‘Thấu cảm’, lối vào ‘câu chuyện cuộc đời’ tha nhân
Lòng con chẳng dám tự cao,
Mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!
Ðường cao vọng, chẳng đời nào bước,
Việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
Hồn con, con vẫn trước sau
Giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
Trong con, hồn lặng lẽ an vui.
Như một phép mầu, Virus Corona đã có thể làm ngưng lại tất cả các guồng máy hoạt động hết sức náo nhiệt, hấp dẫn, đầy hứa hẹn và ồn ào của con người trong hai năm qua, nhường chỗ cho một hoạt động còn lại, hoạt động của tấm lòng trắc ẩn, của con tim đong đầy yêu thương, dám đánh đổi mạng sống của mình để bước vào câu chuyện cuộc đời của tha nhân: liều thân vào những vùng nguy hiểm để dành giật lại sự sống cho người khác; thay mặt những người thân, nhẫn nại đứng bên giường bệnh để chăm sóc tha nhân; kiên trì lặn lội đến mọi hang cùng ngõ hẻm dưới nắng mưa, để trao gởi những gói mì, bó rau cho những người không quen biết… Sức mạnh nào đã đánh thức và làm sống dậy những trái tim tưởng đã vô cảm và hóa đá, nay thành con tim thấu cảm, biết rung, biết quặn đau, biết chạnh lòng, biết mở lòng để đi ra, và đi đến bất kỳ nơi nào có nỗi đau, có tiếng khóc, có lời cầu xin cứu chữa cuộc đời như hôm nay?
Lần mở lại những trang sử cuộc đời của Thánh Nữ Tê rê sa Hài Đông Giê su mà giáo hội mừng kính hôm nay, chúng ta cũng tìm thấy bao điều kỳ diệu Chúa đã làm nơi trái tim nhỏ bé của Têrêsa, và hành trình Chúa biến đổi trái tim chị mỗi ngày. Cũng như cách thức chị Thánh đã đáp trả ân sủng Chúa và cộng tác vào ân sủng cứu độ của Chúa trên cuộc đời chị. Để rồi nơi tâm hồn bé nhỏ âm thầm của Chị nhưng đầy thấu cảm, có khả năng bung ra khỏi phạm vi của cái tôi chật hẹp, và hướng đến mọi tâm hồn, mọi biên cương của cánh đồng truyền giáo dù xa xôi hẻo lánh nhất. Có thể nói cuộc đời chị là một cử hành hiến lễ tình yêu cho tha nhân, với tha nhân và vì tha nhân. “Ơn gọi của con là tình yêu”.
1/ Sự hình thành trái tim thấu cảm của Têrêsa.
Là con út trong một gia đình đạo hạnh, Têrêsa được nếm cảm hạnh phúc ngọt ngào từ sự nâng niu chăm sóc của cha mẹ và các chị. Trái tim Têrêsa được đong đầy bởi những khoảnh khắc yêu thương của một gia đình đầm ấm. Từ nhỏ Têrêsa đã sớm có một tâm hồn tinh tế, nhạy bén và thấu hiểu. Nét đẹp nơi tính cách và tâm hồn của Têrêsa được ươm mầm từ mảnh đất tốt gia đình.
Hơn nữa, chính Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương đã ban tặng cho chị một quả tim biết yêu thương, yêu thương cách chân thật và vô vị lợi. Đọc cuộc đời của Têrêsa toát lên lòng biết ơn sâu xa trước tình yêu Thiên Chúa, dù trong những thử thách và chiến đấu của tâm hồn. “Khoa học yêu thương? Vâng, con chỉ muốn học khoa học đó…vì con chẳng muốn chi hơn là được yêu Chúa Giêsu đến điên dại”.
Lớn lên trong tình yêu là một tiến trình tiệm tiến từng ngày. Tình yêu như hạt giống được vãi gieo và qua nhiều giai đoạn mới trổ sinh hoa trái. Một số chị em đã nhìn vào cuộc đời Têrêsa và ngỡ rằng cuộc đời ấy chắc trải toàn hoa hồng. Nhưng Têrêsa đã trả lời rằng: “Đau khổ đã giơ tay đón chờ tôi ngay khi mới vào tu viện, và tôi đã ôm lấy nó với cả tình yêu”.
Với trái tim bén nhạy, với bầu khí gia đình yêu thương, tình yêu nơi trái tim của Têrêsa được lớn lên từng ngày qua sự thanh luyện, gọt giũa bởi bàn tay Chúa từ nhân. Và dần dà theo năm tháng, trong những thử thách đau thương của chính con đường trải đầy hoa hồng và gai nhọn mà Têrêsa hình thành trong mình một trái tim thấu cảm và yêu thương hơn. Để từ đây Tê rê sa chọn cho mình một lối đi rất riêng, lối đi gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân dưới muôn vàn dáng vẻ hết sức phong phú, đầy năng động và sáng tạo ngay trong cuộc đời rất đỗi bình thường, âm thầm của Chị là dám để cho cuộc đời của mình, tấm lòng của mình được liên lụy, được dính dáng, hiệp thông với câu chuyện cuộc đời của ai khác.
2/ Lòng thấu cảm đối với tha nhân của Têrêsa
Tình yêu dành cho tha nhân của chị thánh Têrêsa được biểu lộ rõ nét trong sự thấu cảm mà chị dành cho những người chị em đang sống chung quanh chị. Chị cũng hiểu được cơn đói khát thiêng liêng của những tâm hồn mà chị chưa một lần gặp mặt, những con người tận cùng xa xôi nhất của thế giới. Vì thế, cái không gian chật hẹp nơi của bốn bức tường nhà kín không giới hạn những khao khát mãnh liệt và táo bạo nơi con tim của chị.
Thấu cảm chính là hiểu, là cảm nhận về con người và hoàn cảnh của người khác ở mức độ chiều sâu, là đặt mình vào hoàn cảnh của tha nhân để hiểu, để cảm được những gì họ đang phải trải qua, mà không đưa ra một phán xét hay phê bình nào. Đường đi của một con tim thấu cảm phải phát xuất từ trong ra ngoài. Đây phải là một nỗ lực liên lỉ.
Trong nhật ký “Một tâm hồn” có kể lại một câu chuyện như sau: Trong số chị em, có một người làm Têrêsa phải chịu đựng hơn cả. Têrêsa phải rất cố gắng để đón nhận và dễ thương với người chị em này. Chị đã thành công đến nỗi một hôm chị dòng ấy đã hỏi: “Chị có thể nói cho em biết điều gì nơi em đã thu hút chị không? Lúc nào gặp là chị cũng tặng em một nụ cười niềm nở”.
Triết gia hiện sinh Gariel Maccel đã tóm gọn sự hiểu biết của ông về con người qua khẳng định: “Con người là một huyền nhiệm”. Chỉ có thể mở lòng để sống với, sống cho và sống vì chứ không thể giải quyết rốt ráo một lần cho xong, bởi lẽ “con người không phải là vấn đề”. Nét suy tư độc đáo này như một lời mời mỗi người hãy khám phá tha nhân với tất cả sự ngỡ ngàng thánh thiêng, tôn trọng họ và đón nhận họ như họ là.
Trở về với những trang “Nhật ký một tâm hồn” ai cũng có thể nhận ra một Têrêsa với tâm hồn rất đỗi nhạy cảm và lệ thuộc vào sự tán thưởng, chú ý của người khác. Nhưng từ một tâm hồn còn khiếm khuyết ấy, ân sủng của Chúa biến đổi con tim nhạy cảm đó thành một con tim biết thấu cảm. Hành trình lớn lên trong tình yêu của Têrêsa là hành trình ra khỏi chính mình để hiểu người khác và đón nhận tha nhân với trọn vẹn con người của họ, mà không hề bắt người khác phải thay đổi chính mình. “Được tạo ra vì tình yêu, trong mỗi chúng ta đều có một quy luật là đi ra khỏi chính mình để tìm thấy hữu thể của mình một cách viên mãn hơn nơi tha nhân”.
Thật vây, từ những điều nhỏ nhặt, khó chịu của một vài chị em sống bên cạnh thay vì gây phiền toái và khó chịu cho Têrêsa, chị lại tận dụng nó như những phương thế để lớn lên trong tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Chẳng hạn một buổi tối kia, chị phải làm việc trong phòng riêng, nhưng chị không tìm được chiếc đèn của mình ở chỗ cũ, chắc có ai đó đã lấy nhầm. Cứ lẽ thường, ta nghĩ chị sẽ đi xin ai đó giúp cho chút ánh sáng. Nhưng không, chị giữ luật im lặng và thích chịu đựng hơn. Bĩnh tĩnh, không bực bội và thầm cảm ơn Chúa đã cho chị thiếu thốn cả những vật dụng cần thiết, chị viết: “Trong màn đêm tăm tối ấy, linh hồn con được Chúa giãi sáng huy hoàng”.
Với ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, con người ít nghe được tiếng lòng của tha nhân. Bởi lẽ tiếng nói của “cái tôi” quá lớn khiến con người cảm thấy mình như là tất cả, là cái rốn của vũ trụ bao la. Trong thông điệp “Tất cả là anh em” số 222, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết: “Chủ nghĩa cá nhân tiêu dùng gây ra những sai trái trầm trọng. Chúng ta coi người khác như những kẻ cản trở không để chúng ta thảnh thơi hưởng thụ, để rồi, đối xử với họ như những người quấy rối. Cuối cùng chúng ta ngày càng hung hãn. Điều này được thấy rõ và thấy rất rõ khi xảy ra khủng hoảng, tai ương hoặc khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Chính lúc đó, thói xấu “thân ai nấy lo” bộc lộ hoàn toàn. Tuy nhiên ngay cả khi đó, chúng ta vẫn có thể chọn làm người tử tế. Những người tử tế trở nên những vì sao chiếu sáng trên bầu trời đêm.”
Tình bác ái tế nhị, lòng thấu cảm sâu xa đối với tha nhân nơi trái tim của Chị Thánh Têrêsa, quả thật như “vì sao sáng” trong văn hoá “vứt bỏ” ngày hôm nay. Người ta sẵn sàng loại bỏ những gì không còn giá trị, không còn hợp tính, hợp thời với mình…Và dẫn đến sự loại trừ người khác cách ngấm ngầm thay vì nỗ lực để hiểu con người hơn. Trong đời tu, điều này cũng đang âm thầm diễn ra dưới muôn vàn dáng vẻ khác nhau, mà chỉ trong sự trung thực với bản thân và với Chúa, mỗi người mới cảm nhận sự giới hạn của tình yêu nơi mình.
Đối diện với muôn vàn số phận khác nhau, Têrêsa Chị luôn đặt mình đứng vào vị trí của tha nhân để sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu; Chị đặc biệt nhạy bén với những tâm hồn bị tổn thương; đau với nỗi đau nơi tâm hồn họ. Chị dùng đoạn sách của Tiên tri Isaia như kim chỉ nam để định hướng, thực hành: “Khắp nơi đều có những người nghèo khổ, những tâm hồn yếu đuối bệnh hoạn, bị đè nén… Nhưng chao ôi! Xin chị hãy đỡ lấy gánh nặng đè trên vai họ. Hãy để họ đi tự do, nghĩa là: Khi có ai nói với chị về khuyết điểm của kẻ khác, xin chị đừng thêm bớt mắm muối gì vào. Đôi khi không tiện nói ngược lại, thì chị hãy khôn khéo đưa những nhân đức họ ra để có thế quân bình. Hãy để những ai bị đè nén được tự do ra đi. Hãy bẻ gẫy những xiềng xích trói buộc kẻ khác. Hãy chia cơm bánh cho kẻ đói ăn, nghĩa là ban phát chính mình cho họ…”.
Vốn dĩ có trái tim tinh tế nhạy bén, cùng với bản chất tốt lành lương thiện. Nhưng cuộc đời của thánh nữ đã không ngừng phải đối diện với những tranh đấu, giằng co nội tâm, thậm chí phải đánh đổi bằng những xâu xé đau đớn nơi tâm hồn. Giống như bản nhạc thăng trầm ngày mỗi ngày vang ngân trong cuộc đời chị, để từng ngày Chị hun đúc nơi nội tâm mình một trái tim thấu cảm, với từng nhịp đập vang dội những âm vang của lòng trắc ẩn, sự đối xử tử tế, từng nhịp đập trong cách ứng xử nhạy bén tinh tế trước muôn vàn tình huống của cuộc sống.
Thật vậy, Chị Têrêsa đã chẳng dùng những phương pháp, những kỹ năng sống hiện đại trong cung cách ứng xử của mình, nhưng chỉ với một lối đi rất đơn giản, âm thầm và khiêm tốn toát ra từ một trái tim đong đầy tình yêu, sự cảm thông, bao dung và tha thứ, nhưng chứa đựng một thông điệp có sức chiếu sáng cho biết bao thế hệ. Chị Têrêsa đã làm những công việc bình thường với trái tim phi thường, sự tế nhị trong vô vàn những đánh đổi hy sinh của Chị để người bên cạnh được vui và hạnh phúc. Chị Têrêsa đã sống hết mình, hết tình cho tha nhân và vì tha nhân. Sự thấu cảm nơi cõi lòng trắc ẩn của chị như một bài học, một lời cảnh tỉnh cho lối sống thờ ơ, dửng dưng, vô cảm của chúng em.
Hồi tâm về lòng thấu cảm của tôi hôm nay
Lạy Thiên Chúa tình yêu,
« Những tháng ngày qua, Đại dịch Virus Covid 19 như một dịp để con người dưới nền văn minh công nghệ, có thể rũ bỏ nhịp sống nhanh với lối sống ảo; là thời gian quý báu để những người thánh hiến chúng con có cơ hội để quan tâm chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau sau những năm tháng tất bật với sứ mệnh tông đồ.
Giãn cách xã hội đã khiến bao phận người lao đao, phải sống vất vưởng thiếu thốn với trăm ngàn số phận, mà chỉ người dân nghèo mới thấu hiểu sự bi đát của họ. Đây phải chăng cũng là cơ hội để từng tâm hồn chúng con sau chặng đường dài miệt mài với những kế hoạch lớn nhỏ, có cơ hội dừng lại, tĩnh lặng hồi tâm để hiểu rằng: phải chăng phía dưới của nền văn minh công nghệ mạng xã hội, là một mái ấm gia đình, mái ấm tu viện với những con người có trái tim cần được yêu thương, nâng đỡ và chữa lành. Bên trong vỏ bọc hiện đại của những phương tiện truyền thông là những tâm hồn cần được quan tâm, thấu hiểu, đồng hành và chia sẻ »
Lời nguyện kết
“Lạy Chúa, xin thương xót con”, đó là lời nguyện con vẫn xin hằng ngày.
Được thánh hiến để mỗi ngày sống yêu hơn, thì con lại dễ dàng để cho sự tiêu cực lấn át trái tim con từng ngày.
Được thánh hiến để con tim rộng mở hơn, thì theo năm tháng, trái tim con lại trở nên ích kỷ và hẹp hòi trong sự vun vén cho bản thân.
Được thánh hiến để đến với tha nhân bằng trái tim thấu cảm hơn, thì con lại mang trong mình một trái tim loại trừ và kết án người khác.
Lạy Chúa, nhìn lại hành trình tình yêu mà Thánh Têrêsa đã đi qua, con nhìn lại chặng đường tình yêu mà con đang bước đi và sẽ bước tới. Chúa sẽ dẫn con đi trên những con đường mà con không bao giờ nghĩ tới. Mỗi người sẽ sống hành trình yêu thương này với những cách thức khác nhau, không ai giống ai, nhưng Chúa muốn chúng con gặp nhau tại đích điểm cuối cùng là được sống trong Tình Yêu Vĩnh Cửu Của Thiên Chúa Ba Ngôi, khi con đã hoàn tất cuộc đời trần thế.
Là một nữ tu Mân Côi sống đời tận hiến, mỗi người chúng con cũng xác tín và thân thưa với Chúa mỗi ngày rằng “Ơn gọi của con chính là sống tinh thần Đức Ái trọn hảo”. Xin Chúa giúp sức để tình yêu thẫm đẫm vào cuộc sống con từng ngày. Để qua trái tim biết thấu cảm, yêu thương mà người khác nhận ra chúng con là Chị Dòng Bác Ái con Mẹ Mân Côi. Amen.
Trích bài gầm lễ Thánh Tê rê sa Hài Đồng Giêsu 1/10/2021
Tập Viện, fmsr