SỐNG THÁNH
THEO GƯƠNG ÐỨC KITÔ
Người môn đệ Chúa theo gương Ngài trong nhiều phương diện. Nhưng tất cả các phương diện này chỉ là những hình thức bày tỏ một yếu tố cơ bản là sự thánh thiện. Sự thánh thiện này có ở nơi Thiên Chúa, nơi Ðức Kitô. Ðức Kitô không những có nó, mà đã thực sự sống nó. Thế nên theo gương Chúa tiên vàn phải là bắt chước sự thánh thiện của Chúa, phải tập sống thánh.
Trong Giáo Hội, đã có hàng hàng lớp lớp môn đệ đi theo con đường này, trong đó rất nhiều vị được Giáo Hội tôn phong hiển thánh. Người môn đệ hôm nay là chúng ta cũng phải đi theo con đường ấy.
Công đồng Vaticanô II dạy rằng chủ yếu của sự thánh thiện là ở chỗ kết hợp với Ðức Kitô (GH 39; 50). Ðề tài chuyên biệt này được khai triển trong một bài riêng. Còn trong bài này, chúng ta cố gắng suy niệm về sự thánh thiện của Ðức Kitô, về những yếu tố làm nên sự thánh thiện này, và xem sự thánh thiện này chi phối, và phải chi phối, đời sống của chúng ta như thế nào.
- “Thày là Ðấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69)
* Các Phúc Âm Nhất Lãm đều tường thuật câu truyện Phêrô tuyên tín ở Cêsarêa Philipphê. Phúc Âm thứ tư thì không. Bù lại, chúng ta bắt gặp trong Phúc Âm này một trình thuật tương tự. Ấy là, sau diễn từ về Bánh ban sự sống ở hội đường Capharnaum, trước phản ứng khó chịu của nhiều môn đệ, Ðức Giêsu hỏi Nhóm 12 xem họ có muốn bỏ đi không. Nghe vậy, Phêrô đáp: “Thưa Thày, bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai. Thày mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thày là Ðấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).
Ở Cêsarêa, tước hiệu được tuyên tín là “Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), hoặc “Ðấng Kitô” (Mc 8,29), hoặc “Ðấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,20). Ở đây, tước hiệu là “Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Ở Cêsarêa, Phêrô đã tuyên tín thay mặt các anh em. Ở đây, Phêrô cũng làm như vậy, thay mặt các anh em mà tuyên tín. Ở Cêsarêa, Ðức Giêsu cho biết Phêrô nói được như thế là do mạc khải từ trên. Ở đây, Ngài cũng bảo: “Không ai đến với Thày được (hàm ý tin Ngài là Ðấng Kitô hay Ðấng Thánh của Thiên Chúa), nếu Chúa Cha đã không ban ơn ấy cho” (Ga 6,65).
Cũng ở hội đường Capharnaum, tước hiệu “Ðấng Thánh” có lúc đã được nói lên, nhưng người nói thì khác, cách nói cũng khác. Người nói không phải là các Tông đồ, mà là quỷ, qua miệng một người bị quỷ ám. Quỷ đã tru trếu khi trông thấy Ðức Giêsu: “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa” (Lc 4,34). Cách nói không phải để xác tín, luỵ phục, vững tâm theo Chúa như các Tông đồ, nhưng là để đối kháng trong run sợ. Ðối kháng là phải, vì Thần Khí nơi Ðức Giêsu và thần ô uế là hai thái cực, không thể đi với nhau, không thể giáp mặt nhau, như hai cực dương chạm nhau thì phải đẩy nhau. Run sợ là phải, vì quỷ biết rằng Ðức Giêsu đến thiết lập vương quốc của Ngài, thì cũng là lúc quyền lực của chúng đi đời nhà ma!
Trong tất cả Tân ước, tước hiệu Ðấng Thánh áp dụng cho Ðức Giêsu còn được nhắc đến nhiều lần. Chẳng hạn, đầu Tân ước, thần sứ Thiên Chúa cho Ðức Maria biết người con sắp sinh ra sẽ được gọi là thánh (Lc 1,35), cuối Tân ước, sách Khải huyền gọi Ðức Giêsu là “Ðấng Thánh” (Kh 3,7).
* Thế Ðức Giêsu thánh ở chỗ nào? Ðâu là những yếu tố làm nên sự thánh thiện của Ngài? Có hai yếu tố: một tiêu cực, một tích cực. Tiêu cực là không có tội, không hề có tội, không thể có tội. Tích cực là liên tục và tuyệt đối kết hợp với Chúa Cha, với ý muốn của Chúa Cha.
Khía cạnh tiêu cực được Tân ước làm sáng tỏ cách đặc biệt. Ðức Giêsu có lần nói với các kẻ thù: “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội gì?” (Ga 8,46). Kẻ thù không thể bắt lỗi Ðức Giêsu, vì Ngài có tội lỗi nào đâu mà bắt? Quả thực, về điểm này, các Tông đồ đều nhất trí quả quyết: Ngài là Ðấng chẳng hề biết tội là gì (2Cr 5,21), không hề phạm tội, và chẳng ai thấy miệng Ngài nói lời nào gian dối (Pr 2,22), Ðấng đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi (Dt 4,15), một vị Thượng tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân (Dt 7,26), là Ðấng thanh sạch, nơi Ngài không có tội lỗi (1Ga 3,3.5).
Nhưng làm sao Tân ước có thể quả quyết Ðức Giêsu không có tội? Ngài là người như mọi người, lại không mắc bất cứ tội nào sao? Ðương nhiên là phải có bằng chứng. Thì có bằng chứng hẳn hoi. Bằng chứng ở chính sự kiện Nhập thể và Phục sinh của Ðức Giêsu.
Trong sự kiện Nhập thể, bản tính con người nơi Ðức Giêsu kết hợp với bản tính Thiên Chúa trong một ngôi vị duy nhất là Ngôi Lời. Nói theo từ chuyên môn, thì đó là ngôi hiệp (union hypostatique). Ðức Giêsu không có tội chính vì linh hồn Ngài kết hợp theo bản thể với nguồn mạch của sự thánh thiện là Ngôi Lời Thiên Chúa. Các Giáo phụ ngày xưa luôn nhấn mạnh lý do này. Theo các ngài, nói Ðức Giêsu phạm tội là nói Thiên Chúa phạm tội. Nghe sao được?
Còn trong sự kiện Phục sinh, các Tông đồ coi đây là một mấu cứ chắc chắn cho thấy Ðức Giêsu vô tội. Nhờ sự Phục sinh, Ngài được Thần Khí chứng thực là công chính (1Tm 3,16), vô tội, đã chiến thắng thế gian và tội lỗi. Theo Gioan, việc Ngài trở về với Chúa Cha khiến ta không thể phủ nhận sự công chính và vô tội của Ngài (Ga 16,10).
Như vậy, cả sự kiện khởi đầu lẫn sự kiện kết thúc cuộc đời trần gian của Ðức Giêsu đều minh chứng Ngài vô tội. Sự kiện Phục sinh cho phép ta quả quyết rằng nơi Ðức Giêsu không có tội lỗi. Sự kiện Nhập thể và Ngôi hiệp cho phép ta quả quyết một cái gì còn hơn thế nữa: nơi Ðức Giêsu, không thể có tội lỗi.
Chúng ta vừa đề cập những khía cạnh tiêu cực của sự thánh thiện nơi Ðức Giêsu. Tuy nhiên, có thể nói chúng ta chỉ dựa trên sự suy nghĩ của con người. Thực ra, không chỉ có vậy. Sự thánh thiện của Ðức Giêsu đã được Ngài sống một cách cụ thể, qua những việc làm tích cực nữa.
Sống thánh là chu toàn ý muốn của Thiên Chúa. Thì có lần Ðức Giêsu đã khẳng định: “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8,29). “Hằng” là một điều cơ bản, nói lên sự khác biệt giữa thái độ của Ðức Giêsu và của ta. Ðối với ta, làm theo ý Thiên Chúa chỉ là những lúc hiếm hoi, lúc mát mình, lúc được thúc giục nhiều chẳng hạn. Bởi con người yếu đuối, cộng với những cám dỗ xấu xa liên tục, thường đưa ta tới chỗ làm trái ý Chúa. Còn đối với Ðức Giêsu, đó là nguyên lý tuyệt đối luôn hướng dẫn hành động, trong bất cứ lúc nào, bất cứ tình huống cụ thể nào. Thậm chí lúc khó khăn tột cùng như ở vườn Cây Dầu, lúc con người xác thịt muốn cho Chúa Cha cất chén đắng, Ðức Giêsu vẫn xin được làm theo ý Cha (Lc 22,42).
* Trong sự thánh thiện của Ðức Giêsu, có một vấn đề vừa liên hệ với Ngài, vừa liên hệ với ta. Liên hệ với ta chủ yếu ở chỗ để ta có thể bắt chước sự thánh thiện của Ngài. Vấn đề là thế này: Sự thánh thiện của Ðức Giêsu có tiến triển theo thời gian không, hay là trước sau như một?
Ở đây cần phân biệt: nơi Ðức Giêsu, có tới hai sự thánh thiện. Một sự thánh thiện khách quan, có thể gọi là thiên phú, thuộc bình diện hữu thể học, gắn liền với mầu nhiệm Ngôi hiệp và với vai trò cứu thế của Ngài. Sự thánh thiện này thì không thay đổi. Lại có một sự thánh thiện chủ quan, mà Ngài thủ đắc qua thời gian, do hoàn toàn thi hành thánh ý Chúa Cha. Ðức Giêsu là Ðấng mà “Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (Ga 10,36), tức có sự thánh thiện khách quan, nhưng cũng là Ðấng “tự thánh hiến chính mình” (Ga 17,19), tự nguyện làm theo ý Chúa Cha, tức có sự thánh thiện chủ quan. Sự thánh thiện chủ quan này thì có tiến triển, như Ngài tiến triển về sự khôn ngoan và tuổi tác (Lc 2,52).
Nói vậy không có nghĩa là có một lúc nào đó sự đáp ứng của Ðức Giêsu đối với ý muốn của Chúa Cha là bất toàn đâu. Lúc nào sự đáp ứng ấy cũng hoàn hảo hết. Có điều, vì nhân tính và ơn gọi của Ðức Giêsu có phát triển, nên sự đáp ứng của Ngài hoàn hảo theo mức độ tương ứng với điều Chúa Cha muốn thực hiện, trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời Ngài
Cho rằng sự thánh thiện của Ðức Giêsu trước sau như một, trước và sau lời “Xin Vâng” ở vườn Cây Dầu chẳng có gì khác nhau, là làm cho cuộc đời của Ngài mất ý nghĩa. Thậm chí Mầu nhiệm Vượt qua cũng mất ý nghĩa nốt. Ðức Giêsu không chỉ hài lòng với một sự thánh thiện đã được Chúa Cha ban cho, nhưng luôn sống trong tình huống của điều mà chúng ta gọi là “hướng về sự thánh thiện”, theo sự tiến triển của thời gian và nhân tính của Ngài. Cho nên Ngài mới nói: “Thày còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thày khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12,50). Khắc khoải, bồn chồn, lo lắng, vì phép rửa này, tức cuộc Khổ nạn, đòi hỏi rất nhiều để Ngài có thể đáp lại ý Chúa Cha.
* Trong kinh Vinh Danh, chúng ta hướng về Ðức Giêsu mà kêu lên: “Chỉ có Chúa là Ðấng Thánh”. Dĩ nhiên, đây là nói về Ðức Giêsu ở giữa lòng nhân loại. Chỉ mình Ðức Giêsu là con người hoàn toàn thánh thiện. Chỉ mình Ngài là Ðấng Thánh thật của Thiên Chúa. Sự thánh thiện của Ðức Giêsu là tột đỉnh, đồng thời cũng là nguồn mạch của mọi sự thánh thiện nơi con người.
Pascal đã đưa ra một nguyên lý nổi tiếng về ba lãnh vực: thân xác hay vật chất, tinh thần hay trí khôn, và sự thánh thiện. Giữa vật chất và trí khôn, có một khoảng cách vô biên về chất lượng. Các thiên tài có đầu óc lớn chẳng cần to xác, chẳng cần lắm tiền nhiều của. Tự bản chất, những yếu tố này không thêm gì cho họ cả. Ðấy là một chuyện. Nhưng giữa trí khôn và sự thánh thiện, khoảng cách còn vô biên hơn nhiều. Các thánh không những chẳng cần to xác, chẳng cần nhiều của, mà cũng không nhất thiết có đầu óc lớn. Bởi cái quan trọng đối với các ngài là Thiên Chúa. Chỉ có sự đánh giá của Thiên Chúa là đáng kể, chứ không phải con mắt người phàm. Ðấng Thánh là Ðức Giêsu cũng vậy.
Hơn thế nữa, sự thánh thiện của Ðức Giêsu còn là chóp đỉnh của sự thánh thiện. Ngài vượt lên trên mọi phàm nhân thánh thiện, vì Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa. Ý niệm “thánh” được gán cho Thiên Chúa, thì cũng được gán cho Ngài. Theo Kinh Thánh, “thánh” gợi lên ý tưởng tách rời. Thiên Chúa hay Ðức Giêsu là thánh, vì là Ðấng hoàn toàn khác so với con người. Là Ðấng Tuyệt Ðối, tách ra khỏi cái phàm tục và đứng riêng.
Tuy là tột đỉnh, đứng riêng, nhưng chính từ sự thánh thiện của Ðức Giêsu mà phát sinh sự thánh thiện nơi con người. Quả thực, không ai tự mình có sự thánh thiện, nhưng là nhận được nó từ Ðức Kitô hoặc qua trung gian của Ngài. Lịch sử linh đạo kitô giáo cho thấy nhiều hình thức thánh thiện và hoàn hảo khác nhau. Có vị thánh nổi bật nhân đức này. Có vị thánh nổi bật nhân đức kia. Nên thánh không chỉ có ba bẩy đường, nhưng là có vô số đường. Dầu vậy, tất cả những hình thức ấy đều được gán cách tổng quát cho Ðức Kitô, vì chúng phát xuất từ Ngài.
Ngày nhật thực, có những người dùng thau nước để nhìn mặt trời qua nước, vì sợ hỏng mắt. Có bao nhiêu thau nước là có ngần ấy mặt trời được phản chiếu, nhưng thật ra, chỉ có một mặt trời duy nhất hiện lên trong các thau nước đó. Tương tự như vậy, chỉ có một sự thánh thiện của Ðức Kitô toả chiếu nơi hằng hà sa số thánh nhân. Khác chăng là: cũng như một nguồn sáng đi qua quang phổ tạo ra bẩy mầu sắc, sự thánh thiện của Ðức Kitô, khi được phản chiếu nơi con người, cũng thể hiện thành muôn mầu muôn vẻ. Không vị nào giống vị nào. Nhưng tất cả đều từ một nguồn mạch duy nhất là sự thánh thiện của Ðức Giêsu.
- “Anh em hãy sống thánh thiện” (1Pr 1,15)
* Như đã nói trên, sự thánh thiện của con người phát xuất từ sự thánh thiện của Ðức Giêsu. Nói đúng hơn, chính Ðức Giêsu ban cho ta sự thánh thiện của Ngài. Có lần Chúa nói: “Nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8,36). Ta có được sự tự do là nhờ Chúa, nhờ công nghiệp cứu độ giải thoát của Chúa. Về sự thánh thiện cũng thế thôi. Chính Ðức Giêsu ban nó cho ta.Và cũng chỉ mình Ngài có thể ban nó cho ta.
Cha mẹ có thể chuyển đạt cho con mình cái họ “có”, nhưng không phải cái họ “là”. Họ có tài sản lớn, và muốn để lại cho con ư? Ðược lắm. Nhưng nếu họ là bác sĩ, là nghệ sĩ, thậm chí là thánh nhân, thì dù họ muốn đi nữa, con cái sinh ra vị tất đã là bác sĩ, nghệ sĩ, thánh nhân (Cha mẹ sinh con, trời sinh tính). Bất quá, cha mẹ chỉ có thể giúp cho con cái yêu thích và hướng tới những mẫu người đó, nhưng không thể sinh ra những đứa con là những mẫu người đó.
Ðiều con người không thể làm, thì Ðức Giêsu đã làm. Khi ta chịu phép Rửa Tội, Ðức Giêsu chuyển đạt cho ta cái Ngài có đã vậy, mà cả cái Ngài là nữa. Ngài là thánh và làm cho ta nên thánh. Ngài là Con Thiên Chúa và làm cho ta nên con cái Thiên Chúa.
Sự thánh thiện của Ðức GIêsu đã được ban cho ta. Có cho thì phải có nhận. Nhận là việc của ta. Chúng ta mặc lấy sự thánh thiện ấy như được “choàng đức chính trực công minh” (Is 61,10).
Có hai phương tiện đặc biệt cho phép ta nhận sự thánh thiện của Ðức Giêsu làm của ta. Hai phương tiện này là đức tin và các bí tích. Ðức tin là khả năng duy nhất giúp ta tiếp xúc với Ðức Kitô. “Ai tin vào Ðức Kitô, thì chạm vào Ngài” (Augustinô). Phaolô nói: nhờ tin mà Ðức Kitô ngự trong tâm hồn ta (Ep 3,17). Cũng vậy, nhờ tin mà sự thánh thiện của Ngài lưu lại nơi ta.
Ngoài đức tin ra, còn có các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Qua Thánh Thể, ta tiếp xúc với chính Ðấng Thánh của Thiên Chúa. Qua Thánh Thể, Ðức Giêsu tràn ngập tâm hồn ta, kết hợp mật thiết vơi ta, làm biến đổi ta trong Ngài.
* Chúng ta đã chiêm ngắm sự thánh thiện của Ðức Giêsu, đã nhận sự thánh thiện này làm của ta, đã được Ðức Giêsu tác thánh để làm thành một dân thánh (1Pr 2,9). Nhưng như thế đã đủ chưa? Chưa đâu. Muốn thực sự là thánh, còn phải có những nỗ lực về phía ta. Phải cố gắng bắt chước sự thánh thiện của Chúa. Cứ xem ngay nơi Ðức Giêsu: Ngài là Ðấng đã được tác thánh và được sai đến thế gian, nhưng đồng thời cũng làm cho mình nên thánh. Ðược tác thánh thì mới chỉ có sự thánh thiện trên bình diện hữu thể học. Làm cho mình nên thánh mới có sự thánh thiện trên bình diện luân lý. Chính sự thánh thiện luân lý này, thủ đắc qua thời gian, là mẫu gương cho ta bắt chước, và là lời mời gọi ta sống như vậy.
Do đó, ta hiểu vì sao, trong các thư Tân ước, có vô số lời mời gọi nên thánh. Khởi đầu phần khuyến thiện thư Rôma, Phaolô kêu gọi: “Thưa anh em. tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Phêrô trong lá thư thứ nhất cũng có lời khuyên: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Ðấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: hãy sống thánh thiện vì Ta là Ðấng Thánh” (1Pr 1,15-16).
Về lời mời gọi này, chúng ta hẳn không ai không biết bản văn quan trọng của Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội. Sau khi nhắc đến sự thánh thiện của Ðức Kitô, và của Giáo Hội được Ðức Kitô tác thánh, Công đồng viết: “Vì thế, tất cả mọi người trong Giáo Hội, hoặc thuộc hàng giáo phẩm, hoặc được hàng giáo phẩm dìu dắt, đều được kêu gọi nên thánh, như lời thánh Tông đồ dạy: vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hoá (1Tx 4,3)” (GH 39).
“Tất cả mọi người”, vậy nên thánh không phải là chuyện của riêng ai, không thể khoán trắng cho bất cứ người nào. Ấy thế mà có lắm người nghĩ rằng sống thánh là việc dành cho ai đó, cho những nhóm nào đó, những người ưu tuyển hoặc có điều kiện hơn chẳng hạn. Mình lèng èng một chút chắc chả sao. Cũng như trong một đoàn người mặc áo trắng, nếu có xen vào mấy tà áo mầu nước dưa, thì trông đại thể vẫn đẹp chán! Nghĩ thế thì còn chuyện gì nữa mà nói.
[ Nếu nên thánh là bổn phận của mọi người, nó càng là bổn phận của các tu sĩ. Công đồng nói: “Ðặc biệt hơn, sự thánh thiện đó tỏ lộ trong việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm. Nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nhiều kitô hữu thực hành các lời khuyên ấy với tư cách cá nhân hoặc trong những lối sống hay bậc sống đã được Giáo Hội công nhận; việc thực hành đó mang lại và phải mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của Giáo Hội” (GH 39). Ta còn thấy Công đồng có thâm ý khi đặt chương VI bàn về tu sĩ ngay liền sau chương V về việc kêu gọi mọi người nên thánh.Chính là để bày tỏ giá trị và tầm quan trọng của đời sống tận hiến để thánh hoá và làm chứng.Công đồng cũng nói: “Với ơn Chúa, họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận” (GH 40). Như vậy, sự thánh thiện của tu sĩ không phải là một sự thánh thiện mới, thêm vào sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận nhờ đức tin và các bí tích, nhưng là duy trì, bày tỏ và phát huy trong đời sống sự thánh thiện của chính Ðức Kitô (ibid) ].
Ðây là một trong những lời kêu gọi khẩn thiết và cấp bách nhất của Công đồng. Không ý thức vấn đề sống thánh, thì không thể thực hiện được điều gì khác. Và có thực hiện cũng vô ích. Tuy vậy, chính lời kêu gọi này lại có nguy cơ bị quên lãng. Vì sao? Vì không một quyền lực nào có thể buộc người ta nên thánh. Không một lợi ích nào của một nhóm nào trong Giáo Hội có thể ép người ta nên thánh. Chỉ Thiên Chúa và lương tâm của mỗi người đòi hỏi sự thánh thiện mà thôi. Ðáng buồn là trong một thế giới ngày càng tục hoá, tiếng nói của Thiên Chúa và của lương tâm lại ngày càng trở nên lạc lõng, khó đánh động lòng người.
Ðôi lúc người ta có cảm tưởng rằng, sau Công đồng, trong một số môi trường và một số dòng tu, người ta cố làm ra những vị thánh hơn là làm cho chính mình trở nên thánh. Tức là: cậy cục sao cho các vị sáng lập hay anh chị em trong dòng được phong thánh, hơn là bắt chước gương mẫu và các nhân đức của những vị này.
Phong thánh hay không, đó là chuyện của Giáo Hội. Nhưng đây chưa phải là chuyện ưu tiên. Chuyện ưu tiên nhất, đáng quan tâm nhất, là mỗi người biết nghe lời Chúa và Giáo Hội kêu gọi mà cố gắng sống thánh, ngay cả trong thời đại hôm nay, thời mà bầu khí và những điều kiện sống dường như khó giúp cho chúng ta nên thánh.
Hãy đọc lại lịch sử Giáo Hội. Càng ở những thời kỳ khó khăn, khủng hoảng, càng có nhiều thánh và là những thánh lớn, vì Giáo Hội đã biết phát triển sự thánh thiện của mình. Không kể thời gian đầu Giáo Hội bị bách hại và do đó có nhiều thánh tử đạo, cứ nghĩ đến các thế kỷ IV-V mà coi. Lúc có nhiều bè rối chống lại Mầu nhiệm Ba Ngôi và Mầu nhiệm Chúa Kitô lại là lúc Giáo Hội sản sinh ra những vị thánh lớn.
Rồi ở thế kỷ XVI, lúc có cuộc Cải cách tôn giáo, Giáo hội lại có sự nẩy nở đẹp đẽ nhất về sự thánh thiện. Trong thế kỷ này, có đến hơn 70 vị được tôn phong, với những tên tuổi như Ignatiô Loyola, Phanxicô Xaviê, Têrêxa Giêsu, Gioan Thánh Giá.
Vào thế kỷ XIX, lúc phong trào tục hoá dâng cao phân cách đạo đời, chúng ta cũng có những vị thánh nổi tiếng như Gioan M. Vianey, Gioan Bosco, Têrêxa Hài Ðồng Giêsu.
Những bông hoa thánh thiện ấy muốn nói lên điều gì? Muốn nói lên một câu trả lời của Thiên Chúa. Ðó là: dù Giáo Hội có gặp khủng hoảng, dù thế giới có đổi thay, Thiên Chúa vẫn gợi lên những chứng tá về sự thánh thiện. Càng khủng hoảng, các chứng tá càng lớn.
Giáo Hội hôm nay đang gặp khủng hoảng nhiều mặt, cũng phải minh chứng câu trả lời của Chúa như trong quá khứ. Nhưng Giáo Hội chỉ làm được điều này, nếu các con cái của Giáo Hội, trong đó có chúng ta, thực sự đi vào con đường sống thánh. Ðây là nhiệm vụ của mỗi người chúng ta.
- Tìm về sự thánh thiện
* Nỗ lực của chúng ta hướng tới sự thánh thiện cũng tương tự với hành trình của dân Chúa trong sa mạc tìm về Ðất Hứa. Trong cuộc hành trình này, có những lúc lên đường xen kẽ với những lúc dừng chân. Thỉnh thoảng dân Chúa dừng lại, cắm lều, tạm nghỉ. Có thể vì nhọc mệt, mà đường còn xa xăm diệu vợi. Có thể vì nơi đó có nguồn nước và lương thực. Có thể vì đó là một ốc đảo dễ chịu. Nhưng rồi bất ngờ lệnh ban ra, buộc họ nhổ trại và tiếp tục hành trình (Xh 15,22; 17,5).
Trong đời sống Giáo Hội, cũng có những cuộc lên đường mới, những chặng hành trình mới, đánh dấu bằng những cột mốc, những thì mạnh của Năm Phụng vụ, chẳng hạn Mùa Vọng và Mùa Chay. Ðó là những ngày lên đường của toàn thể dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội. Thế còn đối với từng người thì nhổ trại và lên đường lúc nào? Ngoài lúc hoà nhập với toàn dân, còn có những lúc riêng của từng người hay từng nhóm. Những lúc ấy, ta cảm thấy có lời mời gọi đặc biệt của Chúa, chứ không phải một sự thúc đẩy nào từ “xác thịt hay máu huyết” của ta.
Trước hết là lúc dừng chân. Giữa vô khối công việc bận bịu, giữa nhịp điệu của cuộc sống thường ngày, ta dành một thời gian nghỉ ngơi, tạm gác mọi sự khác, để có thể nhìn vào đời sống của mình, từ bên ngoài hay từ trên cao. Ðó là điều thường làm trong một cuộc tĩnh tâm. Nhìn vào mình, đặt ra cho mình những vấn nạn cơ bản: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tôi đi đâu? Tôi muốn gì? Vấn nạn không nhằm đáp ứng mối bận tâm siêu hình nào đâu. Chúng nhằm một mục tiêu cụ thể là sống thánh.
Người ta kể rằng thánh Bênađô thỉnh thoảng vẫn ngưng công việc đang làm rồi tự hỏi: Này Bênađô, ngươi đã đến đây làm gì? Tại sao ngươi đi tu? Tại sao ngươi ở tu viện này? Chúng ta cũng phải tự hỏi một cách tương tự: Tại sao tôi ở chỗ tôi đang ở, làm công việc tôi đang làm? Phải chăng là để thi hành ý muốn của Chúa là Ðấng tác thánh tôi? Nói cho cùng, lời tự tra vấn trên cũng chỉ liên hệ tới một đời sống thánh. Mà tra vấn như thế là điều cơ bản, vì quả thực, chỉ có một nỗi bất hạnh đích danh là không sống thánh (Léon Bloy).
* Khi tự tra vấn và xét mình, thường ra ta chỉ thấy mình vào loại hâm hâm dở dở, nóng chẳng ra nóng, lạnh chẳng ra lạnh. Hài lòng về tình trạng này chăng? Ðâu được. Phải thức tỉnh và hoán cải. Ðó là việc làm kế tiếp.
Sách Khải huyền có những lời lẽ rất gợi ý về sự hoán cải loại này. Ở đầu sách, ta đọc được 7 là thư viết cho 7 giáo đoàn ở Tiểu Á. Các thư này đều có cùng một lược đồ. Người lên tiếng nói chính là Ðức Kitô Phục Sinh, Ðấng Thánh.
Trong thư gửi giáo đoàn Ephêsô, Ðấng ấy nói: “Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi. Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta, mà không mệt mỏi” Một lời khen ngợi và an ủi khiến cho người nghe cảm thấy ấm lòng. Nhưng rồi người nghe phải giật mình vì những lời kế tiếp, những lời cảnh giác, cho thấy người nói không hài lòng. Lời ấy thế này: “Ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu”, do đó “ngươi hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm từ thuở ban đầu” (Kh 2,1tt). Có nghĩa là: Hãy trở lại với lòng nhiệt thành ban đầu, hãy trở về với Ðức Kitô.
Trong lá thư thứ 7 gửi giáo đoàn Laođikêa, lời lẽ còn nghiêm khắc hơn: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi.”. Nóng, lạnh, sôi là nói về nước. Chuyện so sánh tình trạng tâm hồn với nước có nguyên uỷ của nó. Chả là ở gần Laođikêa có những dòng suối, nước không nóng mà cũng không lạnh. Thứ nước như vậy, uống không được mà dùng trị bệnh cũng không xong. Kiểu nói ám chỉ người tín hữu thiếu nhiệt thành, thiếu thiện chí, nên giữ đạo rất hời hợt.
Tiếp theo là một lời kêu gọi như với các giáo đoàn khác: “Hãy nhiệt thành và ăn năn hối cải”, và kết thúc bằng lời cảnh giác: “Ai có tai thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” (Kh 3,15tt). Ðiều Thần Khí nói, là các Hội Thánh hãy hối cải. Và Thần Khí nói cho cả Hội Thánh thế nào, thì cũng nói cho từng người trong Hội Thánh như vậy.
Vậy phải làm gì? Augustinô gợi ý: Hãy khởi sự bằng ước muốn, có lòng khao khát nên thánh. Ngài viết: “Tất cả đời sống của một người kitô hữu hệ tại ở một sự khao khát thánh. Nhờ khao khát, ta mở rộng con người ta, để sau đó ta có thể được no đầy khi đạt tới hưởng kiến. Nhờ sự chờ đợi, Thiên Chúa mở rộng sự khao khát của ta; nhờ sự khao khát, Ngài mở rộng tâm hồn ta; và khi ta mở rộng nó, Ngài làm cho nó có khả năng hơn. Vậy hỡi anh em, chúng ta hãy sống bằng sự khao khát, vì chúng ta phải được no thoả”. Ta không thể làm điều lớn, nếu không muốn làm điều lớn. Không thể nên thánh, nếu không muốn nên thánh. Ước muốn, khao khát tựa hồ như những ngọn gió thổi căng buồm, đẩy chiếc thuyền đời sống chúng ta tiến tới.
Tuy vậy, không một ai có lòng khao khát đó, nếu Chúa Thánh Thần không ban. Thế nên thánh Bonaventura đã kết thúc một tác phẩm của mình bằng những lời như sau: “Sự khôn ngoan nhiệm mầu và ẩn giấu này, không một ai biết được, trừ ra người nào nhận được nó. Và không một ai nhận được nó, trừ ra người nào khao khát nó. Và không một ai khao khát nó, trừ ra người nào được Chúa Thánh Thần sưởi ấm tận đáy lòng, Ðấng do Ðức Kitô gửi tới”.
Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần ban cho ta lòng khao khát này, khao khát sống thánh, và biến nó thành hiện thực trong đời sống của ta, tức là, dựa vào ơn Chúa, cố gắng sống thánh thực sự, đoạn tuyệt với tội lỗi, kết hợp với Chúa và làm theo ý Ngài.
*
Chúng ta hãy thưa lên với Ðấng Thánh những lời sau đây:
Lạy linh hồn Chúa Kitô, xin thánh hoá con
Lạy thân xác Chúa Kitô, xin cứu thoát con
Lạy Máu Thánh Chúa Kitô, xin làm cho con say mến
Xin cho nước từ cạnh sườn Chúa Kitô thanh tẩy con
Xin cho cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô
làm cho con mạnh sức
Xin giấu con trong các vết thương của Chúa
Xin đừng để con lìa xa Chúa bao giờ
Xin bảo vệ con chống lại kẻ thù hung ác
Xin gọi con vào giờ con lâm tử
Xin truyền cho con đến với Chúa
để cùng các thánh
con sẽ ca ngợi Chúa đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Ðó là ý của một trong những bài ca bằng tiếng la tinh rất quen thuộc trước đây (bài Anima Christi), thường được hát lúc Chầu Phép lành. Tôi mượn nó làm lời cầu nguyện để kết thúc bài suy niệm hôm nay. (*)
Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG
(micquang@pmail.vnn.vn)
——————–
(*) Lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Jésus-Christ le Saint de Dieu, Mame, 1993