Thiên Chúa kêu gọi những ai người muốn

TÂM THƯ THÁNG 07-2020

THIÊN CHÚA KÊU GỌI NHỮNG AI NGƯỜI MUỐN

(Mc 3, 13)

 Kính thưa toàn thể chị em Mân Côi rất thân mến,

Thiên Chúa là Cội Nguồn của mọi ơn gọi, Người có sáng kiến và cũng có nhiều cách thế khác nhau để chọn gọi những ai Người muốn. Nhưng trong hoàn cảnh xã hội tục hóa và hưởng thụ như hiện nay, việc nhận ra tiếng gọi của Chúa vào đời thánh hiến thật là khó khăn. Rất nhiều khi tiếng gọi được vang lên nhưng không có sự đáp lời, bởi vì những cuốn hút mạnh mẽ của trần thế làm át đi tiếng gọi của Chúa. Có khi người ta không nghe được tiếng gọi vì không có ai mách bảo cho biết đó là tiếng Chúa. Cũng có khi tiếng gọi được lắng nghe, được nhận biết nhưng bị người khác chống đối hoặc có khi ơn gọi bị mất đi vì không có người giúp đỡ cho ơn gọi được củng cố và triển nở. Trong những trường hợp này, người tu sĩ được mời gọi làm trung gian để tiếng gọi của Chúa có thể đến với các bạn trẻ, giúp họ nhận ra và đáp trả lại tiếng gọi này. Trong nhiều hoàn cảnh, Thiên Chúa thường cần đến một ai đó làm vang lên tiếng gọi của Chúa qua việc hướng dẫn, nâng đỡ và đồng hành với người được kêu gọi.

Văn kiện đúc kết Hội nghị về Ơn gọi tại Roma từ ngày 05 đến 10-05-1997, số 13 đã đưa ra một định nghĩa về ơn gọi như sau: “Ơn gọi là ý tưởng quan phòng của Thiên Chúa đối với mỗi thụ tạo; là ý định và dự án của Ngài, tựa như một giấc mơ trong trái tim của Chúa, bởi vì Ngài tha thiết yêu mến thụ tạo. Chúa Cha yêu thương mỗi người và kêu gọi họ một cách đặc thù”.

Giữa nhiều ơn gọi khác nhau thì đời thánh hiến là một ơn gọi đặc biệt, vì chính người được gọi tự nguyện đáp lại tiếng gọi “hãy theo Ta” bằng cả một hành trình cuộc sống để “nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, Người bạn tình tuyệt vời của các tu sĩ. Trong sứ điệp nhân ngày thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 46, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết: “Đời sống thánh hiến là một ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa, nằm trong kế hoạch tình yêu và cứu độ bao la của Thiên Chúa đối với mỗi người và toàn thể nhân loại”.

Ơn gọi thánh hiến là một hồng ân đặc biệt Thiên Chúa dành cho một số người. Trong suốt dòng lịch sử nhân loại, Thiên Chúa vẫn tiếp tục “kêu gọi những ai Người muốn”để sẵn sàng theo Chúa, góp phần vào sứ mạng cứu độ của Giáo Hội và đem lại thiện ích cho toàn thể Dân Chúa. Vì thế việc cổ võ ơn gọi tu trì luôn là việc cần thiết và là bổn phận chung của mọi thành phần trong Giáo Hội. Bổn phận này được Giáo luật số 574.1 nói như sau: “Bậc sống của những người tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm trong các Tu hội thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội. Do đó, phải được mọi người trong Giáo Hội khích lệ và cổ võ”. Mới đây, trong Sứ điệp nhân ngày Quốc tế Ơn gọi năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi: “Cha đề nghị Giáo Hội tiếp tục cổ võ các ơn gọi”.

Đặc biệt đối với các cộng đoàn thánh hiến, công việc này càng đòi hỏi hơn và phải trở thành một trong các hoạt động ưu tiên của các tu sĩ, vì họ là những người đã đón nhận ơn gọi thánh hiến, thì đến lượt mình, cũng phải giới thiệu cho người khác biết về ơn gọi này. Có lẽ việc giảm sút ơn gọi ngày nay không phải là thiếu những người được Chúa kêu gọi vào bậc sống này, nhưng là thiếu những người đi nói cho người trẻ nhận ra ơn gọi của họ và dẫn dắt họ đáp trả ơn gọi cách tích cực.

Hiến luật Dòng số 48.1 dạy chị em Mân Côi phải tích cực và khôn ngoan trong việc cổ võ ơn gọi bằng những phương thế phù hợp với hoàn cảnh xã hội: “Tất cả mọi chị em, đặc biệt là những chị làm việc tông đồ với các thanh thiếu nữ, phải tích cực và khôn ngoan cổ động ơn gọi cho Dòng. Các Tỉnh Dòng cần có những phương thế thích hợp cổ võ ơn thiên triệu, để giới thiệu ơn gọi Mân Côi cho các em thiếu nữ có ý hướng muốn dâng mình cho Chúa”.

Trong khi thi hành sứ vụ khơi dậy và nuôi dưỡng ơn gọi, thì thái độ thuyết phục nhất có thể làm chứng cho vẻ đẹp của ơn gọi thánh hiến là thái độ phục vụ trong vui tươi, luôn yêu mến và trung tín với ơn gọi, đồng thời nếp sống phải phù hợp với bậc sống của mình. Ngoài ra, một chứng từ tập thể về đức bác ái cộng đoàn là những điều kiện thuận lợi cho việc nảy sinh ơn gọi nơi những người chị em tiếp xúc. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã nói về điều này như sau: “Các cộng đoàn tu sĩ sẽ không thể thu hút giới trẻ nếu không có chứng từ tập thể về đời thánh hiến đích thực, nếu họ không diễn tả niềm vui được dâng hiến cho Chúa và cho anh chị em”[1]. Hiến luật Dòng số 48.2 cũng nhấn mạnh về đời sống gương sáng và chứng tá cộng đoàn: “Chị em ý thức rằng phương thế hữu hiệu nhất cho việc cổ võ ơn gọi Mân Côi chính là đời sống đầy gương sáng và sự tích cực dấn thân trong sứ vụ của chị em và mỗi cộng đoàn”. Hơn nữa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn nhấn mạnh đến phẩm chất tâm linh của người tu sĩ trong Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến số 93 như sau: “Chính phẩm chất thiêng liêng của đời thánh hiến mới lay chuyển được những con người thời đại hôm nay – họ cũng đang khao khát những giá trị tuyệt đối – và trở thành một lời chứng hấp dẫn”.

Kinh nghiệm cụ thể nơi môi trường mục vụ giáo xứ của chị em cho thấy gương sáng của các tu sĩ có tính quyết định cho người trẻ đến tìm hiểu và khám phá tiếng Chúa cho cuộc đời mình. Hơn nữa, các em rất cần đến những người đồng hành, cùng các em tìm kiếm, phân định ý Chúa và giúp các em ý thức về sự tự do và trách nhiệm khi quyết định ơn gọi cho cuộc đời mình. Hội Dòng chúng ta đã lưu ý đến công việc này, nhưng chưa có sự liên kết và thống nhất. Chúng ta đã quan tâm thực hiện, nhưng còn riêng lẻ và chưa dành ưu tiên về nhân sự cũng như thời gian. Trong mỗi cộng đoàn, chúng ta cần đặt người phụ trách việc mục vụ ơn gọi và các chị em trong cộng đoàn cộng tác với nhau khi cần phải tổ chức những sinh hoạt cần thiết cho các em.

Việc quy tụ các em trong các lớp ơn gọi cũng là một việc cần thực hiện, qua đó chị em gặp gỡ, hướng dẫn và gợi lên những ý hướng tốt lành, giúp các em nâng cao sự hiểu biết về ơn gọi thánh hiến, về đạo đức, tâm linh, nhân bản và những gì phù hợp với lứa tuổi của các em. Việc cổ võ ơn gọi tại các cộng đoàn cũng cần sự hỗ trợ và đồng hành của Ban Mục vụ ơn gọi của Tỉnh Dòng, nhằm chia sẻ cho nhau về kế hoạch, chương trình và những phương tiện cần thiết cho công việc này. Nếu chúng ta nối kết và hỗ trợ nhau cách đồng bộ, chắc chắn công việc này sẽ mang lại kết quả tốt hơn.

Ngoài ra, việc mục vụ ơn gọi còn bao gồm việc chăm sóc thật tốt các ơn gọi đang ở với chúng ta. Các em Đệ tử, thỉnh sinh, tập sinh và khấn trẻ cũng cần đến lời cầu nguyện, sự nâng đỡ, khích lệ và những mẫu gương thánh thiện của mọi chị em, nhờ đó, các em được phát triển quân bình về mọi lãnh vực cuộc sống và trở nên những nữ tu mà Chúa và Giáo Hội cũng như Hội Dòng mong ước.

Kính thưa toàn thể chị em quý mến,

Việc cổ võ ơn gọi là trách nhiệm chung của mọi chị em trong Hội Dòng. Với lời cầu nguyện, hy sinh và đời sống gương sáng, chúng ta làm cho tiếng Chúa được vang lên và được đáp trả trong các tâm hồn mà chúng ta có dịp gặp gỡ trong cuộc sống cũng như trong sứ vụ. Sắc lệnh Đức Ái Trọn Hảo số 24 dạy rằng: “Các tu sĩ hãy nhớ rằng: gương sáng của đời sống mới là lời giới thiệu hùng hồn nhất cho hội dòng mình và là lời mời gọi tốt nhất để gia nhập đời tu”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng cho chúng ta một kinh nghiệm: “Kinh nghiệm minh chứng rằng rất thường xuyên gương mẫu của một tu sĩ nam hay nữ tác động mang tính quyết định trên sự định hướng của người trẻ: họ đã có thể khám phá ra một lý tưởng sống cụ thể, qua sự trung thành, hài hòa và niềm vui của các tu sĩ”[2].

Trong khi làm việc mục vụ tại các giáo xứ, chúng ta ý thức trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc và hướng dẫn các em trẻ có ý hướng theo đuổi ơn gọi linh mục và tu sĩ, để Giáo Hội có thêm nhiều thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo. Đây là công việc cần được quan tâm nhiều và đầu tư cách thích đáng hơn trong hoàn cảnh hôm nay, khi mà cuộc sống hưởng thụ, dễ dãi và chủ nghĩa cá nhân khiến người trẻ không dễ dàng từ bỏ những gì đang có. Lời Chúa vẫn vang vọng trong thế giới hôm nay: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa về” (Mt 9, 37-38). Xin Chúa ban cho chúng ta nhiệt tâm tông đồ để sẵn sàng làm điều Chúa muốn và xin cho các bạn trẻ mau mắn đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, để vườn nho thế giới có thêm nhiều người thợ lành nghề và có nhiệt tâm.

Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi

Rose Vũ Loan, FMSR

[1]ĐTC GIOAN PHAOLO II, Bài giáo huấn ngày 19-10-1994.

[2]Như trên

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Vị trí của Đức Maria trong linh đạo Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi

Đức ái trọn hảo trong linh đạo Mân Côi phải là tình yêu vượt xa sự tính toán hơn thiệt...nó đến từ Thiên Chúa, là hoạt động của Chúa Thánh Thần...

Để lại một bình luận