CHỦ ĐỀ HỌC TẬP THÁNG 11 và 12-2021
CHÂN DUNG TÂM LINH
Đời sống tâm linh là hành trình thiêng liêng khó có thể nói lên hết chiều sâu bản thân trải nghiệm, và cũng không dễ dàng để diễn tả thành lời. Dẫu vậy, “Chân dung Tâm linh” của nữ tu Mân Côi là những nét được phác họa bởi nhiều chiều kích khác nhau trong chính đời thánh hiến Mân Côi. Ngay từ đầu khi sáng lập Hội Dòng, Đức Cha Tổ Phụ đã họa lên những nét căn bản về đời sống tâm linh của nữ tu Mân Côi, đặc biệt trong tình thân với Chúa và ngài gọi đó là sự sống bề trong. Bằng kinh nghiệm thiêng liêng của mình, Đức Cha đã gợi lên những nét căn bản để dựa vào đó, ta có thể tập sống mật thiết với Chúa cách dễ dàng hơn và sống chứng tá cho Chúa xuyên suốt đời tu của mình.
Qua dòng thời gian với những thăng trầm và biến chuyển, chân dung tâm linh của nữ tu Mân Côi vẫn được bảo tồn, và được tô điểm phong phú hơn bằng những nét riêng biệt nơi từng chị từng em, đan xen với những trạng thái tâm hồn và cảnh huống sứ vụ khác nhau. Nhờ những mảnh ghép thiêng liêng của từng bức vẽ nơi đời sống chị em, chân dung tâm linh này trở nên sống động, có hồn, rất cá vị và luôn độc đáo trước mặt Thiên Chúa cũng như trong lòng Giáo Hội.
Chắc chắn chân dung tâm linh của nữ tu Mân Côi đã không chỉ được phác họa bởi những lý thuyết suông hay một lần là đủ, nhưng nó trở nên tươi sáng hơn từng ngày, qua việc trung thành thực thi đức ái của chị em Mân Côi.
Để có cái nhìn tổng quát hơn về bức họa tâm linh này, chúng ta sẽ tìm hiểu thế nào là sự sống bề trong của nữ tu Mân Côi, đâu là những dấu chỉ tích cực của sự sống bề trong ấy, và những hoa trái của lòng mến được trổ sinh như thế nào?
I. SỰ SỐNG BỀ TRONG
Suốt cuộc đời sứ vụ tại thế, Chúa Giêsu vừa hoạt động vừa sống tương quan thân tình với Chúa Cha. Với những cảm nhận sâu xa về việc thi hành ý muốn của Chúa Cha chính là sức sống, Người đã luôn dành thời giờ trầm lặng bên Chúa Cha và nhiều lần nói về Người cho các tông đồ dựa trên những trải nghiệm cá vị ấy. Theo gương Thầy chí thánh – Đấng “bởi Cha mà ra”[1], và dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, Đức Cha Tổ Phụ chỉ vẽ cho con cái mình sống “sự sống bề trong”, nghĩa là sống đời sống nội tâm và sống tương quan mật thiết với Chúa. Đức Cha định nghĩa: “Sống bề trong là hằng sống liên mãi trước mặt Đức Chúa Trời và kết hợp cùng Người liên”[2]. Như thế, điểm cốt yếu của việc sống bề trong là “ta đi đâu, ở đâu, ta cũng hằng nhớ Chúa ở trước mặt”[3]; thật chẳng khác nào ta “bước đi trước Thánh nhan Chúa Trời”[4].
Với con mắt đức tin ta luôn nhận thức rằng chính Chúa dõi mắt nhìn ta. Trong mối tương quan thân tình với Chúa không chỉ là việc ta nhớ đến Người, nhưng đúng hơn, đó chính là lúc ta ý thức Chúa hiện diện và hướng dẫn ta, vì Người hiểu rõ về ta hơn ta hiểu chính mình. Cảm nghiệm sâu xa điều này, tác giả Thánh vịnh thân thưa: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa”[5]. Chúa Giêsu trước khi về trời đã hứa ban Thánh Thần để Người ở với ta luôn mãi và dạy ta biết mọi điều. Nhờ ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần, ta có thêm ân sủng khi bước vào hành trình tu luyện, hầu bản thân có một “lương tâm tinh sạch mọi đàng”, mà theo Đức Cha, “ta phải ân cần chịu các phép bí tích, và sự gì biết là tội thì cũng tránh xa”[6]. Trong bản Luật phép đầu tiên, Đức Cha đã lưu tâm đến việc luyện tập cụ thể để có đời sống nội tâm, là “đi đâu, ở đâu, làm việc gì, cũng hằng nhớ Chúa đi với mình, làm với mình. Như thế hễ sự gì trái con mắt Chúa, thì mình không có thể cả lòng làm”[7]. Sống dưới con mắt Chúa, ta càng thêm mến Chúa và giữ mình cho khỏi sa chước cám dỗ. Quả thật, “những sự buồn sầu đau khổ, những sự sai lỗi, sự ít được kết quả, sự chán ngán ơn kêu gọi, sự bất trung sinh ra chỉ tại người ta ít tinh thần bề trong, không kết hợp với Chúa cho bền chặt, không sống bằng đức tin cho đủ”[8].
Ý thức được tầm quan trọng của đời sống nội tâm, ngay trong giai đoạn huấn luyện sơ khởi, các ứng sinh phải được đồng hành và hướng dẫn kỹ lưỡng về đời sống này. Hội Dòng nhấn mạnh vai trò của các chị trong ban huấn luyện, là chú trọng việc đào tạo cho các ứng sinh có những phẩm chất tâm linh riêng của một nữ tu Mân côi, đặc biệt là sống sự sống bề trong – theo tinh thần Đức Cha Tổ Phụ và theo linh đạo Hội Dòng[9]. Cách riêng trong thời kỳ tập tu, các chị phụ trách việc huấn luyện giúp các tập sinh biết “khuôn đúc” đời mình sao cho có được đời sống tâm linh sâu sắc, đồng thời dạy các em những phương thế để trở nên người có sự sống bề trong[10].
Việc tập luyện và thực hành sự sống bề trong không chỉ dừng lại ở thời kỳ huấn luyện sơ khởi, nhưng “đó là một điều rất cần thiết như là nền tảng đàng nhân đức để giữ lấy tinh thần nhà dòng khi ra làm việc hành động”[11]. Vì thế, sau khi mãn nhà tập cũng như khi thi hành sứ vụ nhân danh Hội Dòng, ta luôn phải hun đúc đời sống thân mật với Chúa, bởi vì, nguồn mạch của đời sống tông đồ luôn phải bắt nguồn từ việc kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Như vậy, khi hoạt động tông đồ ta luôn xác tín rằng: “Căn tính của người thánh hiến không nằm ở bình diện việc làm, nhưng ở một cuộc gặp gỡ”[12]. Chính bởi cuộc gặp gỡ này mà những việc ta làm có sức lôi cuốn người khác đến với Chúa. Bởi vì “đời sống tâm linh được hiểu như là sống với Đức Kitô và do Thánh Linh hướng dẫn… trọn niềm hiệp thông trong tình yêu và phục vụ trong Giáo Hội”[13]. Lúc này ta có thể cảm nhận như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”[14].
II. DẤU CHỈ TÍCH CỰC CỦA SỰ SỐNG BỀ TRONG
Mặc dù mối tương quan thân tình với Chúa không ai biết rõ ngoài bản thân và Chúa, thế nhưng người khác có thể nhận ra phần nào sự gắn bó thiêng liêng ấy qua một vài dấu chỉ bề ngoài nơi ta. Thật vậy, người có tinh thần sống sự sống bề trong sẽ yêu thích các giờ thiêng liêng, viếng Thánh Thể Chúa, năng ở lặng – hồi tâm, siêng dâng lời nguyện tắt và làm trổ sinh hoa trái tình mến.
- Yêu thích việc thiêng liêng
Nên chăng ta tự hỏi lại: Việc thiêng liêng là gì? Theo Đức Cha Tổ Phụ định nghĩa, đó là “những việc ta dùng lòng trí bên trong và kinh sách bề ngoài mà làm, và để lo cho linh hồn ta hay là kẻ khác, nhưng cũng dùng phương thế thiêng liêng cho nên gọi là việc thiêng liêng”. Việc thiêng liêng và đời sống bề trong vì thế luôn có tương quan mật thiết, sâu xa. Đức Cha xác tín: “Giờ làm việc thiêng liêng giúp ta được sống bề trong cho hoàn hảo cũng như sự sống bề trong giúp ta làm việc thiêng liêng cho giọn lành vậy”[15].
Thực sự, bất cứ ai có lòng yêu mến Chúa thì luôn khao khát ở lại với Chúa, qua việc giữ các giờ thiêng liêng như thời gian dành riêng cho Chúa, và cũng nhận ra đó là nhu cầu thiết yếu giúp ta lớn lên trong tương quan với Người. Đây cũng là ý nghĩa mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến: cầu nguyện “là nghiêm túc đặt mình trước mặt Chúa, tôn thờ Chúa và khiêm tốn cảm nhận mình cần Chúa”[16]. Quả thật, mục đích của các việc thiêng liêng nhằm giúp ta lớn lên trong tình yêu Chúa, liên quan đến đàng tiến đức và nên người trọn lành. Cũng nhờ sự gắn kết với Chúa qua các thời khắc dành riêng, ta được ở bên Chúa, được lắng nghe tiếng Chúa, ta đồng thời lãnh nhận ơn sức mạnh hầu có thể sống an vui trong Chúa. Ý thức tầm quan trọng này, đời sống tâm linh phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình của cộng đoàn tận hiến[17]. Song song đó, chính mỗi người chúng ta tiếp tục xác tín để “lấy việc thiêng liêng làm việc trước tiên trong các việc phải làm từ sáng đến tối”[18].
Theo Hiến Luật Dòng 15.3, đời sống thiêng liêng của nữ tu Mân Côi tối thiểu bao gồm các việc: tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể, cử hành các Giờ kinh Phụng vụ, lãnh bí tích Hòa giải, nguyện ngắm, đọc sách thiêng liêng, lần chuỗi Mân côi, thực hành việc sùng mộ và các việc đạo đức, tĩnh tâm tháng và năm. Do đó, trong bản kế hoạch của mỗi cộng đoàn, phải ấn định thời gian cho các việc thiêng liêng này để mọi thành viên của cộng đoàn đều có thể tham dự. Đôi khi vì công việc bắt buộc, ta không thể tham dự các giờ chung được, thay vào đó, ta phải tự tìm thời gian thích hợp để “bù lại một cách trung thành hết sức”[19]. Đó cũng là dấu hiệu diễn tả sự trưởng thành và trung tín đích thực bởi ta đã làm mọi việc hằng ngày hẳn hoi và bền bỉ. Không chỉ trung thành với các việc thiêng liêng, người có sự sống bề trong còn làm các việc đó với thái độ tích cực, sốt sắng và linh động. Thái độ này phát xuất từ tâm tình bên trong là tin Chúa đang hiện diện và sốt sắng tôn thờ Người. Khi ở lại với Người trong thời khắc dành riêng, tâm hồn và đời sống ta sinh nhiều hoa trái. Như vậy, “việc thiêng liêng cốt cách ở tại tinh thần, ở tại lòng trí bề trong. Nếu tinh thần không có, trí lòng sao lãng thì việc bất thành”[20].
Trong thực tế, ta khó lòng tránh khỏi những lần khô khan, chán nản và cám dỗ không muốn cầu nguyện, hoặc ta tham dự các giờ thiêng liêng mà chẳng cảm nhận được gì… Đức Cha đã đưa ra một số phương thế để giúp ta áp dụng và nhờ cộng tác với ơn Chúa, ta có thể được Người cho gặp:
– Dùng sự sống bề trong là nhớ Chúa trước mặt và mình đang làm việc trước mặt Chúa;
– Ý tứ để không chia trí qua việc khác;
– Giả như có chia trí thì cầm mình lại ngay;
– Phải năng giục lòng sốt sắng thầm thĩ mấy lời vắn tắt cùng Chúa, cùng Đức Mẹ;
– Đang khi đọc kinh thì chăm chỉ suy ý nghĩa câu kinh;
– Mỗi lần làm việc thiêng liêng nào thì hãy có ý dâng việc ấy mà cầu xin một ơn gì riêng cho mình, hoặc cho người còn sống hay kẻ đã qua đời[21].
- Tôn thờ Thánh Thể Chúa
Một trong những đặc điểm nổi bật của nữ tu Mân Côi về việc sống tinh thần bề trong là yêu mến tôn thờ Thánh Thể Chúa. Vì “bí tích Thánh Thể là trung tâm đời sống thánh hiến của mỗi người và mỗi cộng đoàn”[22], nên ta được mời gọi cố gắng hết sức để tham dự Thánh lễ mỗi ngày. Chính Thánh Thể Chúa là nơi chốn đặc trưng để qua đó ta được gặp gỡ Chúa[23], và cũng là “nguồn mạch phong phú nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng”[24]. Cách riêng, vì Thánh Thể là nguồn sống của chị em Mân Côi, nên ta thể hiện lòng yêu mến Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể bằng việc rước lễ hằng ngày, và kéo dài sự kết hợp với Chúa qua việc thờ lạy Thánh Thể, rước lễ thiêng liêng và siêng năng viếng Mình Thánh Chúa[25].
Bên cạnh đó, để duy trì truyền thống tốt đẹp theo lời dạy của Đức Cha Tổ Phụ, mỗi lần ta đi ngang qua nhà nguyện, hoặc lúc phải ra khỏi nhà, khi trở về và khi có thể, khi vào nhà nguyện để làm gì hoặc để lấy vật gì, ta viếng Thánh Thể dù chỉ trong chốc lát[26]. Trường hợp không thể vào viếng Chúa được, ít nữa là ta “nhắc lòng nhắc trí nhớ Chúa đang ngự trong nhà chầu mà thầm thĩ than thở mấy lời”[27]. Thói quen thực hành này giúp ta nhớ đến Chúa, nói khó cùng Chúa nhờ đó, Người tăng thêm sức trợ lực cho ta: “Chúa ở cùng ta trong nhà chầu, để nên bạn thiết ở cùng ta, cho được nói khó yên ủi ta và ban ơn giáng phúc cho ta”[28].
Trong thực hành, mỗi khi bắt đầu giờ kinh nguyện, nơi đâu có sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, ta hát kính thờ lạy Người. Trong bản luật phép đầu tiên khi nói về lòng yêu mến Thánh Thể Chúa, Đức Cha đã nhấn mạnh truyền thống này: “Khi vào nhà nguyện đông đủ, nghe hiệu, liền hát một bài kính Mình Thánh”[29]. Đó chính là tâm tình của nữ tu Mân Côi khi tin Chúa hiện diện, thờ lạy Người và xin Người cất nhắc lòng trí để làm giờ thiêng liêng đó cho nên.
- Năng ở lặng và hồi tâm
“Chị em hãy giữ sự ở lặng, hãy tùy sức mình có thể được, giữ được những điều ấy; chị em sẽ giữ được sự bằng an trong linh hồn, giữ được lòng sốt sắng kết hợp cùng Chúa”[30]. Đây là điều tâm huyết Đức Cha chỉ dạy con cái khởi đi từ kinh nghiệm của ngài. Trong tinh thần biết ơn, ta thực hành sự thinh lặng với lòng yêu mến, bởi đó như không gian riêng biệt giúp ta gỡ mình ra khỏi sự ồn ào của những sinh hoạt thường nhật, và cũng giúp ta dễ dàng gặp gỡ Chúa hơn. Mặt khác, Hiến luật Dòng số 31 định rõ cho ta nơi chốn và thời gian thinh lặng, nhằm giúp ta có thể cầu nguyện và hồi tâm để gặp gỡ Chúa. Sự thinh lặng bên ngoài sẽ giúp ta dễ dàng có được sự thinh lặng bên trong; nhờ đó, ta có thể nhìn lại chính con người của mình, nhận ra sự hiện diện của Chúa và gia tăng lòng yêu mến Ngài.
Song song với sự thinh lặng bề ngoài, hồi tâm là lúc ta thinh lặng nội tại để nhìn lại tương quan giữa ta với Chúa đang diễn tiến ra sao. Cụ thể, Đức Cha trích lời của cha Lallement rằng: “Hãy tập cho mình rất quen thực hành sự hồi tâm lại để nhận biết những sự khuyết điểm trong những việc mình làm, và xem mình đã làm vì ý nào”[31]. Mỗi ngày, ngoài giờ hồi tâm riêng buổi trưa hay lúc thuận tiện, chị em dành giờ hồi tâm chung vào giờ Kinh Tối. Những giây phút dành cho việc hồi tâm riêng giúp ta xem xét những tính xấu mình đang muốn bỏ hay một nhân đức ta đang tập luyện, qua đó ta có thể nhận biết và sửa mình hầu tiến xa hơn trên đàng nhân đức. Việc hồi tâm chung là thời gian để xét mình cách chung về cách ăn nết ở, lòng lo trí tưởng và lời nói việc làm từ sáng đến tối, xem ta có gì sai lỗi mất lòng Chúa hay phiền lòng chị em không. Năm phút thinh lặng hồi tâm còn là lúc ta suy đi nghĩ lại về “cách sống thiêng liêng bề trong mình có được tấn tới ít nhiều chăng, hay còn xao lãng”[32]. Khi trung thành xét mình về đời sống nội tâm, về ý hướng ngay lành là lòng yêu mến Chúa trong mọi công việc, ta có thể tiến tới trên đàng trọn lành mỗi ngày một hơn[33].
- Siêng dâng lời nguyện tắt
Một cách thức khác giúp ta thực hiện tinh thần sống bề trong là năng dâng lời nguyện tắt với Chúa. “Mỗi khi toan làm việc gì thì hãy thầm thĩ cùng Chúa rằng ‘Lạy Chúa con xin làm việc này vì lòng mến Chúa’”. Khi gặp rủi ro hoạn nạn, chuyện không vừa ý, ta cũng có thể nói: “Con xin chịu sự khó này vì lòng mến Chúa”[34]. Đồng thời, “mỗi lần nhớ Chúa, thì thở than vài lời vắn tắt, như rằng: Lạy Chúa, xin làm phép lành cho con – Lạy Chúa, con xin dâng linh hồn và xác con cho Chúa – Lạy Chúa xin giúp con làm việc này cho nên…”[35]. Với tâm tình kết hợp cùng Chúa, ta vừa có những thời khắc để nhớ Chúa và dâng Ngài tâm tình mến yêu, ta vừa được Chúa cho thêm sức mạnh, “để lấy sức thiêng liêng, lấy sự yên ủi mà làm việc mình đang làm, hay là chịu sự khó mình đang chịu”[36].
Để có thói quen dâng lời nguyện tắt, nữ tu Mân Côi được mời gọi tập luyện hằng ngày, đặc biệt phương pháp “thường nhật thánh hóa” giúp chúng ta làm mọi việc sinh công nghiệp trước mặt Chúa. Bởi vì, theo Đức Cha tổ phụ, trong mỗi việc đều có hai phần: ngoại diện và tinh thần. Ngoại diện là hành vi trước mặt người khác và tinh thần là hồn của mỗi việc. Nếu ta làm việc chỉ có ngoại diện mà không có tinh thần, thì chẳng khác nào có xác mà không có hồn – là lòng mến Chúa, thì uổng công phí sức[37]. Do đó, mỗi khi làm việc gì, ta làm vì lòng mến Chúa, thầm thĩ cùng Chúa, “không còn làm việc gì chỉ về người ta nữa”[38]. Ngoài ra, khi nói về bổn phận của chị phụ trách đối với các Tập sinh, Đức Cha khuyên dạy: “Huấn luyện cách cẩn thận cho các chị biết… quen nguyện tắt để kết hợp mật thiết với Chúa”[39]. Về phần mình, các Tập sinh cần phải xét mình hằng ngày, nhất là việc tập dâng lời nguyện tắt. Cách cụ thể, trong tiến trình tập luyện, ứng sinh phải lưu tâm xét lại một ngày mình đã nhớ Chúa mấy lần, hay khi bắt đầu làm việc gì có quen kết hợp cùng Chúa và xin Người chúc lành cho không, và trong giờ làm việc thiêng liêng có quen nhớ Chúa ở trước mặt không[40].
- Hoa trái tình mến
Tinh thần sống bề trong cũng là phương thế giúp ta sống tinh thần của Hội Dòng như “Các chị em Dòng Bác Ái Con Đức Mẹ Mân Côi”. Tình mến Chúa của ta phải được thể hiện qua tình bác ái với tha nhân, với chị em và với chính mình.
Những trải nghiệm về tình Chúa yêu thương là động lực để ta luôn tôn trọng và yêu mến tha nhân. Điều này đã được Thánh Gioan khẳng định: “Nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối”; thánh nhân đề cao tình yêu phải cụ thể vì “ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình”[41]. Thật vậy, khi ta cảm nhận sâu xa được tình Chúa yêu, ta cũng khao khát làm cho nhiều người nhận biết lòng thương xót Chúa. Như Thánh Phaolô, sau khi được Chúa chinh phục đã phải thốt lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”[42]. Đời sống nội tâm là động lực để ta có thể truyền nhựa sống cho người khác khi những hoạt động của ta được bắt nguồn từ sự kết hợp với Chúa Giêsu, Đấng là nguồn mạch đời dâng hiến và phục vụ của ta.
Đối với chị em trong cùng Hội Dòng, đã gọi nhau là chị là em thì ta phải sống chân thành và dễ dàng giúp nhau, vì thế ta được mời gọi “yêu nhau không những thật tình bề trong, lại phải thi hành bề ngoài”[43], và với lòng biết ơn, ta đón nhận người chị em như hồng ân Thiên Chúa. Làm thế nào để ta có thể đón nhận một chị em với tất cả sự khác biệt về nhiều mặt? Nếu không vì Chúa hay vì tình yêu của Người, ta sẽ khó lòng thực thi điều Chúa mời gọi. Nếu không có tình mến Chúa, ta không thể thấy được nơi người chị người em hình ảnh của Chúa để yêu thương như chính ta. Tinh thần kết hợp với Chúa giúp ta yêu người chị em bằng sự vui vẻ thuận hòa, sẵn sàng giúp đỡ, hoặc gặp sự trái ý cũng luôn bình tĩnh, an vui.
Tinh thần bề trong là sức mạnh cho ta có thể yêu chị em, nhưng điều đó không phải tự nhiên có được, vì nó cần đến sự cộng tác của ta bằng việc tu luyện mỗi ngày. Thật vậy, ơn Chúa không làm mất đi con người tự nhiên của ta, nhưng trong tương quan với Chúa ta được trở nên con người vẹn toàn nhờ xây dựng nền nhân bản vững chắc. Ta được mời gọi tập luyện những đức tính cần thiết như sống ngay thẳng, đơn sơ, vui vẻ bằng an, khiêm nhường, thật thà, đoàn kết, hy sinh, hãm mình[44]. Đó là những đức tính cần thiết cho đời tu Mân Côi mà ngay từ khi bước vào nhà Tập ta cần để tâm tập luyện. Việc tự luyện liên tục sẽ giúp ta trở nên linh động trong việc tháp nhập và sống trong tình yêu Thiên Chúa; ta đồng thời duy trì thói quen tự luyện trong nhịp sống mỗi ngày – nơi cộng đoàn, với chị em, qua các sự cố lớn nhỏ, trong đời sống cầu nguyện hoặc môi trường hoạt động tông đồ[45]. Chính nhờ trung thành với việc tự luyện mỗi ngày, ta được trưởng thành hơn về mọi phương diện và đạt tới tầm mức viên mãn của Đức Kitô. Sống tình mến chan hòa với từng chị, từng em, ta cảm nhận rằng Nước Chúa đang hiển trị như Đức Cha xác tín: “Nhà dòng nào giàu đức yêu thương thì ấy là nhà dòng bình an, vui vẻ cùng là hình bóng chốn thiêng đàng”[46].
Đối với bản thân, hoa trái của tình yêu Chúa là sống tâm tình “tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh”[47]. Thật vậy, trong hành trình sống đời dâng hiến, từ lúc khởi sự, trong khi phục vụ và cho đến khi tuổi đà xế bóng, nữ tu Mân Côi được mời gọi sống “tình thân với Chúa chẳng nguôi”[48]. Khi sức lực hao mòn do tuổi cao sức yếu hay bệnh tật, lòng yêu Chúa của ta được thể hiện trong tâm thế bình an và bằng lòng đón nhận chính mình với những giới hạn. Tình trạng sức lực hao mòn của ta có thể không còn khả năng để tự phục vụ, ngay cả những nhu cầu thiết yếu nhất. Thế nhưng, ta vẫn có thể sống đời tận hiến an vui khi khiêm tốn đón nhận sự phục vụ của người khác. Ta yên lòng với những gì Hội Dòng chuẩn bị và người có trách nhiệm chăm sóc. Ta sẵn sàng ôm ấp những khó khăn của bản thân “trong ý hướng cầu nguyện cho các vị truyền giáo và cho công việc tông đồ của Dòng”[49]. Đó cũng là những dấu chỉ của một tâm hồn tin tưởng và yêu mến Chúa, bởi “mọi nẻo con đi Ngài quen thuộc cả”[50]. Tại nơi dưỡng bệnh, ta bình an đón nhận tình trạng sức khỏe mà thầm tạ ơn Chúa đã quan phòng tất cả. Và hơn hết, được “Người gặp gỡ chúng ta trong mọi biến cố vui buồn, trong thử thách hay trong niềm vui, trong đau khổ hay trong bệnh tật”[51].
III. THÁCH ĐỐ THỜI ĐẠI
Đức Cha Tổ Phụ cũng không quên cảnh báo những tính xấu ngăn cản ta sống tinh thần bề trong, như tính hấp tấp, tính tọc mạch và tính hèn nhát. Trước nhất là tính hấp tấp được thể hiện trong ba khía cạnh:
– Tính hấp tấp mơ màng trong trí: là sự bày vẽ ra nhiều việc, việc nào cũng cho là hay nhưng cuối cùng không được một việc gì.
– Tính hấp tấp tỏ ra bề ngoài: là muốn làm nhiều việc trong một lúc. Việc này chưa xong đã muốn bày ra việc khác, hóa ra việc nào cũng nhỡ. Ngay cả việc thiêng liêng cũng muốn làm nhiều và mau xong, nên việc nào cũng nguội lạnh khô khan.
– Tính hấp tấp trong lời nói: nói nhanh nói vội không suy thành ra bất phép lịch sự, nhiều lần sai cũng khó sửa.
Thứ đến là tính tọc mạch: muốn nghe, muốn biết, muốn xem hết mọi sự. Khi biết rồi lại muốn thông báo cho mọi người, nên đã không giữ tai, giữ mắt, thì miệng lưỡi cũng không giữ. Cuối cùng là tính hèn nhát: khi gặp sự gì khó, liền sờn lòng nản chí, và vì thế cũng không dám cố gắng. Việc thiêng liêng cũng ra nguội lạnh[52].
Thực trạng tục hóa trong xã hội hôm nay gây ảnh hưởng ít nhiều trên những con người sống đời thánh hiến; vì thế, chân dung tâm linh về sự sống bề trong của nữ tu Mân Côi cũng đang gặp không ít khó khăn. Điều đáng lo ngại nhất mà Giáo Hội lưu tâm là tình trạng “tầm thường hóa đời sống thiêng liêng”[53]. Mỗi cá nhân hay cộng đoàn chủ trương hoàn thành tốt nhất có thể những công việc hoặc ngay cả sứ vụ. Điều này rất chính đáng nhưng lắm khi nó đòi hỏi ta phải đầu tư công sức và thời gian, và nếu không đủ phản tỉnh, ta cũng dễ rơi vào những trào lưu của xã hội là chuộng thành tích và hiệu năng. Vô hình trung, ta dùng mọi cách thế để đạt cho được kết quả đã đề ra, và có khi chúng “lấn” cả giờ của Chúa. Hoặc khi vì áp lực của công việc đã khiến ta phải bận tâm quá đỗi, nên trong lòng trí ta cùng lúc suy nghĩ nhiều thứ, tính toán nhiều cách và phải giải quyết nhiều việc, đến độ lòng ta khó lặng và tâm ta chẳng thinh. Trong tâm trạng vội vã và xốn xang như thế, ta có thể chu toàn các việc thiêng liêng theo luật định, nhưng ta lại có nguy cơ không cảm nhận được sâu xa hơn những mầu nhiệm hoặc điều Chúa muốn tỏ lộ, bởi trong ta sẵn đầy ắp những hoạch định phải hoàn thành. Điều này khác nào ta đang ở trong tình trạng “hấp tấp thời đại”!
Có thể thấy, sự choáng ngợp của công nghệ thông tin và truyền thông xã hội ảnh hưởng không ít tới cung cách sống của bậc tu trì. Ngoài những mặt tích cực và hữu ích cho con người, thế giới công nghệ nhiều lần được người ta dùng để gây ra nhiều chuyện bất công trên “chiến trường mạng”[54]. Các thông tin thật giả lẫn lộn và biết bao những “comments” vô tình đã khiến nhiều người gánh chịu những đau khổ, oan ức nhưng không sao lý giải được. Vì muốn biết nhiều thứ, nhưng lại thiếu sự phân định giữa cái cần hoặc không cần, nên khi bước vào trang mạng, người ta không “kìm chế” được mắt – tai – miệng. Do đó, đã không chỉ mất nhiều thời gian để lướt web, mà người ta còn tốn phí nhiều giờ để “suy và nói”, ngay cả những điều xem ra “rất ảo”. Thiết nghĩ, đây cũng là những dấu hiệu của tính “tọc mạch thời đại” mà chúng ít nhiều tác động đến tinh thần sống bề trong hay đời sống cầu nguyện của người tận hiến Mân Côi!
Suy xét kỹ thì ta thấy rằng, tình trạng quá tải công việc, hoặc tâm trí quá bận rộn với những kênh thông tin có khi thiếu lành mạnh trên mạng cũng làm cho ta rơi vào sự bấp bênh giữa việc dành giờ cho Chúa hay cho hoạt động, giữa nhu cầu thật và nhu cầu ảo. Sự giằng co nội tại có lẽ không nhỏ, bởi vì sức cuốn của những gì mang tính “thế gian” như thể mạnh thế hơn hấp lực của Chúa. Trong thực tế sẽ không tránh khỏi những lần ta thất bại khi thực hiện những công việc bên ngoài mà quên kết hiệp cùng Chúa, hoặc ta đã bỏ cuộc vì những đòi hỏi của kế hoạch phải hoàn tất mà không giữ được những giờ thiêng liêng sốt sắng. Ngoài ra, khó khăn do “tình trạng dự phóng riêng tư chiếm ưu thế hơn cộng đoàn”[55] đã khiến cho các giờ thiêng liêng chung của cộng đoàn ra rời rạc, thiếu lửa mến. Nếu quả thực là vậy, ta đang gặp thất bại trong hành trình dâng hiến “do việc kém gắn bó với Thiên Chúa”[56]. Và hậu quả là, “khi nào người ta đành lòng bỏ hay giảm bớt những việc thiêng liêng…, thì người ta sẽ sa vào sự trễ nãi khốn nạn rồi”[57]. Phải chăng tính “hèn nhát thời đại” này đã thực sự có mặt trong nếp sống tâm linh của chúng ta?
TẠM KẾT
Dòng thời gian 75 năm trôi qua, Hội Dòng Mân Côi được lớn lên từng ngày trong lòng Mẹ Giáo Hội. Mỗi người chúng ta thầm tạ ơn Chúa đã trao ban cho Hội Dòng, qua vị sáng lập, một chân dung tâm linh về tinh thần sự sống bề trong – là bức vẽ đã được để lại cho chúng ta khi đi theo Đức Giêsu và sống cho Người. Qua bức họa đời sống tâm linh với những nét rất riêng của nữ tu Mân Côi, ta diễn tả cách đặc biệt tinh thần sống bề trong ấy qua các giờ thiêng liêng, trong việc tôn thờ Thánh Thể Chúa, hoặc năng thầm thĩ nguyện tắt với Chúa. Ta đồng thời đáp ứng yêu sách của tình yêu là trân quý sự thinh lặng để có không gian dành riêng cho Người. Hơn nữa, trong tình thân với Chúa, ta được mời gọi yêu thương những người thân cận. Bởi vì hai mặt của một thực tại – “Trước kính mến một Đức Chúa Trời, sau là yêu người như mình ta”, là yêu sách không thể thiếu trong tình yêu đối với Thiên Chúa. Chính trong niềm hạnh phúc được ở lại với Chúa, ta luôn muốn mang Chúa đến với người khác qua từng suy nghĩ, công việc, lời ăn tiếng nói và nhất là thao thức rao truyền Chúa cho người khác. Hơn nữa, ta được mời gọi sống với chị em bên cạnh ta cách “dễ ăn dễ ở”. Điều này mời gọi ta phải tự luyện để có thái độ: “Việc làm thảy phải ngay lành, tịnh tâm khắc kỷ, ngôn hành hẳn hoi”[58]. Ngoài ra, hoa trái thiêng liêng còn được biểu hiện nơi chính ta khi bình an đón nhận hiện trạng của bản thân, cả khi ta không còn sức phục vụ vì bệnh tật hay vì tuổi tác; bởi ta luôn được mời gọi đáp lại tình yêu Chúa bằng sự yên lòng với niềm xác tín rằng: “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa”[59].
Xuyên suốt hành trình 75 năm ấy, Hội Dòng chúng ta đã trải qua rất nhiều thăng trầm, nhưng không thiếu những trải nghiệm của niềm vui vì chúng ta tin có Chúa hiện diện và Ngài luôn hướng dẫn chúng ta. Trước những thách đố hiện tại, mỗi chị em Mân Côi được mời gọi sẵn lòng tiếp tục hoàn thiện chân dung tâm linh mà các bà và các chị đi trước đã trung thành gìn giữ. Nhờ đó, bức chân dung do Đức Cha Tổ Phụ đã khởi sự sẽ sáng lên hơn nhờ những mảnh ghép hy sinh âm thầm, cùng nỗ lực sống thiêng liêng sốt sắng mỗi ngày của từng chị từng em Mân Côi đang hiện diện trên những vùng miền khác nhau – trong và ngoài đất nước. Sự sống còn của ơn gọi nơi mỗi cá nhân khởi đi từ đó sẽ là sức sống mãnh liệt của cả Hội Dòng. Sự phong phú và hiệp nhất nơi mỗi cộng đoàn cũng sẽ dệt nên sự phong phú và hiệp nhất trong một Hội Dòng. Ý thức được trách nhiệm của mỗi chúng ta trong việc làm cho Hội Dòng phát triển, đặc biệt về đời sống thiêng liêng để làm sáng danh Chúa, một lần nữa chúng ta xác tín lời dạy của Đức Cha Tổ Phụ: “Chị em muốn vững vàng trong bậc cao quý của mình và giữ trọn những việc về bậc ấy, muốn được những sự yên ủi và lập công nghiệp, hãy sống bằng đức tin, hãy làm cho tinh thần bề trong tăng tiến lên”[60].
Khi cùng nhau vẽ bức chân dung tâm linh trong cuộc đời thánh hiến Mân Côi, chúng ta không quên xin Mẹ Mân Côi hằng đồng hành và phù hộ chúng ta trên mọi nẻo đường bởi vì Mẹ là Mẹ của tất cả chúng ta. Hãy cùng nhau ta xác tín lại lời của vị cha chung: “Ở cùng nhau một nhà, ăn chung với nhau một nhà chưa chắc là hợp nhất. Phải có cả tinh thần bề trong, nhận nhau như con một nhà, vì hết thảy là con cái Đức Mẹ Mân Côi”[61].
Nt. Maria Tố Oanh, FMSR.
[1] Ga 16, 28
[2] VNTLG: Đoạn VI, 1; GSD I, tr. 247
[3] VNTLG: Đoạn V, 1; GSD I, tr. 217
[4] Tv 114, 9
[5] Tv 39, 1-2
[6] VNTLG: Đoạn VI, 4; GSD I, tr. 252
[7] HP ĐCTP 1: khoản 72; GSD I, tr. 97
[8] MNT: số VI, 2; GSD I, tr. 434
[9] HLD 45.4
[10] x. NVBT: Đoạn II, 8; GSD I, tr. 150
[11] NVBT: Đoạn III, II, 7; GSD I, tr. 163
[12] Đinh Đức Đạo, “Cầu nguyện và đời thánh hiến”, Khóa bồi dưỡng, Roma 2003, tr. 15
[13] TH 93
[14] Gl 2, 20
[15] VNTLG: Đoạn VII; GSD I, tr. 258
[16] ĐGH. Phanxicô, “Sức mạnh của ơn gọi”, 2019, tr. 76
[17] x. TH 93
[18] VNTLG: Đoạn VII; GSD I, tr. 259; HLD 15.1
[19] MNT: số VIII; GSD I, tr. 439
[20] VNTLG: Đoạn VII; GSD I, tr. 259
[21] x. VNTLG: Đoạn VII; GSD I, tr. 260
[22] TH 95
[23] x. XP 26
[24] DT 6
[25] x. HLD 16.3
[26] VNTLG: Đoạn VII, IV; GSD I, tr. 274-277, 537
[27] VNTLG: Đoạn VII, XI; GSD I, tr. 309
[28] VNTLG: Đoạn VII, IV; GSD I, tr. 275
[29] HP ĐCTP 1: khoản 111; GSD I, tr. 103
[30] MNT: XV; GSD I, tr. 451
[31] GSD I, tr. 435
[32] TL: VI; GSD I, tr. 529
[33] x. HLD 17.4; VNTLG: Đoạn VII, VII; GSD I, tr. 283-284
[34] VNTLG: Đoạn V, 3; GSD I, tr. 220
[35] HP ĐCTP 1: khoản 73; GSD I, tr. 97
[36] VNTLG: Đoạn VI, 1; GSD I, tr. 247
[37] x. GMCT: Đoạn VI; GSD I, tr. 342
[38] GMCT: Đoạn IV; GSD I, tr. 335
[39] NVBT: Đoạn II, số II, 5; GSD I, tr. 149
[40] x. VNTLG: Đoạn VII, số VII; GSD I, tr. 284-285
[41] 1Ga 4, 20-21
[42] 1Cr 9, 16
[43] VNTLG: Đoạn V, 4; GSD I, tr. 223
[44] x. BTND: Trí ý phải có, số 6; GSD I, tr. 370; x. VNTLG: Đoạn II; GSD I, tr. 183-198
[45] x. XP 15
[46] VNTLG: Đoạn V, 4; GSD I, tr. 222
[47] 1Tx 5, 18
[48] VNTLG: Đoạn VI, 4; GSD I, tr. 251
[49] HLD 34.4
[50] Tv 139, 3
[51] x. XP 23
[52] x. VNTLG: Đoạn VI, 5; GSD I, tr. 254, 362
[53] x. XP 12
[54] x. ĐGH. Phanxicô, Thông điệp “Tất cả anh em”, số 42-43
[55] x. XP 12
[56] TH 63
[57] MNT: số VIII; GSD I, tr. 439
[58] VNTLG: Đoạn VI, 4; GSD I, tr. 251
[59] Rm 8, 39
[60] MNT: số VI, 2; GSD I, tr. 434
[61] VNTLG: Đoạn II, 6; GSD I, tr. 192