TÔI NHẬN LẠI NHỮNG GÌ TÔI GIEO TRỒNG
Truyện kể rằng: có một ông lão thông thái ngồi trước cổng thành, những khách du lịch đến hỏi: “Người dân ở đây thế nào” ? Ông lão không trả lời nhưng hỏi lại: “Anh từ đâu đến và những người dân ở đó ra sao?” Nếu khách trả lời: “Chỉ toàn người xấu, tôi chán ghét họ” thì ông lão sẽ nói ngay: “Đừng vào thành này vì ở đây cũng chỉ toàn người xấu”. Nhưng nếu du khách đáp: ”Nơi tôi sống có nhiều người tốt”, ông lão liền nói: “Hãy vào đi vì ở đây cũng sẽ gặp toàn người tốt”.
Khi được hỏi tại sao ông trả lời trái ngược như vậy, ông lão chỉ giải thích ngắn gọn: “Cách nhìn của một người quyết định cuộc sống của người ấy, dù người đó làm gì hay ở đâu thì cũng vậy thôi”. Chúng ta suy nghĩ thế nào, điều ấy quyết định ta sẽ trở thành người như thế, đúng như sách Cách Ngôn đã dạy: “Vì lòng hắn nghĩ sao, con người hắn như vậy” (Cn 23, 7).
Cuộc sống này chính là tấm gương phản chiếu sự thật của tâm hồn. Chúng ta nghĩ theo hướng nào, đời ta đi theo hướng ấy. Cuộc sống mỗi người có hạnh phúc hay không, tùy thuộc vào cách nhìn của mình trên những biến cố, những hoàn cảnh và nhất là trên những con người cùng sống chung quanh. Hạnh phúc không phải lúc nào cũng là thành công, lúc nào cũng là sự trọn vẹn, lúc nào cũng được thỏa mãn. Nhưng hạnh phúc còn là biết vươn lên từ những thách đố, biết nhìn ra những may mắn từ trong thất bại, biết tạo ra những cơ hội tốt ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn vì luôn tin rằng: dù sao đi nữa, cũng có con đường tốt hơn để chọn lựa.
Khi va chạm thực tế với những giới hạn của đời sống, người ta dễ biến những điều bình thường và đơn giản thành vấn đề phải giải quyết. Gabriel Marcel nói rằng: “Cuộc đời là một huyền nhiệm để sống chứ không phải là những vấn đề để giải quyết”. Trong khi tình liên đới hiệp thông đòi hỏi phải cởi mở trong đối xử, chân thành trong tương quan, xây dựng niềm cảm thông, tạo cơ hội xích lại gần nhau, thì nhiều lúc ta lại xây lên những bức tường thờ ơ, ngăn cách, những dè dặt giữ kẽ và những ngượng ngùng tồn đọng đâu đấy, chúng luôn lảng vảng đe dọa mối tương quan của những con người sống bên nhau.
Thói quen chê trách người khác thường bào mòn niềm tin trong cuộc sống, khiến chúng ta không cảm nhận được những nét đẹp giản dị đang diễn ra chung quanh mình. Cuộc sống có nhiều cái bất ngờ, có bao điều kỳ diệu. Ý nghĩa cuộc sống có nhiều cung bậc, nhiều cảnh sắc… Vì thế, cuộc sống không là một khuôn mẫu định sẵn, nhưng nó thế nào là do cái nhìn nội tâm và cách cảm nhận của mỗi người. Hai người cùng ngồi trong nhà tù, buổi tối thường nhìn qua khung cửa sổ, người lạc quan nhìn thấy các vì sao và ước mơ sẽ có một ngày được tự do, còn người bi quan tiêu cực chỉ nhìn thấy những song sắt giam cầm. Nếu lòng ta chất chứa điều tốt đẹp, thì cuộc sống ta đâu đâu cũng là niềm vui và sự đồng cảm. Nếu lòng ta ích kỷ, chất chứa thù hận, thì ở đâu ta cũng chỉ thấy u buồn và khổ đau.
Nếu được hỏi: “Người bên tôi là ai”? Chắc chắn mỗi người sẽ có câu trả lời tùy vào cái nhìn của mình trên người ấy. Đối với Jean Paul Sartre: “Tha nhân là địa ngục”, vì ông nhìn tha nhân như một đối thủ. Theo ông, sự hiện diện của họ lột trần, làm khổ ông. Nếu nhìn như thế thì tha nhân quả là địa ngục, là nơi không có tình yêu. Nhưng, Gabriel Marcel lại thấy “tha nhân là một ngôi vị tự do, không phải là “Hắn” mà là “Anh em”, có tương quan với nhau, có sự quan tâm và ngang hàng với nhau”. Theo ông, tha nhân chính là nhịp cầu gặp gỡ Thiên Chúa: “những cuộc gặp gỡ với tha nhân đã giữ một vai trò chính yếu trong đời tôi. Tôi đã quen biết nhiều người và tôi cảm thấy nơi họ có sự hiện diện thật sự của Thiên Chúa”. Còn Saint-Exupéry thì cảm nhận niềm hạnh phúc trào dâng khi được sống với và sống cho tha nhân: “Ta chợt thấy mình giữa một đoàn thể, hồn mở rộng do khám phá những hồn khác bên mình, cùng nhìn nhau môi cười rộng rãi, như tên tù nọ được giải phóng đang ngây ngất nhìn mặt biển bao la”. Vậy, mối tương quan của ta với người khác có mặc hình thức nào đi nữa thì cũng luôn bộc lộ cho thấy những gì ta đang có trong tâm hồn. Chính cách nhìn của ta trên người khác quyết định ta đang được hạnh phúc hay không và nhiều hay ít?
Ngày nay, tâm thức con người đã thấm thía khá nhiều về tầm quan trọng phải thiết lập các mối tương quan lành mạnh với nhau, nhưng có lẽ họ chưa cảm nhận được nhu cầu thâm sâu trong mối tương quan ngôi vị: mỗi con người đều là hình ảnh Thiên Chúa; mỗi con người đều được Thiên Chúa cứu độ và yêu thương. Và đó chính là chìa khóa để giải quyết các mối tương quan chưa hoàn chỉnh của con người, đặc biệt trong các cộng đoàn tu trì. Mối tương quan ngôi vị này cũng là một chiều kích tâm linh cần đào sâu để hiểu được ơn cứu độ của Chúa Giêsu, “Đấng đã đến để con người được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).
Trong cuộc sống, vì thiếu cái nhìn chiều sâu của ơn cứu độ, nên người ta dễ đánh giá nhau theo dư luận và phê phán nhau theo sự “chẩn đoán” chủ quan của mình. Do đó, “cõi huyền nhiệm” của mỗi người thường bị niêm phong, khiến người ta không còn khả năng hiểu và đón nhận người khác, cũng như họ không thấy cần đến sự hiện diện của người khác như một kho tàng làm phong phú hóa đời sống của mình. Cuộc đời mỗi chúng ta là một huyền nhiệm vì được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa chứ không phải như một cỗ máy để có thể dùng kỹ thuật mà sử dụng theo ý thích của mình. Là huyền nhiệm nên mỗi người là một sự độc đáo riêng biệt, không phải là đối tượng để lý giải theo cái nhìn tư riêng hạn hẹp mà là một ngôi vị cần được gặp gỡ, trao đổi, thấu hiểu và yêu thương.
Cộng đoàn thánh hiến là nơi Thiên Chúa quy tụ những con người có chung một lý tưởng, cùng chia sẻ một nếp sống và thuộc về nhau. Họ mang trong mình những đức tính tốt đẹp nhưng cũng có nhiều giới hạn lầm lỗi, có thương yêu lẫn ghét ghen, có bao dung lẫn ích kỷ, những buồn vui đan xen, những pha trộn giữa tích cực và tiêu cực… nên mỗi người sẽ có những tác động và ảnh hưởng trên nhau tạo thành một chuỗi những khó khăn cần vượt qua, những vấn đề cần giải quyết,. Những điều đó có làm ta khổ sở, có khiến ta trầy da rỉ máu, thì qua đó, chúng ta mới khám phá được tha nhân là ai và mình là thế nào ? Qua đó, ta mới thấm thía được cái giá phải trả cho một sự “quyết tâm thay đổi”. Hành trình thay đổi luôn bắt đầu bằng cách quan sát tư duy của mình xem nó đang làm gì? Nếu nó đang bi quan tiêu cực, đang bất bình khó chịu… thì hãy tiếp cận những thách thức ấy với một cái nhìn tích cực hơn. Thay vì phản ứng khó chịu, ta tập trung vào điều tốt đẹp. Sách Cách Ngôn dạy ta “hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh” (Cn 4, 23) Cuộc thay đổi có gian nan, nhưng chúng ta có thể làm được trong Đấng ban sức mạnh cho ta (x. Pl 4, 13). Con người tự bản chất có nhu cầu cần đến nhau, nếu không, sẽ phải sống và chết cách buồn tẻ. Trong vũ trụ này, mọi sinh vật hiện hữu đều phải nương vào nhau để sống, nhưng có lẽ chỉ có con người mới biết yêu thương nhau với một ý nghĩa cao đẹp và đầy đủ. Việc thiết lập những mối tương quan lành mạnh và tốt đẹp với nhau là con đường bắt buộc cho việc tu chỉnh bản thân và hoàn thiện cộng đoàn. Trong mỗi con người đều chất chứa nhiều hạt giống, có hạt giống tốt và cũng có hạt cỏ dại, có hạt giống dễ thương và cũng có hạt khó thương, chỉ cần ta biết khôn ngoan nhận ra và chọn lọc, ta sẽ gieo trồng vào đời mình và đời người khác những hạt mầm yêu thương thông qua cách suy nghĩ, thái độ, ngôn ngữ và giao tiếp. Khi cho đi điều gì, ta sẽ nhận lại điều đó từ những người chung quanh. Cách chúng ta đối xử với người khác thế nào, sẽ là những gì chúng ta nhận lại. Những gì ta cảm nhận, sẽ là cách mọi người và mọi vật phản ánh lại với ta.
Nếu ta đem yêu thương vào cuộc đời mình và gieo trồng những hạt giống thiện lành; Nếu ta sống những giá trị tích cực và cho đi những điều tốt đẹp, chúng ta mới có cuộc sống ý nghĩa, tươi vui và hạnh phúc. Điều này rất hợp với ý muốn của Chúa khi tác sinh chúng ta vào cuộc trần này. Lời Chúa vẫn luôn vang vọng qua mọi thời và khắp mọi nơi: “Anh em muốn người ta làm cho mình thế nào, thì hãy làm cho người ta thể ấy” (Lc 6,31).
Maria Rosa Vũ Loan, FMSR