Lời khấn vâng phục

Suy niệm:

Kinh Thánh Cựu ước mô tả, từ khởi thủy con người vâng phục và sống rất gần với Thiên Chúa, và coi đó là vấn đề tất yếu, tự nhiên, vì Thiên Chúa là Đấng tạo thành muôn loài, muôn vật (St), con người là thụ tạo, nên thuận thảo, gần gũi với Thiên Chúa trong mọi sự.

Đến thời Tân Ước cũng nối dài tâm tình đó. Nhưng Có tính tích cực hơn, ngoài sự vâng phục lề luật Chúa nói chung, thánh Phaolô còn đã xác tín đức tin và  vâng lời là một (Rm 1,5; 16,26), đón nhận những gì Chúa đã mạc khải cho con người. Trong thư gửi tín hữu Do thái, tác giả đã trình bày những gương sống đức tin khởi đầu từ Abraham như là những tấm gương của sự vâng phục (Dt 11,8). Nhưng tấm gương vâng phục trổi vượt hơn cả là chính Đức Kitô, nên tác giả đã  lấy tâm tình của thánh vịnh 40 đặt vào miệng lưỡi của Người “Lạy Thiên Chúa , này con đây, con đến để thực thi Ý  Chúa, như sách đã chép về con” (Dt 10, 7). Chính nhờ sự vâng phục mà đức Kitô đã nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời (x Dt 5,8-9). Trong tất cả 4 sách Tin Mừng, ta có thể thấy tất cả cuộc đời của đức Kitô từ đầu cho đến cuối diễn ra trong sự vâng phục Chúa Cha: từ lúc thiếu thời ở Nazareth Người đã thao thức với những công việc mà Cha ủy thác (x. Lc 2,49), hay trong sa mạc, khi bị ma quỷ cám dỗ muốn lật ngược kế hoạch của Chúa (x. Lc 4,8) cho tới lúc bị thử thách trong vườn cây dầu (x. Lc 22,42), Đức Kitô luôn lấy ý Chúa làm kim chỉ nam, làm lương thực cho cuộc đời (x. Ga 4,34; 5,30; 6,38; 8,27; 12,27-28; 17,4). Còn thánh Phaolo đã tóm lại tất cả cuộc đời dương thế của đức Kitô trong câu: “Người đã vâng lời cho đến chết, và chết trên Thập giá” (Pl 2,8). Chính sự vâng phục của Người đã mang lại sự cứu độ cho nhân loại cũng như trước đây sự bất tuân của Adam đã gây diệt vong cho loài người (Rom 5,19). Sự vâng phục của Đức Kitô là sự vâng phục của một người con thảo hiếu với tình yêu mến. Từ gương sống đó, chúng ta cũng hiểu được yêu sách mà đức Kitô đặt ra cho những ai muốn theo Người. Người muốn cho chúng ta không phải chỉ tôn thờ Thiên Chúa trên môi miệng, nhưng thực sự thi hành ý Cha trên trời (x. Mt 7, 21).

Người tu sĩ, khi khấn vâng phục, đã đặt lý tưởng đời mình nơi việc đi theo và bắt chước đức Kitô, và qua đó tham dự vào cuộc hiến tế của Ngài vâng phục vì thảo hiếu với Chúa Cha, vâng phục vì phục vụ Nước Trời, và học theo gương vâng lời của Đức Kitô (x. Dt 5, 8). Được Lời Chúa hướng dẫn, Hiến luật dòng 12.1 đặt nền tảng cho tinh thần vâng phục của chúng ta “Chúa Giêsu đã đến trần gian không phải để làm theo ý riêng mình nhưng là để thực thi thánh ý Thiên Chúa. Người cứu độ thế giới bằng sự vâng phục Chúa Cha, để từ nay, đức vâng phục vì tình yêu là nền tảng cho tất cả đời sống và sự phục vụ của Giáo Hội cũng như của các Kitô hữu”. Như thế, mẫu gương để sống đức vâng phục của chúng ta là Đức Giêsu, Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha thế nào, thì người tu sĩ tự nguyện theo sát Chúa Kitô cũng muốn vâng phục như vậy. Thánh Phaolô trong thư Philiphê đã mô tả cách ngắn gọn đức vâng phục của Chúa Giêsu, vì thảo hiếu với Chúa Cha “Người đã vâng lời cho đến chết, và chết trên Thập giá” (Pl 2,8). “Đây là khía cạnh bi đát của sự vâng phục của Người Con được bao trùm trong một mầu nhiệm mà chúng ta không bao giờ có thể thấu hiểu hoàn toàn được, nhưng lại quan trọng đối với chúng ta, bởi vì nó tỏ lộ cho chúng ta cả tính cách con thảo của sự vâng phục Kitô giáo: duy chỉ người Con cảm nhận được mình được Cha yêu và yêu Cha bằng toàn thân mình, thì mới có thể đạt tới sự vâng phục triệt để như thế”. (Quyền bính và vâng phục. 8)

I. Người tu sĩ chết thế nào khi vâng phục?

  1. Chết dần đi cái tôi kiêu hãnh: Trào lưu chung ngày nay người ta đề cao khả năng, bằng cấp cách quá đáng, điều này cũng ảnh hưởng trên người tu sĩ. Có khi người tu sĩ cảm thấy mình hiểu biết nhiều, học vị cao, nhiều khả năng, muốn thể hiện bản thân, cậy dựa vào sự hiểu cao biết rộng của mình trở nên kiêu hãnh, coi thường tất cả. Khi đó người tu sĩ khó vâng lời cách tự do theo gương Chúa Giêsu. Ngoài ra, cũng còn một vài tình huống phức tạp, có thể đến từ thất vọng, mất tin tưởng, hay từ một đổ vỡ trong tương quan tạo nên một cái tôi mặc cảm vừa tự tôn lại vừa tự ti, rất dễ tổn thương, và tự ái quá, trường hợp này cũng khó vâng phục. Cái tôi kiêu hãnh làm ta mất tự do đích thực, làm suy yếu ý chí không có sức làm điều ta muốn. Cái tôi kiêu hãnh thường phản kháng việc vâng phục bằng những luận điệu: vâng lời làm mất sáng kiến, không có “dân chủ”…

Đối chất với những luận điệu này trong tâm trí, người sống đời dâng hiến tự nguyện sống theo gương vâng phục của Chúa Kitô, phải dám chấp nhận chết dần đi “cái tôi” kiêu hãnh của mình, để hiểu được mầu nhiệm vâng phục của Chúa Kitô, Đấng đã vâng phục Cha trọn vẹn với tình con thảo “mở ra cho chúng ta tính chất làm con của sự vâng phục Kitô giáo: chỉ người con mới cảm được mình được Cha yêu và yêu Cha bằng toàn thể con người, chỉ người con mới có thể đạt tới loại vâng phục triệt để này” (Quyền bính và vâng phục. 8).

  1. Chết dần đi chủ nghĩa cá nhân: Cá nhân mỗi người là độc đáo, đáng trân quý. Trong cộng đoàn những cá nhân độc đáo làm nên sự phong phú cho cộng đoàn, với điều kiện mỗi cá nhân khi đặt để bên nhau cần biết rõ vị trí và chức năng của mình, để tất cả đều mang lại lợi ích chung và sứ mạng chung của cộng đoàn. Nhưng nếu mỗi cá nhân chỉ tập trung vào sự phát triển của mình, muốn xây dựng bản thân theo phong cách riêng, chỉ lo cho mình, chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình, bất chấp sự có mặt và nhu cầu của người khác, không quan tâm ích chung, thì lúc đó cá nhân trở nên chủ nghĩa độc tôn, cản trở sự thăng tiến chung, và rất khó bình an trong lời khấn vâng phục. Khi chọn sống tinh thần vâng phục theo gương của Chúa Kitô, người sống đời dâng hiến phải dám hiến tế “đứa con riêng” của mình, để thông dự vào cuộc hiến tế của Đức Kitô “Cha không nhận lễ toàn thiêu của chiên bò, thì này đây con xin đến để làm theo ý Cha” (Dt 10,9).Chính khi đó cả cuộc đời người tu sĩ trở nên của lễ hiến tế, được giải phóng khỏi cái tôi ích kỷ, chủ quan, để sống tự do đúng với địa vị là con Chúa. Ngoài ra, người tu sĩ luôn xác tín rằng theo Chúa trong đời sống thánh hiến không phải để tìm kiếm sự an nhàn, thoải mái hay được tự do sống theo ý riêng mình nhưng là để nên giống Chúa. Nhờ đó, người tu sĩ thánh hiến, có thể đón nhận tất cả với niềm vui để có thể sống trọn vẹn cho lý tưởng sống phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Khi đoan hứa sống đức vâng phục, người sống đời thánh hiến như đã “đụng chạm” sâu thẳm đến “cái tôi” của mình. Chiến thắng để từ bỏ chính mình là sự chiến thắng và từ bỏ sâu xa nhất. Ước mong với ơn Chúa cùng những trợ lực và cố gắng từ bản thân, người sống đời thánh hiến sẽ luôn biết soi đời mình nơi Đức Ki-tô để biết tự do sống vâng phục trong tinh thần đối thoại và hiệp thông, vâng phục trong yêu thương và trách nhiệm hầu có thể ngày một trưởng thành và triển nở hơn trong ơn gọi của mình.
  1. Từ bỏ tự do sai lệch: Tự do chính là cái khả năng, là phẩm chất độc đáo nhất làm cho con người trở nên vĩ đại, thành tạo vật tuyệt vời, nên con thảo của Thiên Chúa. Nhưng tự do sai lệch và quá đáng cũng có thể ném chúng ta xuống vũng lầy của nô lệ, tội lỗi, phản bội. Người ta hay cho rằng bị mất tự do khi vâng phục, nhưng thực ra vâng phục trong tự do mới làm cho vâng phục có giá trị. Adrian Van Kaam chia sẻ “Hiến vật cao cả nhất của con người là việc hiến dâng chính mình trong tự do. Đối với họ, tự do không có nghĩa là gạt bỏ hết mọi thứ ràng buộc một cách ấu trĩ. Trái lại, họ chấp nhận các ràng buộc, vì họ muốn chọn lựa và quyết định chấp nhận ràng buộc. Người nào không thể chấp nhận sự ràng buộc nào cả, cũng không thể tự do. Họ lẫn lộn tự do với buông thả” (Lm. Adrian Van Kaam. Nhân Cách Tôn Giáo, Lm. Ngô Văn Vững, Sj dịch, trang 76). Khởi đầu ơn gọi dâng hiến, chúng ta đã đáp lại với tất cả tự do, tự nguyện, thì khi vâng phục chúng ta cũng cần thi hành trong tinh thần tự do của con cái Chúa, với tình con thảo như Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Đức vâng phục, thực thi theo gương Chúa Ki-tô, Đấng lấy việc thi hành ý muốn của Chúa Cha làm lương thực cho mình, biểu lộ vẻ đẹp thanh thoát của sự lệ thuộc đầy tình con thảo chứ không phải nô lệ, đầy ý thức trách nhiệm và được lòng tin cậy lẫn nhau thúc đẩy, phản ảnh cho mọi người về mối dây liên hệ trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa”. (TH ĐSTH. 21). Trong tinh thần ấy, đức vâng phục không những không hạ thấp phẩm giá nhưng giúp các tu sĩ phát huy tự do của con cái Thiên Chúa. Góp phần vào sự thăng tiến nhân vị của người được hiến dâng cho Đức Kitô, và được hưởng mối phúc mà Chúa Giêsu đã hứa cho những “Ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28).

II. ĐỨC TIN : ĐIỂM TỰA VÀ SỨC MẠNH CỦA LỜI KHẤN VÂNG PHỤC

Đời sống dâng hiến của chúng ta đã khởi đầu trong đức tin, thì đức tin cũng là kim chỉ nam cho tất cả mọi hành vi của chúng ta, và làm cho hành vi đó trở nên của lễ phượng thờ Thiên Chúa. Do đó, để có thể trung thành với các lời khấn, cách riêng với đức vâng phục, thiết nghĩ chúng ta cần xin Chúa tăng thêm đức tin cho chúng ta. Đồng thời chính chúng ta cần hun đúc đức tin cá nhân của mình, để đức tin thấm nhập vào suy nghĩ, cách đánh giá và mọi việc làm của chúng ta. Nói cách khác, trong đức tin chúng ta sẽ thấy được Chúa trong mọi sự và qua mọi người, nhất là nơi những trung gian Chúa quan phòng trao phó việc chuyển giao ý Chúa cho cuộc đời chúng ta, trong ơn gọi Thánh Hiến.

Hiến luật dòng 13.1 nhắc nhở chúng ta “… Với đức tin mạnh mẽ, chị em nhận ra Ý muốn của Chúa qua các lệnh truyền của các bề trên, sống vâng phục với lòng yêu mến và tự do nội tâm đích thực; dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn và khả năng để chu toàn một cách hiệu quả nhất mọi phận vụ đã được ủy thác, vì biết rằng mình đang góp công xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô theo ý định của Thiên Chúa”.

Chỉ trong đức tin, chúng ta mới có đủ sức mạnh để thuyết phục lý trí đầy chất tự phụ, tự mãn, tự kiêu của chúng ta biết giới hạn của mình, biết đặt Ý Chúa lên trên ý mình, và nhận ra sấm ngôn của Chúa qua lời Tiên tri Isaia:“Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,9). Trong tương quan với Thiên Chúa, mỗi ngày chúng ta hồi tâm để nhớ lại chí hướng thuở ban đầu, khi chúng ta xác định chọn Chúa và Ý Chúa trong đời sống dâng hiến, và cụ thể trong linh đạo của hội dòng Mân Côi, để cùng Mẹ Maria chúng ta tìm Chúa và Thánh ý Chúa hằng ngày. Từ khi chúng ta khấn hứa với Chúa, cũng giống như Mẹ Maria đã thưa tiếng “Xin vâng”, Mẹ sẵn sàng xếp lại hoạch định riêng của mình để đặt trọn vẹn tự do, ý chí và trí hiểu của Mẹ để Chúa sắp xếp và điều khiển theo chương trình của Chúa, chúng ta cũng sẵn sàng từ bỏ ý riêng để sẵn sàng vâng phục ý Chúa qua các trung gian. Darian Van Kaam nhận định: “Nền tảng của một dự định hiện hữu đích thực là quyết định không lay chuyển đối với một vài thể thức hiện hữu và loại bỏ mọi thể thức khác” (Lm. Adrian Van Kaam. Nhân Cách Tôn Giáo, Lm. Ngô Văn Vững, Sj dịch, trang 42). Như thế, khi chúng ta dồn hết trí lực, hết tâm tình và tình yêu vào ơn gọi chính yếu mình đã chọn, để dấn thân cách chân thành và trọn vẹn vào sứ mạng mình được giao phó, thì tất cả những đòi hỏi từ bỏ hy sinh của lời khấn vâng phục sẽ trở nên  hợp lý, tự nhiên và nhẹ nhàng.

TÂM NGUYỆN

Lạy Chúa, khi đoan nguyện bước theo sát gót Chúa Giêsu, là chúng con tin tưởng để liều mình “bước xuống mặt nước mà đi đến với Chúa” Mt. 14, 22-33. Trên hành trình bước theo Chúa, chúng con biết chúng con phải lội ngược dòng, chúng con biết phải bước trên sóng gió của đại đa số con người mang quan điểm của thời đại hôm nay, một thời đại tục hóa tất cả và đề cao quá đáng quyền cá nhân. Đi trên sóng gió của thời đại này, là chúng con chấp nhận đương đầu với những ồn ào ngay trong tâm trí chúng con về một sự thiệt thòi mất mát mơ hồ của cái tôi ảo, cái tôi kiêu căng, đề cao chủ nghĩa cá nhân xem kỷ luật như là sự ràng buộc làm mất tự do. Nhiều khi chúng con bị hấp dẫn bởi khẩu hiệu “dám nghĩ, dám làm” để ngụy biện rằng: thế giới hôm nay luôn chuyển động không ngừng, một thế giới của sáng tạo và tự do; không chấp nhận sự rập khuôn, gò bó, chật hẹp. Từ đó chúng con tiếc nuối, sợ bị thiệt thòi vì phải chết đi một chút tự ái kiêu hãnh của mình, sợ mất cái riêng, sợ mất tính độc đáo của mình…

Lạy Chúa, đã nhiều lần chúng con chao đảo, mất thăng bằng trong đời sống dâng hiến. Hôm nay, một lần nữa con tin tưởng vào quyền năng của Chúa đưa tay đón vớt chúng con, đưa chúng con can đảm vượt trên những sóng gió của thời đại hôm nay, để một lần nữa hứa quyết trung thành với lời chúng con đã khấn hứa.

Chúng con biết vâng phục là một lời khấn đụng chạm đến cái tôi của con nhiều nhất. Nhưng con vẫn được thúc đẩy chọn theo Chúa Giêsu vâng phục, để Chúa sử dụng đời con vào mục đích cứu độ của Chúa. Nên hôm nay, chúng con một lần nữa xác quyết lời khấn vâng phục đã biến mỗi người chúng con thành của lễ toàn thiêu, trong đó toàn thể ý muốn, ước mơ, kế hoạch, dự định, tính toán, phán đoán của riêng con bị thiêu hủy và được quy hiến hết. Khấn vâng phục, chúng con tin chính Chúa đến với con qua các trung gian, ngay cả những trung gian bất toàn, còn nhiều giới hạn. Ngày tháng qua con đã nhiều lần chưa sống được với tinh thần vâng phục của người môn đệ Chúa, biết bao lần, con vẫn ngấm ngầm tưởng nghĩ hoặc hành xử cách khẳng định rằng đường lối của con là chân lý, nên con chối từ vâng phục Ý Chúa, qua các trung gian. Con nhìn mọi việc, mọi biến cố và nhất là mọi người theo nhãn quan nhân loại, chẳng còn tinh thần siêu nhiên như thuở ban đầu. Đức tin của con còn yếu kém, nên nhiều khi con chưa thấy ý Chúa trong bề trên của con. Lạy Chúa xin tha thứ và xót thương con. Cho con được một lần nữa bắt đầu lại.

Đinh Nụ, fmsr

Nguyện gẫm chuẩn bị nhắc lại lời khấn năm 2020

About dongmancoichihoavn

Check Also

Vị trí của Đức Maria trong linh đạo Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi

Đức ái trọn hảo trong linh đạo Mân Côi phải là tình yêu vượt xa sự tính toán hơn thiệt...nó đến từ Thiên Chúa, là hoạt động của Chúa Thánh Thần...

Để lại một bình luận