LỄ MẸ THIÊN CHÚA
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Lc 2,16-21
16 Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này. 18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. 19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.
21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su ; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
Suy niệm:
Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria phát sinh từ niềm tin của Giáo Hội nơi Chúa Giêsu, Người Con sinh ra từ cung lòng Mẹ, là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật.
Niềm tin vào chức phẩm cao quí là Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria đã có từ thời Giáo Hội sơ khai. Thánh Phaolô đã viết: “Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật” (Gl 4,4).
Tiếp tục niềm tin đã có từ đầu, các tín hữu còn xác tín hơn nữa do biến cố dẫn tới những xác quyết chắc chắn của Công đồng chung Ephêsô (năm 413). Giám mục Nestoriô khi ấy bác bỏ tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, ông chỉ chấp thuận Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, vì Ngài chỉ sinh ra xác thể Chúa Kitô thôi. Chống lại lời rao giảng của Giám mục Nestoriô, khoảng hai trăm Giám mục đã họp tại Ephêsô ngày 22.6.431, dưới quyền chủ tọa của Thánh Cyrillô thành Alexandria. Công đồng này kết án Nestoriô và tuyên bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Cũng từ Công đồng này mà có phần sau của kinh Kính mừng: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”.
Mẹ Thiên Chúa là phẩm chức cao cả nhất của Đức Maria. Chính phẩm chức cao trọng này là nền tảng các đặc ân khác dành cho Mẹ. Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội đã trình bày những đặc ân liên kết với phẩm chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria để chúng ta hiểu biết thêm về Mẹ và yêu mến Mẹ nhiều hơn.[1]
- Mẹ là Đấng tràn đầy sự thánh thiện, không vương nhiễm một tội nào. Mẹ như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành (GH.59).
- Mẹ là Đấng Đầy ơn phúc: đó là lời Thiên thần kính chào khi vâng lệnh Thiên Chúa đến truyền tin cho Mẹ (Lc 1,28). (GH.59).
- Mẹ là Nữ Vương Vũ trụ: “sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương Vũ trụ, để nên giống Con Ngài cách trọn vẹn hơn” (GH.59).
- Mẹ là Trạng Sư, là Vị Bảo Trợ, là Đấng Phù hộ, là Đấng Trung gian. Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu chuộc không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời…” (GH.62).
Khi long trọng mừng kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta bày tỏ một niềm tin vững chắc vào vai trò của Mẹ trong chương trình cứu rỗi nhân loại. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Ngài đã sinh ra cho chúng ta Thiên Chúa cứu chuộc. Trong buổi Truyền Tin, chính sứ thần Gabriel đã quả quyết: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Được Thánh Thần linh hứng, bà Elisabeth cũng đã lên tiếng: “Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy?” (Lc1,43).
Từ năm 1968, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dành ngày 01.01 để cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Năm 1969, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã dời ngày lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày 01.01. Việc dời ngày kính này vào ngày Thế giới Hòa Bình nhấn mạnh thêm ý nghĩa lễ Mẹ Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết: “Khi canh tân mùa Giáng Sinh, mọi người phải chú ý đến việc tái lập lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa vào ngày 01-01, đúng phụng vụ Rôma từ xưa, nhằm tôn kính việc Đức Maria góp phần vào mầu nhiệm cứu rỗi và tôn vinh địa vị đặc biệt cho “Mẹ rất thánh, Đấng tiếp nhận Nguồn sống cho chúng ta”. Lễ này cũng là dịp rất tốt để chúng ta tôn thờ Vua Hòa Bình mới sinh, và nghe lại lời chúc hoà bình của các thiên sứ, để xin Chúa, nhờ sự can thiệp của Nữ Vương Hòa Bình, ban cho ta ơn cao cả nhất là Hòa bình.” (ĐGH Phaolô VI. Marialis Cultus, số 5b)
Mẹ đã hạ sinh Hoàng Tử Hoà Bình nên Mẹ được tôn vinh là Nữ Vương Hoà Bình. “Sáng danh Chúa Cả trên trời, và bình an dưới thế cho người lòng ngay” (Lc 2:14). Các mục đồng kể lại cho Đức Mẹ các điều họ nghe thiên thần nói, và nhờ thế, Đức Mẹ hiểu rõ Hài Nhi Giêsu chính là Hoàng Tử Hoà Bình. Trong tư cách Cứu Chúa của nhân loại tội lỗi, Người đã lập lại nền hòa bình giữa Thiên Chúa với con người nhờ ơn tha tội, giữa con người với chính mình nhờ thực thi ý Chúa, và giữa con người với nhau nhờ thực hành công bằng và bác ái.
Mẹ Maria cũng chính là khuôn mẫu để chúng ta noi theo về mọi phương diện. Mẹ tin tưởng phó thác đời mình nơi Thiên Chúa một cách tuyệt đối. Mẹ để tâm nghe lời Thiên Chúa qua các Ngôn sứ, Sứ giả của Chúa qua các biến cố, đặc biệt qua chính Chúa Giêsu con của Mẹ, Mẹ ghi nhớ tất cả, và suy đi nghĩ lại trong lòng để mỗi ngày một tín thác hơn vào Thiên Chúa. Lương thực của Mẹ là thi hành ý Chúa. Noi gương Mẹ, chúng con nguyện bước theo Chúa đến cùng, hoàn toàn phó thác đời mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, để tâm lắng nghe tiếng Chúa qua Bề trên, qua chị em, qua các dấu chỉ thời đại, và mau mắn thi hành ý Chúa cách trọn vẹn.
Mẹ Maria luôn là nữ tỳ khiêm hạ trước những ân ban cao cả của Thiên Chúa. Là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ sống mật thiết với Thiên Chúa và hài hoà với con người và với thiên nhiên. Con người sống hoà hợp với Chúa và với nhau. Noi gương Mẹ, con nguyện kết hợp mật thiết với Chúa hơn mỗi ngày; tôn trọng và sống chan hoà với mọi người, và ra sức bảo vệ thiên nhiên đặc biệt là môi trường sống của chúng con.
Giáo Hội mừng kính Mẹ Thiên Chúa trong ngày đầu năm, vì muốn đặt thế giới trong tay Mẹ để thế giới luôn được sinh lại, được đổi mới. Chỉ khi sinh lại trong Thiên Chúa và trong Mẹ, thế giới mới thực sự có hoà bình. Ước mong mọi người, thuộc mọi chủng tộc, mọi quốc gia trên thế giới, biết sống hài hoà với nhau trong sự vâng phục Thiên Chúa, quên mình vì người khác để có một nền hoà bình thực sự bền vững. Cảnh thái bình thật sự không chỉ là vắng bóng chiến tranh nhưng còn là con người sống hài hoà với nhau trong tình tương thân tương ái.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Con Thiên Chúa nhưng đã hạ mình để trở nên người con bé nhỏ trong vòng tay Mẹ Maria. Chúa được Đức Mẹ cưu mang, hạ sinh, nuôi nấng, và dạy dỗ. Chúa đã lớn lên nhờ sự giáo dục và chăm sóc của Đức Mẹ. Xin cho con được hưởng nhờ tình yêu thương từ mẫu và sự chăm sóc của Mẹ, để con được sống bằng an trong năm mới này, để con trưởng thành trong đời sống làm người với những đức tính tốt, và nhất là để con biết sống xứng đáng với ơn gọi làm con Thiên Chúa, là Nữ tu Mân Côi của Chúa. Xin cho chúng con, những người lữ hành hy vọng, luôn bước đi trong niềm tin và hy vọng nơi Chúa, biết quan tâm và liên đới với những người xung quanh, hầu lan toả niềm vui, bình an, và hy vọng cho mọi người, nhất là những anh chị em đang gặp đau khổ, thử thách, mất mát, hoặc tuyệt vọng.
Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa – Nữ Vương Hoà Bình, xin Chúa chúc lành và gìn giữ chúng con! Xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến Hội Dòng chúng con, và dủ lòng thương nhân loại chúng con! Xin Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho cộng đoàn chúng con, cho gia đình và cho toàn thế giới! Amen. (Ds 6,22-27)
Diễm Trang, FMSR
(trích nguyện gẫm 01/01/2025)
[1] https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-01-01-duc-mariame-thien-chua-43715