MỘT CHÚT LẶNG…MÙA COVID
Triết gia và nhà thần học người pháp Emmanuel Mounier có một câu nói thật hay như sau: “Thiên Chúa, Người thầm lặng; tất cả những gì có giá trị trong thế giới đều chứa đầy thinh lặng”. Đúng thế, sự thầm lặng của Thiên Chúa đã ẩn tàng ở giữa cao điểm của mùa covid này, để rồi chính mỗi một hiện hữu trong thế giới được mời gọi quay trở về với những khoảnh khắc lặng…để nghe tiếng nói của Ngài và để thấy tất cả những gì có giá trị trong thế giới đều chứa đầy thinh lặng. Nhất là để thấy được rằng tôi hiện hữu và đến trong cuộc đời này để hưởng nhận tình yêu của Đấng tạo thành nên tôi.
Dù sống ở trong bất kì một thời đại nào, con người luôn tìm cho mình một mục đích và lý tưởng sống để mưu cầu hạnh phúc đích thực. Tất cả mọi năng lực, thời gian và sự phấn đấu của con người đều hướng về một mục đích duy nhất ấy. Chính vì thế, dù cuộc đời có tăm tối và giăng mắc nhiều nỗi truân chuyên thì hạnh phúc vẫn là kim chỉ nam để con người lấy lại động lực mà tiến bước, hầu cảm nếm được cái gọi là hạnh phúc của đời mình. Cách đặc biệt là giữa tâm dịch covid đang hoành hành, con người dường như bị cuốn vào làn sóng của lo âu, sợ hãi và những bước chân vội vã của việc tìm phương thế phòng chống dịch bệnh…Trong tâm thế đó, con người cũng lại dễ bị kích động và đánh mất niềm hi vọng vào sự tồn tại của hạnh phúc hay có khi là mất cả niềm tin vào chính Thiên Chúa. Vậy hạnh phúc có ở đâu trong bối cảnh đầy biến động này?
Câu trả lời đơn giản là hạnh phúc có ở trong tình yêu và nơi tình yêu, mà tình yêu này không gì khác hơn đó là chính Thiên Chúa-Đấng đã dùng tình yêu để cho mọi sự, mọi vật và mọi người được hiện hữu. Thế nhưng, tình yêu được tìm thấy ở nơi nào trong cõi tạo thành rộng lớn và mênh mông này? Như Emmanuel Mounier, tôi sẽ tìm tình yêu Chúa trong thinh lặng của cõi lòng mình vì Thiên Chúa vốn là Đấng thầm lặng. Ngài thầm lặng trong cách Ngài tạo thành, trong cách Ngài cứu độ và Ngài còn thầm lặng hơn nữa trong cách mà Ngài quan phòng mọi sự cho thế giới này. Thánh Gioan có lẽ đã dùng cả cuộc đời của mình để chỉ suy tư và chiêm niệm về một điều duy nhất nơi Thiên Chúa, để rồi Thánh nhân diễn tả trong một câu thật ngắn gọn: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Ngài là tình yêu sâu sắc và tinh tế trong cách mà Ngài trao ban tình yêu cho nhân loại dù là trước biến động của dịch bệnh này. Và có lẽ, chỉ trong thinh lặng của cõi thâm sâu lòng mình và biết buông mình để ở lại trong tình yêu, con người mới cảm nếm được sự hiện diện của Đấng vốn là thầm lặng. Nhất là như diễn tả của thánh Gioan: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu loại trừ sợ hãi…và ai sợ hãi thì không đạt đến tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4, 18). Từ niềm xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta an nhiên và bình tâm trước cơn đại dịch để nỗ lực hơn cộng tác với Thiên Chúa hầu vượt qua sóng gió này.
Tuy nhiên, một làn sóng đối nghịch giữa cơn thử thách của đau khổ và dịch bệnh đó là những chất vấn mà con người đặt ra: “Thiên Chúa ở đâu trong những khốn đốn của con người? Tại sao Ngài lại im lặng trong lúc nhân loại phải gồng mình chống chọi với đại dịch covid này?” … Một thực tế thấy rõ rằng, khi đối diện với đau khổ và thử thách, con người vẫn luôn phải trả lời cho niềm tin của mình vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Mặt khác, khi tự chất vấn mình thì cũng là lúc con người có cơ hội để lặng…và nhận diện khuôn mặt cũng như dấu vết của Thiên Chúa qua hoàn cảnh và cuộc sống hiện tại của mình. Vậy với dịch bệnh covid đang hoành hành như hôm nay, con người được mời gọi để nhận diện khuôn mặt và bàn tay quan phòng của Thiên Chúa như thế nào?
Trong thinh lặng của cõi lòng được mở ra cho Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy sự chăm sóc “vi tế” của Thiên Chúa qua nghĩa cử yêu thương, bác ái mà mọi người dành cho nhau; qua những sự dung hòa khác biệt trong tương quan với tha nhân để đi đến một quyết định và hiệp nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh; qua những khoảnh khắc mà gia đình được có thời gian và cơ hội để ngồi lại bên nhau mà cử hành các giờ kinh tối chung; qua những thời khắc hạn chế các phương tiện giải trí và không gian ồn ào để trở về với sự tĩnh lặng vốn vẫn đang tồn tại trong cuộc sống này mà đã bị lãng quên; qua những sự vất vả và ân cần của các nhân viên y tế cũng như những người trong công tác phòng chống dịch; hay là trong khuôn mặt của những anh chị em đang nhiễm bệnh mà vẫn luôn nhen nhóm niềm hi vọng vào ngày mai tươi sáng hơn…
Có thể nói rằng, thật là sai lầm khi con người cứ loay hoay đi tìm câu trả lời về sự hiện diện của Thiên Chúa có thật hay không, bởi lẽ con người luôn giới hạn trong cách nhận hiểu về Thiên Chúa là Đấng siêu việt. Thay vào đó, con người cần phải có một cõi lòng đủ lặng và một đức tin đủ mạnh để có thể nhạy bén nhận diện khuôn mặt cũng như dấu vết của Thiên Chúa vẫn đang từng ngày thể hiện trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, dù là ở giữa những đau khổ và khốn đốn của dịch bệnh này.
Chúng ta đang sống trong thời khắc với nhiều biến động và khó khăn không chỉ xuất phát bởi dịch bệnh nhưng còn bởi ở chính lòng mình. Có lẽ, covid để lại nhiều hậu quả nhưng covid cũng mang lại cho mỗi người một chút lặng…hầu nhìn lại và xác tín vào niềm tin của mình. Cách đặc biệt, đây cũng là thời khắc mà con người cần trở về với lòng mình để xác lập lại mục đích sống của bản thân qua việc trả lời cho câu hỏi: “Tôi sống hay đơn giản chỉ là tồn tại mà thôi?”. Để rồi, mỗi người có những chọn lựa cho lý tưởng sống đúng đắn hơn. Cùng với việc xác lập mục đích sống, mỗi người chung tay, góp sức và cùng nhau thắp sáng lên niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Như vậy là chúng ta đang cùng cộng tác vào công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa của Ba Ngôi Thiên Chúa trong thời đại hôm nay.
Một chút lặng…mùa covid và đi vào cõi tâm linh để:
“Nhận ra Chúa trong mọi sự,
Bởi vì Ngài thổi hơi vào tất cả
một năng lực nội tâm và tận cùng
nơi mọi sự hiện hữu.
Khám phá ra Ngài trong mọi sự
xuyên qua lớp vỏ bọc
đẹp đẽ hoặc tan nát
của mọi vật sống.
Loan báo Ngài trong mọi sự
một tương lai mới mẻ,
và diễm phúc đang đến gần,
xuất hiện từ vực thẳm.
Cùng Ngài chịu đau khổ trong mọi sự.
Liên đới với tất cả những mất mát,
cắt tỉa mọi thọ sinh,
đâm thủng cạnh sườn của Ngài.
Mến yêu Ngài trong mọi sự,
Thiên Chúa gần gũi của mọi sự,
trong cánh tay ấm áp,
hòa quyện trời với đất.
Phục vụ Ngài trong mọi sự,
góp phần vào sự hiệp nhất,
chắc chắn và siêu việt,
của mọi sự hiện hữu với Ngài”.[1]
Nguyễn Hải, fmsr.
[1] Benjamín González Buelta, “Trong mọi sự”, đề tài 2.29.