TÂM THƯ THÁNG 04-2021
NĂM THÁNH TRI ÂN
NHỮNG DẤU THIÊNG TRONG LỊCH SỬ HỘI DÒNG
Kính thưa toàn thể chị em Mân Côi rất thân mến,
Trong Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Các Hội Dòng, khi kể lại lịch sử riêng của mình là dâng lời ca tụng Thiên Chúa và tạ ơn Ngài vì tất cả các ơn Ngài ban cho”. Vì vậy, Năm Thánh Tri Ân của Hội Dòng là dịp thuận lợi để chị em Mân Côi cùng nhau đọc lại và suy gẫm về hành trình 75 năm đã qua. Kể lại lịch sử Hội Dòng không chỉ là để bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn làm cho những giá trị đó trở nên hiện thực. Kể lại lịch sử Hội Dòng để rút ra bài học tín thác và hy vọng được đâm hoa kết trái trong hiện tại, để sống đậm đà tâm tình tri ân về những gì đã lãnh nhận và cũng là để khám phá khuôn mặt của Hội Dòng ngay trong những bài học lịch sử của mình. Đức Thánh Cha nhắn nhủ thêm: “Đây không phải là việc khảo cổ hoặc để nhớ nhung vô ích, mà đúng hơn, là nhìn lại hành trình của các thế hệ đã qua để đón nhận các gợi hứng, các ý hướng, các dự án, các giá trị đã thúc đẩy Đấng Tổ Phụ lập nên Hội Dòng. Đó cũng là một cách, để thông qua lịch sử, các thành viên ý thức việc làm thế nào cho đặc sủng được sống, để nhận ra những sáng kiến nào đã giúp Hội Dòng vượt qua được những khó khăn thuở ban đầu”[1]. Như vậy việc chúng ta ôn nhớ lịch sử Hội Dòng là điều cần thiết để làm cho căn tính của Dòng luôn được sống động trong mỗi thành viên và giúp củng cố ý thức thuộc về.
Trong hoàn cảnh hiện tại, việc đọc lại lịch sử Hội Dòng đang được thực hiện tại các cộng đoàn, trải dài trong suốt Năm Thánh Tri Ân này, khi hàng tháng chúng ta cùng nhau đọc lại một giai đoạn lịch sử để ôn nhớ, học hỏi và tạ ơn.
Khi nói đến lịch sử của Hội Dòng, chúng ta không thể không nói đến người khởi đầu cho hành trình lịch sử này. Nhờ sự năng động của Chúa Thánh Thần, Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn, với ước nguyện để các thiếu nữ có nơi sống đời tu theo luật Giáo Hội và cũng nhằm lợi ích của Giáo phận, đã xin Tòa Thánh lập một dòng nữ trong Giáo phận. Mặc dù có nhiều khó khăn về tình hình chính trị biến động trên thế giới cũng như tại Việt Nam và cả những khó khăn riêng của Giáo phận, nhưng Đức Cha đã vượt qua tất cả để lập nên Hội Dòng chúng ta vào ngày 08-09-1946.
Sự thành công trong việc lập một hội dòng mới giữa hoàn cảnh đầy khó khăn vào thời điểm ấy gợi lên trong chúng ta hình ảnh một con người dũng cảm, trí khôn tinh tế, nhẫn nhục, tín thác, dám nghĩ và dám làm….Dưới con mắt thế gian thì việc quyết định lập một hội dòng mới vào thời điểm ấy là một việc liều lĩnh và bất khả thi, nhưng đối với người đã cảm nghiệm được ân sủng của Thiên Chúa và hiểu được trách nhiệm của mình trước ơn soi động của Chúa Thánh Thần thì lại là một việc cấp thiết dù phải trả bằng bất cứ giá nào. Để thực hiện ý định của mình, Thiên Chúa cần đến một con người cụ thể, và có thể nói, nơi Đức Cha Tổ Phụ, Thiên Chúa cho hội đủ những điều kiện cần thiết để khai sinh Hội Dòng Mân Côi. Ngài đã ban đủ ân sủng và các đức tính phù hợp để ý định của Ngài không bị dập tắt bởi những bất ổn của xã hội hay do những trở ngại từ phía con người. Thậm chí, chúng lại trở thành những công cụ mài dũa cho sắc bén thêm ý định của Chúa.
Với khẩu hiệu Giám mục “hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn”, Đức Cha Tổ Phụ đã dành trọn tâm trí chăm lo cho sự lớn lên của Hội Dòng và đã viết những cuốn sách dành riêng cho việc huấn luyện chị em. Khởi hứng nguyên thủy của Đức Cha Tổ Phụ chính là ân huệ Chúa Thánh Thần, đã làm sinh động đời sống Hội Dòng ngay trong những ngày đầu, khi mà mọi chị em hăm hở lắng nghe và thực hành những giáo huấn của ngài để được nên thánh. Các bút tích ngài để lại phát xuất từ xác tín sâu xa và từ kinh nghiệm sống, quả là một công trình vượt bậc mà nhiều người tự đặt câu hỏi: làm sao với thời gian hai năm ngắn ngủi, các phương tiện vào lúc ấy lại rất thô sơ, thế mà Đức Cha đã thực hiện bao công việc vĩ đại, không chỉ riêng cho Hội Dòng mà còn cho Giáo Phận nữa?
Trước sự ra đi của Đấng Sáng Lập, cây Mân Côi tưởng chừng không thể tiếp tục đâm chồi, nhưng “Công việc Chúa làm…Ngài chẳng để dở dang” (Tv 137, 8). Mặc dù chị em còn non dại, chưa nắm bắt và hiểu hết được những gì phải làm để có thể đứng vững. Nhưng nhờ bàn tay “Chúa bao bọc cả sau lẫn trước” (Tv 138, 5), Hội Dòng đã vượt qua cơn bão táp lịch sử này. Sự kiện mất đi một người cha, một nhà đào tạo tuyệt vời trong lúc Hội Dòng còn đang chập chững bước vào đời, càng tỏ rõ thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa: Ngài muốn khép lại một cuộc đời để từ đó, làm vươn lên những mầm sống mới. Sau khi qua đời, hình ảnh Đức Cha Tổ Phụ thật sống động trong tâm hồn chị em với lời trăn trối: “Khi chết cha con làm việc nhiều hơn”. Lời dạy của Đức Cha Tổ Phụ từ những ngày đầu ấy, nay càng lúc càng vang vọng trong tâm hồn chị em. Càng đọc những bút tích Đức Cha để lại, chị em càng yêu mến và khâm phục Đấng Sinh Thành của mình; Càng nghiền gẫm những lời lẽ đơn sơ ấy, chị em càng khám phá ra chiều kích thâm sau và giá trị hiện sinh của những lời giáo huấn và hơn bao giờ hết, chị em xác tín rằng việc nghiên cứu về đời sống, tinh thần, gương sáng và lời dạy của Đấng Sáng Lập là chìa khóa để hiểu và yêu mến Hội Dòng của mình.
Ngày 03 – 03 – 1949, Tổng Công Hội khóa I được tổ chức tại Trung Linh để bầu ban Tổng Quản Trị cho nhiệm khóa 1949-1955. Bà Maria Catarina Nguyễn Thị Huệ được bầu làm Bề Trên tiên khởi của Dòng. Để gánh vác một Hội Dòng, không phải chỉ có tuổi thể lý nhưng còn đòi hỏi một sự tròn đầy nào đó trong lý tưởng đời tu và sự hiểu biết về Hội Dòng. Thời gian luôn cần thiết cho kinh nghiệm, cho nhận thức và cho việc luyện tập khả năng để đảm nhận một trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu sự kiện này chỉ được tính toán theo kiểu nhân loại, chúng ta sẽ thấy nguy cơ bế tắc, nhưng “Trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối của Ta cũng cao hơn đương lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi bấy nhiêu” (Is 55, 9). Thiên Chúa luôn có lý khi cho thấy sự thành công của Ngài ẩn trong những bất lực của con người. Vì thế, điều tuyệt vời là sau 3 năm thành lập, Hội Dòng đã có những con người ý thức về trách nhiệm và đủ kiên vững để đảm nhận vai trò lãnh đạo trong Hội Dòng. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự độc lập và phát triển nhanh chóng của Hội Dòng.
Sự yên ổn chưa được bao lâu thì đến ngày 15-07-1954, 90 chị khấn và 13 em Tập Sinh đáp lời mời gọi của Chúa: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho” (St 12, 1). Sau khi suy nghĩ, cầu nguyện và bàn hỏi, chị em đã lên đường vào Nam như một lời đáp trả tiếng gọi: “bỏ mọi sự mà theo Chúa” (Mc 10, 28). Ngày 18-07-1954 con tàu di cư cập bến Bạch Đằng-Sài Gòn bình an. Thiên Chúa đã dự liệu cho Hội Dòng một không gian mới là mảnh đất Chí Hòa.
Lịch sử của dân Do Thái xưa cũng là bài học của Hội Dòng trong biến cố này: Từ ơn gọi của Abraham cho đến cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập cùng với bao thách đố trên đường về đất hứa, để cuối cùng thiết lập giao ước với Thiên Chúa và trở thành dân riêng của Ngài. Lịch sử của Hội Dòng hay của từng người cũng được kết dệt bằng những chuyển biến, những đổi thay. Tuy sự kiện có khác nhau nhưng luôn có một điểm chung là tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong từng biến cố, qua từng chặng đường. Thánh ý Thiên Chúa vẫn luôn đa dạng, phong phú và kỳ diệu, và những dấu chỉ thời đại luôn biểu lộ thánh ý của Ngài. Vì thế, chị em không ngần ngại mở cửa nhìn ra những nhu cầu của thế giới. Từ đây, bước chân truyền giáo của người nữ tu Mân Côi bắt đầu tiến xa hơn và rộng hơn trên mọi nẻo đường mới để phục vụ Giáo Hội theo một cách thức phong phú hơn. Những bước chân ban đầu có vẻ nhỏ nhoi, nhưng dần dần, sự hiện diện của chị em đã lan rộng trong nhiều giáo phận. Phải chăng trong thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, từ những nhóm nhỏ ấy, Thiên Chúa đã khơi rộng tầm hoạt động của Hội Dòng và cho tới hôm nay trở thành nhân tố cho việc khai sinh Tỉnh Dòng Nữ Vương Hòa Bình ở hải ngoại. Cảm tạ Chúa đã “nắn con nên hình nên dạng!” (Tv 118, 73).
Với biến cố 1975, mọi sinh hoạt, tổ chức của Hội Dòng phải thích ứng với hoàn cảnh mới. Một mặt, chị em phải hòa nhập với xã hội, mặt khác luôn vững tin vào đường lối của Thiên Chúa và đón nhận hoàn cảnh mới như một lệnh truyền sai đi: “Các con hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Cuộc sống càng khó khăn, tinh thần tu của chị em càng vươn cao. Chị em thấm thía hơn con đường “từ bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mt 19, 27). Những năm tháng khó khăn của giai đoạn này không làm chị em bó tay chịu vậy mà luôn cố gắng tồn tại để bảo vệ đời tu cách tốt nhất. Trong lúc “bí cực thái lai”, chị em nghiệm ra được những giáo huấn của Thiên Chúa thật tuyệt vời: Ngài không bao giờ lấy đi tất cả, nhưng để huấn luyện, Ngài đặt bên chúng ta những thử thách và cả những cơ hội để vươn lên. Mặc dù có những khó khăn trong nếp sống và trong công việc lúc bấy giờ, nhưng lòng trông cậy vào “Thiên Chúa là Đấng luôn thành tín và yêu thương” (Tv 137, 2) đã giúp chị em không bị quật ngã hay bị tiêu diệt trước những hoàn cảnh nghiệt ngã.
Sự thay đổi sâu rộng trong xã hội lúc bấy giờ cho chị em một kinh nghiệm rõ nét hơn: khi không còn những điểm tựa bên ngoài thì đời tu trở nên thật hơn và sự dâng hiến được trọn vẹn hơn. Vì khi không có gì bảo đảm cho cuôc sống của mình, chúng ta mới thực sự thanh thoát theo tinh thần của Tin Mừng và đó là điều kiện để sống an vui phó thác trong ơn gọi. Giữa hoàn cảnh bên ngoài không có gì thuận lợi, chị em cố gắng sáng tạo và thích nghi trong những lãnh vực phục vụ khác nhau theo Đặc sủng Dòng.
Trong khi chị em thao thức tìm ra cách tổ chức phù hợp với một Hội Dòng đang trên đà phát triển, để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn thì Tổng Hội XVIII đã mở ra một chặng đường mới qua việc thành lập hai Tỉnh Dòng. Đây là một đáp ứng hữu hiệu và sáng tạo đối với nhu cầu hội nhập vào những môi trường văn hóa khác nhau, đồng thời cũng nói lên sự trưởng thành của một Hội Dòng và cho thấy Hội Dòng đã trở nên phổ quát hơn.
Rồi từ đó đến nay, với cơ cấu mới, hai Tỉnh Dòng đã phát triển và lớn mạnh theo hoàn cảnh cụ thể của mình. Các Tổng Công Hội kế tiếp nhau vẫn trung thành với truyền thống Hội Dòng và thích nghi với những điều được Chúa Thánh Thần dạy bảo.
Kính thưa toàn thể chị em qúy mến,
Khi thoáng nhìn lại chặng đường 75 năm, chúng ta nhận ra những dấu ấn thánh thiêng của Chúa đã khắc ghi một cách trìu mến trong suốt chiều dài lịch sử Hội Dòng. Chúng ta chỉ biết cảm mến tri ân và hết lòng ngưỡng mộ những việc Chúa đã thực hiện cho chúng ta. Vâng, “việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại, ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 125, 3). “Những việc Chúa làm” cho tới hôm nay và mãi về sau vẫn tiếp tục, vì thế tâm tình tri ân của chúng ta được nối dài từng ngày trong cuộc sống, bởi biết rằng lịch sử dù thăng hay trầm thì cũng luôn có bàn tay Chúa dẫn đưa, vì “Ngài làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Ngài định” (Rm 8, 28).
Khi nhìn lại lịch sử Hội Dòng, chúng ta còn nhận ra bóng hình từ mẫu của Mẹ Maria Mân Côi đã từng bước song hành và chở che đoàn con trên mọi nẻo đường. Chúng ta cũng ghi khắc và sống đậm đà tâm tình biết ơn đối với Đấng Sinh Thành và các bậc tiền bối, đã để lại bao tấm gương nhân đức và một gia sản phong phú giúp cho Hội Dòng tự tin tiến bước. Điểm lại quãng đường các ngài đã đi qua, chúng ta biết mình phải tiếp bước như thế nào trong tương lai để xứng đáng phận con cháu. Vẫn biết rằng mọi thành công đều bởi quyền năng của Chúa chứ không do tài cán của cá nhân con người, nhưng Chúa vẫn dùng con người, dù rất yếu đuối để tiếp tục công trình của Chúa.
Nhìn về quá khứ cũng là để thấy rõ hơn Vườn Hồng Mân Côi đã có được sức sống dồi dào như hiện tại là do công khó của mọi chị em trong những thời điểm khác nhau, đã hết mình vun xới cho Hội Dòng mỗi ngày thêm tươi đẹp và vững chắc. Với đà sống phức tạp của một xã hội tục hóa và đề cao hưởng thụ cá nhân như hôm nay, Hội Dòng rất cần những con người biết dấn thân, dám đẩy lui sự an nhàn cá nhân mà ưu tiên cho sứ vụ của Hội Dòng.
Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi
Rose Vũ Loan, FMSR
[1]ĐTC Phanxicô, Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số 1