Đức Kitô – niềm hy vọng của chúng ta

ĐỨC GIÊSU KITÔ – NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA

THIÊN CHÚA, ĐẤNG TRUNG TÍN và YÊU THƯƠNG

Sứ điệp Truyền Tin hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa từ bao năm trước với dân Chúa, đặt nền tảng trong tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Trong đoạn Tin Mừng Lc 1,26-38 tường thuật biến cố Truyền Tin: “Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nazareth, gặp một Trinh Nữ tên là Maria. Sứ thần vào nhà Trinh Nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào ấy có nghĩa gì? Sứ thần liền nói: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavid, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacob đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận.”

Sứ điệp được truyền đến Đức Trinh Nữ Maria, “Này bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu[1]đây chính là lời hứa Cứu độ của Thiên Chúa, nay đến thời đã mãn, được hiện thực qua mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể.

Chúng ta còn nhớ ngay buổi bình minh trong công trình Sáng Tạo. Thiên Chúa đã dựng nên trời đất muôn loài và đỉnh cao là con người- Adam, Evà – hai ông bà nguyên tổ. Thiên Chúa đã yêu thương và đặt vào vườn Eden để canh tác với một lệnh truyền phải tuân giữ… nhưng 2 ông bà nguyên tổ đã nghe lời dụ dỗ của con rắn, bất tuân lệnh Thiên Chúa, sa ngã và hậu quả của tội lỗi mà con người phải gánh chịu là đau khổ, và ngay cả bị trục xuất khỏi vườn địa đàng. Cánh cửa thiên đàng đã đóng lại. Dẫu thế, Thiên Chúa vẫn yêu thương, không đành bỏ mặc con người. “Thiên Chúa làm cho con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ. Thiên Chúa còn hứa sẽ thực hiện chương trình cứu độ. Thiên Chúa đã gieo vào lòng Adam và Eva một Niềm Hy Vọng, khi nói với con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà; dòng giống mi và dòng giống người ấy[2]. Thiên Chúa không lãng quên lời đã hứa và Dân Chúa luôn dưỡng nuôi  một niềm hy vọng dựa vào lời Thiên Chúa hứa. Trong suốt dòng lịch sử thăng trầm của dân Chúa, nhất là vào thời khắc họ mất quê hương, sống kiếp nô lệ chịu bao khổ sở tủi nhục trong cảnh lưu đày tưởng chừng diệt vong bên Babylon. Nhưng Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Isaia, vị ngôn sứ của niềm hy vọng: “Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giêrusalem”[3]. Thiên Chúa đã ghé mắt và ra tay cứu vớt họ, khơi lại trong họ một niềm tin tưởng vào Thiên Chúa- Đấng Hiện Hữu luôn ở bên họ; Đấng bảo đảm cho họ sự giải thoát. Như lời tiên tri Isaia phán “chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu chỉ:  này một Trinh Nữ sẽ thụ thai sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là EMMANUEL nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.[4] Thật vây, Thiên Chúa đã đồng hành với họ, dẫn đưa họ trở về quê hương, phục hồi vận mệnh của họ. Thiên Chúa đã lau khô mọi giọt lệ của dân Chúa. Điều quan trọng là dân Chúa không chỉ trở về quê hương mà họ quay trở về với Thiên Chúa, họ đã nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong suốt hành trình hồi hương của họ, nhận ra Thiên Chúa là Đấng thành tín. Hành trình ra khỏi kiếp nô lệ tới tự do cũng được coi là hành trình được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi để sống lại mối tình thân với Thiên Chúa. “Mỗi bước đi, mỗi mệt nhọc, mỗi thử thách, mỗi vấp ngã và mỗi đứng dạy[5] của họ đều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, là Đấng muốn sự sống cho dân Người chứ không phải sự diệt vong, niềm vui chứ không phải đau khổ. Tình yêu và ân sủng của Người đã xóa bỏ mọi tội lỗi của họ, lòng tràn ngập niềm vui khôn tả họ thốt lên “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! ta thấy mình chan chứa một niềm vui[6].

Mầu nhiệm cứu độ ẩn giấu từ bao năm trước, nay được mạc khải trọn vẹn nơi Ngôi Lời Nhập Thể – Niềm Hy Vọng đã bước vào trần gian. Sứ điệp trong biến cố Truyền Tin là một Tin Mừng trọng đại. Tin Mừng ấy cũng sẽ được Thiên Thần loan báo trong ngày Con Chúa giáng sinh, cho các mục đồng tại Bê-lem, “Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại cũng là tin mừng cho toàn dân. Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Đa-Vit, Người là Đấng Kitô Đức Chúa[7]. Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn nơi Người”. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa Hằng sống đã trở nên gần gũi, hữu hình, có thể nghe, có thể đụng chạm được để từng người có thể kín múc sung mãn nguồn ân sủng và chân lý. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta vô tận. Đây chính là niềm hy vọng đích thực của Kitô giáo. Một niềm hy vọng bền vững dựa trên nền tảng tình yêu Thiên Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta. Mỗi người chúng ta “xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có quyền năng thực hiện”[8]. Khi xưa do sự bất tuân của E-Và mà cửa thiên đàng đóng lại, nay nhờ tiếng “xin vâng” của Đức Maria Thiên Chúa lại cho rộng mở đón hết thảy mọi người.

ĐỨC MARIA, MẸ CỦA NIỀM HY VỌNG

Chúng ta nhìn lên Đức Maria, Mẹ của niềm hy vọng.[9] Trong biến cố Truyền Tin, Mẹ đã đón nhận Thánh ý Chúa với niềm tin tưởng phó thác và can đảm thưa tiếng “xin vâng” trước lời mời của sứ thần dù không biết vận mệnh cuộc đời mình sẽ ra sao? Khi đề vận đến sự kiên định trong hy vọng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi đề cập đến sự kiên định trong hy vọng đã nói: “Niềm Hy Vọng tìm được chứng tá tối thượng nơi Mẹ Thiên Chúa. Nơi Đức Trinh Nữ diễm phúc, chúng ta thấy rằng niềm hy vọng không phải là sự lạc quan ngây thơ mà là một món quà ân sủng giữa những thực tại của cuộc sống.” Thật vậy, trong mọi biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu, Mẹ đồng hành với con mình trong âm thầm lặng lẽ, có những lúc mẹ không hiểu được tất cả những gì xảy ra, nhưng Mẹ suy gẫm trong tâm hồn… Nhất là dưới chân thập giá, khi chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, người con yêu dấu của Mẹ. “Quá đau buồn, mọi hy vọng dường như đã bị dập tắt. Lời Chúa hứa trong ngày Truyền Tin đã không trở thành hiện thực sao! Thế nhưng Mẹ vẫn tiếp tục lời “fiat”…không bao giờ từ bỏ niềm hy vọng và tin tưởng vào Thiên Chúa. Trong nỗi đau khổ được dâng hiến trong tình yêu, Đức Maria đã trở thành Mẹ của chúng ta, Mẹ của niềm hy vọng”.. Các tín hữu với lòng đạo đức bình dân thường cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria là Slella Maris (Sao Biển), một tước hiệu nói lên niềm hy vọng chắc chắn rằng, giữa những giông tố của cuộc đời này, Mẹ Thiên Chúa đến giúp đỡ chúng ta, nâng đỡ chúng ta và khuyến khích chúng ta trong niềm hy vọng và tín thác.”[10]

GẶP GỠ CHÚA GIÊSU – TÌNH YÊU CỨU ĐỘ

Niềm hy vọng là thông điệp trọng tâm trong Năm Thánh 2025. Đây là thời điểm mỗi người chúng ta gặp gỡ với Chúa Giêsu.

“Cánh cửa” ơn cứu độ của chúng ta, Đấng mà Giáo Hội có nhiệm vụ phải loan báo luôn luôn, ở mọi nơi và cho hết mọi người là Niềm hy vọng của chúng ta[11]. Cửa Thánh tại các nhà thờ chánh tòa trên khắp thế giới được mở ra để mời gọi mọi người: tận dụng thời gian trong Năm Thánh này, để trải nghiệm mãnh liệt tình yêu của Thiên Chúa, đánh thức trong tâm hồn niềm hy vọng chắc chắn về ơn cứu độ nơi Đức Kitô. Chúng ta đã có thể thực hiện những cuộc hành hương gần xa, nhưng cần lắm có những cuộc hành hương nội tâm, hành hương đức tin hướng chúng ta tới sự gắn bó cá vị với Chúa Giêsu cốt ở việc “ở lại trong Chúa Giêsu.” Cụ thể chúng ta sống mầu nhiệm gặp gỡ Chúa Giêsu trong những giây phút cầu nguyện, mỗi khi đến với Chúa, kết hiệp với Chúa qua bí tích Thánh Thể, mở lòng đón nhận Lời Chúa, để được Chúa biến đổi. Chính sự mới mẻ bên trong đó sẽ làm cho tâm hồn chúng ta bừng cháy và cuộc sống của chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui Tin Mừng – hồng ân cứu độ. Bởi vì chính Chúa Giêsu đã hứa: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy … để niềm vui của anh em được trọn vẹn.”[12]

Lạy Mẹ Maria mến yêu, chúng con ngước trông lên Mẹ là Mẹ của niềm hy vọng. Mẹ đã được đầy tràn ân phúc Chúa ban. Nhờ Mẹ, chúng con được lãnh nhận Quả Trường Sinh là Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Mẹ đã được chúc phúc vì …. Mẹ đã kiên vững trong niềm tin tưởng vào quyền năng của Chúa và để Chúa dẫn dắt trong cuộc đời mình. Xin Mẹ thương giúp chúng con biết cách chờ đợi tương lai trong Thánh ý Chúa; đón nhận tương lai với niềm hy vọng – niềm hy vọng đặt nơi Thiên Chúa; luôn nhớ có Chúa, là Đấng yêu thương, hiện diện trong cuộc sống của chúng con. Qua mầu nhiệm Nhập Thể, chúng con cảm nghiệm được tình Chúa yêu chúng con dường nào! Thiên Chúa đã ban Con Một của Người cho chúng con, để cứu độ chúng con và cho chúng con được hưởng nguồn ân sủng dồi dào từ nơi Ngài. Xin Mẹ giúp chúng con noi gương Mẹ, luôn kết hiệp đời mình với Chúa Giêsu, ở với Ngài để cuộc sống của chúng con được tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và kiên vững bước theo Ngài trong ơn goi thánh hiến. Amen.

Sr Maria Minh Hằng, Fmsr

(trích nguyện gẫm 25/03/2025)

[1]  X. Lc 1,31

[2] X. Stk 3, 14-15

[3] X. Is 52 7-9

[4] X. Is 7,10-14

[5] Đức Phanxico x. G.Lý Niềm Hy vojnh Kitô giáo

[6] X. Tv 126,3

[7] X Lc 2,10-11

[8] X. Rm 4,22

[9] X Ga 19, 25-27

[10] X. SC năm Thánh 2025 s.24

[11] X. SC Năm Thánh 2025 s. 24

[12] X. ga 15,10-11

About dongmancoichihoavn

Check Also

Mùa Chay yêu thương

Mùa Chay không chỉ là thời gian chiêm niệm trong thinh lặng, mà còn là hành trình lên đường – hành trình của tình yêu được cụ thể hóa qua việc sẻ chia với những người nghèo khổ bên lề cuộc sống.

Để lại một bình luận