Yêu cho đến cùng

   YÊU CHO ĐẾN CÙNG

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan 19, 25-30

Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!”.  Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

SUY NIỆM

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu con người, muốn cho con người hạnh phúc, Chúa đã chấp nhận cuộc khổ nạn và cuối cùng là cái chết nhục nhã trên thập giá. Qua bài Thương khó, các tác giả Tin mừng cho thấy sự dửng dưng, vô cảm của con người, của xã hội trước bản án bất công mà giới lãnh đạo Do thái đã cố tình áp đặt lên Chúa – Đấng Công chính.

Qua trích đoạn những giây phút cuối của Chúa trên thập giá trong Tin mừng theo thánh Gioan, chúng con thấy hiện diện trên đồi Canvê có Mẹ Maria, người môn đệ được Chúa thương mến, cùng với một số phụ nữ thánh thiện khác. Đây là một trình thuật giàu tính biểu tượng, mọi cử chỉ, lời nói, hành động đều có ý nghĩa: Chính vì tội lỗi chúng con mà Chúa chịu khổ nạn; Chúa yêu thương và ở với chúng con cho đến cùng; Mẹ Maria luôn đồng hành với chúng con trong khổ giá.

  1. Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu – hậu quả của tội lỗi

Trong thinh lặng nội tâm, chúng con tưởng tượng đang đứng dưới chân thập giá Chúa năm xưa. Hướng mắt nhìn lên Chúa: đầu đội mão gai, mặt mũi loang máu, toàn thân nát tan, trần trụi, xấu hổ, đớn đau tận cùng mà sức con người không thể chịu nổi. Chính vì tội lỗi của cả nhân loại nói chung và của mỗi người chúng con nói riêng, mà Chúa đã phải chịu những nỗi đau đớn kinh khủng nhất từ tinh thần đến thể xác như vậy. Chúa là Đấng Thánh, hết lòng yêu thương và thi ân cho con người, nhưng con người đã vô ơn, phản bội, trốn tránh, vu khống, loại trừ, chối từ, sỉ nhục, đánh đập và kết án tử cho Chúa trên thập giá. Nỗi đau Chúa phải chịu đến từ những người thân quen cũng như những kẻ qua đường; cá nhân cũng như tập thể, người quyền thế trong đạo cũng như ngoài đời, kẻ lên tiếng công khai, người âm thầm xa lánh…

Vâng, lạy Chúa, trước khi hấp hối trên thập giá, Chúa đã phải trải qua hơn 12 giờ khổ nạn. Con muốn lặng lẽ bên Chúa trong cuộc Thương khó, xin cho con nghe thấy những tiếng la hét của đám đông, tiếng lòng của những con người gian ác và toan tính. Tất cả, chỉ vì ghen ghét, vì tham quyền, vì sợ hãi, dễ dàng thay lòng đổi dạ mà không chấp nhận mạc khải của Chúa, cấu kết với nhau để tiêu diệt Chúa, vô trách nhiệm trước một con người vô tội. Xin Chúa giúp con đủ tỉnh táo để nhận ra: biết đâu con gặp mình ở đâu đó trong những người đang vung tay kết án Chúa; đang tìm cách loại Chúa ra khỏi cuộc sống của con qua một ai đó vì họ dám nói lên sự thật; vì họ có những điều không đồng quan điểm với con; vì họ tốt lành; vì một lần nào đó họ vô tình hay hữu ý làm con tổn thương; hay một ai đó chẳng có lỗi tội gì, nhưng vì sức mạnh của quyền lực, của phe nhóm hay đám đông làm con cũng hùa theo lên án.

  1. Chúa Giêsu yêu thương và ở với chúng con cho đến cùng

Con người có thể dửng dưng, vô cảm và đối xử nhẫn tâm với nhau, nhưng Chúa Giêsu thì không bao giờ như thế. Chúa luôn quan tâm đến con người và những đau khổ của họ. Mặc dù chịu một bản án bất công và tàn ác nhưng Chúa không một lời than trách. Chúa vẫn tạo những cơ hội giúp con người nhìn lại đời sống và hành động của mình.

Chúa đã đặt cho các Tông đồ câu hỏi để giúp các ông thức tỉnh: “Đến giờ này mà anh em còn ngủ được sao?” (Mc 14,41). Chúa cũng hỏi Giuđa: “Anh định dùng cái hôn để nộp con người sao?” (Lc 22,48). Một cái nhìn yêu thương dành cho Phêrô, kẻ chối Thầy! (x. Lc 22,61). Trên thập giá, Chúa vẫn quan tâm tới lời cầu xin của người trộm lành: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23,43). Chúa bào chữa cho những kẻ hành quyết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm!” (Lc 23,34).

Trong giờ phút kinh khủng nhất, quằn quại trong cơn hấp hối trên thập giá, máu và mồ hôi hoen mờ đôi mắt, nhưng ánh mắt Chúa vẫn hướng đến con người, vẫn thấy nỗi đau khổ của con người. Chúa vẫn quan tâm lo lắng cho Mẹ Maria và người môn đệ Chúa thương mến: Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (cc.26-27).

Câu trả lời cho sự quan tâm này chính là tình yêu tuyệt đối Chúa dành cho Chúa Cha mà bài Tin mừng đã ghi nhận: Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!”. Vâng, vì yêu Chúa Cha, nên cả cuộc đời Chúa chỉ có một mục đích là chu toàn ý Cha, ngay trong giờ phút hấp hối. Cái khát của Chúa không chỉ thuộc phạm vi thể lý mà còn tượng trưng cho lòng Chúa khao khát thực hiện ý muốn của Thiên Chúa: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4,34; x. Ga 17,4).

Thập giá Chúa dạy chúng con một cách nhìn mới về đau khổ: Thiên Chúa đau khổ cho con người hạnh phúc. Người đã chết để cho con người được sống. Như vậy, nếu muốn đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh, chúng con không thể trốn tránh đau khổ. Muốn yêu mến Chúa, chúng con không được khước từ thập giá.

Lạy Chúa, xin giúp con nhìn lại đời mình, những kinh nghiệm đức tin của cá nhân, cộng đoàn, Hội dòng, gia đình, hay giáo xứ, trường lớp; trên giường bệnh hay bất cứ sứ vụ nào. Chắc chắn luôn có cái nhìn yêu thương của Chúa, sự nâng đỡ của Chúa kinh qua cuộc đời chúng con, cũng như luôn có Mẹ Maria và Hội thánh cùng lữ hành với chúng con trong hy vọng, đặc biệt trong Năm Thánh hồng phúc này; và qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, nơi tái diễn cuộc khổ nạn của Chúa. Chúa luôn tặng ban, chỉ có điều chúng con có tha thiết mở lòng đón nhận ơn Chúa hay không?

  1. Mẹ Maria luôn đồng hành với chúng con trong khổ giá

Tin mừng Gioan chỉ nhắc đến Mẹ Maria hai lần trong hai hoàn cảnh: tiệc cưới Cana và dưới chân thập giá. Cana và Canvê được nối kết bằng “giờ” hiến tế, giờ tử nạn và là giờ Chúa được “tôn vinh”. Mẹ Maria hiện diện trong giây phút khai mạc cuộc đời rao giảng và tỏ lộ vinh quang của Chúa, và Mẹ cũng hiện diện trong giây phút Chúa tưởng như đã bị bỏ rơi hoàn toàn, thì còn đó Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá, như là một động lực cuối cùng nâng đỡ Chúa.

Trong cuộc khổ nạn, có rất nhiều người đã đi theo Chúa từ xa: đi trong đám đông, đi bằng lòng thương cảm, nhưng chỉ có Mẹ Maria, người môn đệ Chúa yêu, và vài phụ nữ đã dám bước gần tới chân thập giá Chúa. Sống đời dâng hiến, chúng con được mời gọi: “Hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Chúa.” (Lc 9,23). Thế nhưng, vẫn có nguy cơ chúng con theo Chúa bằng ánh mắt cảm xúc, bằng sự ngưỡng mộ từ xa, bằng những lời ca tụng trong nhà thờ… nhưng tránh né thập giá trong thực tế đời sống. Bởi, thập giá của chúng con không chỉ nằm trong nhà thờ, nhà nguyện, mà nằm trong từng tương quan, từng bổn phận, từng giới hạn của bản thân. Như lời Cha Giuse Cao Gia An, đã nói trong bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay năm nay rằng: “Mang thân phận của con người ai cũng mỏng manh và cũng dễ bị tổn thương, băng qua hành trình cuộc đời làm người, chúng ta đều là những con chiên nhỏ, đều mang trong mình những vết tích của tổn thương, của trầy xước trong một mức độ nào đó. Điều quan trọng là chúng ta chọn để trở nên người như thế nào từ những vết tổn thương và những vết trầy xước này mà thôi” (Bài số 3). Vâng, thập giá của đời tu không luôn lớn lao, nhưng lại rất thật và cụ thể. Thập giá của đời tu chúng con có thể không đẫm máu, nhưng lại là những thập giá rỉ máu: – Đó là những hy sinh không tên, trong âm thầm phục vụ; – Là những yếu đuối, thất bại, hiểu lầm trong trách nhiệm, trong tương quan. – Là thành kiến, so sánh và loại trừ; – Là khi bỏ cái tôi để tha thứ, để xin lỗi, để yêu thương; – Là khi phải mỉm cười, cố gắng chu toàn công việc trong mệt mỏi; là kiên trì cầu nguyện dù khô khan; – Là khi sống giữa cộng đoàn không chọn lựa – với những tính cách khác biệt nhưng luôn yêu thương chị em; – Là tuổi già sức yếu, là bệnh tật, cô đơn; – Là gánh nặng gia đình bởi những khổ đau tinh thần hay thể xác; – Là những thao thức trước những linh hồn chưa biết Chúa hay xa Chúa; – Là sự bất lực trước sự ác, gian dối, bất công, đau khổ và nghèo đói của nhân loại…

Sr. Thanh Thúy, Fmsr

(trích nguyện gẫm Thứ Sáu Tuần Thánh – 2025)

About dongmancoichihoavn

Check Also

Hành hương Vườn Dầu

...con đang khao khát ở lại đây, ngay trong Vườn Dầu tâm hồn mình, để lắng nghe Chúa Giêsu thổn thức...

Để lại một bình luận