Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ…

NHƯ TRẺ THƠ NÉP MÌNH LÒNG MẸ…

“Như trẻ thơ nép mình lòng Mẹ,
Trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130)

Lời Thánh vịnh trên là một hình ảnh tuyệt đẹp và sâu sắc, gói trọn ý nghĩa tinh túy về mối tương quan sâu đậm giữa con người với Thiên Chúa. Đặc biệt, diễn tả trạng thái tâm hồn của người khao khát được an trú trong Thiên Chúa. Như trẻ thơ nép mình lòng Mẹ, tâm hồn ẩn sâu trong Chúa cũng tín thác trọn vẹn nơi Người, không hề cậy dựa vào sức riêng hay những bảo đảm bên ngoài của thế gian.

Khi nép mình lòng mẹ, đứa trẻ không cần phải cố gắng hay chứng tỏ điều gì. Nó chỉ đơn giản là ở đó, thụ hưởng trọn vẹn tình yêu thương và sự chăm sóc của mẹ. Tâm hồn ẩn sâu trong Chúa cũng đón nhận tình yêu và ân sủng vô biên của Người, mở rộng cõi lòng để Chúa tuôn tràn ân sủng và lòng xót thương. Sự an yên của tâm hồn là bầu khí thánh thiêng giúp nhận ra tiếng nói của Chúa cùng với những dấu chỉ đầy yêu thương của Người trong cuộc sống: Một tia nắng ấm, một làn gió nhẹ, một lời an ủi đúng lúc, một cơ hội bất ngờ… tất cả đều là những món quà vô giá từ Thiên Chúa mà chỉ những ai có tâm hồn tĩnh lặng và biết ơn mới có thể cảm nhận.

Dưới vòm trời này, hầu như mọi nỗ lực của con người đều nhắm vào việc kiếm tìm bình an hạnh phúc. Có người cho rằng hạnh phúc là được thỏa mãn bộ ba “tiền-tình-tài”, và ngày nay còn phải có “thế lực nữa”. Nhưng thực ra, nếu sự bình an của chúng ta bị lệ thuộc vào một điều gì đó ngoại tại, xa vời, thì ta có mải công kiếm tìm cũng sẽ khó gặp, và nếu có được thì cũng dễ dàng mất đi. Chúng trở nên mong manh vì bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài. Không phải tiền bạc, danh vọng, quyền lực, cũng không phải từ những thành tựu hoặc công nhận của người khác làm chúng ta bình an, mà chính là sự ổn định của tâm hồn trước Thiên Chúa.

Mọi sự trên đời sẽ qua đi và sẽ chẳng còn quan trọng đối với một tâm hồn có khả năng “sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian” (Ga 17, 14). Họ vẫn tham gia vào mọi sinh hoạt trần thế nhưng không bị bão tố của trần thế nhận chìm. Họ tỉnh thức nhận ra rằng sẽ chẳng có ai và chẳng có gì trên đời mang lại cho họ niềm vui đích thật, bền vững, mà chúng chỉ là những nâng đỡ tạm bợ, đem đến những khoảnh khắc vui vẻ hiếm hoi và bảo đảm sự bình yên ít ỏi. Điều quan trọng nhất đối với chúng ta là phó thác tất cả cho Chúa, và kinh nghiệm này sẽ giúp chúng ta nối kết lành mạnh với mọi người và mọi sự. Được vậy, chúng ta sẽ nhìn cuộc đời từ góc nhìn của Chúa, và cho dẫu bất cứ điều gì xảy ra, tâm hồn cũng an vui đón nhận vì đã biết “trút cả gánh lo vào tay Chúa” . Đây là hành trình có được sự bình an nội tâm và sẽ không có điểm dừng.

Một tâm hồn biết thường xuyên trở vào nơi tĩnh lặng, sẽ nhanh chóng nhận ra sự hữu hạn của phận người trước sự hiện diện vô biên của Thiên Chúa, nên sẽ làm cho cái tôi nhỏ bé, mong manh và yếu đuối của mình tan biến trong cái vô cùng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chính khi cảm nhận được sự bé nhỏ ấy, mà con người tìm thấy một ý nghĩa sâu sắc và thâm trầm về giá trị của cuộc đời. Rất nhiều khi ta mải mê tìm kiếm sự vĩ đại mà bỏ qua những dấu chỉ nhỏ bé hằng ngày, bởi vì những điều nhỏ bé lại thường là “dược liệu” mang đến niềm vui và sự bình an đích thực cho tâm hồn.

Cuộc sống chúng ta hữu hạn biết bao so với sự vĩnh hằng của Thiên Chúa. Một đời người, dù dài đến trăm năm, cũng chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua trong dòng chảy vô tận của thời gian. Những thăng trầm, những vui buồn, những thành công thất bại của chúng ta, dù có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời này, cũng sẽ dần tan biến vào dòng chảy bất tận của cõi nhân sinh. Cảm nhận sự mong manh và bé nhỏ của thân phận mình không phải là một sự hạ thấp giá trị con người, mà ngược lại, nó mở ra một cánh cửa để kết nối với sự vĩ đại của Thiên Chúa. Dù chỉ là giống không không, sự hiện hữu khiêm hạ của chúng ta vẫn là một góp phần vào sự tốt lành của Thiên Chúa. Dù chỉ là một hạt bụi nhỏ, chúng ta vẫn có thể phản chiếu một chút ánh sáng vĩnh cửu của Chúa trong thế giới này. Sự bé nhỏ của mỗi người, khi được đặt trong mối tương quan với sự vô biên của Thiên Chúa, sẽ trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho một cuộc hành trình tâm linh đầy ý nghĩa.

Những trang Tin mừng cho thấy Chúa Giêsu luôn ưu đãi người thấp bé. Chúa quan tâm đến trẻ em hơn người lớn; người nghèo hơn người giầu; người đau yếu hơn người mạnh khỏe… và Chúa hứa ban hạnh phúc cũng như sự giầu có sung túc cho những tâm hồn nghèo khó, hiền lành, khổ đau… (x.Mt 5, 3-12), bởi vì họ không mong tìm kiếm và chiếm giữ cho bản thân một điều gì khác ngoài thái độ hoàn toàn tín thác để Thiên Chúa định liệu về mình. Tinh thần phó thác đem lại tự do và an vui nên họ không bị ràng buộc vào nhưng lo lắng giả tạo bên ngoài. Julian Norwich viết: “Chúa Giêsu rất hài lòng khi có một tâm hồn tin tưởng phó thác vào Người, họ đến với Người bằng sự trần trụi, mộc mạc và không khoe khoang. Đó lại chính là sức mạnh của con người trước Thiên Chúa”.

Giữa cuộc sống sôi động này, chúng ta cần lắm một nội tâm bình yên giữa bao sự ngổn ngang trần thế. Tâm lắng đọng giúp ta nhận ra tiếng nói thì thầm của Chúa ngay trong những công việc, mọi sinh hoạt và trong những gặp gỡ tương giao. Mỗi ngày, tâm trí ta cần một khoảng lặng tách biệt khỏi guồng quay công việc để tâm hồn được nghỉ ngơi, tái tạo. Chính trong sự lắng dịu ấy, ta tìm lại được sự sáng suốt và động lực cho những bước tiến vững chãi trên hành trình phía trước. Như mặt hồ yên ả phản chiếu bầu trời, sự tĩnh lặng giúp ta hiểu sâu bản thân mình, để phát hiện ra những đoạn dốc của tâm hồn và đưa ra những câu trả lời ta đang cần.

Hình ảnh bên ngoài nói lên thái độ bên trong: nét mặt thanh bình là vẻ đẹp phát sinh từ cõi lòng; đời sống an vui là một trong những đặc tính của sự thánh thiện. Tâm hồn của mỗi người luôn có khả năng chi phối thể xác. Một tâm hồn an vui phó thác không có nghĩa là yếu mềm, nhưng là sự diễn tả sức mạnh của lòng cậy trông. Sức mạnh ấy đến từ ý thức về sự yếu đuối và mỏng dòn của chính mình trước Thiên Chúa. Thói quen tự nhiên của con người thường dễ bị lôi cuốn vào những thú vui bên ngoài và quên đi điều cốt lõi trước tiên là niềm vui và sự bình an tâm hồn, đến từ đời sống cầu nguyện và lòng biết ơn. Vì thái độ biết ơn là chìa khóa quan trọng để trân trọng những gì mình đang có, thay vì mãi chạy theo những thứ xa vời, phù du bên ngoài. Khi ta biết ơn những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, tâm hồn sẽ dần trở nên đủ đầy và an tĩnh hơn.

Tóm lại, giá trị cốt lõi của một một đời sống có ý nghĩa nằm ở sự trân quý và vun đắp cho “một tâm hồn lặng lẽ an vui”, là bến đỗ bình yên giữa dòng chảy xiết cuộc đời. Bởi lẽ, duy chỉ có niềm vui và sự bình an được khơi nguồn từ ân sủng thiêng liêng, mới là viên ngọc quý, chẳng thể phai tàn hoặc bị tước đoạt. Niềm vui và sự bình an ấy, tựa sương mai thánh thiện, lặng lẽ phủ xuống đời ta trong những khoảnh khắc tĩch mịch, như một món quà vô giá, sẽ lấp đầy cõi lòng ta bằng một thứ an nhiên siêu việt, vượt lên mọi hiểu biết thông thường, mà chỉ những linh hồn đắm mình trong thinh lặng nguyện cầu mới có thể cảm thấu trọn vẹn.

Lạy Chúa, sự hiện diện nhiệm mầu của Chúa chính là nguồn suối vô tận, ban tặng niềm vui và sự bình an đích thực cho trái tim con.

Maria Rosa Vũ Loan, FMSR

About dongmancoichihoavn

Check Also

Hành hương Vườn Dầu

...con đang khao khát ở lại đây, ngay trong Vườn Dầu tâm hồn mình, để lắng nghe Chúa Giêsu thổn thức...

Để lại một bình luận