Chúa Giêsu gánh lấy tất cả – để không ai còn phải mang lấy nữa.

Người không đội mão gai vì thích đau khổ. Nhưng Người đội, để tình yêu thiêng liêng của Thiên Chúa có thể thấm nhuần lịch sử nhân loại. Một tình yêu không ở trên cao, mà đi xuống tận cùng nhục nhã. Một tình yêu không chỉ thương xót, mà còn đồng cảm. Một tình yêu như thế không thể bị cười nhạo, vì nó chính là ánh sáng duy nhất còn sót lại trong đêm tối nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, con thờ lạy Vua của con – dù đầu Vua không có vương miện bằng vàng, nhưng là mão gai đỏ máu. Xin đừng để con trở thành một kẻ lính khác – vô cảm, mỉa mai, chế giễu tình yêu. Xin cho con nhận ra, không có vương quyền nào cao cả hơn quyền năng khiêm nhường của tình yêu. Và nếu phải chọn, xin cho con được cúi đầu trước một Vua như thế – Vị Vua đã đội mão gai để cứu chuộc con.

  1. “Gánh nặng không phải là gỗ, mà là tội lỗi chúng ta”

Con đường dẫn đến Can-vê không dài bao nhiêu, nhưng đối với Chúa Giêsu, đó là hành trình nặng nề nhất trong lịch sử nhân loại. Trên vai Người là cây thập giá bằng gỗ – cứng, thô, nặng nề – nhưng đó không phải là điều làm Người gục ngã. Điều đè ép thân xác của Người, khiến Người loạng choạng, vấp ngã, chảy máu… chính là gánh nặng tội lỗi của chúng ta.

Chúng ta thường hình dung thập giá là cây gỗ – nhưng thực ra, nó được đúc kết từ sự thù ghét, bạo lực, ích kỷ, phản bội, kiêu căng, dối trá, vô cảm… của từng con người. Và tất cả những điều đó, Chúa Giêsu đã gánh lấy. Ngài không chỉ mang lấy hậu quả của tội lỗi – mà còn mang lấy chính bản chất của nó, để chuộc lại những gì đã bị đánh mất, để đưa tình yêu trở về nơi nó đã bị xua đuổi.

Con đường lên đồi Can-vê gập ghềnh và dốc. Mỗi bước chân của Chúa là một cuộc chiến giữa sự sống và cái chết, giữa tình yêu và khước từ, giữa lòng thương xót và cứng lòng. Người ngã xuống, không chỉ vì mệt, nhưng vì trái tim Người bị nghiền nát bởi gánh nặng tội lỗi nhân loại. Và trong những lần ngã đó, Thiên Chúa cho thấy Người không sợ hạ mình – để con người không còn sợ đứng lên.

Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: không ai – dù thánh thiện đến đâu – có thể tự mình gánh lấy tội lỗi trần gian. Chỉ một mình Thiên Chúa có thể làm được điều đó. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể yêu đến mức vác lên mình tội lỗi của kẻ đã chống lại mình, phản bội mình, đóng đinh mình.

Và Người vác thập giá không phải để chứng minh điều gì – mà để mở ra một con đường. Từ nay, con người không còn phải gục ngã trong tội lỗi. Từ nay, ai cũng có thể hy vọng. Từ nay, những ai vác thập giá đời mình với Chúa, sẽ không bao giờ bước đi một mình nữa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con không bao giờ nhìn thập giá Chúa như một biểu tượng buồn. Nhưng xin cho con nhận ra đó là bằng chứng rực rỡ nhất của tình yêu. Xin dạy con đừng đổ lỗi cho thập giá – mà hãy nhìn lại trái tim con. Và nếu có ngày con phải vác thập giá đời mình, xin cho con biết rằng Chúa đã vác trước – không chỉ để đồng hành – mà còn để yêu con đến cùng.

  1. Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chết trên Thập Giá – “Không có tình yêu nào lớn hơn”

Có lẽ không có lời nào đủ sức để diễn tả mầu nhiệm đau thương này – lúc Thiên Chúa bị treo trên gỗ, máu chảy xuống đất, tim vỡ ra vì yêu. Thập giá dựng đứng giữa đất và trời, như một chiếc cầu nối giữa Thiên Chúa và nhân loại. Nhưng chiếc cầu ấy không làm bằng gỗ – mà làm bằng  da thịt của Đấng Cứu Thế, đang bị lưỡi đinh xuyên thủng.

Chúng ta thường nhìn thập giá từ xa – và dễ quên rằng việc đóng đinh là một hình phạt tàn khốc, vô nhân đạo. Người bị đóng đinh không chết ngay. Họ từ từ nghẹt thở, vì lồng ngực không thể mở ra. Muốn thở được, họ phải dùng sức đẩy thân mình lên bằng hai bàn chân đã bị đóng đinh, để ngoi lên lấy chút không khí. Mỗi lần nhấc mình lên là một cực hình: toàn thân rách toạc, máu chảy, gân thịt quặn thắt.

Và trong những lần cố gắng ấy, Chúa Giêsu không la hét, không oán thán, mà… cầu nguyện. Người dùng từng giây phút cuối cùng để nói lời tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34)

Thật không thể hiểu nổi! Chúng ta có thể tha thứ cho người xúc phạm mình – sau một thời gian dài, một chút cố gắng, một chút ơn Chúa. Nhưng Chúa Giêsu tha thứ ngay – trong khoảnh khắc bị xúc phạm, bị lăng nhục, bị giết chết. Đó không phải là tha thứ do lý trí – mà là một tình yêu từ trái tim rướm máu.

Chúa Giêsu không cần phải chết như thế. Chỉ một ánh nhìn của Ngài là đủ để chấm dứt tất cả. Nhưng Ngài đã chọn con đường không lối thoát ấy – vì muốn chạm đến tận cùng nỗi khốn cùng của con người, để chúng ta không còn ai nghĩ mình là không đáng được yêu. Không ai, dù tội lỗi đến đâu, có thể đứng trước thập giá và nói: “Tôi không xứng đáng.” Vì thập giá chính là bằng chứng cho thấy: Thiên Chúa đã yêu chúng ta khi ta chưa hề yêu Ngài.

Làm sao con người có thể đáp lại tình yêu như thế? Giovanni Papini – một người đã trở lại sau những năm tháng vô thần – đã nói một cách thật đơn sơ mà thấm thía:
“Lạy Chúa Giêsu, tất cả tình yêu mà chúng con có thể dành cho Ngài trong trái tim mình sẽ luôn là dành cho Ngài – và sẽ luôn không đủ so với tình yêu mà Ngài dành cho con, cho chúng con, cho mọi người. Sẽ luôn không đủ.”

Phải, sẽ luôn không đủ. Nhưng dẫu tình yêu của chúng con nhỏ bé, Chúa không đòi hỏi cho bằng. Ngài chỉ xin một trái tim biết xúc động, biết tin tưởng, và biết cúi đầu.

Sr. Maria Clara Thảo, Fmsr

(trích nguyện gẫm thứ Bảy Tuần Thánh – 2025)

About dongmancoichihoavn

Check Also

Hành hương Vườn Dầu

...con đang khao khát ở lại đây, ngay trong Vườn Dầu tâm hồn mình, để lắng nghe Chúa Giêsu thổn thức...

Để lại một bình luận