KHÁC BIỆT, KHÔNG PHẢI LÀ SAI
NHƯNG LÀ VẺ ĐẸP TRONG SỰ ĐA DẠNG
Trong đời sống cộng đoàn, sự khác biệt là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta thường xuyên phải đối mặt với những khác biệt về ngoại hình, tính cách, quan điểm, văn hóa, niềm xác tín… Những khác biệt này đôi khi làm chúng ta cảm thấy bối rối và khó chịu. Rồi qua đó, chúng ta dễ có xu hướng đánh giá, phán xét, loại trừ vì cho rằng những gì khác với mình là “sai”, là “xấu”. Nhưng, dưới góc nhìn nhân bản và tu đức, sự khác biệt không hề mang nghĩa tiêu cực. Mỗi người là một tác phẩm độc nhất vô nhị của Thiên Chúa, với những đặc điểm, tính cách, những trải nghiệm và giá trị mà mỗi người tích lũy trong cuộc sống theo những góc nhìn riêng biệt. Tuy nhiên, thay vì trân trọng và đón nhận sự đa dạng như một vẻ đẹp làm cho đời sống thêm phong phú và đầy ý nghĩa, chúng ta lại kỳ thị và phân biệt đối xử, gây ra những tổn thương sâu sắc cho từng cá nhân và cho cả cộng đoàn.
Mỗi con người được dựng nên với phẩm giá cao quý và đều là hình ảnh của Thiên Chúa, nên mỗi người đều xứng đáng được yêu thương và tôn trọng, bất kể họ khác biệt như thế nào, địa vị, trình độ, sở thích, hoàn cảnh hay tính cách của họ ra sao? Để chấp nhận sự khác biệt của người khác, chúng ta cần bắt đầu từ việc nhận thức về sự khác biệt của chính mình. Mỗi người đều có những điểm mạnh và điểm yếu, những giá trị và lối diễn tả riêng. Việc hiểu rõ bản thân sẽ giúp chúng ta cởi mở hơn với những người có quan điểm và lối sống khác với mình. Hơn nữa, lòng trắc ẩn, sự tôn trọng và tế nhị là những phẩm chất hàng đầu giúp chúng ta mở lòng đón nhận và thấu hiểu được sự khác biệt của họ.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm của ai đó, nhưng không vì thế mà gây áp lực trên họ hoặc tạo ra những căng thẳng đối đầu, coi thường hoặc ghét bỏ. Tuy nhiên, cũng không phải tất cả mọi sự khác biệt đều là đúng. Có những điều không thể chấp nhận vì chúng gây tác hại cho người khác hoặc vi phạm các giá trị đạo đức. Khác biệt không đồng nghĩa với dị biệt hay với việc đi ngược lại những quy chuẩn của đức tin và luân lý. Tôn trọng sự khác biệt không có nghĩa là chấp nhận cái sai, cái ác. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta phân biệt được đâu là sự khác biệt đáng được tôn trọng và đâu là cái sai, cái ác cần phải lên án và loại trừ.
Khi đến trong trần gian, Chúa Giêsu đã nêu gương sống và lặp đi lặp lại giới luật yêu thương. Chúa dạy chúng ta yêu thương tất cả mọi người, kể cả những người bị xã hội ruồng bỏ và những người ghét chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Chúa dạy chúng ta cách yêu như Chúa đã yêu, một tình yêu vô điều kiện, trong sáng và luôn thánh thiện. Trong những lần hồi tâm, tự vấn, chúng ta cũng đã nhận ra mình là người không hoàn hảo, chúng ta thường làm tổn thương người khác bằng lời nói và hành động của mình, chúng ta đã có lần tạo ra những vết thương, làm rạn nứt các mối quan hệ và gây ra những xung đột không đáng có chỉ vì họ không giống chúng ta, ngay cả đối với những người thân trong gia đình, trong cộng đoàn hay giữa những người cùng chung chí hướng. Đức Cha Tổ Phụ Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn dạy con cái của mình: “Con hãy có lòng kính trọng hết các chị em. Các chị em con đều là những linh hồn Chúa yêu thương riêng và kén chọn trong muôn vàn kẻ khác cũng như con, và làm bạn chí thiết của Chúa Giêsu. Dầu có mang tính hư nết xấu thì Chúa cũng gọi làm thánh trên thiên đàng như con” (GSD I, 398).
Hành trình khám phá và trân trọng sự khác biệt là một hành trình khó thực hiện và cũng lắm gian nan. Tuy nhiên, đó là một hành trình đáng giá, bởi vì nó giúp chúng ta xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn, nơi mọi người đều được tôn trọng và đón nhận. Cộng đoàn thánh hiến là nơi mà mọi thành viên đều được chào đón và thuộc về, nên trách nhiệm của chúng ta là xây dựng những không gian an toàn, lành thánh, nơi mọi người có thể chia sẻ những trải nghiệm và quan điểm của mình mà không bị sợ bị kết án hay loại trừ. Sự khác biệt không phải là sai, là xấu, nhưng đó chỉ là cách mỗi người nhìn mọi sự qua lăng kính của riêng mình. Thật tuyệt vời nếu chúng ta tận dụng góc nhìn riêng biệt của người khác để tô điểm cho cuộc sống mình thêm thú vị hơn với sự tham gia của các nhân tố đa dạng.
Trong đời sống chung, nếu chúng ta được yên tâm kết nối với mọi thành viên mà không bị kẹt trong những định kiến, những phê phán…, lúc đó ta thực sự chạm đến sự tự do và sự bình an của tâm hồn. Ai trong chúng ta cũng cảm nhận được món quà lớn nhất trong cuộc đời là sự bình an, đến từ sự thuần khiết và hài hòa trong các mối tương quan. Chỉ khi nào trái tim ta đủ lớn và sự thấu cảm đủ đầy, ta mới nhận ra những điều khác biệt nơi từng con người thật là lung linh mầu nhiệm. Và lúc này, ta thật sự yêu cuộc đời, yêu mọi người, yêu cả chính mình và nhìn ra sự đa dạng thật đáng quý để có thể đeo đuổi, vun đắp và giữ gìn. Vậy, chúng ta đừng để cho sự khác biệt làm chúng ta xa cách nhau, vì trong nhiều vấn đề, sẽ không có cái đúng, cái sai, mà chỉ có sự khác biệt cần được thấu hiểu.
Xin Chúa cho chúng ta biết mở rộng cõi lòng, mở to đôi mắt, mở lớn đôi tai và dang rộng vòng tay để đón nhận và tìm thấy bài học hữu ích cho bản thân mình ở ngay trong những khác biệt của mọi người đang sống bên cạnh chúng ta.
Maria Rosa Vũ Loan, FMSR