CHỦ ĐỀ SỐNG THÁNG 05 VÀ 06-2023
TƯƠNG QUAN VỚI MỌI NGƯỜI
BẰNG MỘT TÌNH YÊU PHỔ QUÁT
Một luật sĩ đến hỏi thử Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, giới răn nào lớn nhất trong Lề Luật?” Chúa Giêsu nói với người ấy:“Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi! Đó là giới răn lớn nhất, giới răn đệ nhất. Thứ đến cũng giống điều ấy: Ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật cùng các tiên tri đều quy vào hai giới răn ấy”[1]. Qua đó, Chúa Giêsu đã định nghĩa rõ về đức ái phổ quát, qua đó ta thấy đức ái phổ quát liên quan đến mọi người, mọi sắc tộc, mọi giai cấp, ở mọi nơi, và cho mọi thời đại.
Ngay từ khi xưng tội rước lễ lần đầu khoảng 8-9 tuổi, ai trong chúng ta cũng thuộc lòng hai giới răn mến Chúa và yêu người. Từ đó, theo trình độ phát triển của tuổi tác cũng như học vấn, ta được hiểu biết thâm sâu hơn về ý nghĩa cũng như cách thức áp dụng cụ thể giới luật đức ái phổ quát này trong cuộc sống. Quả thế, hai giới răn được tóm tắt rất đơn giản và ngắn gọn nhưng để sống đúng theo ý định của Thiên Chúa, thật không đơn giản chút nào.
Khi tuyên khấn, chị nữ tu Mân Côi đã công khai rằng chị sẽ “quyết tâm cùng với chị em trong Hội Dòng thực thi đức ái trọn hảo theo tinh thần Phúc Âm”[2]. Qua lời khấn, chị đã tự nguyện cam kết với Thiên Chúa và với cộng đoàn dân Chúa rằng chị sẽ sống đức ái phổ quát một cách triệt để và tròn đầy hơn mỗi ngày. Hơn nữa, chị đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, thuộc về Người và có trách nhiệm mang niềm vui ơn cứu độ đến cho mọi người, nên chị có trách nhiệm sống và truyền đạt sứ mạng này. Giáo Luật số 573 §1 nêu rõ điều này: “Đời sống thánh hiến qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm là một lối sống bền vững, nhờ đó các tín hữu theo sát Đức Kitô, dưới tác động của Thánh Linh, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa như Đấng đáng mến yêu tột bậc, ngõ hầu, một khi đã hiến thân, với một danh nghĩa mới và đặc biệt, cho việc tôn vinh Thiên Chúa, cho việc kiến thiết Giáo Hội và cho phần rỗi thế giới, họ nhắm tới đức ái hoàn thiện trong việc phục vụ nước Chúa”.
Vì thế, chị rất gần gũi với tâm tư của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đối với Chúa Cha, đức ái phổ quát luôn là niềm thao thức mong mỏi con cái nhân loại sống với nhau như anh em trong một nhà. Nỗi ưu tư của Chúa Giêsu là các môn đệ hiểu và sống đức ái theo cách Người đã dầy công chỉ dạy. Trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, Ngôi Ba Thiên Chúa hằng liên lỉ soi sáng và hướng dẫn dân Chúa mong sao con người đâm bông kết trái tình yêu: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hoà, tiết độ”[3].
Để giúp chúng ta sống đức ái phổ quát một cách thực tế và trọn hảo theo lòng Chúa mong muốn, chúng ta cùng nhau tìm hiểu hai khía cạnh sau đây:
– Trách nhiệm với nhau
– Tôn trọng mọi người
- Chúng ta có trách nhiệm với nhau
Trách nhiệm được định nghĩa là, “Điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình”[4]. Ngay trong những chương đầu của sách Sáng Thế, ta thấy Thiên Chúa hỏi Cain: “Abel, em con đâu rồi?” Cain trả lời: “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?”[5]. Qua câu hỏi này, ta cảm nhận được sự thao thức của Chúa Cha cho các thụ tạo của mình. Ngài đã, đang, và hằng nghe tiếng than thấu trời của những người con xấu số. Câu trả lời “con không biết; con có phải là người giữ anh em con đâu” làm cho lòng Cha đau xót chừng nào. Phải chăng Chúa Cha vẫn hằng hỏi từng chị em Mân Côi: “Em con đâu? Chị con đâu? Đối với những người thân huyết tộc, chị có thể dễ dàng trả lời. Nhưng đối với những người không quen thuộc, không có trách nhiệm theo huyết tộc hay lời cam kết, chị sẽ thưa lại như thế nào?
Theo khuynh hướng tự nhiên, ta sẽ đùm bọc những người thân và họ hàng huyết tộc của mình. Điều này rất được khuyến khích và khi quảng đại thực hiện, ta thường được khen là người có hiếu, sống có tình có nghĩa. Nhưng là nữ tu Mân Côi, với lời khấn hứa sống tinh thần đức ái Phúc Âm, chị phải đi xa hơn một bước nữa. Ba Mẹ và anh chị em của chị không chỉ gồm những người trong gia đình ở quê nhà, nhưng còn là những người trong làng xóm, những người từ khắp muôn phương, những người không cùng màu da, khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Đối với những người này, chị cũng có trách nhiệm chia sẻ tình yêu và sự quan tâm. Đức Thánh Cha Phanxicô quả quyết điều này và mời gọi chúng ta có “cái nhìn của Thiên Chúa”:
Khi chúng ta nói về “ơn gọi”, không chỉ là vấn đề lựa chọn hình thức sống này hay hình thức sống khác, cống hiến cuộc đời mình cho một sứ vụ nào đó hoặc được lôi cuốn bởi đặc sủng của một dòng tu, phong trào hay cộng đoàn giáo hội. Đó là việc biến ước mơ của Thiên Chúa thành hiện thực, viễn tượng tuyệt vời về tình huynh đệ mà Chúa Giêsu đã ấp ủ khi cầu nguyện với Chúa Cha “xin cho tất cả nên một” (Ga 17:21). Mỗi ơn gọi trong Giáo Hội, và theo nghĩa rộng hơn trong xã hội, đều góp phần vào một mục tiêu chung: làm vang lên nơi những người nam nữ sự hài hoà của nhiều ân sủng khác nhau mà chỉ có Chúa Thánh Thần làm được. Các linh mục, nam nữ thánh hiến, giáo dân bước đi và làm việc cùng nhau để làm chứng rằng một đại gia đình nhân loại hiệp nhất trong tình yêu không phải là viễn tượng không tưởng, mà là chính mục đích mà Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta[6].
Mỗi lần đọc kinh Lạy Cha là mỗi lần chị thưa với vị Cha Chung trên trời rằng mọi người là anh em của chị trong đại gia đình dân Chúa. Yếu tố trách nhiệm trong một gia đình là cùng nhau chia vui sẻ buồn. Nếu các thành viên trong gia đình không chu toàn trách nhiệm của mình, thì gia đình đó sẽ dễ dàng đổ vỡ. Trong đại gia đình dân Chúa, tinh thần đức ái phổ quát đòi buộc chị cũng phải chia vui sẻ buồn với mọi người, dù anh chị em đó khác màu da, tín ngưỡng, địa vị, hoặc giai cấp. Dân Chúa quá đông; công việc quá nhiều; sức lực kém cỏi; thời gian eo hẹp. Và còn nhiều giới hạn khác nữa. Chị như một hạt cát bé nhỏ, như giọt nước trong đại dương bao la. Vậy chị phải chu toàn trách nhiệm là một thành viên trong đại gia đình dân Chúa bằng cách nào?
Chị có thể hỏi Chúa như viên luật sĩ hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10:29). Trong dụ ngôn người Samari nhân hậu[7], người anh em thân cận của chị là những người xấu số mà chị có thể gặp bất cứ lúc nào. Nhiều khi không phải chị không quan tâm nhưng vì có thể bị phiền hà, bất lợi, không thuận tiện hoặc ngoài trách nhiệm của mình nên chị không lưu ý. Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu cho thấy một người bình thường, không thông luật đạo Chúa, đã dừng chân, mở lòng giúp đỡ. Anh cũng phải tạm gác công việc của anh sang một bên, chịu thiệt thòi và bất lợi để giúp người gặp nạn. Vậy chị thì sao? Chúa Giêsu đang mời gọi chị cũng làm như thế. Tuy nhiên, cũng có khi chúng ta bị giới hạn bởi luật phép của cộng đoàn, của Hội Dòng, nhưng chúng ta vẫn có thể khôn ngoan sắp xếp để chu toàn sứ vụ đức ái, đồng thời không coi nhẹ các giá trị của đời sống tu trì. Vì thực tế, nếu không có tinh thần tu đích thực thì việc bác ái ta làm cũng không bền vững, chỉ nhất thời mà thôi.
Sẽ đến một ngày, không những ta phải trả lẽ về những việc xấu ta đã làm mà còn bị trừng phạt vì những việc lành ta không làm cho tha nhân. Nếu phải trả lẽ có nghĩa là ta có trách nhiệm mà không chu toàn. Như vậy có nghĩa là chị nữ tu Mân Côi có trách nhiệm thực thi tinh thần đức ái phổ quát khi có thể. Hai dụ ngôn dưới đây nêu rõ điều này:
– Dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó cho ta thấy không phải ông nhà giàu keo kẹt, không muốn giúp đỡ anh Ladarô ăn xin trước cửa nhà mình hàng ngày. Ông nhà giàu thật sự đã không “nhìn thấy”, không quan tâm tới ai nên không biết có kẻ ăn xin ở cổng nhà mình trong thời gian lâu dài như thế. Bằng chứng là khi nhìn ra sự thật, ông đã xin cho Ladarô về cảnh báo cho năm anh em còn lại, cũng đang trong tình trạng như ông khi còn sống[8].
– Dụ ngôn thứ hai nói về ngày cánh chung, khi Thiên Chúa trừng phạt những kẻ không giúp đỡ những người anh em có nhu cầu:
“Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng”. Bấy giờ, những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?”. Bấy giờ, Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời”[9].
Những người bị Chúa phạt trong hai dụ ngôn trên đều không ý thức và không rõ mình có trách nhiệm với người khác trong đại gia đình dân Chúa. Họ không cố ý làm như thế. Tuy vậy, Chúa vẫn quy trách nhiệm về họ. Nhiều khi ta quá mải mê trong công việc đến nỗi không “thấy”, không “cảm”, không “quan tâm” đến những lầm than của những người chung quanh ta. Có lẽ Chúa sẽ không chấp nhận các lời bào chữa như, “con không biết”; “con không thấy…” hoặc “con quá bận rộn”. Vậy nếu anh em ruột thịt của ta là những nạn nhân trong cuộc chiến tranh tại Ukraine hay trong vụ động đất cướp mất hơn 1.000 người và hơn 1.600 người bị thương tại Afghanistan mới xảy ra ngày 22-06-2022 vừa qua, ta sẽ có những cảm xúc như thế nào? Những tang thương đang xảy ra trước mắt ta, ta có tha thiết cầu nguyện, hy sinh, cảm thương, tìm cách giúp đỡ? Ta có theo dõi tin tức để hiệp thông? Lòng ta có xót thương cho người chồng, người vợ mất hết những người thân trong gia đình? Khi ta được sống trong an bình, ăn no, mặc ấm, ta có biết ơn Chúa và cảm thông với những gia đình đông con, nghèo khổ, ngay trong khu xóm mình, họ phải lo ăn từng bữa, và không biết xoay sở cách nào để trả tiền thuê nhà đã đến hạn trong ngày mai? Dù ý thức hay vô thức, muốn hay không, ta vẫn có trách nhiệm với anh chị em ta trong đại gia đình dân Chúa. “Họ là những con người cụ thể và độc nhất đang quằn quại dưới sức nặng không chịu đựng được của cảnh khốn cùng. Họ là hàng triệu con người sống không hy vọng, vì ở nhiều nơi trên trái đất, tình trạng của họ rõ ràng đã trở nên bi thảm hơn. Đối diện với những cảnh cùng cực và thiếu thốn của bao anh em chúng ta, chính Chúa Giêsu đang chất vấn chúng ta đó”[10].
- Sự tôn trọng: Nền tảng của tình yêu phổ quát
Chẳng ai được chọn cha mẹ cũng như nơi chốn sinh thành của mình. Cha mẹ cũng chẳng có cách nào để làm cho con mình thông minh, khỏe mạnh, xinh đẹp, tuấn tú. Chúng ta được sinh ra nơi trần gian này do sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài[11]. Do đó, phẩm giá của mọi người được khẳng định là “bất khả xâm phạm”, và phải được tôn trọng. Sự tôn trọng này không dựa trên giai cấp xã hội, màu da, sắc tộc, hay dựa trên tài năng, sắc đẹp… Nhưng sự tôn trọng phải đặt trên nền tảng duy nhất là Thiên Chúa: mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng: “Mọi phân tích phải nhất thiết khởi đi từ tiền đề rằng tuy mỗi con người sống trong một cảnh vực lịch sử, xã hội cụ thể nhưng ai nấy đều được phú cho một phẩm giá mà không bao giờ được phép hạ thấp, gây phương hại hay hủy hoại, trái lại phải tôn trọng và bảo vệ nếu muốn xây dựng hoà bình thực sự”[12]. Dòng Gioan Thiên Chúa, với mục vụ chính là giúp đỡ các bệnh nhân, khẳng định rằng: “Đây là lý do nền tảng để có sự bình đẳng cơ bản và tình huynh đệ giữa mọi người bất luận chủng tộc, quốc gia, phái tính, nguồn gốc, văn hóa và giai cấp xã hội. Tôn trọng phẩm giá con người là một đặc tính cốt yếu của thái độ Kitô Giáo chân chính[13]. Thái độ Kitô Giáo đó chính là đức ái phổ quát.
Phần chúng ta, chị nữ tu Mân Côi phải có thái độ như thế nào để thể hiện được đức ái phổ quát? Chị đã hiến dâng trọn cuộc đời cho Thiên Chúa, bước theo Đức Kitô để phục vụ tha nhân với tình yêu rộng mở[14]. Nói như thế có nghĩa là chị sẽ cố gắng mặc lấy tâm tư của Chúa Giêsu và họa theo cách Người đã tôn trọng mọi người.
a) Tôn trọng những người bị loại trừ vì khiếm khuyết bệnh hoạn hoặc tội lỗi
Thời Chúa Giêsu, bệnh phong cùi là một căn bệnh nan y, bệnh nhân phải cách ly khỏi cộng đoàn nếu không muốn nói là bị khai trừ. Nhất là đối với luật của Do Thái Giáo, bệnh nhân phải tự tránh xa những người khác và không ai được đến gần hay tiếp xúc với họ, nếu không sẽ bị coi là ô uế! Thế mà, Chúa Giêsu vượt qua ranh giới của luật định để đến với người phong cùi, chạm đến họ và chữa lành họ[15]. Đối với người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu không lên án bà theo luật dạy. Một lần nữa Ngài đã vượt qua quan điểm và lề luật của thời đó, không lên án bà và cũng không ném đá bà dù vẫn công nhận tình trạng tội lỗi của bà[16]. Hai câu chuyện trên đều nói đến sự tôn trọng phẩm giá con người dù họ nhơ uế tội lỗi đến đâu. Chúa Giêsu mời gọi ta nhìn nhận “phẩm giá của mọi con người là một sự thực, cho dù họ có thể có những khiếm khuyết hay giới hạn nào, hay họ có thể bị rơi vào tình trạng thấp hèn nào trong xã hội”[17]. Như thế, ta mới có đủ lòng từ tâm để đối xử với họ như anh em ruột thịt và tận tình giúp đỡ họ[18].
Thực tế trong đời sống cộng đoàn:
- Ta có khuynh hướng loại trừ, khinh khi các chị em có những thói quen xấu.
- Ta thiếu kiên nhẫn trong việc đón nhận những chị em có những khiếm khuyết về thể lý.
b) Tôn trọng những người khác sắc tộc, khác văn hóa
Khi nói đến sự khác biệt giữa các tín ngưỡng hay sắc tộc thì buộc ta phải nói đến sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Milton Bennett, nhà xã hội học của Mỹ, là người đầu tiên tạo ra mô hình nhạy cảm giữa các văn hóa khác nhau. Mô hình này còn được gọi là thang điểm Bennett (DMI), diễn tả 6 nấc thang phát triển sự nhạy cảm liên văn hóa. Nguyễn Quang rút gọn 6 nấc thang như sau:[19],[20]
- Chối bỏ sự khác biệt (denial of difference) – Không công nhận văn hóa khác.
- Chống lại khác biệt (defense against difference) – Tự đánh giá nền văn hóa của mình trổi vượt hơn những nền văn hóa khác. Văn hóa của “chúng tôi” hay hơn, và của “họ” thì dở hơn.
- Giảm thiểu khác biệt (minimization of difference) – Không xem các nền văn hóa khác là một mối đe dọa nữa.
- Chấp nhận khác biệt (acceptance of difference) – Chấp nhận, tôn trọng nhưng có thể không đồng ý với các nền văn hóa khác.
- Thích ứng khác biệt (adaptation to difference) – Đồng cảm, có thể thay đổi thái độ, hành vi của mình trong môi trường liên văn hóa.
- Hòa nhập khác biệt (integration of difference) – Uyển chuyển, rộng mở trước nhiều khung văn hóa. Cảm thấy thoải mái là cầu nối giữa các nền văn hóa.
Đức ái phổ quát mời gọi chị em phải đi đến nấc thang số 6 là hòa nhập sự khác biệt của các văn hóa khác, công nhận văn hóa của họ cũng có những điểm hay điều dở như ta. Họ là người dân tộc thiểu số, người Khmer da đen nghèo nàn, người Mỹ gốc Châu Phi, người Mễ Tây Cơ… người quê mùa, ít học, lười biếng… Tận trong trái tim, ta có tôn trọng và coi họ ngang hàng với ta không? Bao lâu ta còn ôm ấp thái độ “BẢN TỘC TRUNG TÂM” (ethnocentrism), nghĩa là coi nền văn hóa của mình là nền văn hóa duy nhất, ta sẽ khó đón nhận sự khác biệt của nền văn hóa (nấc tháng 1-3). Do đó, ta dễ dàng kết luận sự khác biệt là sai, là dở, là không đáng được tôn trọng.
Chúa Giêsu đến Samari, trò chuyện và mang ơn chữa lành đến cho người phụ nữ tại giếng Giacóp. Vào thời đó, người Do Thái không được tiếp xúc với người Samari. Điều đáng khinh hơn nữa chị là người phụ nữ tội lỗi chung sống với những người không chính thức là chồng của mình. Chúa Giêsu đã đạp đổ bức tường ngăn cách giữa hai nền văn hóa, xây dựng sự tôn trọng đối với người phụ nữ và đồng thời cũng là người tội lỗi. Ngài không coi thường chị, không hạ thấp chị, và cũng chẳng hạch sách chị. Trái lại, Chúa lịch sự xin chị nước uống. Chị rất ngạc nhiên vì sự tôn trọng Người dành cho mình, đến nỗi chị phải đặt câu hỏi: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?”[21].
Chị em Mân Côi thi hành sứ vụ giáo dục đức tin và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân[22] rất cần một tấm lòng mở rộng, tấm lòng chứa đựng được “đa văn hóa” nơi môi trường phục vụ cũng như nơi cộng đoàn chị em chung sống. Để được như thế, ta “phải có tinh thần bề trong nhận nhau như con một nhà vì hết thảy là con cái Đức Mẹ Mân Côi. Dù bởi xứ nọ họ kia, hay là nhà này nhà khác, thì cũng kể như một”[23]. Khi tôn trọng sự khác biệt về văn hóa vùng miền hay giai cấp của chị em trong cộng đoàn, thì ta cũng sẽ tôn trọng và đón nhận sự khác biệt của tha nhân một cách dễ dàng. Vậy, trong thực tế, thái độ và tâm tư của ta như thế nào đối với những con người khác vùng miền, khác trình độ học vấn, khác giai cấp?
c) Tôn trọng người giàu và nghèo như nhau
Chúa Giêsu khen bà góa nghèo bỏ vào đền thờ hai đồng kẽm, giá trị chỉ một phần tư đồng xu Rôma. Người nói với các môn đệ rằng bà đã dâng cúng nhiều hơn hết mọi người vì bà hiến hết những gì bà có[24]. Còn ông Dakêu giàu có, sau khi được Chúa Giêsu viếng thăm, hứa sẽ dâng phần nửa gia tài cho người nghèo và đền bù gấp 4 những ai ông đã chiếm đoạt tiền của[25]. Hai đồng kẽm của bà góa so với số tiền ông Dakêu sẵn sàng dâng hiến và đền bù thì như muối bỏ biển. Lạ thay, Chúa Giêsu không khen ông Dakêu mà chỉ khen bà góa rằng bà đã dâng hiến nhiều hơn ai hết.
Trong thực tế, ta rất dễ bị tiền tài thu hút. Chính Chúa Giêsu cũng đã tiên đoán điều này, “Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó”[26]. Qua hai câu truyện trên, ta thấy Chúa Giêsu giữ một thái độ trung dung và một sự tôn trọng như nhau đối với bà góa nghèo cũng như với ông Dakêu giàu có. Người mời gọi ta hãy nhìn vào tấm lòng của mỗi người hơn là nhìn vào hình thức bên ngoài.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bày tỏ nỗi lòng của Thiên Chúa: “Sao cho mọi người được kính trọng và thăng tiến trong mọi chiều kích”[27]. Đây là giấc mơ của Thiên Chúa cho tất cả đoàn con của mình và Chúa Giêsu trong cuộc sống làm người đã nêu gương cho chúng ta bằng một tình yêu tuyệt đối với từng người và với tất cả mọi người. Vì thế, chúng ta chỉ có thể làm cho giấc mơ của Người thành hiện thực khi biết tương quan với nhau bằng một tình yêu chân thật, một tình yêu phổ quát. Để đi vào thực hành, chúng ta cần quan tâm 2 điểm sau:
- Chúng ta có trách nhiệm với nhau vì chúng ta thuộc đại gia đình dân Chúa. Những gì ta làm có ảnh hưởng đến người anh em khác dù trực tiếp hay gián tiếp, tích cực hay tiêu cực.
- Chúng ta tôn trọng nhân vị của nhau. Mọi người bất kỳ họ như thế nào, đều có quyền được tôn trọng và đối xử tử tế.
Nt. M. Martine Thiên An, FMSR
[1] Mt 22:37-39
[2] NQ 29
[3] Gal 5:22-23
[4] https://vtudien.com/viet-viet/dictionary/nghia-cua-tu-trách nhiệm
[5] St 4:9-10
[6] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp của Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2022 – Vatican News
[7] x. Lc 10:25-37
[8] x. Lc 16:19-31
[9] Mt 25:41-46
[10] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis, §13; x. Mt 25:31-46
[11] St 1:27
[12] Xem Lm Trần Mạnh Hùng, Phẩm Giá Con Người: Nền Tảng Luân Lý Cho Xã Hội, bài 3
[13] Hiến Chương Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, Chương IV, 4.1.1
[14] HLD 5.1-2
[15] Mc 1:40-45; Lc 5:12-14
[16] Gioan 7,53-8,11
[17] Hiến Chương Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, Chương IV, 4.1.2
[18] Mẫu Gương Chị Tập, GSD I, tr. 328
[19] Nguyễn Quang. Năng lực giáo tiếp liên văn hóa: Một mô hình đề xuât. VNU Journal of Foreign Studies: 33(5), September 2017.
[20] https://www.slideshare.net/ignaciosanmartinmanosalva/ethnocentric-ethnorelativism-28782370
[21] Ga 4, 1-30
[22] HLD 38; Mc 16:15
[23] Vào Nhà Tập Làm Gì?, GSD I, tr. 192
[24] Mc 12:41-44
[25] Lc 19:1-10
[26] Mt 6:21
[27] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis, §1