TIẾNG VÂNG NGÀY ẤY CỦA CON
Đọc Mt 25, 14-27
14 “Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. 15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, 16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. 17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. 18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. 19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. 20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.” 21 Ông chủ nói với người ấy : “Khá lắm ! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” 22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.” 23 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” 24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. 25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy !” 26 Ông chủ đáp : “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, 27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!
**
- Trao ban không cần hỏi ý:
Như thế đó, ông chủ chẳng cần hỏi ý kiến mỗi người có đồng ý giữ hộ và sinh lời số bạc của ông hay không, cũng không hỏi mỗi người đầy tớ: anh có thể giữ cho tôi bao nhiêu bạc, hay theo anh, anh cần số vốn là mấy nén bạc để có thể đủ vốn mà đầu tư sinh lời. “…Nhưng, ông chủ khi sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi.” (Mt 25, 14-15)
Trong cuộc sống của con, có những điều Chúa trao ban cho con mà không cần hỏi ý kiến của con.
Biết bao điều Chúa trao ban chẳng cần con đồng ý. Và vì thế, rất nhiều điều thật trái khoáy, trái ý của con.
Có những thứ con ngỡ là tình cờ nhưng phải chăng Chúa vẫn có mặt, không hề thờ ơ. Trong niềm tin ấy, con thấy có biết bao điều con phải đón nhận, dầu muốn hay không.
Từ việc con được sinh vào đời với người cha, người mẹ, với anh em, chị em mà con chẳng được chọn lựa. Rồi hoàn cảnh của xã hội, của quê hương, của gia đình nơi Chúa đặt con vào mà chẳng hỏi ý con. Cả đến vóc dáng, hình hài, tài năng Chúa ban bất chấp con có hài lòng hay chưa. Rồi người chị, người em, cùng theo lý tưởng Mân Côi, cùng chung sống bên con. Chúa cứ gọi, cứ đưa vào cùng Hội Dòng với con, dẫu có người con chẳng muốn, chẳng ưa. Thế rồi, cũng chính Chúa sắp xếp cho con một cách thế để ra đi khỏi trần gian về với Chúa chẳng ai giống hệt ai, mà bản thân con không hề biết trước. Ngay trong hiện tại, ngày từng ngày Chúa trao tặng ít nhiều bệnh tật, dẫu cấp tính hay mãn tính, tất cả đều nằm ngoài dự tính và ý kiến của con.
Lạy Chúa, nhìn chung với những điều Chúa trao ban trong cuộc đời con mà chẳng cần hỏi ý con, Chúa muốn xin con điều gì?
Phải chăng, Chúa xin con đừng bất nhẫn, nhưng an vui đón nhận trong lòng tin vào Cha Trên Trời luôn quan phòng yêu thương.
Phải chăng trước những điều được trao ban mà chẳng được hỏi ý, Chúa xin con lắng nghe tiếng thì thầm của Chúa là Cha, Đấng muốn thánh hóa con bằng thập giá để bước vào phục sinh.
2. Trao ban và chờ sự ưng thuận
Đọc Mt 21, 28-31
28 Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” 29 Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. 31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.”
**
Chúng ta thấy trong dụ ngôn 2 người con đi làm vườn nho: Người cha phải chờ đợi sự ưng thuận của mỗi người con. Điều người cha muốn chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của người con. Mỗi người con trong dụ ngôn có thể tự nguyện vâng phục đề nghị của cha, hay từ chối.
– Người Cha đề nghị, ngỏ ý, xin 2 người con đi làm vườn nho. Câu trả lời của người con thứ nhất, chắc hẳn đã làm người cha đau buồn khi từ chối đề nghị đi làm vườn nho của cha. Thế rồi, sự thay đổi hoán cải của anh trong hành động đi làm, đã khiến cho cha hài lòng và được nhìn nhận là người đã làm theo ý cha: « Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: ‘Người thứ nhất.’ » (Mt 21, 31)
– Người con thứ hai chắc chắn đã làm người Cha rất vui trong lòng. Nhưng rồi, niềm vui đó lại tắt ngấm khi tiếng vâng ấy chỉ xuất hiện trên môi miệng mà chẳng đến được đôi chân ra đi và đôi tay hành động. Niềm vui ấy của người Cha đã tắt ngúm khi tiếng vâng của người con này chỉ xuất hiện trên đầu môi cách chớp nhoáng rồi tan biến, chẳng chuyển đổi thành cố gắng trung thành trong thực hành.
Lạy Chúa, Chúa đã mời gọi con đi theo Chúa trong đời tu. Nhưng, con có quyền chấp thuận lời mời gọi của Chúa, để tuyên thệ dâng hiến trọn đời hay không. Tất cả chúng con đều mang hình ảnh người con thứ hai khi thưa vâng với Chúa cách chính thức, công khai trong Lời Khấn Dòng. Mỗi chúng con không chỉ thưa vâng 1 điều như người con thứ hai trong dụ ngôn, mà là thưa Vâng rất nhiều điều khi được Chúa hỏi ý:
+ Vâng, con muốn nhờ ơn Chúa, ôm ấp và tuân giữ trọn đời nếp sống Khiết Tịnh, Nghèo Khó và Vâng Phục hoàn hảo, như Đức Kitô và Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Người, đã chọn.
+ Vâng, con rất vui lòng thực thi sứ vụ của dòng là hiến thân cho việc tông đồ truyền giáo của Giáo Hội bằng việc rao giảng Tin mừng và giáo dục đức tin, đặc biệt cho người nghèo, trong các lãnh vực giáo dục, y tế, từ thiện, xã hội và mục vụ tông đồ.
+ Vâng, con thề hứa vâng lời Bề trên và trung thành tuân giữ Hiến luật của Hội dòng, cố gắng kiên trì đạt tới Đức Ái hoàn hảo …
Nhớ lại ngày ấy, con đã sẵn sàng thưa Vâng và dám thề với Chúa sẽ vâng phục ngay cả khi trái ý cực lòng.
Lạy Chúa, ngày ấy, Chúa đã rất vui mừng vì tiếng Vâng thảo hiền dứt khoát của mỗi người chúng con. Nhưng đến hôm nay, con đã làm cho niềm vui ấy của Chúa còn trọn vẹn hay đã tắt ngúm?
Ngày ấy, Chúa cùng cả triều thần thiên quốc hân hoan vì tiếng vâng thánh thiện của con. Nhưng, đến tuổi này, dư âm của tiếng Vâng trọn đời thuở ấy còn vang vọng và bao phủ mọi động thái lớn nhỏ trải dài trong đời con chăng?
Ngày ấy, cả Giáo Hội, cả Hội Dòng và người thân vui mừng vì tiếng Vâng trọn vẹn và trọn đời của con để phụng sự Chúa và phục vụ Dân Chúa. Trải qua năm tháng, tiếng Vâng ấy có còn vang lên thường xuyên và trọn vẹn không, hay chỉ còn là những tiếng Vâng khi có khi không, như những âm thanh đứt quãng, có nguy cơ biến tan khi gặp lực cản của ý riêng, của thói đời?
Lạy Chúa, niềm vui của Chúa, của Giáo Hội và Hội Dòng vì tiếng Vâng của con thưa với Chúa ngày ấy cách đây 50 năm hay 25 năm hay 10 năm, 5 năm… có còn trọn vẹn không?
Lạy Chúa, mỗi ngày Chúa chờ con tự nguyện vâng phục trong đời tu Mân Côi này như một của lễ toàn thiêu Chúa ưa thích, để Chúa huấn luyện, chuẩn bị cho con biết xin vâng cách thánh thiện trong những biến cố sẽ đến mà Chúa sẽ không cần hỏi ý con: bệnh tật, chết chóc… Bởi vì những biến cố không cần hỏi ý ấy chắc chắn sẽ đến với con dầu muốn dầu không, mà chỉ có tiếng Vâng thánh thiện trong đức tin mới đem lại cho con ân phúc. Ngược lại, con vẫn bị bó buộc phải vâng, nhưng điều đó lại trở thành án phạt cho con nếu con bất nhẫn mà vâng trong sự “cực chẳng đã”. Bởi vì, chỉ có những tiếng Vâng thánh thiện trong đức tin trải dài trong đời tu, thì khi con phải tới trước tòa án Vua Tối Cao, con không phải kinh hãi nghe lời nghiêm thẳng của Vị Thẩm Phán, nhưng nghe tiếng Bạn Trăm Năm dịu dàng mời gọi con dự tiệc cưới trên trời.
Tịnh Khiết, FMSR
(trích nguyện gẫm 30 phút dịp nhắc lại Lời khấn 2023)