Ngày 22-03-2020: Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm A

Ân Sủng trong Đời Sống Thường Nhật

Khi ấy, ra khỏi Đền Thờ, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh… Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. (Ga 9, 1; 6-7)

Người đàn ông này là ai? Thật thú vị, anh không có tên. Anh chỉ được gọi là người mù từ khi mới sinh. Điều này rất có ý nghĩa trong Tin Mừng Gioan bởi vì sự kiện không có tên cũng được biết đến trong câu chuyện của người phụ nữ bên bờ giếng. Thực tế của việc không có tên cho thấy rằng chúng ta nên nhận ra chính mình trong câu chuyện này.

“Tình trạng mù” là không có khả năng nhìn thấy bàn tay của Thiên Chúa trong những hoạt động quanh ta. Chúng ta nỗ lực để mong thấy các phép lạ hàng ngày của ân sủng Chúa hiện diện sống động trong đời sống của chúng ta, cũng như trong cuộc sống của những người khác. Vì vậy, điều đầu tiên chúng ta nên làm dựa theo đoạn Tin Mừng này là cố gắng để nhận thức sự thiếu tầm nhìn của chúng ta. Chúng ta nên tỉnh thức để nhận ra rằng chúng ta thường không thấy Chúa hoạt động. Sự nhận thức này sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta khao khát một sự chữa lành tâm linh. Nó sẽ mời gọi chúng ta mong muốn gặp Chúa trong những việc mình làm.

Tin Mừng cho thấy rõ ràng là Chúa Giêsu đã chữa cho anh mù này, như Ngài sẵn lòng chữa trị cho chúng ta. Để giúp lấy lại thị lực thì dễ dàng đối với Chúa Giêsu. Vì vậy, lời nguyện đầu tiên ta nên cầu xin như kết quả trong câu chuyện này chỉ đơn giản là, “Lạy Chúa, con muốn nhìn thấy!” Sự khiêm tốn nhận thức về tình trạng mù quáng của mình sẽ giúp chúng ta kêu xin ân sủng trợ giúp nơi Thiên Chúa. Và nếu chúng ta không khiêm tốn thừa nhận sự mù quáng của mình, chúng ta sẽ không ở trong tâm trạng tìm kiếm sự chữa lành.

Việc Chúa Giêsu chữa lành anh mù này ra sao cũng có ý nghĩa quan trọng. Ngài sử dụng chính nước bọt của mình để tạo ra bùn và bôi nó lên đôi mắt của anh, một hành động không mang tính hấp dẫn. Thế nhưng, nó cho thấy một chi tiết khá quan trọng đối với chúng ta. Cách cụ thể, đây là một sự kiện thực tế, rằng Chúa Giêsu có thể dùng một cái gì đó rất đỗi bình thường như một nguồn ân sủng thiêng liêng của Ngài!

Nếu chúng ta nhìn sự việc này theo ý nghĩa tượng trưng, chúng ta có thể đi đến một số kết luận sâu xa. Rất thường xuyên, chúng ta tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa trong những điều phi thường. Thế nhưng, Ngài thường làm việc với chúng ta trong những điều rất bình thường. Có lẽ chúng ta sẽ bị cám dỗ khi nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ hoạt động ân sủng của Ngài thông qua những công việc vĩ đại của tình yêu thương hoặc sự hy sinh. Có lẽ chúng ta bị cám dỗ để nghĩ rằng Thiên Chúa không thể sử dụng các hoạt động thông thường hàng ngày của chúng ta để thực hiện những phép lạ của Ngài. Những điều này là không đúng sự thật. Chính xác là qua những công việc của đời sống thường nhật mà Thiên Chúa hiện diện. Ngài có mặt trong khi ta rửa bát, làm việc vặt, đưa con trẻ đến trường, chơi với ai đó trong gia đình/cộng đoàn, trò chuyện trong những cuộc trao đổi bình thường hoặc chia sẻ, giúp đỡ… Trong thực tế, hoạt động càng bình thường, chúng ta càng phải ý thức để thấy Chúa làm việc. Và khi chúng ta nhìn thấy Ngài hiện diện trong các hoạt động bình thường của cuộc sống, chúng ta sẽ được chữa lành bệnh mù tâm linh.

Hôm nay, hãy suy ngẫm về việc làm của Chúa Giêsu và cho phép Ngài làm vấy bẩn trên đôi mắt bạn. Hãy để Ngài ban cho bạn món quà của thị lực tâm linh. Và khi bạn bắt đầu nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của bạn, bạn sẽ ngạc nhiên trước vẻ đẹp mà bạn trông thấy.

Lạy Chúa, con muốn nhìn thấy. Xin giúp con được chữa lành khỏi bệnh mù tối của con. Xin cho con nhận ra Chúa trong những sinh hoạt thường nhật của đời sống con. Xin giúp con nghiệm thấy ân sủng thiêng liêng của Ngài từ những sự kiện nhỏ nhất trong ngày sống của con. Và, bao lâu con thấy Ngài hiện diện và hoạt động trong tầm nhìn này, xin hãy lấp đầy trái tim con với lòng biết ơn. Lạy Chúa, con tin tưởng nơi Ngài!

Sr. M. Emmanuel Phan, Fmsr chuyển ngữ

Nguồn: “My Catholic Life: A journey of personal conversion!”

About dongmancoichihoavn

Check Also

Sinh nhật của Mẹ

Mừng sinh nhật Mẹ, cũng mừng sinh nhật của chúng ta. ... sứ mạng mà Mẹ đã lãnh nhận khi bước vào trần gian này cũng là sứ mạng của từng người con Mẹ.

Để lại một bình luận