Nhẫn nhục – vẻ đẹp đời thánh hiến Mân Côi

TÂM THƯ THÁNG 11-2021

VẺ ĐẸP ĐỜI THÁNH HIẾN MÂN CÔI

SỐNG NHẪN NHỤC THEO GƯƠNG ĐỨC CHA TỔ PHỤ

Kính thưa toàn thể chị em Mân Côi rất thân mến,

Với khẩu hiệu Giám mục: “Hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn” (2 Tm 4, 2), Đức Cha Tổ Phụ đã suốt một đời kiên nhẫn và tận tụy trong việc lãnh đạo giáo phận, trong giảng dạy và trong cách đối xử với mọi người. Theo nghĩa tích cực trong Kitô giáo, nhẫn nhục đồng nghĩa với kiên nhẫn, nhẫn nại, kiên trì, nỗ lực chịu đựng, đón nhận phần thiệt về mình với thái độ an tĩnh, hoà nhã và vui tươi, nhằm mang lại sự an vui, hạnh phúc cho người khác.

Qua các sử liệu, chúng ta có thể nhận ra sự nhẫn nhục là một nhân đức trổi vượt trong cuộc đời Đức Cha: Là con cả trong một gia đình nghèo có hai anh em, cha mất sớm nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn, mẹ đưa hai con về nương náu bên quê ngoại và sống vất vả qua ngày[1]. Vì mẹ là người đạo đức nên rất quan tâm đến đời sống đạo cho hai con. Tại giáo họ Thợ Đúc ở quê ngoại, cậu bé Ca được vào giúp việc cho cha già Thường và cha đã giúp đỡ việc ăn học cùng dẫn dắt để có thể theo đuổi ơn gọi.

Đặc biệt sau khi làm linh mục, trong các trách nhiệm mục tử, ai nấy đều quý mến nhân cách, đức độ và sự kiên trì trong mọi trách nhiệm ngài đảm nhận. Khi làm giám mục, ngài thể hiện nhiều đức tính rất đáng kính phục của người mục tử, đặc biệt là đức nhẫn nhục. Cha Bề trên Giuse Phạm Châu Diên khi viết về Đức Cha đã cho thấy ngài không những là một nhà giáo dục khôn ngoan, thông thái, có bản lĩnh, mà còn là một người nhân đức, rất nhẫn nhục và tận tâm trong mọi công việc lớn nhỏ[2].

Vào những ngày đầu khi nhận giáo phận Bùi Chu, Đức Cha gặp rất nhiều khó khăn: những bất trắc của việc phân chia địa phận, quỹ tài chánh cạn kiệt, vấn đề nhân sự phải giải quyết, nếp sống thiếu văn hóa và nghèo đói của giáo dân,… Trước những vấn đề nan giải ấy, Đức Cha đã giải quyết bằng thái độ bác ái, ôn hòa và nhẫn nhục. Đức Cha còn nêu gương cho hàng giáo sĩ Bùi Chu bằng việc cải cách các sinh hoạt tôn giáo, kiến thiết lại các nhà thờ, thiết lập đại chủng viện, xây dựng các học xá, đào tạo linh mục-chủng sinh, huấn luyện và gây ý thức lành mạnh cho giáo dân trong nhiều lãnh vực khác nhau. Đặc biệt, ngài đã thành lập Dòng Mân Côi trong khi các Giám mục Bắc Việt chưa đồng ý. Nói chung, trước mọi khó khăn của trách vụ mục tử, ngài là người luôn kiên nhẫn, không biết mệt mỏi, luôn tận tâm với công việc và với con người, hết lòng lo cho họ được phát triển cả về tri thức, đạo đức và nhân cách. Những ai quen biết Đức Cha đều nhận thấy rằng: “Ngài là một vị chủ chăn kiên trì, đã quyết sống đến tận cùng khẩu hiệu Giám mục của ngài là “hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn, hầu phụng thờ Thiên Chúa, phục vụ Giáo Hội, hướng dẫn giáo dân và làm vẻ vang dân tộc”[3].

Với 33 năm linh mục và 13 năm giám mục, lúc nào Đức Cha cũng làm việc hết mình với quyết tâm canh tân giáo phận về mọi phương diện. Cha Vũ Đình Trác, cựu Bề trên Dòng Mân Côi, trong cuốn Công giáo Việt nam, trong truyền thống văn hóa dân tộc (Orange, California 1996, tr 115) đã ghi nhận: “Đức Giám Mục Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn là một bậc thông minh tài trí, viết rất nhiều và rất mau về mọi lãnh vực. Khi làm giám mục Bùi Chu, ngài đã cao niên và bị bệnh suyễn, tuy vậy vẫn tiếp tục viết văn, để lập ngôn, lập đức cho linh mục, chủng sinh, nữ tu và giáo dân,… Từ khi làm linh mục, ngài đã thăng tiến cả một hàng ngũ tu trì, canh tân các chủng viện để đào tạo linh mục. Khi làm giám mục, với sự khôn ngoan thông thái, ngài am hiểu nhân tâm và hoàn cảnh mọi người mọi nơi, nên đã thành công khai hóa và xây dựng cho cả một miền duyên hải Bùi Chu. Việc đạo việc đời đều quán xuyến, Đức Giám mục đã để lại sự nghiệp lớn lao cho nhân sinh”[4].

Đức Ông Mai Đức Vinh đã viết về Đức Cha như sau: “Nhìn qua tấm di ảnh của Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn, nhiều người khen “Ngài thật đẹp lão”. Lời khen này không sai. Nhưng phải nhìn ngắm thêm và nói: “Ngài là người cha đầy nhân hậu”. Ngài cương nghị trong quyết định, nhiệt thành trong việc làm, nhưng dịu dàng trong lời nói, ôn hoà trong cách xử, vâng lời bề trên, hài hòa với mọi người đồng trách nhiệm, đồng lứa tuổi, và nhất là quảng đại, thông cảm với những người thuộc quyền hay người nghèo khổ… Có dịp đọc lại các thư chung, các bài giảng huấn hay các sách tu đức của Đức Cha, chúng ta sẽ cảm nghiệm và phát hiện những nhân đức mục vụ ấy của Ngài [5].

Cha Phú, linh mục Dòng Thánh Tâm-Huế kể lại rằng: “Khi ngài làm Bề trên Dòng Thánh Tâm, trong các giờ học riêng của đệ tử, ngài thường đến hỏi xem có gì khó hiểu không? Đệ tử nào xin cắt nghĩa, ngài sẵn lòng giải thích kỹ lưỡng tỉ mỉ cho đến khi hiểu được mới thôi”[6]. Một số chứng từ của các linh mục đương thời với Đức Cha cho thấy ngài đã rất thành công trong mọi công việc là do ngài đã thực thi cách tuyệt vời khẩu hiệu giám mục của mình.

Đối với con cái Mân Côi, qua các giáo huấn để lại cho Hội Dòng, Đức Cha luôn nhắc chị em phải kiên nhẫn và tận tụy khi làm bất cứ việc gì: “Trong các việc phải thi hành, ta nên chú ý riêng đến sự tận tụy hằng ngày và sự quên mình đi, hy sinh vì kẻ khác [7]. Ngài dạy phải biết khôn ngoan và nhẫn nhục để khỏi lỗi đức bác ái với chị em và với người khác: “Biết nhịn nhục mọi sự không vừa ý, vội quên sự người ta phạm đến mình, không kể gì đến sự nhỏ nhen trái ý, học biết tính mình cho khỏi phạm đến người khác, không than van, không nghe nói hành, biết dùng trí khôn khéo mà đem những người bất thuận làm hòa cùng nhau”[8]. Ngài cho rằng một khi đã yêu thương nhau thì phải biết nhẫn nhục và giúp đỡ nhau:“Thương yêu là nhẫn nhục, giúp đỡ nhau, yêu chuộng nhau, làm vui lòng nhau, giúp nhau nên trọn lành[9]. Đức Cha còn dạy chị em không chỉ kiên nhẫn với người khác mà còn phải kiên nhẫn với chính bản thân nữa: “Làm việc phải đằm thắm, phải kiên nhẫn, không những với chị em mà còn đối với mình nữa. Phải tập tính sửa nết sao cho an vui hòa nhã luôn, làm việc với ai thì người ấy cũng thích tính mình, làm việc với ai thì cũng không có gì ái ngại”[10].

Và còn rất nhiều lời giáo huấn cụ thể về sự nhẫn nhục mà chúng ta đã có dịp lắng nghe và học hỏi trong gia sản của Hội Dòng. Chị em Mân Côi cùng nhau soi mình vào tấm gương nhẫn nhục của Đức Cha Tổ Phụ kính yêu để tu tập, rèn luyện bản thân hầu có thể vượt qua những thách đố trong cuộc sống và cũng để thấy rằng, những khó khăn gặp phải trong cuộc sống, chính là cơ hội nên thánh trong sự nhẫn nhục và kiên trì.

Kính thưa toàn thể chị em quý mến,

Cuộc đời 72 năm sống và làm việc của Đức Cha Tổ Phụ đã để lại nhiều dấu ấn trong tâm hồn mọi người. Những thành tựu trong các lãnh vực văn hóa, giáo dục, tu đức,… cùng với những thao thức về cuộc sống con người đã đan xen và bổ sung cho nhau làm nên dung mạo của một người mục tử tài đức kiêm toàn, luôn sống hết mình cho vinh danh Chúa và cho hạnh phúc của mọi người. Khi nhớ về Đức Cha, chúng ta biết ơn ngài và xin ngài cầu nguyện cho chúng ta được sống theo gương ngài: “Hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn”.

Không phải ai sinh ra cũng có ngay đức tính này mà đây là một quá trình rèn luyện và tu dưỡng lâu dài, có khi là suốt cả đời. Xin Đức Cha cầu nguyện cho mỗi chị em Mân Côi biết học sống nhẫn nhục và tận tâm trong mọi sự, để có thể hoàn thành ơn gọi cách nhẹ nhàng và trung thành.

Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi

Rose Vũ Loan, FMSR

[1] Lm PHẠM CHÂU DIÊN, Đức cha Hồ Ngọc Cẩn, 1996, tr. 6

[2] Lm PHẠM CHÂU DIÊN, Đức cha Hồ Ngọc Cẩn, 1996, tr. 68-70

[3] Đức Ông MAI ĐỨC VINH, Gia sản Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa, cuốn 4, trang 304

[4] Lm VŨ ĐÌNH TRÁC, Gia sản Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa, cuốn 4, trang 202 và 205.

[5] Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, Gia sản Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa, cuốn 4, tr, 304

[6] Gia sản Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa, cuốn 4, tr. 246

[7] nt, cuốn 1, tr. 670

[8] nt, tr. 371

[9] nt, tr. 397

[10] nt, tr. 539

About dongmancoichihoavn

Check Also

Mẹ Thiên Chúa

Mẹ sống mật thiết với Thiên Chúa và hài hoà với con người và với thiên nhiên.

Để lại một bình luận